Hôm nay,  

Không Đem Thành Bại Luận Anh Hùng

04/11/200000:00:00(Xem: 5302)
Trong những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975 toàn bộ gia đình hai bên nội ngoại của tôi từ Đà Nẵng và Huế đã vào hết Sài Gòn để lánh nạn cộng sản. Đêm ngày 28.3.1975 trên chiếc chiến hạm của hải quân hàng ngàn người tị nạn trong số đó có đại gia đình của tôi đã nhổ neo rời khỏi cảng Tiên Sa để vào Sài Gòn. Trong chuyến đi có cả cha tôi và các cậu của tôi, tất cả đều là những sĩ quan của quân lực VNCH phục vụ tại vùng I chiến thuật. Trong những ngày đó không khí thủ đô cực kỳ căng thẳng. Ngày nào cũng có những đoàn người tị nạn từ miền trung đổ về Sài Gòn ở đầy các sân vận động và các trường học. Báo chí và đài phát thanh liên tục truyền đi những tin tức chiến sự bi quan cho thấy cộng quân đang tiến như vũ bão về hướng Sài Gòn. Ban đêm tiếng súng nổ rất gần vọng về thành phố và trên khuôn mặt của cha tôi, của các cậu tôi luôn luôn căng thẳng, hiện lên đầy những nét âu lo.

Ngày đó tôi mới 15 tuổi, và trong con mắt của tôi, những sĩ quan quân đội như cha tôi và các cậu tôi thực sự là những anh hùng. Dù cha tôi chỉ là một sĩ quan của Bộ Chỉ Huy I Tiếp Vận tại Đà Nẵng, ông luôn luôn tỏ ra mình là một người lính gương mẫu và hết lòng với nhiệm vụ. Trong những ngày đại lễ, trên ngực của ông có rất nhiều huy chương và trong phòng của ông tôi thấy nhiều bằng khen và bằng tưởng lục được trang trọng gắn trên tường. Tôi từng ước ao rằng nếu mai sau khôn lớn tôi cũng sẽ trở thành một người lính mẫu mực như ông. Vì thế khi nhìn thấy nỗi âu lo trên khuôn mặt của cha và các cậu, tôi biết tình hình đang cực kỳ nghiêm trọng. Chính trong những ngày đó lần đầu tiên tôi được nghe cha tôi nhắc đến tên của tướng Lê Minh Đảo.

Không may tôi chẳng được biết thêm gì về ông vì Sài Gòn đã rơi vào tay cộng sản ngay sau đó. Trở về Đà Nẵng và Huế, cha tôi và các cậu tôi lần lượt theo nhau vào các trại cải tạo. Những tháng năm tiếp sau đó là những tháng năm đắm chìm trong đen tối và tuyệt vọng. Trong suy nghĩ non nớt của tôi hồi ấy tôi chẳng thể nào hiểu nổi vì sao quân lực VNCH, mà các cậu tôi thường bảo với tôi là quân đội thiện chiến nhất thế giới, lại có thể đầu hàng để cho miền nam rơi vào tay cộng sản. Tôi chợt nhận ra rằng không chỉ có cha tôi, cậu tôi mà cả chính tôi, một thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành đã mang cái mặc cảm của kẻ thất trận và nhìn chế độ mới sau năm 1975 như một kẻ xâm lược chiếm đóng. Cái lý lịch đó cộng với những tư tưởng đó đã khiến tôi gặp nhiều rắc rối với chế độ cộng sản cho đến ngày tôi xuống thuyền vượt biên rời khỏi Việt Nam.

Ra sống ở hải ngoại tôi có điều kiện được đọc rất nhiều tài liệu về cuộc chiến Việt Nam và nhận ra những vấn đề chính trị phức tạp liên quan đến cuộc chiến đó. Tôi cũng nhận ra rằng quân lực VNCH, quân đội mà cha tôi và các cậu tôi từng chiến đấu dưới bóng cờ, chưa từng bao giờ đầu hàng cộng sản. Có thể cuộc chiến Việt Nam đã được các chính trị gia Hoa kỳ kết thúc trên bàn cờ chiến lược thế giới, nhưng quân đội VNCH từ ngày thành lập cho đến ngày 30.4.1975 đã luôn luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình là chiến đấu chống cộng sản xâm lược để bảo vệ miền nam tự do. Cho đến hiện nay đã 25 năm sau ngày thất thủ đau đớn đó các quân nhân quân lực VHCH vẫn không hề đầu hàng,vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau cả ở hải ngoại và quốc nội.

Một trong những tướng lãnh đã làm tôi vô cùng cảm phục khi đọc lại những trang sử hào hùng của quân lực VNCH là tướng Lê Minh Đảo. Theo tôi được biết tướng Lê Minh Đảo xuất thân là một sĩ quan tốt nghiệp khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt vào năm 1954. Trước khi trở thành tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh, ông là đại tá tỉnh trưởng, tiểu khu trưởng tiểu khu Định Tường ở miền tây. Năm tháng sau khi trở thành tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh đại tá Lê Minh Đảo đã được vinh thăng cấp bậc chuẩn tướng vào năm 1972 sau các trận đánh tại Bình Long, An Lộc và tiếp tục chỉ huy sư đoàn này cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam. Sau trận đánh chận các binh đoàn cộng sản trên đường tiến về Sài Gòn ở Long Khánh vào cuối tháng tư năm 1975, chuẩn tướng Lê Minh Đảo đã được đặc cách thăng thiếu tướng. Lúc đó ông chỉ mới vừa 38 tuổi.

Nhớ lại khi còn ở Việt Nam tôi tình cờ đọc cuốn "Chân Dung Tướng Ngụy Sài Gòn" của cộng sản. Trong cuốn sách này dĩ nhiên người viết đã cố gắng mô tả các vị tướng lãnh của quân lực VNCH như những sĩ quan quân đội không có lý tưởng, bất tài, tham nhũng, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc và vâng lệnh các viên cố vấn Mỹ. Tuy nhiên tôi đặc biệt nhận thấy rằng người viết đã hết sức dè dặt khi nói về tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh. Cuốn sách đã không nêu ra được bất cứ một bằng chứng xấu nào về cá nhân của tướng Lê Minh Đảo, nhưng ngược lại chỉ nói rằng ông là một trong những vị tướng có tầm vóc của quân lực VNCH. Tác giả cuốn sách nhận xét rằng tướng Đảo là một sĩ quan trẻ có năng lực, được đào tạo cẩn thận. Trong bối cảnh nếu chiến tranh có thể lan rộng ra trong khu vực tướng Đảo, theo nhận định của cuốn sách, có thể đã được chuẩn bị để chỉ huy những phương diện quân lớn. Không những chỉ là một sĩ quan bộ binh có kiến thức quân sự cao, tướng Đảo còn được đào tạo để lái máy bay trực thăng.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc cuốn sách vì đúng ra khi đề cập đến các sĩ quan quân lực VNCH, các cán bộ CS tại địa phương tôi ở đều dùng những danh từ mạ lỵ hết sức thô bỉ và chưởi rủa không tiếc lời. Cuốn sách còn cho biết tướng Đảo không những là một vị tướng thanh liêm mà còn là một vị chỉ huy hết lòng với binh sĩ, một người có tâm hồn nghệ sĩ và ưa thích nghiên cứu tìm hiểu. Về chi tiết này cuốn sách nhắc rằng khi ở trong trại học tập cải tạo ở miền bắc, tướng Đảo luôn luôn tỏ ra là một người có tư cách, thường chơi đàn ghita và thích đọc những cuốn sách có tầm vóc như cỡ "Mùa Xuân Đại Thắng" của tướng VC Văn Tiến Dũng. Tôi không biết sự chân thực của cuốn sách như thế nào tuy nhiên khi so sánh sự mô tả tướng Lê Minh Đảo với các tướng lãnh khác, thì đã có một sự khác biệt rất rõ trong cách viết của tác giả. Rõ ràng trong suy nghĩ của giới tướng lãnh Việt Cộng, tướng Lê Minh Đảo đã được đánh giá cao đặc biệt. Chính cộng sản cũng không thể phủ nhận rằng thiếu tướng Lê Minh Đảo là một trong những vị tướng xuất sắc của quân lực VNCH.

Đọc nhiều hồi ký của nhiều sĩ quan VNCH, các tài liệu của quân đội Hoa kỳ, tôi còn biết thêm tướng Lê Minh Đảo là một sĩ quan rất gần gũi với cấp dưới và hết lòng yêu thương binh sĩ của mình. Sự quan tâm của tướng Lê Minh Đảo đối với binh sĩ thuộc cấp không những chỉ với những binh sĩ đang cùng ông chiến đấu mà còn đối với những tử sĩ đã hy sinh. Trong mùa thu năm 1972 nhiều binh sĩ sư đoàn 18 bộ binh đã bỏ mình trong các trận đánh bên ngoài phòng tuyến An Lộc, tướng Lê Minh Đảo đã cho xây dựng một nghĩa trang quân đội dành cho các tử sĩ của sư đoàn 18 bộ binh cũng như các tử sĩ thuộc các đơn vị khác tại An Lộc. Trước khi chuyển quân khỏi địa bàn, tướng Lê Minh Đảo và các binh sĩ sư đoàn 18 đã đến viếng thăm, sửa sang lại các ngôi mộ trước khi từ biệt các chiến hữu đã bỏ mình.

Giờ đây 25 năm sau cuộc chiến, tôi không ngờ mình lại có cơ may được gặp tướng Lê Minh Đảo tại Úc. Ông đã đến thăm Úc theo lời mời của Hội cựu tù nhân chính trị cộng sản và cũng để viếng thăm lại những chiến hữu của ông năm xưa. Lần đầu tiên tôi được gặp tướng Lê Minh Đảo và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp một vị tướng của quân lực VNCH. Khó có thể nói hết được sự xúc động của tôi khi nhìn thấy tướng Lê Minh Đảo bằng xương bằng thịt, vị tướng mà tôi vô cùng ái mộ từ trước đến nay. Khác hẳn với sự tưởng tượng ban đầu của tôi về ông, tướng Lê Minh Đảo là một người có khuôn mặt hiền hậu và có một phong cách thân ái dễ gần gũi.

Trong khi nói chuyện với hàng trăm đồng bào tại trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Việt tự do tại NSW, tướng Lê Minh Đảo đã xúc động đề cập đến sự hy sinh to lớn của những người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua. Những lời phát biểu chân tình của ông đã làm vang lên trong hội trường hàng tràng vỗ tay tán thưởng. Dù sống 17 năm trong các trại tù của cộng sản, dường như tinh thần của tướng Lê Minh Đảo vẫn hào sảng như ngày xưa ông còn là một vị chỉ huy trên chiến trường. Phong cách của ông vẫn còn biểu lộ tính cách cương quyết, dứt khoát của một vị chỉ huy quân sự tài năng. Tuy nhiên khi nhắc đến tinh thần chiến đấu của các chiến hữu năm xưa, những mộ phần của các tử sĩ trong các nghĩa trang quân đội đang bị vùi dập và số phận bi đát của nhiều thương binh quân lực VNCH đang còn sống tại Việt Nam, tướng Lê Minh Đảo phải cố gắng lắm nhưng không giấu được sự xúc động dữ dội biểu hiện trong giọng nói nghẹn ngào của ông. Tình cảm của ông dành cho các chiến hữu quân lực VNCH vẫn như xưa, ông vẫn quan tâm đến cả những người đang sống, những người đã chết. Trước khi lên đường đi định cư tại Hoa kỳ vào năm 1993 tướng Lê Minh Đảo đã dành cả một ngày tại nghĩa trang quân đội để ngậm ngùi chia xẻ với những đồng đội đã hy sinh.

Trong những lời tâm tình với các chiến hữu, với đồng hương, tướng Lê Minh Đảo cũng đã khẳng định rằng ông không phải là một người anh hùng, mà những người anh hùng thực sự trong cuộc chiến Việt Nam là những người lính bình thường nhất chiến đấu quên mình và hy sinh để bảo vệ hạnh phúc và tự do cho đồng bào miền nam thân yêu. Ông cũng khẳng định rằng trong những điều kiện hết sức khó khăn, chiến đấu với một kẻ thù thâm hiểm được khối cộng sản viện trợ đến mức tối đa, quân đội VNCH đã chiến đấu hết sức anh hùng cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. Quân đội đó thực sự là một quân đội anh hùng và chưa bao giờ chấp nhận đầu hàng cộng sản.

Và đúng như lời tướng Lê Minh Đảo đã nói "không đem thành bại luận anh hùng". Dù cho quân đội VNCH đã buông súng, nhưng hào quang và huyền thoại về quân đội đó sẽ còn tồn tại mãi với thời gian. Cuộc chiến đấu của quân và dân miền nam chống lại cộng sản không bao giờ là một chiến vô nghĩa và lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhận công lao của những người lính của quân lực VNCH. Cho dù cộng sản đang cố gắng viết lại lịch sử một cách sai lạc tuy nhiên những nỗ lực của chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì, bởi lẽ không ai có thể bôi xóa và bóp méo được sự thật. Thời gian rồi sẽ trôi qua, chế độ cộng sản rồi sẽ phải sụp đổ và quân lực VNCH cũng như sự đóng góp của tướng Lê Minh Đảo sẽ được dành cho một vị trí trang trọng trong lịch sử của dân tộc.

Lê Thảo Minh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.