Hôm nay,  

Tin Úc Đại Lợi - Phần I

30/09/200000:00:00(Xem: 4102)
SỰ BẤT CÔNG TRONG HỆ THỐNG BẢO HIỂM Y TẾ TƯ

CANBERRA: Một thống kê mới nhất của chính phủ liên bang cho thấy nhữgn người đóng thuế tại Úc đã phải trả hàng năm trên một tỷ đô la cho những chi phí bảo hiểm y tế tư của 1/3 những người giàu có nhất nước Úc. 1/3 những người có lợi tức cao nhất nước Úc được hưởng đến 30% tiền bù lỗ của chính phủ dành cho những người có bảo hiểm tư, trong khi 1/3 số người nghèo nhất nước Úc chỉ được hưởng có 18% số tiền bù lỗ này của chính phủ liên bang. Hiện nay chính phủ liên bang cũng còn trả tiền cho 1/3 thành phần có lợi tức cao này tiền làm giải phẫu thẩm mỹ, tiền làm răng và tiền đi câu lạc bộ thể dục.

Mặc dầu vừa qua có nhiều người gia nhập các quỹ bảo hiểm y tế tư nhưng rất nhiều người Úc cũng cho rằng hệ thống bảo hiểm y tế tư là không công bằng, và cũng không tốt đẹp hơn Medicare là bao nhiêu. Theo quy định của chính phủ liên bang thì những người có lợi tức cao được chính phủ miễn đóng thuế Medicare và số tiền được miễn này lên đến 1.1 tỷ đô la mỗi năm. Rốt cuộc lại những lợi ích của hệ thống bảo hiểm y tế tư dành cho 1/3 người giàu có trong xã hội được mang lại bởi tiền đóng thuế của 1/3 thành phần trung bình và 1/3 thành phần nghèo khó trong xã hội Úc.

ĐẢNG LAO ĐỘNG VICTORIA TỔ CHỨC THĂM DÒ CỬ TRI

MELBOURNE: Đảng Lao động tiểu bang Victoria đã làm một việc hoàn toàn trái ngược lại với truyền thống từ trước đến nay của đảng, bằng cách tổ chức những cuộc thăm dò ý kiến cử tri tại những đơn vị bầu cử khác nhau và cung cấp những kết quả thăm dò này cho các dân biểu hay nghị sĩ Lao động cũng như các ứng cử viên trong tương lai. Trước đây các đại diện dân cử của đảng Lao động cũng như các ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử không bao giờ được biết đến các kết quả thăm dò ý kiến cử tri do đảng tiến hành. Mục đích chính là để cho các dân biểu, nghị sĩ cũng như các ứng cử viên không quá chủ quan hay dao động tinh thần.

Sự tiết lộ kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri khiến các đảng viên cao cấp của đảng Lao động nghi ngờ phong cách làm việc đúng đắn của ban chấp hành đảng bộ Lao động tại tiểu bang Victoria. Hiện nay đảng Lao động đang chú ý vận động tại những đơn vị nghiêng ngữa như Deaking,Ballarat,Dunkley, Latrobe, Aston và McEwan. Sự tiết lộ nói trên cũng cho thấy đảng Lao động đã tiến hành thăm dò tại đơn vị Flinders hiện đang do tổng trưởng quan hệ lao tư liên bang là Peter Reith nắm giữ. Mặc dầu tỷ lệ ủng hộ ông Reith rất cao đảng Lao động Victoria hiện đã có những căn cứ cho thấy ứng cử viên Lao động có thể thách thức ông Reith tại đơn vị này.

NGHỊ VIÊN THÀNH PHỐ MELBOURNE BỊ ĐIỀU TRA

MELBOURNE: Chính phủ tiểu bang Victoria có thể sẽ bổ nhiệm một thanh tra hành chính để tiến hành những cuộc điều tra nhắm vào các vấn đề tiêu xài của các nghị viên thành phố Melbourne. Trong thời gian sáu tháng qua đã có nhiều lời đàm tiếu xoay quanh cách làm việc không đúng đắn của các ông nghị trong hội đồng thành phố. Chính phủ tiểu bang sẽ có những quyết định cuối cùng sau khi các kiểm toán viên hoàn thành những bản báo cáo về các hoạt động tài chính của các ông nghị. Riêng ngài thị trưởng Peter Costigan và tám nghị viên khác đã tiêu xài 210 ngàn đô la trong sáu tháng đầu năm 2000.

Nếu chính phủ liên bang không hoàn toàn hài lòng với kết quả kiểm toán thì một thanh tra hành chính tài chính sẽ được bổ nhiệm để trực tiếp điều tra về sự lạm dụng công quỹ của các ông nghị trong hội đồng thành phố Melbourne. Trong năm tài chính 1999-2000 các ông nghị đã tiêu xài hết 220 ngàn đô la cho các chuyến đi xuyên tiểu bang hay đi nước ngoài, sử dụng xe hơi thuê, điện thoại lưu động, điện thư, giải trí và tiền giữ con. Số chi tiêu này nhiều hơn 32 ngàn so với ngân sách chi tiêu chỉ có 188 ngàn đô la cho năm tài chính 2000-2001. Nguời tiêu xài nhiều nhất là thị trưởng Peter Costigan và các ông nghị khác đều bị lập danh sách chi tiêu tiền đóng thuế của người dân.

KIỂM SOÁT SÚNG LÀM HẠ GIẢM TỶ LỆ GIẾT NGƯỜI

BRISBANE: Từ khi chính phủ liên bang ra lệnh thu hồi các loại súng bất hợp pháp,sau khi xẩy ra vụ thảm sát tại Port Arthur, tỷ lệ sát nhân bằng súng đã hạ giảm thấy rõ tại tiểu bang Queensland. Trong năm 1999 có 63 vụ sát nhân nhưng chỉ có 11 vụ sát nhân bằng súng. Trong khi đó năm 1996 có 65 vụ sát nhân và 21 vụ nạn nhân bị giết chết bằng súng. Đối với các trường hợp bạo hành có liên quan đến súng ống thì tỷ lệ các tội phạm như thế cũng giảm 20% kể từ khi chính phủ John Howard thực hiện luật kiểm soát súng ống mới. Theo thủ hiến Peter Beatie thì 500 triệu đô la tiền thuế dùng mua lại vũ khí bất hợp pháp đã mang lại kết quả rõ rệt.

Mặc dầu sở thống kê tội phạm liên bang cho rằng hãy còn sớm để đưa ra một kết luận khả quan, số trường hợp chết vì súng đã giảm bớt và tỷ lệ các vụ cướp vũ trang bằng súng cũng trên đà trụt giảm. Trong khi đó Hội xạ thủ thể thao của Úc lên tiếng thách thức những nhận định của thủ hiến Beatie cho rằng tỷ lệ sát nhân bằng súng vẫn không hề hạ giảm tại Queensland. Theo thủ hiến Beatie thì sát nhân bằng súng giảm từ 32 còn 17%, cướp có vũ trang giảm từ 33% đến 19.5%. Năm 1990 có 419 vụ tự sát trong đó có 155 vụ nạn nhân tự sát bằng súng. Năm 1996 có 543 vụ tự sát trong đó có 117 vụ bằng súng. Sang năm 1998 có 574 vụ tự sát nhưng chỉ có 60 vụ nạn nhân dùng súng để kết liễu cuộc đời.

THUẾ GST LÀM ĐAU ĐẦU NHỮNG NGƯỜI XÂY NHÀ MỚI

QUEENSLAND: Những tranh chấp với các công ty xây dựng nhà ở hiện đang dẫn đầu những lời than phiền của dân chúng có liên quan đến thuế GST. Theo giám đốc khu vực của ủy hội bảo vệ người tiêu thụ ACCC thì nhiều người mua nhà hay xây nhà mới ký hợp đồng với các công ty xây dựng hy vọng rằng không phải trả thuế GST nếu công trình hoàn thành trước ngày 1.7.2000. Tuy nhiên hàng trăm ngôi nhà mới được hoàn thành sau ngày 1.7 và những gia chủ không may này hết sức giận dữ vì bị buộc phải trả thuế GST. Các công ty xây dựng cho rằng giá hoàn thành công trình tăng không phải là lỗi của họ.

Trước ngày 30.7 nhiều người vì muốn hoàn thành công trình sớm để tránh thuế GST tuy nhiên do nhu cầu xây dựng quá cao khiến tình trạng thiếu thợ khiến nhiều công trình chỉ được hoàn thành sau ngày 1.7.2000. Những công trình này bị đóng thuế GST và lẽ dĩ nhiên gia chủ kêu trời. Đa số những thân chủ này khiếu nại rằng các công ty xây dựng vi phạm hợp đồng và phải chịu những khoản thuế GST đó, chứ không phải họ. Tuy nhiên các công ty xây dựng lại cho rằng họ không chịu trách nhiệm về khoản GST nói trên.Hiện nay cơ quan ACCC liên bang đã ghi nhận được hơn 90 ngàn cú gọi than phiền kể từ ngày thuế GST được chính thức áp dụng.

ĐỒN CẢNH SÁT MỚI TRỊ GIÁ 35 TRIỆU ĐÔ LA

ADELAIDE: Một vị trí mới đã được chọn lựa để xây dựng tổng hành dinh mới của cảnh sát tiểu bang Nam Úc. Dự định công trình trị giá 35 triệu đô la này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Đồn cảnh sát Nam Úc hiện tại đã bị phá hủy để xây dựng tòa án liên bang trên công trường Victoria Square. Tòa nhà dùng làm tòa án liên bang này trị giá 75 triệu đô la. Chính phủ tiểu bang Nam Úc cho hay rằng cảnh sát muốn đồn cảnh sát Adelaide sẽ được dời về địa điểm hiện tại của cơ quan đăng ký xe lưu hành nằm trên đường Wakefield St trong khi địa điểm mới của tổng hành dinh sẽ nằm trên đường Angas St.

Tư lệnh xử lý thường vụ của cảnh sát Nam Úc là Neil McKenzie đã từ chối không bình luận gì về địa điểm mới tuy nhiên cho biết cần phải có một đồn cảnh sát mới cho lực lượng cảnh sát tiểu bang. Quốc hội tiểu bang Nam Úc sẽ xét duyệt lại một lần cuối địa điểm để xây dựng tổng hành dinh của cảnh sát Nam Úc khi quốc hội tái nhóm vào ngày 3.10. Những văn phòng làm việc hiện tại của cảnh sát tiểu bang sẽ được giàn xếp để tạm thời dời về đóng tạm trong những tòa nhà hiện là nơi làm việc của các cơ quan khác thuộc chính phủ tiểu bang Nam Úc.

VÙNG CẤM RƯỢU TẠI THÀNH PHỐ ADELAIDE

ADELAIDE: Thủ hiến tiểu bang Nam Úc là John Olsen đang dự trù một ngân sách tài trợ cho một đơn vị giúp cai rượu tại Victoria Square. Đây là một nổ lực của chính phủ tiểu bang nhằm tạo ra một vùng hoàn toàn cấm rượu tại trung tâm thành phố Adelaide. Dự thảo cho các vùng cấm rượu này sẽ được đưa ra cho công chúng tiểu bang tham khảo trong vòng ba tháng trong khi đó chính phủ liên bang sẽ làm việc với các cơ quan chính quyền và giới doanh thương trước khi chính thức ban hành luật cấm rượu tại khu trung tâm thành phố Adelaide. Hiện nay tại Nam Úc có tất cả 63 vùng cấm rượu.

Vùng cấm rượu mới nhất trên quãng trường Victoria Square hiện đang được sự ủng hộ của chính phủ tiểu bang, cảnh sát và giới doanh gia. Mục đích chính của các vùng cấm rượu là làm giảm bớt những tội phạm có liên quan đến rượu gây ra. Tuy nhiên khi thành lập các vùng cấm rượu,cần phải thiết lập những trung tâm cai nghiện để phục hồi chức năng cho những con sâu rượu từ lâu đắm chìm trong hơi men tối ngày. Trong số đám nghiện rượu và tội phạm có liên quan đến rượu là thành phần thổ dân chiếm một tỷ lệ khá cao. Hội đồng thành phố Adelaide hoan nghênh quyết định của chính phủ tiểu bang thiết lập vùng cấm rượu trong toàn bộ thành phố này.

TỆ NẠN BẮT NẠT TẠI NƠI LÀM VIỆC Ở TÂY ÚC

TÂY ÚC: Tại Nam Úc tệ nạn ma cũ ức hiếp và bắt nạt ma mới vẫn thường xuyên xảy ra tại những nơi làm việc. Mặc dầu hiếm khi có một trường hợp bị truy tố về tội bắt nạt, các công ty hãng xưởng có thể bị phạt vạ đến 20 ngàn đô la nếu bị xét thấy có tội bắt nạt một công nhân nào đó. Thân nhân của những công nhân bị bắt nạt thường tỏ ra lo lắng và than phiền với giới chủ nhân. Tuy nhiên nạn nhân thường bị bắt nạt trầm trọng hơn hay thậm chí bị đuổi việc. Tại những nơi làm việc đa số là nam công nhân, tình trạng bắt nạt và ức hiếp rất trầm trọng.

Đại đa số nạn nhân là những người lần đầu tiên mới đi làm việc và không ý thức được quyền hạn của mình. Nếu những nạn nhân nào ý thức và than phiền với WorkCover, họ có thể bị bắt nạt trầm trọng hơn để trừng phạt hay sẽ bị sa thải với một lý do nào đó. Thời gian qua tại tiểu bang Tây Úc đã có nhiều trường hợp bắt nạt bị truy tố ra tòa và nạn nhân được bồi thường. Tuy nhiên tỷ lệ khai báo hãy còn thấp và vì thế tình trạng chủ nhân bắt nạt các công nhân vị thành niên vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối trong các nhà máy hay hãng xưởng của tiểu bang Tây Úc.

CÁC TRUNG TÂM MUA SẮM TẠI TÂY ÚC QUÁ TỒI TÀN

PERTH: Các trung tâm mua sắm tại Tây Úc nói chung và tại trung tâm thành phố Perth nói riêng được coi là những trung tâm mua sắm tồi tàn nhất nước Úc. Hiện nay giới doanh gia Tây Úc đều thừa nhận rằng cần phải có một sự tái xây dựng lại toàn bộ các trung tâm mua sắm nằm tại trung tâm của thành phố. Đa số những trung tâm mua sắm này đã quá cũ kỷ và những cửa hàng thương nghiệp lớn lại nằm quá xa trung tâm của thành phố. Với điều kiện các trung tâm mua sắm được nâng cấp đại công ty David Jones mới hy vọng quay trở lại tiểu bang này vào năm 2002.

David Jones sẽ đầu tư 100 triệu đô la trong vòng năm năm đến để nâng cấp trung tâm thương nghiệp Aherns City. Theo thị trưởng thành phố Perth là Peter Nattrass thì từ lâu hội đồng thành phố đã có ý định nâng cấp các trung tâm xây dựng của thành phố tuy nhiên đó không phải là vấn đề ưu tiên. Sự xuất hiện của công ty David Jones sẽ khiến nhiều công ty khác quay lại với Perth như Woolworths, Myer Megamart. Cùng với sự nâng cấp các trung tâm thương nghiệp,sự xuất hiện của các công ty lớn nói trên, sẽ có thêm nhiều người mua sắm ghé đến các trung tâm mua sắm và nền thương nghiệp tại Perth mới có hy vọng khởi sắc.

NỘI CÁC CHIA RẼ VÌ GIÁ XĂNG DẦU CAO

CANBERRA: Nội các liên bang hiện đang chia rẽ liên quan đến những biện pháp nhằm giúp đỡ cho dân chúng vốn đang chịu đựng những hậu quả do giá xăng dầu tăng cao. Một số bộ trưởng quan trọng trong nội các đã đưa ra những đề nghị nhằm trợ giúp phần nào cho những người lái xe trên toàn quốc. Tiền thu được từ thuế đánh trên xăng dầu của chính phủ liên bang đã tăng thêm được 1 tỷ đô la do giá xăng dầu trên toàn thế giới đang tăng lên. Trong khi đó giá một lít xăng đang ở mức 1 đô la tại thành phố và cao hơn tại những vùng nông thôn.

Chính phủ của thủ tướng John Howard hiện nay đang bị áp lực đòi hỏi phải hạ giảm giá xăng dầu bằng cách giảm thuế đánh trên xăng dầu. Thêm vào đó tỷ suất hối đoái của đồng đô la Úc đang bị sụt giảm nghiêm trọng khiến cho giá xăng dầu càng gia tăng. Chính phủ liên đảng có thể đang chuẩn bị để hy sinh một phần ngân sách thặng dư để thu được những lợi thế về chính trị. Trong thời gian đến khi thế vận hội Sydney năm 2000 trôi qua,dân chúng Úc sẽ quay trở lại chú ý đến giá xăng dầu vẫn quá cao và chính phủ liên bang đã làm ngơ trước mọi lời phản đối của người tiêu thụ. Lúc đó giá xăng dầu có thể trở thành một đề tài nóng bỏng ảnh hưởng đến cuộc vận động tranh cử liên bang sắp đến.

DI DÂN TÂY TÂY LAN LÀ MỐI HỌA CHO NƯỚC ÚC

CANBERRA: Di dân đến từ Tây tây lan thực sự là một mối hiểm họa cho nước Úc sau khi một thống kê của bộ di trú nhận thấy rằng cứ một trong ba di dân đến từ Tây tân lan không sinh ra tại xứ sở này. Điều đó làm cho nước Úc lo ngại rằng New Zealand đã trở thành một cửa hậu cho đám di dân lậu quốc tế tuồn vào Úc. Hàng tháng có hàng ngàn di dân đến từ New Zealand và hiện Úc chẳng hề có chính sách nào để hạn chế số di dân đến từ New Zealand. Quyết định buộc những di dân đến từ New Zealand phải chờ đến hai năm mới được lãnh trợ cấp an sinh xã hội đã thất bại trong việc ngăn chận di dân Kiwi đến Úc vì tỷ lê di dân vẫn tăng đều với mức độ 13.6%.

Theo thống kê của chính phủ New Zealand thì 51% những người rời khỏi New Zealand trong năm 1999 đã ở lại Úc vĩnh viễn. Trong số này 33% là những người New Zealand nhưng không sinh ra trên đất nước này trước khi di dân đến Úc. Đại đa số những người New Zealand di dân đến Úc trong thời gian qua là có nguồn gốc Á Châu. Vừa qua chính phủ New Zealand ban lệnh khoan hồng cho những người di dân lậu đã ở lâu tại New Zealand. Tình hình này sẽ khiến cho nước Úc sắp phải đối diện với một làn sóng những người New Zealand có tư cách thường trú tìm cách đến định cư vĩnh viễn tại Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.