Hôm nay,  

Trở Lại Tương Lai

19/12/200200:00:00(Xem: 3842)
Quyết định của Al Gore không ra tranh cử Tổng Thống vào năm 2004 đã gây sửng sốt. Tôi không ngạc nhiên và tán thành quyết định đó vì tôi thích tựa đề cuốn phim “Back To The Future”. Trở lại tương lai chớ không nên quay về quá khứ, chỉ nên nhìn về quá khứ để rút kinh nghiệm. Những kẻ ôm lấy quá khứ để sống đều mù trước hiện tại. Họ không có tương lai.
Al Gore nói ông không muốn chạy đua lại lần nữa với ông Bush, vì một cuộc đua như vậy tất phải chú trọng đến cuộc đấu đã qua năm 2000, trong khi mọi cuộc tranh cử đều phải nhìn đến tương lai. Điều đó rất đúng. Năm 2000, Al Gore đã hơn Bush nửa triệu phiếu của dân chúng, nhưng cuộc đếm phiếu đầy tranh cãi ở Florida rút cuộc đã khiến Tối cao Pháp viện biểu quyết bằng số thăm 5-4 cho ông Bush làm Tổng Thống. Nhiều người muốn quay về quá khứ, tin rằng nếu al Gore chạy đua lần nữa chắc chắn ông sẽ thắng Bush. Tôi không tin như vậy. Bởi vì tình thế ngày nay đã khác. Ông George W. Bush là vị Tổng Thống lên cầm quyền với tư thế yếu, nhưng sau vụ khủng bố tấn công ngày 11-9, ông đã trở thành một Tổng Thống mạnh. Ít có một vị Tổng Thống ở nhiệm kỳ đầu có mức được lòng dân cao như ông Bush ngày nay. Chính những người không bầu cho ông Bush, nay cũng thấy ngỡ ngàng. Nếu bây giờ lại có cuộc đấu Bush-Gore, họ sẽ chọn ông Tổng Thống họ đã thấy được lòng dân hơn chọn một người họ chưa biết. Có người cho rằng “trong lúc dân chúng hoang mang, phần thắng vẫn về phần người nói lớn mà sai, phần thua về nguời nói nhỏ mà đúng”. Câu nói này có lẽ để an ủi đảng Dân Chủ đã thất bại trong cuộc bầu cử Lập pháp năm nay.
Sau khi ông Al Gore rút lui, đảng Dân Chủ sẽ chọn ai ra tranh cử Tổng Thống năm 2004" Thật khó nói, vì đảng Dân Chủ chưa có người lãnh đạo giỏi. Sự thất bại cay đắng của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm nay đã cho thấy sự thật đó. Đảng Cộng Hòa thắng là nhờ Tổng Thống Bush. Sau ngày lễ Lao Động 2-9, Bush đã dốc toàn lực ra giúp các ứng cử viên của đảng ông bằng chiến lược đánh trống mở cờ rầm rộ đánh khủng bố, đánh Iraq và đánh lạc hướng luôn dư luận để cử tri khỏi nghĩ đến tình hình kinh tế. Trước chiến lược đó, các nhà lãnh đạo Dân Chủ không có chiến lược nào nhất quán đối lại, họ lúng túng trước vấn đề phải làm thế nào một mặt tỏ ra chống khủng bố đến cùng, một mặt tố cáo những sai lầm của Cộng hòa trong các lãnh vực kinh tế và ngoại giao, nhưng hai mục tiêu này có khi lại nghịch nhau. Nếu đảng Dân Chủ lúc đó cũng đánh trống mở cờ chống khủng bố là tiếp tay cho uy thế của Tổng Thống Bush hay sao" Tôi không nghĩ thế, vì việc chống khủng bố có hai mặt: phòng ngừa và đánh trả. Đảng Dân Chủ có thể đề cao ưu tiên số 1 là “cứu nguy kinh tế” đi liền “phòng ngừa khủng bố”, bởi vì hai mục tiêu đó quện với nhau thành một, vì khủng bố nhằm đánh kinh tế Mỹ nên phải dốc toàn lực đề phòng về nội an. Sau trận đánh Afghanistan, mọi cuộc tấn công trả đũa hay báo thù có thể chờ vì đó là ưu tiên số 2.

Bây giờ nếu đảng Dân Chủ không có lãnh đạo giỏi, họ sẽ thua cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2004 chăng" Lúc này còn quá sớm để khẳng định như vậy. Ở đây có một bài học quá khứ cần phải nhìn lại. Tổng Thống Bush cha năm 1991 có mức được lòng dân lên rất cao sau khi thắng trận Bão Sa mạc đánh Iraq, lúc đó đảng Dân Chủ đã thấy nản lòng, nhiều nhân vật tên tuổi trong đảng không muốn ra ứng cử vì chỉ sợ lãnh thất bại, thành ra có một khoảng trống khiến một ông Thống đốc ít tên tuổi ở Arkansas là Bill Clinton lọt vào danh sách ứng cử. Rút cuộc Bill Clinton đã tạo sự bất ngờ vì đến cuối năm 1991 sự xuống dốc kinh tế đã làm ông Bush cha mất chức Tổng Thống.
Nhưng nếu đảng Dân Chủ biết nhìn lại quá khứ, Tổng Thống Bush ngày nay lại quên bài học những sai lầm của cha ông năm 1991 hay sao" Khi ông Bush cử một bộ tham mưu kinh tế hoàn toàn mới, ông đã bắt đầu tránh vết xe đổ trước khi quá muộn. Nhưng ông làm thế nào để cứu nguy kinh tế" Cố nhiên ông không thể quay mũi con tầu kinh tế để đi về hướng khác, bởi vì thay ngựa giữa giòng chỉ thất bại và không còn kịp. Ông Bush sẽ tiếp tục giảm thuế đồng thời tăng chi đến tối đa và nỗ lực giúp các đại doanh nghiệp kỹ nghệ phục hồi mau lẹ. Tuần này ông quyết định cho bố trí hệ thống lá chắn chống phi đạn bắt đầu từ năm 2004, một kế hoạch rất tốn kém, nhưng có thể tạo công ăn việc làm, hạ bớt mức thất nghiệp, lấy lại niềm tin của dân tiêu dùng, một chìa khóa then chốt để phục hồi kinh tế. Giảm thuế và tăng chi có nghĩa là ngân sách còn thâm thủng nặng hơn nữa, nhưng có sao" Ngân sách thiếu tiền thì cứ việc vay nợ quốc gia mà xài để hậu thế nai lưng ra trả. Ở đây có bài học kinh tế của Tổng Thống Ronald Reagan với chiến lược Chiến tranh các vì sao (Star Wars). Chiến lược đưa quốc phòng lên không gian với chi phí khổng lồ giữa lúc kinh tế Mỹ xuống dốc vào đầu thập niên 80 đã làm kinh tế Mỹ sống lại, nhưng với món nợ quốc gia chồng chất, phải chờ đến hơn 10 năm sau, một ông Tổng Thống Dân Chủ mới xóa nợ và tạo được dư thừa ngân sách.
Nhưng lịch sử chẳng bao giờ tái diễn. TT Reagan đương đầu với Liên Sô trong một cuộc chiến không bên nào trực tiếp lẩy cò nên gọi là chiến tranh lạnh. TT Bush ngày nay lâm vào một cuộc chiến tranh nóng vì bom đã nổ ngay trên đất Mỹ, trong khi bọn khủng bố chỉ có vài ngàn tên lặn chìm trong bóng tối, có dây mơ rễ má khắp nơi, rình rập với một thứ vũ khí chưa từng có trong lịch sử loài người: “bom tự sát”. Hãy trở lại tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.