Hôm nay,  

Tin Úc Đại Lợi - Phần Ii

04/11/200000:00:00(Xem: 4103)
LƯƠNG DÂN BIỂU TASMANIA TĂNG 10%

HOBART: Thành viên của quốc hội tiểu bang Tasmania mỗi năm nhận 4.5 triệu đô la tiền lương và trợ cấp. Trung bình mỗi dân biểu có số lương 112,500 đô la mỗi năm trước khi trừ thuế. Tuy nhiên trong vòng 20 tháng đến lương của thành viên quốc hội sẽ tăng thêm 10% nữa. 5% sẽ tăng thêm từ ngày 1.7.2001 và 5% còn lại sẽ tăng vào tháng 7 năm 2002. Việc tăng lương này sẽ làm tổng số lương của các dân biểu hàng ghế sau tăng lên 80,900 đô la mỗi năm cộng thêm từ 11,455 đô la đến 25,127 đô la các khoản trợ cấp khác.

Bên cạnh lương và trợ cấp nói trên mỗi thành viên quốc hội còn được hưởng mỗi năm 3000 đô la lệ phí di chuyển, một điện thoại lưu động với tối thiểu 1000 đô la tiền gọi. Tiền điện thoại nhà cũng được chính phủ trả. Nếu đi họp xa nhà được trợ cấp tiền ăn và 130 đô la tiền phòng ngủ, có thể nhận quà cáp tối đa 500 đô la nhưng phải khai báo cho quốc hội biết. Những viên chức cao cấp còn được cấp thêm tài xế lái xe. Lương của thủ hiến Jim Bacon là 176,259 đô la cộng với tiền trợ cấp giải trí là 8000 đô la. Sau khi tăng lương, thu nhập của thủ hiến Bacon là 193,000 đô la mỗi năm. Lãnh tụ đối lập bà Napier có 158 ngàn đô la mỗi năm. Các bộ trưởng nhận 136 ngàn đô la mỗi năm cộng với trợ cấp.

VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP TIỂU BANG MỚI TẠI ÚC

CANBERRA: Theo một nhà sử học của Úc tên là Geoffrey Blainey thì nước Úc cần có thêm nhiều tiểu bang để có thể phát triển tối đa những vùng đất hiện nay vẫn còn hoang dã. Theo giáo sư Blainey thì chính phủ liên bang chỉ quan tâm đến toàn cục của nước Úc, trong khi chính các chính phủ tiểu bang mới quan tâm đến việc phát triển tiểu bang của mình. Tùy theo hoàn cảnh của từng tiểu bang các ưu tiên phát triển rất khác nhau. Trong một bài thuyết trình tại quốc hội liên bang về sự thành công của liên bang Úc, giáo sư Blainey cho rằng từ năm 1901 nước Úc đã đạt được nhiều thành tích khả quan hơn là những sự thất bại.

Tuy nhiên giáo sư Blainey cũng cho rằng so với Hoa kỳ, chính sách liên bang của Úc đã không thành công so với chính sách liên bang của Hoa kỳ. Tiểu bang sau cùng của Úc là Queensland được thành lập cách đây 141 năm trong khi từ năm 1859 đến nay Hoa kỳ đã thành lập thêm 20 tiểu bang mới. Với diện tích tương đương Hoa kỳ rõ ràng Úc không có đủ các tiểu bang. Để đối phó với tình hình này theo giáo sư Blainey thì sau khi Bắc Úc được công nhận là tiểu bang thì Bắc Queensland cũng nên được công nhận là một tiểu bang khác. Cũng theo giáo sư Blainey thì trong thời gian qua Tây Úc đã phát triển hơn nhiều nếu nó là một quốc gia độc lập.

HÃNG CHẾ TẠO MÁY BAY TÂY ÚC BÁN SẢN PHẨM SANG HOA KỲ

PERTH: Công ty chế tạo máy bay Tây Úc là Eagle Aircraft đã ký được một hợp đồng bán 24 máy bay loại nhỏ sang Hoa kỳ với giá 5 triệu đô la. Các máy bay trên là loại Eagle 150 hai chỗ ngồi được bán cho công ty HGL Aero tại Kansas và số lượng máy bay bán sang Hoa kỳ có thể tăng lên 150 chiếc trong năm đến. Theo công ty Eagle Aircraft thì số học sinh phi hành tại Hoa kỳ sẽ tăng từ 90 ngàn đến 140 ngàn trong vòng 10 năm đến và đây chính là một dấu hiệu tốt cho tương lai bán máy bay sang Hoa kỳ của công ty Eagle Aircraft. Chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất tại phân xưởng của công ty ở Henderson là vào năm 1997.

Từ đó đến nay công ty đã chế tạo được hơn 60 máy bay và đa số các máy bay này được bán sang Hoa kỳ. Sắp đến công ty này sẽ được giấy phép bán máy bay sang 30 quốc gia Châu Âu. Tuần rồi các nhà vẽ kiểu của công ty đã được trao giải thưởng xuất sắc về thiết kế hàng không quốc tế tại Luân đôn.Được biết cha đẻ của loại máy bay Eagle nói trên là kỹ sư Graham Swannell người Úc cho hay máy bay Eagle được thiết kế đặc biệt bằng máy điện toán với những thành tựu kỹ thuật độc đáo. Giải thưởng này được thành lập năm 1981 và đây là lần thứ hai giới chế tạo máy bay tại Úc được trao giải thưởng này. Trước đây giải thưởng được trao cho Henry Millicer vào năm 1985 do công trình thiết kế và chế tạo máy bay hạng nhẹ Victor Airtourer.

DÂN CHÚNG ÚC ĐÒI TỔNG TRƯỞNG PETER REITH TỪ CHỨC

CANBERRA: Trong một cuộc thăm dò dư luận Úc mới nhất, 63% dân chúng Úc tỏ ra tin tưởng vào lời khai của nhân chứng Ingrid Odgers. 96% dân chúng Úc cũng tin rằng đa số các dân biểu đều lạm dụng các thẻ điện thoại của chính phủ. Tuy nhiên nhân vật chịu nhiều búa rìu nhất của dư luận vẫn chính là tổng trưởng Peter Reith. Ngay chính tại đơn vị cử tri của ông Peter Reith, cử tri cũng đã tỏ thái độ rõ ràng chống lại việc ông ta vẫn còn được tại chức. Theo thủ lãnh đối lập liên bang là ông Kim Beazley thì ông John Howard không nên tìm cách che chở ông Peter Reith nữa mà nên tiến hành một cuộc điều tra độc lập vào sự vụ lạm dụng thẻ điện thoại nói trên.

Kết quả thăm dò cử tri cũng cho thấy hiện tại đảng Lao động đang dẫn trước liên đảng với tỷ số 52.3% và 47.7%. Tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Peter Reith giảm từ 48% năm 1998 chỉ còn 43% thậm chí tính luôn sự ủng hộ của những người trước kia ủng hộ đảng One Nation nay xoay lại ủng hộ ông Peter Reith. Theo báo Daily Telegraph thì ông Peter Reith nên tự động từ chức,hoặc là thủ tướng John Howard nên cách chức ông Peter Reith nếu không muốn uy tín của chính phủ liên đảng bị tổn hại, và có nguy cơ mất chính quyền về tay đảng Lao động trong kỳ bầu cử liên bang sắp đến. Trong thời gian qua để thoa dịu dư luận cả thủ tướng và phó thủ tướng Úc đều công khai gọi việc ông Peter Reith cho con trai dùng thẻ điện thoại của chính phủ là "ngu xuẩn".

TÙ NHÂN TỔ CHỨC ĐƯỜNG DÂY TỘI PHẠM QUA ĐIỆN THOẠI

VICTORIA: Nhiều tù nhân hiện nay đang dùng điện thoại để thiết lập một hệ thống trấn áp các nạn nhân và tổ chức mạng lưới cá độ trong tù. Tuy nhiên giới chức cai quản các trại giam cho biết họ không thể làm gì để chận đứng tình trạng này. Các tù nhân chỉ cần gọi đến một số điện thoại được chấp thuận nào đó và nhờ người này chuyển cú gọi đến một số điện thoại khác. Chính phủ tiểu bang Victoria hiện đang điều tra cáo buộc rằng tù phạm sát nhân Geoffrey Gregory đã dùng phương cách nói trên để hăm dọa vợ của y là Cheryl, người đã may mắn sống sót sau khi y dùng súng bắn vào đầu của bà ta. Tên này còn bắn chết luôn con gái của vợ y tại nhà riêng ở Linton gần Ballarat vào tháng 8.1998.

Bà vợ Cheryl đã xin lệnh của tòa cấm không cho chồng của bà ta gọi điện thoại từ nhà giam. Giới cai quản nhà tù cũng phát hiện tù nhân dùng phương cách gọi chuyển tiếp nói trên để tổ chức đường dây cá độ TAB. Theo quy định hiện nay mỗi tù nhân được gọi sáu số điện thoại với điều kiện bỏ tiền vào trong một trương mục thẻ điện thoại dùng trong tù. Khi người nhận điện thoại từ trong tù họ sẽ nghe một lời cảnh cáo rằng cú gọi này được gọi từ trại giam và họ có thể từ chối không nhận cú gọi. Tuy nhiên bằng các máy điện thoại tại nhà, người nhận có thể chuyển tiếp cú gọi đến một số điện thoại khác. Nội vụ hiện vẫn còn đang được điều tra.

BÃI BỎ VIỆC PHẠT 167 ĐÔ LA TIỀN ĐI TÀU KHÔNG VÉ

NAM ÚC: Chính phủ tiểu bang đã bị áp lực bãi bỏ việc phạt 167 đô la với những người đi tàu,xe không mua vé. Tuy nhiên việc bãi bỏ này chỉ áp dụng đối với những người vi phạm lần đầu tiên mà thôi. Bộ trưởng giao thông Diana Laidlaw đã tuyên bố hủy bỏ luật phạt nói trên sau khi nhiều bậc phụ huynh giận dữ than phiền rằng con em của họ bị phạt việc đi tàu xe không vé vì quên mang theo thẻ học sinh. Nhiều phụ huynh đã chấp nhận ra tòa chứ không chịu đóng 167 đô la tiền phạt vì con em của họ không mang theo thẻ học sinh khi đi tàu. Luật phạt nói trên đã được chính phủ ban hành vào ngày 2.7 vừa qua và hàng trăm học sinh đã bị phạt.

Thật tế có nhiều người mua vé hạ giá nhưng lại không mang thẻ concession trong người,hay có những người không có tiền lẽ để mua vé. Tuy nhiên bộ trưởng Laidlaw cho biết những người tái phạm sẽ không được cơ hội than vãn gì về việc bị phạt và nếu không đóng tiền phạt họ sẽ bị truy tố ra tòa. Nhiều cư dân đã đến gặp các dân biểu của mình tại địa phương để hỏi về cách thức chống lại việc phạt tiền nói trên của bộ giao thông tiểu bang. Thậm chí có một phụ huynh tuyên bố sẵn sàng ở tù chứ không chịu đóng 167 đô la phạt vạ vì đứa con trai 15 tuổi của bà đi tàu không mang theo thẻ học sinh.

THÂN CHỦ BẢO HIỂM Y TẾ TƯ GIẬN DỮ

ADELAIDE: Hàng ngàn thân chủ mua bảo hiểm tư tại Nam Úc đang nổi cơn giận dữ sau khi phát hiện ra rằng nhiều công ty bảo hiểm tư đã cố tình hướng dẫn sai lạc cho khách hàng, hay quảng cáo không đúng sự thật. Hiện nay chính phủ tiểu bang Nam Úc đang tiến hành một cuộc điều tra về phản ứng của giới thân chủ bảo hiểm y tế tư liên quan đến cách thức làm ăn của các hãng bảo hiểm y tế tư. Công ty bảo hiểm y tế tư lớn nhất Úc là Medibank Private hiện đang bị truy tố ra tòa án liên bang về việc dùng các hình thức quảng cáo "láo" để chiêu dụ khách hàng càng nhiều càng tốt. Từ tháng ba đến tháng sáu năm nay những than phiền về các công ty bảo hiểm tư đã tăng lên 20%.

Đa số những lời than phiền nhắm vào công ty Medibank Private, MBF và AXA. Tuy nhiên giới chức bảo hiểm y tế tư cho biết trong số tám triệu người có bảo hiểm y tế tư thì chỉ có 1785 lời than phiền trong năm nay. Tuy nhiên dù có ít lời than phiền đi chăng nữa thì chính phủ liên bang cho biết sẽ điều tra cặn kẻ từng trường hợp một. Nhiều công ty bảo hiểm y tế từ chối trả tiền lệ phí phẫu thuật với những lý luận kỳ quặc và chỉ đồng ý trả tiền một khi ủy ban hòa giải đòi truy tố ra tòa. Nhiều thân chủ than phiền rằng mua bảo hiểm y tế tư mà vẫn phải chờ đợi các dịch vụ y tế quá lâu. Xem ra mua bảo hiểm y tế tư chỉ là mang tiền cho không các công ty bảo hiểm mà thôi, vì thẻ bệnh nhân với thẻ Medicare cũng được điều trị đàng hoàng vậy.

Y TÁ ĐƯỢC NÂNG CẤP THÀNH BÁC SĨ

ADELAIDE: Y sĩ đoàn liên bang Úc vừa lên tiếng cảnh cáo rằng tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa, vì luật mới tại Nam Úc cho phép y tá được làm một số công việc mà chỉ có bác sĩ được làm. Hiện tại y sĩ đoàn liên bang Úc và hiệp hội y tá Úc đang kình chống nhau vì những vận động cho một dự luật cho phép y tá được khám và điều trị bệnh nhân như bác sĩ. Tại NSW, Victoria và rất phổ biến tại Anh và Hoa kỳ, những y tá thâm niên kinh nghiệm có thể được kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Theo hiệp hội y tá Úc thì y tá đã bị bắt buộc phải vi phạm luật hàng ngày vì phải kê đơn cho bệnh nhân khi không có bác sĩ hiện diện.

Các giới chức liên quan tại Nam Úc hiện đang tham khảo ý kiến lẫn nhau về vấn đề khó khăn nói trên. Vị cựu chủ tịch của y sĩ đoàn Nam Úc là bác sĩ Rod Pearce ủng hộ việc để cho y tá điều trị bệnh nhân nhưng vị tân chủ tịch là Michael Rice lại kịch liệt chống lại ý kiến này. Bác sĩ Rice cũng phê bình hệ thống đào tạo y tá đặt tại các trường đại học trong khi trước năm 1984 y tá được đào tạo chủ yếu tại bệnh viện. Theo giới y tá liên bang thì năm năm vừa qua việc cho y tá được tham gia kê đơn và điều trị bệnh nhân tại NSW đã có kết quả tốt trong điều kiện thiếu bác sĩ trầm trọng và không gây ra nguy hiểm nào đối với bệnh nhân.

KẾ HOẠCH THANH LỌC CÁC CẶP CHUẨN BỊ THÀNH HÔN

TÂY ÚC: Theo một kế hoạch mới của chính phủ liên bang thì những vị công chức có trách nhiệm đứng ra chứng kiến các trường hợp kết hôn, sẽ có quyền từ chối làm hôn thú cho những cặp "có khả năng chia tay sớm" nhằm mục đích giảm thiểu tỷ lệ ly hôn trầm trọng tại Úc. Hiện nay có chừng 1600 vị công chứng hôn nhân có giấy phép làm việc vĩnh viễn. Tuy nhiên sắp đến sẽ có một khóa học đặc biệt cho chức vụ này và ai vượt qua được kỳ thi sẽ được cấp giấy hành nghề. Khả năng chính của các vị công chứng này là làm sao đánh hơi được cặp nào là cặp có khả năng chia tay sớm và vì thế từ chối công chứng hôn nhân. Trong năm 1999 đã có 60 ngàn người Úc kết hôn lần đầu tiên trước các viên công chứng hôn nhân.

Tuy nhiên giới công chứng hôn nhân phê bình kế hoạch nói trên và lý luận rằng công chứng hôn nhân không phải là chánh án hay bồi thẩm đoàn. Theo hiệp hội công chứng hôn nhân thì kế hoạch trên sẽ thất bại trừ phi chính phủ liên bang cho thành lập những vị thanh tra hôn nhân để kiểm tra các cặp xin đăng ký kết hôn. Những thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ ly hôn tại Tây Úc cũng như toàn liên bang nói chung đã lên con số báo động. Hơn 55% các cặp tân hôn đã chia tay nhau một thời gian ngắn sau khi tuyên thệ sống với nhau đến răng long đầu bạc. Vì thế chính phủ liên bang hiện đang cố gắng tìm biện pháp nào đó để bảo vệ đời sống gia đình, vốn rất được coi trọng tại Úc hơn là các quốc gia tây phương khác.

ĐÀN ÔNG KHOÁI LY DỊ HƠN ĐÀN BÀ"

PERTH: Các chuyên gia về hôn nhân và gia đình cho biết đàn ông sau khi ly dị cảm thấy thoải mái về mặt tiền bạc hơn là đàn bà. Những nhà nghiên cứu nhận thấy trong 10 ngàn trường hợp ly hôn sau 10 năm thì mức thu nhập của các "cựu" ông chồng tăng lên đến 15%. Mức thu nhập của phụ nữ ly dị giảm 28% Các chuyên gia này cũng nhận xét rằng lúc mới ly dị thì người phụ nữ có lợi nhuận cao hơn vì tiền nuôi con, được giữ căn nhà của gia đình. Tuy nhiên về lâu dài lợi nhuận của người đàn ông sẽ tăng lên và qua mặt bà vợ cũ. Trong năm 1999 có đến 52,600 vụ hôn nhân tan rã tại Úc, riêng tại Tây Úc có đến 5301 vụ ly hôn tại Tây Úc.

Tỷ lệ ly hôn của Tây Úc là 2.8 trên 1000,tức là cao hơn tiểu bang NSW và Victoria. Những bà vợ có con mọn cần nuôi dưỡng thường túng quẩn về tài chính sau khi ly dị. Tuy nhiên những ông bố trẻ cũng bị trừ tiền nhiều đến nỗi cảm thấy cuộc sống khó khăn và thường phải nghỉ việc xin trợ cấp để khỏi bị trừ hết tiền. Để khắc phục vấn đề khó khăn tài chính nói trên, cách tốt nhất là tìm chồng mới hay vợ mới, hoặc đi làm khi con cái vừa đi học. Tuy nhiên về mặt tinh thần thì người phụ nữ sau khi ly hôn hồi phục nhanh hơn người đàn ông. Một phần có thể là người vợ đã hoàn toàn hết yêu thương người chồng mới đồng ý ly dị, một phần có thể vì tâm lý dễ dứt khoát của người phụ nữ hơn là tâm lý vương vấn của người đàn ông.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.