Hôm nay,  

Lm Lý Nói Với Hải Ngoại: Vn Phải Tự Do, Hoặc Tôi Sẽ Chết

07/12/200000:00:00(Xem: 4421)
Lời mở đầu: Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền, 10 tháng 12 sắp tới, một số các đoàn thể thanh niên sinh viên Việt Nam tại hải ngoại đã khởi xướng một chiến dịch vận động đặc biệt kéo dài suốt tháng 12 mang tên “Tuổi Trẻ vì Tự Do Tôn Giáo” nhằm đưa những khát vọng nhân quyền chú trọng đến sự đòi hỏi cho tự do tôn giáo tại Việt Nam đến với thế giới.

Anh Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Liên Bang Úc Châu, đồng thời là đại diện của Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường, đã gọi điện thoại về giáo xứ Nguyệt Biều để hỏi thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý vào ngày 2/12/2000, và thực hiện cuộc phỏng vấn để tìm hiểu thêm về tình hình của giáo hội Công giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung. Mời quý vị cùng theo dõi cuộc phỏng vấn này.

NHTT: Xin kính chào cha Tađêô Phaxiô Nguyễn Văn Lý, chúng con là Nguyễn Hoàng Thanh Tâm thuộc Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Liên Bang Úc Châu. Xin kính chào Cha.

LM/NVL: Trước hết là tôi cũng xin kính gởi lời thăm tất cả anh em sinh viên hải ngoại và cũng qua anh em sinh viên thì tôi xin kính chào tất cả bà con cô bác thuộc mọi thành phần tôn giáo, không phân biệt Thiên Chúa Giáo, Công Giáo, hay Phật Giáo, hay Tin Lành. Tất cả cũng đều chung trong một niềm tin là cần phải có một tự do tư tưởng và tự do lương tâm để mỗi người có thể sống theo niềm tin của mình.

NHTT: Dạ vâng, thưa cha chúng con có nhận được tài liệu của cha gởi ra hải ngoại này liên quan đến giáo xứ Nguyệt Biều cũng như nhởng sự cấm bách về đạo công giáo cũng như là những tôn giáo nói chung tại Việt Nam. Xin cha có thể ngắn gọn cho các anh chị em thanh niên sinh viên ở hải ngoại được biết về tình hình của giáo xứ Nguyệt Biều cũng như Giáo hội công giáo tại Huế và tại Việt Nam như thế nào ạ"

LM/NVL: Vâng, cách đây 6 năm, vào dịp lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 24 tháng 11 năm 1994, tôi có viết một bản tuyên ngôn mười điểm mô tả tình hình tôn giáo tại Giáo hội Huế để như một bức tranh, qua đó giúp mọi người trên thế giới hiểu được tình hình tôn giáo của giáo hội Việt Nam và qua giáo hội Việt Nam, cũng hiểu được tình hình tôn giáo của tất cả các tôn giáo khác cũng đang bị giới hạn, ràng buộc như thế nào! Sau đó chính quyền cũng đã làm việc với tôi rất là gay gắt. Khi tôi làm như vậy thì tôi đã chấp nhận là sẽ ở tù chung thân hoặc với tất cả bản án nào.

Cũng xin thưa là tôi vừa mới trong trại tù ra (ngoài Hà Nội). Đã ở ngoài đó cũng vì đấu tranh cho tự do tôn giáo 10 năm, tôi được thả năm 1992, cho đến năm 1994 thì bất ngờ tôi làm cái tài liệu ấy. Tôi làm một mình và tôi đã gởi đi ngoại quốc kịp trước khi chính quyền phát hiện. Tôi cũng không có đường lối nào, cho nên cũng gởi qua đường dây bưu điện bình thường thôi, nhưng mà tôi có khấn hứa với các Thánh Tử Đạo Việt Nam là xin các ngài mang thông điệp đó và tuyên ngôn đó vượt qua đại dương giùm cho tôi. Đúng một tuần sau đài Chân Lý Á Châu đã đọc trên đài. Đúng vào ngày lễ các Thánh Tử Đạo năm đó là ngày 13 tháng 11, vì tôi tuy ký vào ngày 24 tháng 11 nhưng thật sự thì tôi đã gởi đi trước khoảng một vài tuần. Sau đó chính quyền thấy ảnh hưởng trên thế giới nó cũng lớn lao rồi, dư luận trong nước, ngoài nước cũng xôn xao thì chính quyền thấy không nên bắt tôi lại nữa.

Làm việc căng thẳng như vậy cũng năm tuần, sau đó chính quyền cho tôi nghỉ yên ở nhà chung. Sau đó ít lâu thì chính quyền tìm cách để đưa tôi đi một nơi nào đó, để ở nhà chung thì khách ngoại quốc vào ra nhiều quá. Bấy giờ chính quyền mới tung một cái tin là có 7 chủng sinh bị kẹt trong chủng viện 18 năm mà chưa được phong chức linh mục. Chính quyền tạo một cái tin dư luận bên ngoài là nếu tôi bằng lòng đi thì chính quyền cho 7 chủng sinh ấy thụ chức linh mục. Đứng trước một cái giá như vậy cũng là đẹp nên Tòa Giám Mục cũng khuyên tôi là nên chấp hành lịnh của chính quyền là đi đến ngôi nhà thờ nhỏ mà hiện giờ tôi đang ở đây, tức là giáo xứ Nguyệt Biều.

Giáo xứ này thì nhỏ lắm, không có nhà xứ mà chỉ có một ngôi nhà thờ, đàng cuối nhà thờ có phòng mặc áo lễ thì chính quyền muốn tôi về ở đó. Thật sự chính quyền không đem tôi đi được nhưng mà phải tạo dư luận như vậy để Tòa giám mục khuyên tôi đi. Trước khi đi thì tôi có tuyên bố với chính quyền rằng:

“Chính quyền khỏi phải quan tâm theo dõi làm gì vì ở đây tôi đấu tranh là công khai. Tôi sẽ nghỉ từ 3 đến 5 năm để quan sát xem đất nước này chuyển biến thế nào! Nếu nó chuyển biến theo cái hướng càng ngày càng dân chủ thì tôi sẽ vui mừng với đất nước. Nhưng nếu như nó chuyển hướng theo càng ngày càng trói buộc hơn, mất dân chủ hơn, mất tự do hơn, hoặc là tình hình tồi tệ y như trước thì tôi sẽ trở lại cuộc chiến này cho đến khi dành được tự do tôn giáo và tự do lương tâm cho cả nước, và cuộc chiến này tôi sẽ không rời bỏ cho đến khi hoặc là Việt Nam có được tự do như các nước văn minh trên thế giới, hoặc là tôi phải chết.”

Tôi lên đây tự học vi tính (computer), rồi tôi bắt đầu dạy cho học sinh, sinh viên nghèo chung quanh vùng. Tôi cũng dạy thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, nhạc nữa. Giáo xứ này nằm trong một cái xã đến chín nghìn dân và số tỷ lệ giáo hữu chỉ khoảng hơn một phần trăm thôi, vì chỉ hơn một trăm giáo hữu trên chín ngàn dân. Số học sinh đến đây học hơn chín mươi tám phần trăm là lương dân rồi. Chúng tôi cũng ở với nhau rất là vui vẻ.

Nay đến dịp kỷ niệm sáu năm bản tuyên ngôn đó, 24 tháng 11 vừa rồi tôi cũng có ý định kỷ niệm sáu năm bản tuyên ngôn của mình để tổng kết lại tình hình của giáo hội, nhưng mà bà con bạn bè ở bên Mỹ họ lại kỷ niệm trước bằng cách là họ gởi cho nhau, thì họ gởi lại cho tôi chứ thật sự chính tôi cũng không có cái bản văn đó nữa. Sau khi tôi đã viết xong thì bản văn đó đã được lưu hành nhiều nơi và số bạn bè đến xin cũng quá nhiều cho nên tôi cũng không còn, mà còn bao nhiêu thì cũng bị tịch thu hết, đốt hết. Nhưng anh em từ bên Mỹ họ đã gởi cho nhau và họ cũng đã gởi về lại cho tôi thì tôi chú thích thêm và tôi ký tên, đóng dấu để kỷ niệm sáu năm ngày mình viết tuyên ngôn. Và nay tình hình tôn giáo của giáo hội Việt Nam cũng chưa khấm khá hơn, do đó tôi muốn mô tả lại tình hình này cho quốc nội, quốc ngoại biết. Nhưng lần này tôi không phổ biến cho quốc nội nhiều. Lý do là vì nó đông đảo ồn ào. Rồi thì cũng mất nhiều thời giờ để giải thích, cho nên tôi biết bây giờ thì cũng có nhiều phương tiện hơn rồi, cho nên bà con trong nước dần dần rồi cũng có hết thôi, tôi khỏi phải mất công phổ biến. Cần nhất là bà con nước ở ngoài đã có, đã biết là tự nhiên là nó lây lan ra thôi.

NHTT: Dạ đúng thưa Cha. Nhân đây xin cha cho biết tình hình giáo xứ Nguyệt Biều hiện nay ra sao, nhất là những tin tức chính quyền Việt Nam hiện nay đang chiếm đoạt khu vực đất đai của nhà xứ cũng như là của nhà thờ"

LM/NVL: Giáo xứ Nguyệt Biều là một giáo xứ nhỏ tuy nhiên khá nhiều đất. Sau năm 75 nhà nước đã trưng thu hết mười nghìn (10,000) mét vuông ruộng ở bên ngoài, rồi thêm ba nghìn (3000) mét vuông đất khô. Riêng cái khuôn viên của nhà thờ, nhà nước có trưng thu thêm một nghìn chín trăm (1900) mét vuông nữa. Và rồi chiếm đoạt thêm khoảng hai trăm (200) mét vuông để làm mương thủy lợi chảy băng qua nhà thờ. Bây giờ giáo dân ở đó thì ít, và làm một họ nhánh của giáo xứ Phường Đúc, cách xa đó hai ki ô mét rưởi, cho nên không có ai binh vực. Các xã nông nghiệp đã cưỡng chiếm một cách thô bạo, bằng cách là giáo dân đang chia nhau canh tác trên miếng đất ấy. Mỗi gia đình một vài vòng khoai, luống bắp, hoặc là đậu. Một ngày kia, người ta đến người ta tự ý đến phá đi, rồi đem nộp vào cho hợp tác xã, và nói rằng sẽ chia mười lăm phần trăm (15%) huê lợi mỗi năm. Năm đầu tiên có chia như vậy thật, rồi bắt đầu từ năm thứ hai thì không còn chia nữa. Dần dần hợp tác xã chia cho các xã viên khác trong làng. Rồi mới đây thì định cấp thẻ đỏ, tức là thẻ chủ quyền cho các xã viên đó với thời hạn là hai mươi năm.

Giáo xứ Nguyệt Biều hiện nay cũng đang trên đường phát triển do tôi ở đây tôi dạy học sinh. Rồi thì dân chúng trong vùng cũng muốn học giáo lý. Khi tôi về đây giáo xứ có mười sáu đơn vị gia đình. Và hiện nay thì giáo xứ đã lên được năm mươi đơn vị gia đình. Đơn vị gia đình có nghĩa là trong nhà có thể có một em học sinh hoặc mới chỉ có một người lớn xin theo học giáo lý nhưng mà cái nhà đó thì chúng tôi cũng coi như là gia đình đó thuộc Kitô hữu, thì hiện giờ có khoảng năm chục gia đình như vậy. Nếu như vậy, cái ngôi nhà thờ này nó chật, không thể sinh hoạt được cho nên cũng có cái ý hướng là sẽ xin sửa lại hoặc nâng cấp làm sao đó. Nó ở vùng thấp lụt nên thành ra khi nào có lụt to như năm ngoái thì nước trong nhà thờ cao lên đến 1.6 mét. Nó bất tiện nhiều chuyện lắm, máy móc nó hư hết. Nhưng thể lần này hợp tác xã đúc bê tông con mương thủy lợi chạy băng qua nhà thờ, tôi thấy tình hình này rất là nghiêm trọng bởi vì khi đã đúc bê tông, con mương rồi thì sau này khó chuyển đổi lắm. Cho nên với tư cách là một tín hữu thôi, tôi đứng ra tôi cản ngăn để bảo vệ tài sản của giáo hội và tôi nói với hợp tác xã rằng hợp tác xã muốn đúc thì cũng phải để bàn bạc lại với giáo xứ sao cho hợp tình hợp lý. Chứ còn không thể nào cưỡng chiếm, cưỡng đoạt bất công như xưa nay vậy được.

Giáo xứ này có một cha quản xứ ở Phường Đúc, người là thành viên trong hội đồng nhân dân tỉnh và là thành viên trong ủy ban mặt trận tỉnh. Người cũng đứng ra để xin lại mảnh đất này cho giáo xứ nhưng mà chính quyền tìm cách nói chuyện với ngài. Ngài cũng đã quen với họ cho nên cái cuộc đối thoại cũng đỡ khó khăn. Ngài khó mà cứng rắn với họ. Rồi họ cứ gặp người thì người đâm ra mệt mõi. Cho nên tôi mới bàn với người rằng để cho người được yên, thì tôi với tư cách là một giáo hữu thôi, tôi sẽ đứng chung với giáo hữu để đòi lại đất này.

NHTT: Thưa cha tình hình giáo xứ Nguyệt Biều có đòi lại được cái mảnh đất đó hay không" Hay là trong tương lai gần sẽ dẫn đến sự kiện đối đầu với nhà cầm quyền hiện nay"

LM/NVL: Hiện giờ thì đang căng lắm, tức là thật sự thì chính quyền cũng khó hiểu lắm. Rất nhiều bộ phận mâu thuẫn lẫn nhau. Có những bộ phận như cơ quan công an thì muốn làm êm, nhưng bên hành chánh, tức là bên Ủy Ban Nhân Dân thì lại muốn làm căng. Họ đã đứng ra thương thuyết, nhờ người trung gian để có thể tìm một giải pháp cho thật êm đẹp bằng cách đổi đất sở hữu cho một vài giáo dân nào đó, rồi các giáo dân đó nhường lại cho giáo xứ. Nhưng những giải pháp đó, giáo dân thấy nó quanh co và không ngay thẳng. Có một buổi họp quan trọng của toàn thể giáo hữu ở trong nhà thờ, với một vị đại diện của chính quyền tham dự để chứng kiến. Lần đó giáo dân phát biểu rất là sôi nổi và thẳng thắn. Những người đàn bà nhà quê nghèo nàn, ít học, họ lại chọn cái con đường chính quyền đã làm sai, áp bức thì nay xin chính quyền sửa và trả lại đất chứ họ không muốn đổi chát quanh co làm gì.

Bởi vì đổi như vậy thì cũng vẫn nằm trong tay của hợp tác xã, họ cũng chỉ được chủ quyền hai mươi năm, sau đó lại thuộc về hợp tác xã lại. Đã phân tích rất nhiều về mọi phương pháp, nhưng cuối cùng khi biểu quyết thì số giáo dân muốn được trả lại một cách vô điều kiện là chiếm đa số. Khi biểu quyết thì mười một người tán thành cái giải pháp ôn hoà tức là quanh co đó, nhưng mà đến ba mươi người xin giải pháp chính quyền đã sai, thì của César thì trả cho César mà của thiên chúa thì trả cho thiên chúa chứ không có đổi chác. Cuối cùng cái cuộc đối thoại đó nó bất thành thì giáo dân vẫn tiếp tục canh tác. Nhưng sau đó có một người trung gian để cho giáo dân làm một đề nghị, trong đề nghị đó thì giáo dân cũng kể số đất của mình bị trưng thu là quá nhiều, lên đến như thế là mười ba nghìn (13,000) mét vuông, và nay mình xin lại chỉ có một nghìn chín trăm (1900). Thật sự nếu kể cả một nghìn chín trăm đó thì nhà nước đang quản lý của giáo xứ lên đến mười lăm nghìn (15,000) mét vuông, mình xin lại như vậy là một nghìn chín trăm thôi. Rồi trong đó giáo dân cũng xin đổi thêm một đôi chút đất để có đất thổ cư cho giáo hữu nghèo.

Nhưng mà lần này thì chính quyền bác hẳn và đang mở một chiến dịch bố ráp giáo hữu. Tất cả những giáo hữu nào dự tòng, tân tòng thì được chính quyền đến thăm hạch sách, bắt trả lời lý do vì sao mà theo đạo, rồi khuyên giáo dân đừng lui tới nhà thờ nữa. Các em học sinh của các trường trung học thì bị gởi giấy buộc các giáo viên chủ nhiệm răn đe các em không được tích cực như thế và sẽ không cho thi, không cho học. Rồi một số các em học sinh thì đã thi học đại học, đang học thêm thì được gọi đi nhập ngũ. Một số giáo hữu đã lâu đời trốn quân, đào ngủ mười chín hai mươi năm nay cũng bị triệu tập để cưỡng bức lao động. Một số giáo hữu đang làm việc công nhân ở một số xí nghiệp cũng bị đe dọa, có thể bị nghỉ việc.

NHTT: Với tư cách một vị linh mục cùng với các giáo dân của giáo xứ Nguyệt Biều sẽ có những hành động nào trong thời gian ngắn sắp đến để sớm dành lại một số các quyền hạn và một số đất đai của giáo cứ Nguyệt Biều mà nhà nước đã trưng thu"

LM/NVL: Chúng tôi thì theo thông báo nhà nước là ngày thứ hai tới đây thì sẽ tiếp tục gieo hạt giống lên trên mảnh đất đã thu hồi. Chúng tôi thu hồi bằng cách là tự động ra cuốc. Chính quyền nói rằng làm như vậy là sai, bởi vì hợp tác xã chưa trả lại mà đất là của các xã viên khác, mình cuốc như thế coi như là cướp đoạt của người ta. Chúng tôi có trả lời rằng đất của chúng tôi thì chúng tôi cuốc, và chúng tôi có sai một điều nhỏ là hợp tác xã chưa cho pháp mà chúng tôi vẫn cuốc. Nhưng chúng tôi chấp nhận sai một điều nhỏ để tố cáo một điều sai to hơn của chính quyền cách đây gần 25 năm. Chính quyền đã cưỡng đoạt cái tài sản đó một cách thô bạo. Nằm trong khoảng đất khuôn viên nhà thờ có một cái nguyên tắc, có quyết định số 201 là đất nào nằm trong khuôn viên nhà thờ, nhà chùa thì để yên chớ không có đưa vào hợp tác xã.

Cho nên vì vậy mà ở Huế có một số nhà thờ, có một số nhà chùa có khuôn viên rộng gấp nhiều lần Nguyệt Biều mà không hề bị đụng đến là bởi vì các nhà thờ ấy, các chùa ấy có linh mục hoặc có các đại đức, thượng tọa ở cho nên họ tôn trọng. Còn giáo xứ này nhỏ, giáo dân nghèo và côi cút cho nên đã bị ăn hiếp như thế. Nay tôi giải thích cho giáo hữu và muốn chính quyền sửa lại cái điều này để cho giáo xứ có một chút ruộng canh tác, hầu có thể trang trải cái phần hoa đèn của bàn thờ vì giáo xứ nghèo lắm mà mỗi một tuần lễ, giáo dân đóng góp vào trong tiền dâng lễ không đủ để trả tiền điện, bây giờ như muốn có thay một cái bóng đèn, bị đứt cái dây thì thường chính tôi phải bỏ tiền ra lo cho nhà thờ chứ thật ra giáo xứ không có.

Nhà nước có chừa lại cho nhà thờ một mảnh đất quá nhỏ, chỉ trồng được mấy luống rau muống, họ lấy đất đào xuống thành một cái ao sát nhà thờ, lấy đất đó để làm mương thủy lợi. Cái ao đó để lại thêm bất tiện cho giáo xứ nữa, tức là họ lấy đất của giáo xứ mà đào ao. Sau khi đã lấy đất của giáo xứ để làm ruộng rồi thì còn lại lấn chiếm thêm một phần nữa để làm ao, để lấy đất đắp cho thủy lợi. Cái ao đó trở nên ô nhục quá, bày tỏ một cái thái độ quá áp bức và cưỡng quyền. Bây giờ cái hướng trước mắt thì chúng tôi là những người đang bị đàn áp và mình có bổn phận như trẻ con vậy thôi, mình bị đánh thì mình khóc, người ta đánh mình thì mình vẫn tiếp tục làm bổn phận của mình cho nên mình vẫn cứ canh tác trên mảnh đất đó như thường. Còn phương pháp để tiếp tục trong nhởng ngày tới làm sao cho êm đẹp thì điều này nó nằm trong thẩm quyền của chính quyền.

Chính quyền cao cấp họ phải suy nghĩ làm sao đó, chứ còn khi một người đã độc tài, áp bức đối xử với một trẻ em thì nhà độc tài cứ vẫn phải thua thôi. Bởi vì trẻ em nó cứ ngồi nó khóc rồi nó lẩy, rồi bảo nó đi ăn cơm nó không ăn, rồi bảo nó đi học nó không đi, rồi bảo nó ngủ nó không ngủ, nó cảm thấy bị đối xử bất công thì nó khóc lóc như vậy. Tôi nghĩ rằng phụ huynh nào có độc đoán đến mấy cũng thua đứa con nít đó thôi. Chúng tôi xin làm cái đứa con nít đó trước mặt chính quyền này.

NHTT: Thưa cha đó là nói về giáo xứ Nguyệt Biều. Nói về cá nhân cha thì từ năm 1975 cha đã bị đi tù hai lần, và một lần là 10 năm tại miền Bắc. Thưa cha cho biết tình hình nhà cầm quyền hiện nay đối với cá nhân cha như thế nào, với nhởng sinh hoạt đấu tranh đòi hỏi tự do tôn giáo hiện nay của Cha"

LM/NVL: Vâng, sau khi tôi đã viết cái bản tuyên ngôn mười điểm đó thì chính quyền có suy nghĩ, và có giải thích với tôi rằng chính quyền cố gắng để nới lỏng tôn giáo từ từ theo những cái điều tôi đã nêu lên. Nhưng mà không thể nào nới lỏng ngay một lúc được. Sự thật chính quyền vẫn cứ trước sau như một, thế thôi. Trong những cái bản văn chính thức của các lớp thì vẫn coi tôn giáo là thuốc phiện, vẫn coi tôn giáo là bệnh. Rồi vẫn khuyến cáo các đoàn viên không nên có tín ngưởng, không nên đi nhà thờ, chứ thấy thái độ thì cũng không có cái gì là thay đổi cả. Sự ràng buộc lớn nhất mà tôi thấy được, như tôi đã viết trong bản tuyên ngôn, đó là sự ràng buộc về nhân sự.

Tôi có so sánh rằng trong 261 năm bắt đạo dưới thời Tây Sơn Cảnh Thịnh cho đến thời Văn Thân thì các đức giám mục bị giết phải sống chui. Rồi các linh mục cũng bị bắt bị giết. Nhưng những quyền thiêng liêng nhất của giáo hội, những quyền cốt lõi nhất để cho một tổ chức được phát triển: đó là quyền tuyển chọn và phong chức giám mục, bổ nhiệm giám mục, quyền đào tạo và phong chức linh mục và bổ nhiệm linh mục, quyền đào tạo các tu sĩ nam nở. Thời đó tuy bị bắt bớ và bị giết chết nhưng quyền ấy thật sự giáo hội không mất vì giáo hội làm chui. Còn nay trong hoàn cảnh này, tuy mang tiếng tự do nhưng các quyền ấy bị mất hết rồi. Chúng tôi đã phân tích như vậy rất rõ trong bản tuyên ngôn ấy để cho người nào có một cái ảo tưởng về các nền tự do giả tạo ở Việt Nam thì phải thấy rõ.

Sự thật chính quyền đã nắm về cái vấn đề nhân sự ấy, cho nên các phái đoàn của Vatican mỗi lần qua thương thuyết để bổ nhiệm một vị giám mục thì ở trong cái tình thế rất yếu. Không nói chuyện được, không xoay xở được, đành phải chọn những giải pháp do chính quyền áp đặt thôi. Tôi có so sánh với các cán bộ khi lấy cung tôi rằng: nếu như có một đảng cộng sản đang được hoạt động, nhưng nay có một đảng khác thì buộc mỗi mỗi lần tìm đảng viên thì phải xin phép, giở tìm lý lịch và khi đảng viên đó tuyên hứa thì phải được đảng kia cho phép, rồi khi bổ nhiệm đảng viên đó, đi nhận một nhiệm vụ nào đó thì cũng phải có một đảng kia, đảng khác bằng lòng cho phép đã, thì liệu đảng CSVN có tự do hoạt động được không" Giáo hội Công giáo nói riêng, và các giáo hội của các tôn giáo khác nói chung ở Việt Nam cũng đang bị như thế thì làm sao lại gọi là tự do được, nhưng mà họ lại nói với tôi thế này: không thể so sánh như thế được, bởi vì đảng là lãnh đạo trên hết, còn các tôn giáo chỉ là những bộ phận nhỏ phải bị kiểm soát, điều đó đối với họ là chính đáng và cần thiết.

Vả lại trong quan niệm của người cộng sản Việt Nam coi các tôn giáo không phải là sự cần thiết cho xã hội, nó không nằm trong bộ phận phát triển tinh thần hay văn hóa mà trong nhởng các bản báo cáo đọc của các đại hội đảng thì các tôn giáo luôn luôn được đề cập trong các mục an ninh của quốc gia. Tức là các tôn giáo là mầm mống gây tai hại cho đất nước. Các quan niệm như vậy nó có từ trong văn bản chính thức. Cũng chính vì vậy các tôn giáo đuợc đặt trong sự quản lý của cục an ninh trung ương, nó được đặt dưới sự giám sát của một cơ quan, gọi là cơ quan phản gián. Có khi nó mang một số các tín hiệu phòng T14, phòng T16, phòng T18, phòng T gì đi nữa thì thật sự cũng nằm trong cục phản gián. Như vậy là tất cả các linh mục, các đại đức, các thượng tọa, các tăng ni, các chức sắc của các tôn giáo đều được giám sát trong cục an ninh hết chứ không phải là những công dân bình thường. Chính vì các quan niệm như vậy thì các tôn giáo làm sao các tôn giáo tự do hoạt động được.

Còn bây giờ chính bản thân tôi, chính quyền thấy bắt bớ tôi cũng nhiều lần mà tôi không sợ, tôi ở trong nhà tù mà tôi vẫn làm lễ, tôi vẫn dạy giáo lý. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã ở tù 30 năm, mà quý vị cũng có biết đó, là đã học giáo lý với tôi hơn một năm trời và theo sự tiên liệu của tôi thì nhà thơ đó sẽ được trục xuất, sẽ được bảo lãnh, thì qua bên kia tôi sẽ tìm cách xin Đức Giáo Hoàng rửa tội cho ông. Ông qua bên kia thì ông cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Ông mới gọi điện thoại về cho tôi đây. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm mới gọi điện thoại lại đó, thì tôi cũng xác nhận ông ta là Nguyễn Chí Thiện thật chứ không phải là giả. Thì tương lai chắc ông ta cũng tiến hành cái việc gia nhập Kitô giáo. Nhưng mà đó, tôi vẫn dạy được cái giáo lý, tôi vẫn làm được các điều tôi muốn ở trong nhà tù. Nhưng mà đó là sự đề kháng của tôi thôi.

NHTT: Thưa Cha trong nhiều cái sinh hoạt của chúng con tại hải ngoại này, các anh chị em thanh niên sinh viên thuộc rất là nhiều các đoàn thể, từ Tổng Hội Sinh Viên tại Úc châu cho đến các Mạng Lưới Thắp Sáng Niềm Tin ở California, phong trào Tuổi Trẻ Dấn Thân ở California cũng như các phong trào khác tại Washington, tại Âu châu v.v. cũng sinh hoạt tuổi trẻ qua Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường đã cùng chọn tháng 12 năm 2000 để làm thời điểm đấu tranh đòi hỏi tự do tôn giáo cho quê hương Việt Nam, thì Cha nghĩ như thế nào về các sinh hoạt của anh chị em trẻ trong vấn đề đòi hỏi tự do tôn giáo này"

LM/NVL: Thường thì tôi không đủ các điều kiện để biết hết các hoạt động của các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới cho Việt Nam, nhưng mà tôi cũng có biết một cách chung chung là các bạn đang hoạt động rất tích cực. Có những tổ chức càng ngày càng năng động, bao gồm nhiều bạn trẻ nhiệt tình và năng nổ. Và gần đây tôi cũng được biết các vị lớn tuổi hơn, các bậc đàn anh của chúng ta, họp nhau ở Paris và họ ra một cái hiến chương 2000. Khi họ ra hiến chương 2000 đó họ có gởi về cho tôi và lần đầu tiên tôi đọc thấy một công trình nghiên cứu có tính khoa học. Tôi có gởi thư khen gợi cái hiến chương đó. Tôi nói rằng tôi rất sung sướng được đọc hiến chương đó. Các hoạt động của các bạn khắp nơi trên thế giới tìm cách đấu tranh cho Việt Nam có tự do tôn giáo và có tự do nói chung về mọi mặt. Tôi nghĩ rằng nó cũng nằm chung trong cái cao trào của bà con tại hải ngoại có tâm huyết đang muốn cho đất nước của chúng ta được sớm thay đổi.

Trong nước, mới đây cũng có bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một người cũng ở tù 20 năm nhưng vẫn kiên trì đấu tranh không mệt mỏi. Lần này ông công khai thành lập một cái ủy ban, một cái tổ chức để đối lập với đảng Cộng Sản Việt Nam để đòi hỏi đảng CSVN phải thay đổi chính sách lãnh đạo đất nước, chia sẻ cái quyền lãnh đạo này cho nhiều người bằng con đường phổ thông đầu phiếu, bằng con đường lấy tài đức của mình để chứng minh cái khả năng lãnh đạo của mình cho đất nước. Tôi thấy ông đã thiết lập như vậy thì chứng tỏ rằng có lẽ trong nước hay ngoài nước gì thì vào thời điểm này chắc sinh hoạt của các bạn cũng đi vào cái cao trào chung bà con đồng bào Việt Nam trong nước, ngoài nước. Tất cả điều đó làm cho tôi rất là phấn khởi.
Tôi cũng hòa vào cái nhịp sống, nhịp thở đó của các bạn và các quý vị có thiện chí như thế, có nhiệt tình như thế khắp nơi trên thế giới. Nhưng mà vì tôi không phải là một nhà chính trị, tôi không mưu lược, tôi cũng không thăm dò được tin tức, tôi cũng không có chiến lược, chiến thuật, mà tôi chỉ có lời cầu nguyện và sự hy sinh.

Tôi là một linh mục thuần túy, là ngôn sứ của thiên chúa, một tiên tri của thiên chúa, cho nên sau khi tôi cầu nguyện, tôi dâng lễ sốt sắn, tôi thấy việc gì cần làm thì tôi làm, có tính cách tương tự hao hao như Êlia, như Giêrêmia, như Môsê nhưng thật sự thì tôi không tham gia được trong tất cả các lãnh vực như là một chuyên viên chính trị, văn hóa, kinh tế gì được. Nhưng riêng mặt trận đòi cho được tự do tôn giáo, nó cũng hoà vào cái nhịp đòi lại cái quyền tự do nhân chủ cho toàn đất nước Việt Nam, mà trong đó thì chắc chắn có sự đóng góp rất tích cực của các bạn trẻ.

Nay qua tổng hội sinh viên ở Úc tôi biết được là các bạn chọn tháng 12 để dấn thân hoạt động, tôi xin chúc mừng và cũng xin thiên chúa chúc lành cho các nguyện vọng chính đáng đó của các bạn, chúc lành cho tất cả các hoạt động càng ngày càng có kết quả của các bạn.

NHTT: Thưa cha, thay mặt cho các anh em trong Tổng Hội Sinh Viên Úc Châu cũng như rất nhiều anh chị em thanh niên sinh viên khác thuộc nhiều hội đoàn trẻ khắp nơi trên thế giới, chúng con cám ơn Cha đã dành cho chúng con vài mươi phút vừa qua để nói lên cái tinh thần tôn giáo bị bách hại tại quê nhà.

LM/NVL: Vâng, tôi xin cám ơn tất cả, nguyện vọng của tôi là cũng mong ước được các bạn theo dõi, hỗ trợ bằng những cuộc phỏng vấn như thế này thì rất là hữu ích. Nếu được trong nhởng ngày tới, thỉnh thoảng khi nào sắp xếp chương trình, các bạn lại gọi điện thoại cho tôi như thế này thì tôi rất là vui. Có sự hỗ trợ của các bạn thì may ra chúng tôi có thêm lên một chút hậu thuẫn gì chăng!

NHTT: Thưa cha, cuộc phỏng vấn này chúng con xin đăng tải lên trang web điện tử của Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường

LM/NVL: Xin cám ơn nhiều, các bạn có đọc trong cái bản tuyên ngôn đó cũng có cái địa chỉ email của tôi thì xin các bạn gởi cho tôi một cái điện thư trong đó cho tôi cái địa chỉ của trang web ấy. Nói trong điện thoại thì tôi cũng không nhớ hết mà vào trang Web ấy được. Thật ra ở bên này nhiều khi cũng bị kiểm soát, nhiều khi có trang web hay điện thư cũng không dễ dàng nhận được.

Nhưng chúng ta cứ sử dụng, sử dụng cho đến khi nào không liên lạc được thì thôi. Còn bản thân tôi thì hiện giờ nhà nước không cho tòa...

(Bản văn bất ngờ bị gián đoạn nơi đây. Việt Báo trân trọng cảm ơn TinVietNews đã gửi bản đánh máy này.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.