Hôm nay,  

Suy Niệm Trên Đường Đời: Giúp Người

23/06/200100:00:00(Xem: 5754)
Thượng Đế thương yêu chúng ta cách đặc biệt, khi Người gửi đến cho chúng ta những trường hợp khốn cùng, những tình cảnh bi đát, để chúng ta có dịp cảm thông với những anh chị em đồng hương, đồng loại, bị lâm vào các thử thách, gian nan, truân chuyên, trong cuộc sống mình.
Trong tuần qua, chúng tôi nhận được lá thư của một Nữ Tu gửi từ thành phố Sàigòn với những dòng thiết tha chia sẻ với chúng ta:

"Hiện con có hai người nghèo quá! Họ ở quê lên tỉnh tìm việc làm, họ thuê được một góc nhà gần nhà vệ sinh của một gia đình phải trả một tháng khoảng 150.000 đồng VN mà chẳng có giường, chẳng có tủ! Đêm phải ngủ trên cái ghế băng và quần áo để nhờ vào một ngăn tủ chén bát của bà chủ nhà. Con đang tìm mua cho chị cái giường mà chưa mua được, vì chưa tìm được cái nào vừa tiền mình có thể và vừa ý. Nhưng con nhất định sẽ mua.

"Ngoài ra cũng có hai anh chị mới làm lễ cưới mà vẫn không có cái giường cho riêng vợ chồng! Anh ngủ nhờ bạn trai, chị ngủ nhờ bạn gái ở nhà trọ! Nếu cha có khoản nào giúp đỡ thì cha cho con một chút để con giúp họ. Nếu cha không có thì cha đừng bận tâm. Chúng ta đều là những người nghèo của Chúa thôi."

Đêm nay, khi tôi đặt mình xuống chiếc giường "độc thân" với một tấm nệm bình dân, tôi đã cảm tạ Thượng Đế về hồng ân mình có được một nơi êm ái để đi vào giấc ngủ yên lành, đồng thời tôi cũng cảm mến nhớ đến hai hoàn cảnh thiếu thốn trên đây.

Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Yêsu đã truyền lệnh chúng ta: "Ai xin, ngươi hãy cho" (Mt 5:42).

Thánh Phaolô giáo huấn các tín hữu: "Vả chăng, gieo sẻn thì gặt sẻn; gieo hậu thì gặt hậu. Mỗi người hãy cho tùy theo ý định của lòng mình, không cau có, không miễn cưỡng, vì có hớn hở mà dâng, Thiên Chúa mới chuộng." (2 Cor. 9:6-7)

Cha ông chúng ta khuyên răn các con cháu: "Thương người như thể thương thân."

Đức Khổng Tử để lại bài học lớn lao: "Người ta không nghĩ xa, tất có ưu hoạn gần, nên người quân tử có 3 điều phải nghĩ, ta chẳng nên chẳng xét đến: Một là lúc nhỏ, nếu mà chẳng học, thì đến lúc lớn, ngu dốt không làm được việc gì. Hai là lúc già, nếu mà không biết đem những điều mình biết để dạy người, thì sau đến lúc chết, chẳng ai thương tiếc. Ba là lúc giàu có, nếu mà chẳng bố thí, thì đến lúc khốn cùng, chẳng ai giúp. Cho nên người quân tử lúc nhỏ nghĩ đến lúc lớn thì chăm học. Lúc già nghĩ đến lúc chết thì chăm dạy. Lúc có nghĩ đến lúc không thì chăm cứu giúp người nghèo khổ."

Chúng ta hãy cảm tạ những người cùng khổ, vì họ cho chúng ta một cơ hội quí báu, không phải để chúng ta thương hại, thương xót, và tội nghiệp họ, mà là để chúng ta nhạy bén, cảm xúc với tình người, rồi mở rộng trái tim nồng nàn máu đỏ, rung đập thương yêu, "hớn hở" mà dâng tặng anh chị em nghèo khổ của mình.

Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện nghĩa cử bác ái, người nhận tấm lòng vàng của chúng ta lại là chính Thượng Đế tối cao.

(Tu Viện Majella, Baldwin Park, CA, June 20, 2001)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.