Hôm nay,  

Tham Luận Của Một Người Cộng Sản Về Đại Hội 9 Đảng Csvn - Phần I

21/10/200000:00:00(Xem: 4140)
LTS: Tư tưởng, học thuyết cộng sản đã nảy sinh trong giai đoạn đen tối nhất của chủ nghĩa tư bản. Thêm vào đó, chủ nghĩa thực dân, sự bành trướng thuộc địa, và hai cuộc thế chiến, đã khiến người cộng sản đội lốt phong trào giải phóng dân tộc, tạo nên những huyền thoại về “thế giới đại đồng”, làm hàng trăm triệu người trên thế giới bị mê hoặc. Hậu quả, họ bị đánh mất cả tâm tư, tình cảm, lý trí và đức tin, chìm đắm trong những hào quang huyễn ảo do cộng sản thêu dệt. Cùng với thời gian và thực tế, dần dần những người cộng sản nhận ra lầm lỡ... nhưng khi đó, vì sự sinh tồn của bản thân, của người thân, hoặc vì không dám đối diện với sự thật, không dám giã từ quá khứ, nên họ đành cắn răng chấp nhận thân phận của một người cộng sản để trước là lừa người, sau là tự lừa mình. Bài viết sau đây trích từ tạp chí Con Ong trên Internet, sẽ cho qúy độc giả thấy được sự bừng tỉnh phần nào của một cán bộ cộng sản, trước những biến đổi của hoàn cảnh, của thời gian. Dĩ nhiên, bên cạnh những đề nghị táo bạo, những nhận định sắc bén của tác giả, qúy độc giả cũng thấy được những hạn chế nhất định của người viết. Những hạn chế đó có thể xuất phát từ tầm nhìn, sự hiểu biết, vốn sống hoặc do hoàn cảnh còn cá chậu chim lồng của tác giả. Có điều, ta phải thừa nhận, bên cạnh những hạn chế không thể tránh khỏi đó, tác giả vẫn có một cái nhìn thiết thực và những đề nghị cụ thể, khác xa phần đông những người cộng sản, và khác xa ngay cả những ảo tưởng về người cộng sản của một số người Việt hải ngoại hiện đang tự trao cho mình “sứ mạng làm chính trị”. Sàigòn Times hy vọng, qua bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Sơn, Phó bí thư chi bộ Hoàng Hoa Thám, thuộc đảng bộ phương Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, qúy độc giả sẽ thấy rõ, mầm mống sụp đổ của chế độ cộng sản tại Việt Nam đang ngày càng lớn, và lớn ngay trong tâm thức của chính những người cộng sản.

*

Kính thưa các vị đại biểu, Kính thưa đại hội,
Tôi hoàn toàn nhất trí về nhưng nguy cơ mà dự thảo văn kiện đại hội, Đảng toàn quốc lần thứ IX trình bày. Nhưng điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân và có những biện pháp hữu hiệu đẩy lùi các nguy cơ ấy. Tôi xin tham luận về hai nguy cơ: Tụt hậu và Tham nhũng.

I. Về nguy cơ tụt hậu

Đây là một nguy cơ có thật. Nếu lấy thu nhập bình quân đầu người/năm để đánh giá, thì nước ta vẫn là 1 trong 13 nước đói nghèo nhất thế giới. Theo cách tính của Liên hiệp quốc, những nước thu nhập bình quân 360 đôla /đầu người/ năm là nước đói nghèo. Nước ta bình quân mới hơn 200 đôla/đầu người /năm. Cứ coi như ta thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - năm 2001 - 2010. Để đến năm 2010 GDP tăng gấp đôi so với năm 2000. Và coi như ta thực hiện thắng lợi tỷ lệ tăng dân số từ 1,53% (2000) xuống còn 1,23% (2005) và đến năm 2010 còn 1,1% - 1,2%. Tính đến đầu năm 2000 dân số nước ta đạt 71 triệu 182 ngàn người, đến năm 2010 sẽ là hơn 88 triệu (theo kế hoạch). Vì thu nhập của ta bình quân đạt trên 360 đôla/đầu người/năm vào năm 2010. Như vậy là cho dù ta có thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001 - 2010 nước ta vẫn là nước còn đói nghèo.

Chỉ tiêu về trẻ em suy dinh dưỡng càng minh chứng cho điều đó: Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 35% - 36% hiện nay giảm xuống 20% - 25% đến năm 2010 còn 15% - 20%. Có nhiều nguyên nhân để trẻ em suy dinh dưỡng. Nhưng một số nguyên nhân rất quan trọng là bố mẹ chúng còn đói nghèo. Với nhịp độ tăng trưởng kinh tế hiện nay người ta tính rằng phải 7 năm nữa ta mới bằng Phi-lip-pin; 16 năm nữa mới bằng Inđô-nê-xia và 105 năm nữa mới bằng Ma-lay-xia.

Đâu là nguyên nhân của sự tụt hậu" Chắc chắn là thể chế của chúng ta không tốt. Tôi xin góp thêm 2 nguyên nhân của cái chưa tốt trong thể chế.

1. Bộ máy cầm quyền quá cồng kềnh, kém hiệu lực:
Ngoài bộ máy chính quyền, ta còn có bộ máy của Đảng với đầy đủ ban bộ như chính quyền và bộ máy các đoàn thể công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận.v...v... Ông Hoàng Hữu Nhân khi còn sống có nói: “Bộ máy cầm quyền mà sử dụng tới 3 vạn chiếc xe con để chở các quan chức đi làm, đi chơi, đi nhà hàng, cộng với 10 triệu viên chức ăn lương thì dân chịu sao nổi, thuế bao nhiêu cho vừa”. Theo ông Nguyễn Khắc Viện thì số viên chức của Thanh Hóa gấp 2 lần số viên chức của toàn Đông Dương thời Pháp thuộc. Người ta tính GDP của nước Pháp lớn hơn 100 lần GDP của ta mà số người ăn lương của ta gấp 10 lần số người ăn lương của nước Pháp!!!

Đấy là chứng minh về sự cồng kềnh. Còn về kém hiệu lực. Tôi xin đưa 2 dẫn chứng. Một, việc lớn: An toàn giao thông. Chắc chắn ta đứng đầu thế giới về tai nạn giao thông. Ta đã nhận thức được điều này nên năm 1996 ta đã có Nghị định 36/CP về công tác an toàn giao thông. Liên tục nhiều năm, ra quân hết đợt 1, đợt 2, đợt 3... Thôi thì trống giong cờ mở, xe máy, xe ô tô rầm rập cổ vũ khắp các thành phố, thị xã trong toàn quốc. Nhưng từ 1996 đến 6 tháng đầu năm 2000 tai nạn giao thông không ngừng tăng. Hàng năm có khoảng 7000 người chết và trên 23.000 người bị thương, có nhiều người chết sau đó hoặc tàn phế suốt đời. Số người chết và bị thương này còn lớn hơn số người chết và bị thương trong thảm họa động đất ở KôBê Nhật Bản, và cũng lớn hơn cuộc oanh kích của NATO xuống Côxôvô và Nam Tư năm trước. Chưa thấy một quan chức nào chịu trách nhiệm về thảm họa này.

Hai, việc nhỏ: Trả lại nhà cho 1 công dân. Đó là việc khiếu nại để được đòi lại ngôi nhà số 34 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) của gia đình ông Trịnh Văn Bô, đảng viên (đã mất) và bà Hoàng Thị Minh Hồ (năm nay bà Hồ 86 tuổi). Năm 1945, Đảng ta cướp chính quyền, ngân sách hầu như rỗng không. Ông bà Bô đã ủng hộ chính quyền cách mạng buổi trứng nước hàng triệu đồng Đông Dương và 5147 lạng vàng (tương đương 193,5 kg vàng). Ngôi nhà 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết bản “Tuyên ngôn độc lập” bất hủ cũng của ông bà Bô giao cho cách mạng. Bác Hồ đã nói: “Cô chú là ân nhân của Đảng, của dân tộc”. Còn ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu là ông bà Bô cho cách mạng mượn. Các vị lãnh đạo đã chỉ thị phải trả lại ngôi nhà này cho bà Bô. Qua 6 năm từ 1994 đến tháng 9/1999 qua các chỉ thị của các vị: Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công, Lê Quang Đạo, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phạm Thế Duyệt..., ngôi nhà 34 Hoàng Diệu vẫn chưa trả về cho chủ của nó. Chuyện nghe tưởng như phi lý nhưng đây là sự thật. Đài, báo đều đưa tin. Người ta nghi ngờ về sự kém hiệu lực của sự lãnh đạo một phần và còn nghi ngờ ở sự kém thật thà trong các chỉ thị của lãnh đạo.

2. Chúng ta chưa có tự do, dân chủ thực sự:
Mọi người đều biết rằng tự do là quy luật của tiến hoá, là tiền đề của phát triển. Xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu tự do, dân chủ. Tự do cũng còn là khát vọng của con người. Bác Hồ nói: “Độc lập mà dân không được tự do, không được hạnh phúc, thì độc lập không có nghĩa lý gì”.

Chính vì lẽ đó điều 4 trong Hiến Pháp năm 1946 của ta và điều 69 trong Hiến Pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Ai bảo ta không có quyền tự do báo chí" Ta hiện có 600 tờ báo trong cả nước. Nhớ lại còn thời cố Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm một số HTX nông nghiệp của Kiến Thụy. Người ta thả cua xuống lạch, mượn lợn của các gia đình thả vào chuồng của HTX; đưa bàn ghế, tủ giường trang trí cho gia đình thương binh (nơi đ/c Lê Duẩn đến thăm). Phóng viên báo chí biết cả, nhưng đều chụp ảnh, đưa tin tuyên truyền rùm beng về thắng lợi của các HTX quy mô lớn, và đời sống ngày càng được nâng cao của nhân dân.

Lại nhớ vụ Thái Bình năm trước, nghiêm trọng như vậy mà có báo chí nào viết bài phát hiện để Trung Ương kịp thời giải quyết. Lại nhớ đến các vụ án dệt Nam Định, Tân Trường Sanh, Epco Minh Phụng... trước đó báo chí đều đăng bài ca ngợi về sự sáng suốt vì lợi ích của công nhân, của các vị lãnh đạo của các cơ sở này. Tìm một tờ báo dám nói thẳng, nói thật vì một đường lối không hợp quy luật khách quan, không có lợi cho dân, cho nước, dám bênh vực những công dân bị bắt oan, xử oan chỉ vì có những chính kiến khác với chính kiến chính thống... thật là hiếm vậỵ

Đến nay có thể khẳng định một xã hội nếu không có báo chí tư nhân và xuất bản tư nhân, xã hội đó không thể gọi là dân chủ được và người dân cũng không thể có tự do được (mặc dù chỉ là tự do tương đối).

Tháng 1-1998, trong bài nói của ông Hữu Thọ, Trưởng ban Tư Tưởng Văn Hoá T.W. Đảng với tiêu đề: “Nghị quyết T.W. 4 một nghị quyết rất quan trọng về kinh tế trong thời kỳ đổi mới” có đoạn:

3. Quyền làm chủ của nhân dân không được phát huy:
Khẩu hiệu, Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra, được nêu lên từ Đại hội VI năm 1986 đến nay là 11 năm mà chưa được cụ thể hoá. Dân được biết thì được biết cái gì. Dân được bàn thì được bàn cái gì. Dân làm có lẽ là rõ, còn dân kiểm tra thì kiểm tra cái gì, kiểm tra ai, kiểm tra theo cơ chế nào" Sau 11 năm khẩu hiệu ấy đến nay về cơ bản vẫn nguyên là khẩu hiệu, chưa có một cơ chế thực hiện. Chưa có cơ chế dân chủ thì dân chưa được làm chủ...

Thưa ông Hữu Thọ, có cơ chế để dân làm chủ đấy, chỉ cần ta thực hiện đúng điều 69 trong Hiến Pháp là ta có thể thực hiện đúng quyền tự do dân chủ của nhân dân rồi. Thiếu tự do, dân chủ cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tệ tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp quần chúng và làm tăng cái bất công trong xã hội.

Ngoài quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, một thể chế dân chủ phải thực hiện tự do trong bầu cử. Cơ quan quyền lực phải do dân bầu ra một cách tự do và trực tiếp, và định kỳ phải đem ra bầu lại. Trong hệ thống pháp trị ấy, các đảng phái, các tôn giáo, các đoàn thể đều là những tập hợp của công dân, nằm ở phía dân, chỉ “lãnh đạo” trong nội bộ đoàn thể mình, không thể nằm ở phía “lãnh đạo” của xã hội được. Lãnh đạo của xã hội chỉ có thể là các cơ quan quyền lực do toàn dân bầu ra. Nhân dân không thể trao vận mệnh của mình cho một tổ chức mà nhân dân không khống chế được.

Đảng Cộng Sản Việt Nam được Hiến Pháp công nhận là Đảng cầm quyền, như vậy xã hội chúng ta không thể trở thành một xã hội pháp trị được. Về lâu dài không thích nghi được với công nghiệp hoá và kinh tế thị trường, và nhân dân không thể có quyền tự do dân chủ thực sự được.


II. Về nguy cơ tham nhũng

Đây không còn là nguy cơ, mà nạn tham nhũng đang trở thành thảm hoạ cho toàn dân tộc. Nó xẩy ra ở tất cả các cấp, các ngành ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội từ địa phương đến trung ương... Nạn tham nhũng là hệ qủa tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội mà hạ tầng là kinh tế thị trường và thượng tầng là xã hội chủ nghĩa. Nạn tham nhũng phát triển đồng thời với sự phát triển của “diễn biến hoà bình” cho tới khi phá vỡ cơ chế đã sản sinh ra nó. Để chứng minh nhận định này, tôi xin phép trở về vấn đề có tính chất cốt lõi: “nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác Lênin”.

Cách đây 5 năm, trong hội nghị chi bộ để tham gia đóng góp ý kiến cho Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, tôi đã có bài phát biểu đề cập: Đảng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin đi. Hôm nay tôi vẫn bảo lưu ý kiến này.

Công bằng mà nói trong chủ nghĩa Mác- Lênin ta còn có thể vận dụng được phần “Duy vật biện chứng”. Đây là phần Mác - Lênin phát triển bổ sung các quan điểm của các triết gia trước Mác. Còn nền tảng tư tưởng của Mác đã thể hiện trong phần “Duy vật lịch sử”, “Kinh tế chính trị học”, “Chủ nghĩa xã hội khoa học”, thì chứa đựng rất nhiều yếu tố không tưởng, siêu hình, duy tâm và không khoa học.

Lấy học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác làm ví dụ. Mác cho đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp. Mác và Ăng ghen viết: “Trong gần 40 năm, chúng ta đã nhấn mạnh vào đấu tranh giai cấp, coi đó là động lực trực tiếp của lịch sử, đặc biệt là nhấn mạnh vào cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, coi đó là đòn bảy vĩ đại của cuộc cách mạng xã hội hiện đại”.

Mác coi sự đối lập giữa giai cấp bị trị và thống trị là mối quan hệ thù địch về bản chất, phải đấu tranh một mất một còn, không thể điều hoà, khoan nhượng (Ăng-ghen còn nhấn mạnh rằng điều này thì “bọn dân chủ tiểu tư sản không bao giờ có thể hiểu được”.)

Thật ra trong xã hội có giai cấp, thống trị và bị trị chỉ là hai cực đối lập tất yếu thường xuyên của mọi cấu trúc xã hội, vừa tương khắc, vừa tương sinh một cách biện chứng không bên nào có quyền dùng vũ lực đẩy bên kia ra khỏi cộng đồng thống nhất ấy. Không được thủ tiêu đấu tranh, thậm chí phải đấu tranh ác liệt, nhưng rốt cuộc vẫn phải đi trên một phương án dung hòa, trong đó có quyền lợi mỗi bên và lợi ích xã hội.

Ngày nay khi ta xem phim Đông Chu Liệt Quốc. Nhận thấy phương thức sản xuất nô lệ không mang lại hiệu quả. Các chủ nô có đầu óc tiên tiến đã chủ động bàn với nô lệ của mình chia ruộng đất còn hoang hoá để nô lệ chủ động canh tác và nộp tô theo mức độ mà hai bên đều có lợi, nhờ đó mà năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự tan rã của chế độ nô lệ. Nhà nước phong kiến ra đời đâu có bằng cuộc đấu tranh một mất một còn của nô lệ chống chủ nô như Mác nói.

Cũng như vậy cuộc cách mạng tư sản Pháp, cuối cùng là ngày phá ngục Baxti 14-7-1789. Xoá bỏ chế độ phong kiến của nước Pháp thiết lập nền cộng hoà cũng do giai cấp tư sản lãnh đạo (bộ phận cấp trên của chế độ phong kiến, các thương nhân, các nhà tư sản mới) động viên thêm lực lượng dân chủ có nông dân, thợ thuyền tham gia. Cũng không phải là cuộc đấu tranh một mất một còn của hai giai cấp đối lập nhau trong xã hội phong kiến là nông dân và địa chủ.

Giai cấp tư sản đã được hình thành trên 200 năm. Và mọi người đều thấy nó rất hùng mạnh. Nó đâu có rẫy chết như Mác và Lênin nhận định. Công nhân các nước tư bản đều sống hoà thuận với nhà tư bản và mọi thành phần giai cấp khác trong xã hội. Họ không thấy họ phải có sứ mạng lịch sử là “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ hơn 1 triệu lần xã hội tư bản, đó là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như Mác dự tính.
Còn điều này mới là quan trọng mà Mác không dự tính đến là: Đấu tranh giai cấp không phải là động lực phát triển trong xã hội có giai cấp. Đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giữa những người đang sống cùng thời, là những “quan hệ ngang” cũng tức là quan hệ trên trục không gian. Cuộc đấu tranh này không biểu hiện cho sự tiến hoá.

Ta đã thừa nhận rằng sự thắng thua trong tiến hoá là sự thắng thua về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mà năng suất và chất lượng phụ thuộc vào quy trình công nghệ, tức là phụ thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ tổ chức quản lý, tức là trình độ của Trí Tuệ. Vậy thì “Sự thi đua trí Tuệ” hay “Đấu tranh trí tuệ” mới là động lực của sự phát triển, chứ không phải sự đấu tranh giai cấp.

Sự thắng thua về Trí tuệ quyết định trình độ cả một nền sản xuất mới là mối “quan hệ dọc” quan hệ tiến hoá. Còn hiện tượng đấu tranh giai cấp chỉ có tác dụng giải quyết sự công bằng trước mắt tức thuộc “quan hệ ngang” có thể có ảnh hưởng thúc đẩy đối với sự phát triển, nhưng không phải là động lực trực tiếp quyết định sự phát triển, thậm chí có khi nó làm hại cho sự phát triển.

Chỉ có sự tích luỹ và gia tăng không ngừng của Trí tuệ, chỉ có sự cạnh tranh, cọ sát của Trí tuệ mới làm cho xã hội trở nên văn minh hơn.

Chỉ cần nhận thức chính xác một điều ấy thôi thì mọi chuyện đều thay đổi hết. Đã là Trí tuệ thì phải kế thừa, tích luỹ, tiên tiến chứ không thể dùng đột biến cách mạng để xoá bỏ thay thế. Phải là hoạt động của những đầu óc cá nhân hoặc sự hài hoà rộng mở với nhân loại chứ không phải vấn đề giai cấp, không phải là sự đối kháng giữa hai phe. Phải ở mặt trận kinh tế, sản xuất, văn hoá chứ không ở nơi chính trị tư tưởng và chớp thời cơ giành chính quyền (chuyện đánh giặc cứu nước lại là chuyện khác). Phải là sự đấu tranh lâu dài để ngày càng công bằng hơn chứ không phải phế bỏ cái phương thức sản xuất công nghiệp đang làm cho sản xuất phát triển. Phải thực hiện dân chủ tự do để làm xuất hiện và chọn lọc các sản phẩm sáng tạo của trí tuệ chứ không phải dùng chuyên chính công nông để xếp đặt mọi việc của xã hội trong lòng bàn tay.

Như vậy là đã rõ, học thuyết đấu tranh giai cấp, nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê nin không có giá trị hiện hữu.

Ngày nay, mọi người đều được rõ: giai đoạn hùng mạnh nhất của Liên Xô dưới thời Brê-giơ-nhép năng suất lao động xã hội của Liên Xô chỉ bằng 1/25 của Mỹ. Đông Đức chỉ bằng 1/11 Tây Đức. Và đến hôm nay thu nhập bình quân đầu người của Bắc Triều Tiên chỉ bằng 1/56 của Nam Triều Tiên.

Sự sụp đổ của các thể chế xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rồi ở Liên Xô “thành trì cách mạng thế giới” là một bằng chứng hiển nhiên về sự phá sản của một học thuyết đã lỗi thời và không khoa học: “chủ nghĩa Mác - Lênin”, là sự trừng phạt khắc nghiệt, lạnh lùng của qui luật đối với con người bất chấp mọi thiện ý.

Ở Việt Nam ta vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê nin trong cuộc đấu tranh giai cấp thời “cải cách ruộng đất” đã tiêu diệt hơn 2 vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân, những người có thời Bác Hồ còn coi là ân nhân của cách mạng, những người đã cùng cả dân tộc làm nên cuộc kháng chiến chống Pháp lừng lẫy địa cầu. Và nỗi đau, sự phi lý là cơn ác mộng kinh hoàng nhất mà dân tộc ta phải hứng chịu từ suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ năm 1960 đến 1985 vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin vào công cuộc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc và từ 1975 đến 1985 áp dụng trong cả nước làm cả Việt Nam ta đã nếm những thất bại, vì ta đã tự trói mình. Nhờ có sự sụp đổ của Liên Xô, đến Đại hội VI năm 1986 ta mới tự “cởi trói” và tự “cứu mình”. Nhờ đó, từng bước ta thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và có bước tiến bộ như hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.