Hôm nay,  

Nó Sợ Cái Gì Nhất?

28/12/200200:00:00(Xem: 4146)
Sau vụ xử ông Nguyễn Khắc Toàn 12 năm tù về tội “làm gián điệp”, tuần này CSVN lại kết án 8 người Thượng ở Cao Nguyên Trung phần từ 10 đến 8 năm tù về tội “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia” liên quan đến những hoạt động của họ trong vụ nổi dậy của các sắc tộc Thượng hồi tháng 2 năm 2001. Hồi tháng 10 một số người Thượng cũng đã bị kết án tù, nhưng vụ xử 8 nguời tuần này có những bản án nặng nhất. Vào dịp cuối năm 2002, đảng CSVN đang gia tăng đàn áp những phong trào chống dối ở trong nước.
Hồi tháng 11, CSVN đã xử luật gia Lê Chí Quang 4 năm tù, 3 năm quản thúc về tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Vụ án này đã gây phẫn nộ trong dư luận cộng đồng người Việt hải ngoại và sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức Nhân quyền trên thế giới. Nhưng án phạt này còn là nhẹ so với bản án ông Nguyễn Khắc Toàn phải chịu. Ở một nước như Việt Nam ngày nay, mọi sự phê phán xử án bất công cũng bằng thừa, vì có công lý đâu mà phê phán. Tất cả chỉ là hành động của một chế độ Công an trị, luật pháp tùy nghi suy diễn, tội trạng tùy thời chụp mũ, cho đến các nguyên tắc thông thường của luật pháp về thủ tục tố tụng cũng bị Tòa án chà đạp trắng trợn như làm trò hề trên sân khấu. Dù vậy sự nặng nhẹ khác nhau của hai bản án cũng là điều đáng chú ý.
Có thể trong vụ án ông Lê Chí Quang, cái gọi là Tòa án của mấy anh Cộng sản đã buộc lòng phải xử nhẹ để che lấp sự vụng về thô kệch của bản cáo trạng phường chèo mà một nhân vật nổi tiếng trong nước là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã vạch ra cho dư luận thế giới bên ngoài thấy rõ. Nhưng tội danh chụp vào đầu Nguyễn Khắc Toàn là một tội rất nặng. Đó là tội “làm gián điệp”, có thể bị phạt từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hay tử hình. Làm gián điệp có nghĩa là lấy những tin tức giữ kín của Cộng sản, như bí mật an ninh quốc phòng, bí mật trong nội bộ đảng hay cả những “bí mật” kinh tế để thông báo cho một nước nào đó. Nhưng Nguyễn Khắc Toàn đã lấy những bí mật gì và thông báo cho nước nào, không thấy nói đến trong cáo trạng. Theo tin tức trong nước, người ta biết Nguyễn Khắc Toàn sinh năm 1955 ở Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân Sư phạm, và là bộ đội CS từ 1972 đến 1976 ở mặt trận miền Nam. Mặc dù là cựu chiến binh trong một giai đoạn quan trọng nhất của quân đội miền Bắc đánh chiếm miền Nam, trong những năm gần đây ông đã viết nhiều bài nói về những bất công xã hội, những tư tưởng đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền. Đầu năm nay ông đã bị công an bắt trong khi đang làm việc trong một quán cà-phê Internet tại Hà Nội. Chỉ có như vậy mà bị buộc vào tội “làm gián điệp” để có thể dọa đem xử bắn thì quả là một sự khủng bố tàn bạo hết chỗ nói.

Mặt khác người ta cũng có thể cho rằng vì Cộng sản quá sợ nên nhìn đâu cũng thấy “gián điệp”. Nhưng nếu cho rằng Hà Nội sợ gián điệp vào lúc này cũng là chuyện khôi hài. Bởi vì ngày nay CSVN còn có bí mật gì đáng để người ta “làm gián điệp”" Hà Nội đã mở toang cửa đón đủ mọi loại người nước ngoài đến du lịch, làm kinh doanh để kiếm đô-la, đồng thời xuất cảng công nhân, chạy đua trao đổi văn hóa mới, kể cả thi hoa hậu Thế giới để quảng cáo hội nhập với thế giới, làm sao ngăn được con mắt của người ngoài nhìn vào trong nhà" Đến cái chổi cùn rế rách trong bếp thiên hạ cũng thấy, nếu Cộng sản có điều gì muốn ém nhẹm cho đỡ thẹn thì cũng đã bị toạc móng heo cả rồi. Tình báo bên ngoài đã nằm trong nội bộ cấp cao của đảng từ lâu, nó chẳng cần phải mướn ngoại vi làm chi cho mất công.
Cộng sản không sợ gián điệp, nó sợ một cái khác có nguy cơ làm bể đảng trong máu. Đó là những cuộc biểu tình quần chúng gây hỗn loạn. Giữa lúc tình hình thế giới đang biến chuyển vì nạn khủng bố, Hà Nội nuôi hy vọng tạo ra hình ảnh một nước yên lành để hấp dẫn du khách và đầu tư. Trong bản cáo trạng, Nguyễn Khắc Toàn bị kết nhiều tội, tội làm gián điệp chỉ là “diện” để dằn mặt những người dùng Internet nói chung, còn “điểm” chĩa vào chỗ khác. Đó là tội “xúi giục dân chúng biểu tình”. Hồi cuối năm ngoái, có phong trào dân chúng biểu tình chống tham nhũng, chống nạn cướp ruộng đất của nông dân lấy đất cho nước ngoài thuê xây dựng nhà máy, dân biểu tình đã kéo đến trụ sở đảng và bao vây nhà của Thủ tướng Phan Văn Khải để đưa kiến nghị. Nhà cầm quyền Hà Nội không dám dùng vũ lực giải tán những cuộc biểu tình đó, tức là đã mặc nhiên cho phép. Nguyễn Khắc Toàn không xúi giục biểu tình, nhưng là người tranh đấu cho dân chủ, ông có cảm tình với một hình thức đấu tranh ôn hòa, bất bạo động mà bề ngoài nhà nước cũng không thể thẳng tay đàn áp. Bởi vậy ông đã đến gặp những người nông dân biểu tình ngồi trên vỉa hè đường phố, trò chuyện với họ để an ủi và có thể đã giúp đỡ thực phẩm hay chút tiền bạc cho những người dân đáng thương, bị đói nhiều ngày ở ngoài đường.
Lê Chí Quang làm chế độ CSVN mất uy tín quốc tế ở ngoài nước, Nguyễn Khắc Toàn làm chế độ sợ ngay trong nước, vì những cuộc đấu tranh bất bạo động như những ngọn lửa nhỏ sẽ có thể lan rộng gây thành đám cháy lớn. Lúc đó, đàn áp là loạn lớn, mà không đàn áp là bể đảng. Những vụ xử người Thượng bị chụp cho tội đã tổ chức biểu tình chống đối ở Cao nguyên cũng nằm trong cái “điểm” sợ của những người cầm đầu chế độ Hà Nội. Những đòn đàn áp đã gia tăng và có thể còn tiếp tục. Đây là điều đáng lo ngại cho những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước chăng" Chúng tôi không nghĩ như vậy. Người sợ hãi không phải là những người chống Cộng sản. Ngược lại, người sợ hãi lại là những anh Cộng sản. Và một định lý căn bản về chiến lược: chỗ nào kẻ thù sợ nhất, chính nơi đó nó yếu kém nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.