Hôm nay,  

Báo Chui Đối Thoại Số 1/3/2001: Nguyễn Vũ Bình, Trần Độ

02/03/200100:00:00(Xem: 3920)
***Nối kết tiếp tay tán phát cho tới khi nào tự do dân chủ thực sự có được trên đất nước Việt Nam chúng ta ***

ĐỐI THOẠI - ĐỐI THOẠI - ĐỐI THOẠI (1 tháng 3 năm 2001) (tiếng nói của chủ nhân đất nước - Đối thoại để có dân chủ)

Đối thoại số này gồm:

1- Bài viết "VIệT NAM Và CON ĐƯờNG PHụC HƯNG ĐấT NƯớC" của ông Nguyễn Vũ Bình, một phóng viên của Tạp chí Cộng sản. Sau khi qua một thời gian nghiên chứu và tìm hiểu về tình hình dất nước, ông đã nhận thức rằng "Việt Nam hiện nay đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị và xã hội . Với nhận định sắp tới bắt buộc sẽ có một sự thay đổi lớn về chế độ xã hội, nên ông đã mạnh dạn đứng ra làm đơn lập đảng Tự do - Dân chủ để chuẩn bị cho quá trình thay đổi được giảm thiểu tổn thất cho nhân dân. Biết rằng có thể sẽ phải hy sinh mạng sống, nhưng ông cũng phải đem tất cả trí tuệ và tâm huyết của bản thân viết lên nhận định và tiên phong thực hiện bước cơ bản xây dựng cơ cấu dân chủ tự do thực sự cho nhân dân. Vì ông tuyệt đối tin tưởng: "Lịch sử sẽ sang trang, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ được hưởng Tự do và Dân chủ trong một tương lai không xa nữa"

2- Tướng Trần Độ vạch bộ Mặt thật của "cái thể chế đẻ ra những sự coi thường pháp luật" như trường hợp điển hình Nguyễn Như Phong của tờ An Ninh Thế Giới .

***
(phần 1)

VIỆT NAM VÀ CON ĐƯỜNG PHỤC HƯNG ĐẤT NƯỚC

Sau một thời gian tăng trưởng kinh tế ở mức cao (8-9%/năm), nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ suy giảm. Năm 1998 mức tăng trưởng đạt 5,8%, năm 1999 là 5%. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 1998 chỉ bằng 1/3 của năm 1997 và năm 1999 bằng 1/3 năm 1998. Vấn đề quan trọng là xu hướng giảm của tăng trưởng kinh tế và đầu tư nước ngoài ngày càng rõ nét. Tình trạng tham nhũng trở thành quốc nạn tham nhũng đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân thừa nhận. Tệ nạn xã hội - nỗi đau lớn nhất của dân tộc - đang phát triển không gì ngăn cản nổi . Gần đây, người ta khám phá ra vụ buôn bán, tiêu thụ ma tuý lớn nhất từ trước tới nay, vụ án được xét xử ngày 13-6 tại Nam Định.
Trước tình hình thực tế của đất nước, có hai cách nhìn nhận, lý giải và đánh giá. Theo quan điểm chính thống của Đảng và nhà nước thì rõ ràng những thành tựu mà nước ta đạt được trong thập kỷ vừa qua là vô cùng ngoạn mục. Tuy nhiên, mấy năm cuối thập kỷ, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tiền tệ châu Á, mức tăng trưởng của nền kinh tế có phần giảm sút song vẫn ở mức cao nhất khu vực và châu Á. Quốc nạn tham nhũng thì Đảng và Chính phủ, Quốc hội cũng không bao giờ quên. Bài diễn văn nào, cuộc họp nào cũng nhắc tới, thậm chí những cuộc tiếp xúc ngắn ngủi giữa lãnh đạo Đảng với dân, tham nhũng cũng bị đưa ra bàn bạc, mổ xẻ. Tệ nạn xã hội đích thị là do kinh tế thị trường (mặt trái của kinh tế thị trường). Không còn phải nghi ngờ gì nữa, chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường cũng phải chấp nhận mặt trái của nó và tệ nạn xã hội là đương nhiên. Vấn đề là giáo dục đạo đức và khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường.
Một cách nhìn nhận khác, trái hẳn với cách nhìn nhận thông thường, chính thống. Cách nhìn nhận này thực ra đã được các nhà cách mạng lão thành, những trí thức tâm huyết với đất nước ở trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức góp ý với Đảng và Nhà nước. Cũng là điều bình thường khi người đi sau tổng hợp và phát triển với một ý chí và quyết tâm cao trên cơ sở nhận thức của bản thân.
Đến thời điểm này, Tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước một cuộc tổng khủng hoảng lớn nhất của chế độ hiện hành. Có thể khái quát trạng thái hiện nay của tình hình đất nước là: Bế tắc về đường lối, đình trệ về kinh tế và dồn nén về xã hội . Sau đây sẽ phân tích từng vấn đề.
1- Bế tắc về đường lối
Vấn đề lớn đầu tiên là đường lối về chính trị. Với ý thức hệ Mác- Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đưa đất nước vào ngõ cụt bởi những lý do: Thứ nhất , hệ tư tưởng Mác- Lênin khái quát thực tế lịch sử từ trước cho đến thế kỷ XIX, hiện nay chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, không thể lấy những kết luận của thế kỷ XIX làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động ở thế kỷ XXI được. Thứ hai, dù nói cách nào thì sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã chứng minh ý thức hệ tư tưởng Mác- Lênin không phù hợp với lịch sử và đã bị đào thải . Thứ ba, theo nhà toán học Phan Đình Diệu, khái niệm " Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN" là một khái niệm mâu thuẫn. Chủ nghĩa xã hội, với tư cách là một thể chế xã hội (theo định nghĩa kinh điển), là một chế độ mà về mặt kinh tế phải xây dựng trên cơ sở công hữu hoá về tư liệu sản xuất, quản lý tập trung và kế hoạch hoá vv.. rõ ràng mâu thuẫn với kinh tế thị trường. Mâu thuẫn trong cơ sở lý luận sẽ dẫn tới những biện pháp nửa vời trong thực tiễn hành động. Đây là lý do quan trọng nhất dẫn tới bế tắc về đường lối phát triển kinh tế hiện nay . Với quan điểm kinh tế Nhà nước (nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước) giữ vai trò chủ đạo, nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển được. Trên thế giới chưa có một nước nào mà doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả và thực tế đau đớn của Liên Xô và các nước Đông Âu cũng như những nước gọi là CNXH, trong đó có Việt Nam còn tồn tại chẳng phải đã là những minh chứng rõ như ban ngày hay sao " Một vấn đề rất quan trọng nữa về đường lối, đó là đường lối hội nhập. Chúng ta đều biết rằng, sự phát triển của một nền kinh tế ngày nay không thể tách rời khỏi sự phát triển của nền kinh tế khu vực và thế giới . Để thu hút vốn, kỹ thuật và trình độ quản lý cho phát triển kinh tế thì hội nhập là yêu cầu tuyệt đối đối với bất cứ nền kinh tế nào . Song hội nhập lại đòi hỏi các nền kinh tế phải đáp ứng đầy đủ những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Và bất kỳ nền kinh tế nào đi ngược lại hoặc chưa bảo đảm về cơ bản các nguyên tắc thị trường đều bị tổn thương trong quá trình hội nhập. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tiền tệ châu Á vừa qua đã chứng minh rất rõ luận điểm này . Theo tôi, các nước vừa qua bị khủng hoảng do đã vi phạm hai nguyên tắc rất quan trọng của nền kinh tế thị trường, đó là: Thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế và tính minh bạch và trung thực của thông tin trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, với nền kinh tế nước ta hiện nay, các nhà lãnh đạo đều cảm nhận được sự nguy hiểm của hội nhập và chính vì vậy đã dẫn tới sự nửa vời, bị động và bế tắc trong đường lối hội nhập.
2- Đình trệ về kinh tế
Báo cáo kinh tế của Viện Kinh tế học cuối năm 1999 đã đưa nhiều số liệu về việc tồn đọng một số sản phẩm cơ bản của nền kinh tế như: xi măng, sắt, thép, phân bón, đường,vv...cũng như tình hình thất nghiệp rất lớn trong các doanh nghiệp hiện nay . Đó là một trong những biểu hiện đình trệ của nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn là đi vào tìm hiểu bản chất của nền kinh tế nước ta hiện nay . Thú thực, là một người Việt Nam nhưng tôi không thể vui mừng được trước những cái gọi là thành tựu của công cuộc đổi mới như tăng trưởng kinh tế 8-9%, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 33% xuống còn 17% theo số liệu chính thức. ở đây chưa bàn đến phương pháp thống kê (tính GDP) cũng như định nghĩa về hộ đói nghèo mà vấn đề là những gì đang diễn ra đằng sau những con số đó. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có một khuyết điểm rất lớn là nó không chỉ cho người ta biết được khả năng thanh toán hay khả năng trả nợ của một nền kinh tế - và đây là điểm quan trọng nhất. Tôi hình dung nền kinh tế Việt Nam như một quỹ tín dụng nhân dân khổng lồ (dân gian gọi là chủ hụi) chưa bị vỡ nợ. Đặc điểm của những quỹ tín dụng này là khả năng che đậy thực lực tài chính bằng phương pháp vay của người sau trả cho người trước và nó chỉ bị vỡ tung khi bị phát hiện hoặc không vay được nữa . Theo số liệu công bố chính thức, tổng số nợ của nước ta là 11 tỉ USD, nhưng số nợ thực có thể là gấp rưỡi hoặc gấp đôi (xấp xỉ 20 tỉ USD), tức là số nợ gần tương đương hoặc bằng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của nước ta . (GDP của Việt Nam khoảng 30 tỉ USD nhưng có người nhận định chỉ vào khoảng 20 tỉ USD). Nhưng vấn đề quan trọng là một nền kinh tế không có hiệu quả (sẽ phân tích), với đường lối và phương thức phát triển như hiện nay thì khả năng trả nợ sẽ là con số không! Điều này lý giải tại sao tất cả những số liệu, thông tin về vấn đề này đều thuộc bí mật quốc gia . Xin lấy một ví dụ cụ thể về hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo số liệu của Báo cáo kinh tế của Viện Kinh tế học thì số nợ quá hạn của hệ thống ngân hàng thương mại nước ta là 7% trên tổng dư nợ, cộng với 7% khoanh nợ cho các doanh nghiệp nhà nước là 14% (theo các chuyên gia nước ngoài là 23-25%). Trong khi đó, bất kể ngân hàng nào trên thế giới, số nợ quá hạn trên tổng dư nợ là 5% thì ngân hàng đó đã phải phá sản! Như vậy hệ thống ngân hàng của nước ta có số nợ quá hạn cao gấp 3 đến 5 lần giới hạn cho phép mà vẫn tồn tại ung dung, vui vẻ. Điều mấu chốt là những thông tin này phải được giữ bí mật, nhất là đối với những người gửi tiền vào ngân hàng. Vấn đề đói nghèo cũng có kịch bản tương tự. Đằng sau những con số mỹ miều về thành tích xoá đói giảm nghèo là cuộc sống cùng cực của những người công nhân, nông dân, những người lao động. Bởi vì những con số chỉ phản ánh được mức tăng đơn thuần về lượng của thu nhập mà không biết tới một chu kỳ "tiêu dùng mới" của toàn xã hội trong những năm qua . Trong 10 năm (1990-1999) qua, chúng ta đã bước sang một chu kỳ tiêu dùng mới với những chi tiêu cho giáo dục, y tế, những khoản đóng góp mới, với chi tiêu cho những hủ tục ở nông thôn mới trỗi dậy và những khoản tiêu cực phí cho bất kỳ công việc nào,vv... Những con số tăng lên nhỏ nhoi về thu nhập liệu có lấp đầy những chi phí phát sinh trong chu kỳ tiêu dùng mới của nhưng hộ đói nghèo " Có nên tự hào về những con số đó không khi mà những gia đình này phải có những khoản tiền khổng lồ đối với họ thì con họ mới học lên được trung học và đại học.
Tình trạng đình trệ về kinh tế được phân tích rất rõ trong Báo cáo kinh tế của Viện Kinh tế học. Nguyên nhân trực tiếp của việc tồn đọng những sản phẩm cơ bản là do chi phí sản xuất quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới . Nguyên nhân về cơ cấu - mục tiêu là do: thứ nhất, phần lớn lượng vốn xã hội đầu tư vào khu vực doanh nghiệp nhà nước không có hiệu quả "Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sử dụng hơn 80% lượng vốn xã hội, giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đóng góp vào ngân sách nhà nước nhưng khả năng tích luỹ còn rất hạn chế. Trên thực tế, tổng số nợ của DNNN năm 1999 đã lên tới khoảng 200.000 tỉ đồng. Nếu tính đầy đủ những khoản như xoá nợ, khoanh nợ không phải thanh toán, bao cấp lãi suất,vv... thì các DNNN này chẳng những không tạo ra được tích luỹ mà còn khó tái tạo được nguồn vốn ban đầu . Dù muốn lập luận như thế nào chăng nữa hơn 80% lượng vốn xã hội sử dụng theo phương cách trên vẫn là nguyên nhân của tình trạng giảm sút tăng trưởng và kìm hãm cầu" -- (Tạp chí Cộng sản, số 2, tháng 1-2000, trang 32) ; Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân không phát triển được. Chúng ta đều biết, kinh tế tư nhân là động lực phát triển của tất cả các nền kinh tế thị trường phát triển trên thế giới . Khu vực kinh tế này không phát triển được thì nền kinh tế cũng không thể phát triển.
Có ba nguyên nhân quan trọng làm cho khu vực kinh tế tư nhân không phát triển. Một là, không thừa nhận sở hữu tư nhân dẫn tới việc tư nhân kinh doanh không được bảo đảm và bảo vệ bằng pháp luật. Hai là, kinh tế thị trường chưa chín muồi (chưa tạo lập đầy đủ và đồng bộ các thị trường), chưa có hệ thống pháp luật cho kinh tế thị trường phát triển, dư luận xã hội đối với kinh tế tư nhân còn nhiều nặng nề, định kiến. Ba là, sự méo mó của hoạt động sản xuất kinh doanh do việc ưu tiên quá mức cho các DNNN.
Với hai nguyên nhân cơ cấu-mục tiêu nêu trên, nền kinh tế nói chung không có hiệu quả. Kết hợp với việc sụt giảm đầu tư nước ngoài và đường lối hội nhập bế tắc, sự đình trệ của nền kinh tế là một tất yếu .
3- Dồn nén về xã hội
Đối với mỗi một nhà phân tích có lương tâm, vấn đề xã hội của đất nước hiện nay là nỗi đau lớn nhất bởi tính chất nghiêm trọng và khả năng khôi phục cực kỳ khó khăn, lâu dài của nó. Có thể nói, những nền tảng cơ bản của xã hội Việt Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn. Điều này thể hiện trên những phương diện sau:
- Tính trung thực xã hội đã bị phá huỷ hoàn toàn. Tính trung thực xã hội là nền tảng quan trọng nhất để một xã hội phát triển lành mạnh. Song, chúng ta đều biết rằng, qua thời gian tính trung thực xã hội đã biến mất. Trước hết, sự không trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan toả ra toàn xã hội . Một đặc trưng của xã hội hiện nay là không một ai nói thật và rất sợ sự thật. Không phải ngẫu nhiên mà phương châm hành động của Đại hội VI là nói đúng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật.
- Đạo đức xã hội đã bị phá huỷ nghiêm trọng. Những quan hệ xã hội, trong đó quan hệ con người với con người là cơ bản, và quan hệ tình cảm hợp thành nền tảng đạo đức xã hội đều bị phá hủy nghiêm trọng bởi sự ra đời và lên ngôi của một thứ quan hệ "đồng chí". Thực ra quan hệ "đồng chí" không có nội dung xã hội và không thể tồn tại, song chính vì vậy mà nó đã tồn tại bằng một sự lên gân và tiêu diệt các mối quan hệ khác. Không có gì ngạc nhiên khi ngày nay người ta thường gọi những người mà mình ghét và khó chịu là "đồng chí". Trải qua một thời gian dài, khi mà quan hệ đồng chí không còn nữa thì cũng là lúc mà những quan hệ khác đã bị phá huỷ hoàn toàn.
- Những giá trị xã hội và thước đo giá trị xã hội đã bị đảo lộn. Bằng sự can thiệp sâu rộng của chính trị vào tất cả các lĩnh vực và trên mọi phương diện, đến nay những giá trị xã hội và thước đo giá trị xã hội đã bị đảo lộn hoàn toàn. Những gì là đúng, là sai, là hay, là dở không thể nào thống nhất và phân biệt được. Con người nào là tài, là giỏi, là dốt, là cơ hội,vv...không có thước đo xã hội làm chuẩn mục đánh giá. Đây đúng là bi kịch của xã hội Việt Nam bởi vì chúng ta không thể nào huy động và sử dụng được những con người tài giỏi, trí tuệ nhất của đất nước để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay .
- Con người bị tha hóa . Biểu hiện cuối cùng và cao nhất về sự xuống cấp xã hội là sự tha hoá của con người . Người ta không được phép nói ra những điều mình suy nghĩ, hành động theo những gì người ta cho là đúng, tức là mình không phải là mình. Có người nói rằng, con người ngày nay là con người nhị nhân cách song theo tôi thì những người nhị nhân cách đó là những người không có nhân cách. Làm sao mà có nhân cách được trong khi tất cả các phát biểu chính thức, những cuộc họp, hội thảo anh nghĩ một đằng lại nói một nẻo.
Lý giải nguyên nhân của tất cả những vấn đề xã hội nêu trên là một điều hết sức khó khăn. Song cũng có một vài điều để chúng ta suy nghĩ về nguyên nhân. Tuyệt đối hoá mục đích trong các hoạt động thực tiễn, tức là phải đạt được mục đích bằng mọi biện pháp, mọi giá, không cần xem xét tới hậu quả - có thể là nguyên nhân khởi nguồn, đầu tiên. Tuyệt đối hoá quyết định cấp trên - mệnh lệnh, một nguyên tắc của chiến tranh được đưa vào quản lý xã hội . Và cuối cùng, kết hợp với ảo tưởng về một xã hội dựa trên nền tảng công hữu về tư liệu sản xuất.
Trên nền của một xã hội như vậy, số lượng ngày càng tăng của tội phạm và tính chất man rợ và nghiêm trọng của tội ác không phải là điều gây quá nhiều ngạc nhiên. Vấn đề là hiện nay đang có sự dồn nén đặc biệt về xã hội được tạo ra bởi những khó khăn của nông dân, công nhân, những ức chế của giới trí thức, những hoài nghi và lo lắng của cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí. Có ba nguyên nhân dẫn tới những dồn nén xã hội .


* Một là, Điều kiện sống, sinh hoạt khổ cực của nông dân và công nhân. Điều này không cần dẫn chứng và phân tích nhiều bởi vì đối với công nhân, tình trạng không có việc làm và thu nhập thấp là phổ biến và rõ như ban ngày . Đối với nông dân, sự cùng cực và dồn nén đã bùng nổ ở Thái Bình mà nguyên nhân cơ bản của nó đã được phân tích hoàn hảo trong bài "Từ thực tế một xã, suy ngẫm về sự đóng góp của nông dân" của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Trọng đăng trên Tạp chí cộng sản số 16, tháng 8-1997. Trong bài báo có hai điều cần lưu ý, đó là sự dư thừa của lực lượng lao động từ 50-60% ở vùng đồng bằng sông Hồng. Điều này phản ánh sự bế tắc trong việc tạo lập môi trường làm ăn thuận lợi cho nông dân. Thứ hai là mức đóng góp rất lớn của nông dân từ 13-21 khoản chiếm tới trên 70% thu nhập, dẫn tới thu nhập thực tế của nông dân ở mức cực kỳ khốn khổ: 28.400 đồng/người/tháng của lao động thuần nông và 40.000 đồng/người/tháng cho người có thêm thu nhập phụ (điều này phản ánh chính sách hà khắc đối với nông dân). Với mức thu nhập thấp, cộng với những tiêu cực phát sinh ở địa phương (cán bộ tham ô, tham nhũng, hách dịch...) những người nông dân Thái Bình nổi dậy đã thực sự cảnh báo nguy cơ tổng khủng hoảng của toàn xã hội .
* Hai là, Bất công xã hội do sự phân hoá giàu - nghèo, giữa nông thôn và thành thị đang diễn ra ngày càng sâu sắc. Trong khi những người nông dân ở nông thôn, những người công nhân đang vật lộn với cuộc sống khổ cực thì lại có một tầng lớp mới (tuyệt đại bộ phận là những kẻ có chức, có quyền nằm trong bộ máy Nhà nước, Đảng) giàu nứt đố đổ vách, ăn tiêu xa xỉ cả đời không hết của . Trong khi hàng tiêu dùng bão hoà ở thành thị thì người nông dân ở nông thôn vẫn rách rưới, thiếu thốn và không thể nào mua nổi . Pháp luật chỉ nghiêm minh đối với những người thấp cổ bé họng và nghèo khổ nhưng lại né tránh những kẻ có quyền và có tiền.
* Ba là, Cảm nhận về sự bế tắc của tương lai . Đối với người nông dân và công nhân, người ta không nhìn thấy một tương lai khả quan nào về việc làm cũng như cải thiện thu nhập của họ. Giới trí thức và những người có tâm huyết với đất nước cũng không nhìn thấy một tia sáng nào dưới đường hầm tăm tối của đường lối phát triển đất nước hiện nay . Việc không nhìn thấy lối thoát đã góp phần tạo ra sự thụ động xã hội và cuối cùng là sự dồn nén xã hội .
Trên đây là những khái quát và phân tích về tình hình đất nước. Song tất cả thực trạng này mới chỉ là tiền đề cho sự thay đổi có tính chất cách mạng của xã hội Việt Nam. Nếu dựa vào kinh nghiệm rút ra từ những nước thay đổi chế độ trong vòng 15 năm trở lại đây, chúng ta không nhìn thấy tương lai của sự thay đổi . ở Việt Nam, sự thay đổi chế độ bắt nguồn từ sự thay đổi đường lối chính trị do những người lãnh đạo cao nhất khởi xướng bị loại trừ hoàn toàn. Mặt khác, sự sụp đổ về kinh tế dẫn tới động loạn xã hội và thay đổi về chính trị (như Anbani và Indonexia) rất khó xảy ra bởi khả năng can thiệp và tinh thần cảnh giác cao của Nhà nước trước những biến động kinh tế. Vậy thì phải chăng là sự gia tăng của ba yếu tố khó khăn kinh tế, dồn nén xã hội, sự phân hoá của tầng lớp lãnh đạo cùng với sự xuất hiện của lực lượng đối lập sẽ là câu trả lời về sự thay đổi của đất nước.
Đứng trước tình hình hiện nay, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì" Liệu Đảng Cộng sản có khả năng tự thay đổi mình và xoay chuyển được tình thế để vẫn giữ được vị trí lãnh đạo đất nước trong tương lai không " Câu trả lời là không và có
- Không: Tất cả sự lựa chọn và thay đổi khó khăn nhất của ĐCS tập trung vào hai điểm mấu chốt là Doanh nghiệp Nhà nước và chống tham nhũng. Nếu từ bỏ được quan điểm DNNN giữ vai trò chủ đạo, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế tư nhân , tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của đất nước và chống được tham nhũng, đồng nghĩa với việc làm trong sạch Đảng và lấy lại được uy tín trước nhân dân thì ĐCS vẫn ung dung một mình lãnh đạo đất nước tiến vào thế kỷ XXI . Nhưng than ôi ! điều đó nằm ngoài khả năng hiện thực. Bởi vì loại bỏ DNNN cũng chính là từ bỏ lợi ích sống còn của tầng lớp lãnh đạo, lợi ích được bao phủ bởi vẻ đẹp huyền ảo (không ai hiểu được) của định hướng XHCN, của con đường đi lên CNXH hiện nay . Còn chống tham nhũng ư " tham nhũng ở Việt Nam là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan, bán tước nở rộ hiện nay . Liệu ĐCS có thể chống được tham nhũng không "!"
- Có: Trước khi trả lời câu hỏi, cần phải có sự thống nhất về nhận thức. Nếu cho rằng tình hình đất nước hiện nay chỉ là những khó khăn tạm thời, không liên quan gì tới bản chất chế độ, thì không có gì phải bàn ở đây . Song nếu ĐCS nhận thức được nguy cơ thực sự của tình hình đất nước, khả năng thay đổi chế độ xã hội trong tương lai gần là có thực và không tránh được, thì vấn đề là Đảng phải làm gì để tự thay đổi và giữ được khả năng lãnh đạo (tất nhiên là không phải độc quyền lãnh đạo nữa) trong điều kiện ổn định của xã hội . Trong tình hình như vậy, ĐCS phải có một quyết tâm và một sự hy sinh cực kỳ to lớn nhưng cần thiết. Đó là ĐCS cần tự đặt mình vào thử thách sống còn trước khi bị xã hội làm điều đó. Và tôi tin rằng nếu ĐCS thực sự vì dân, vì nước, thực sự muốn lấy lại lòng tin của nhân dân để tiếp tục lãnh đạo đất nước thì quyết định duy nhất đúng hiện nay là từ bỏ độc quyền lãnh đạo, đồng ý thực hiện đa nguyên tư tưởng, đa đảng đối lập. Tôi xin phân tích thêm ý nghĩa của quyết định này .
Nếu quyết định này (đồng ý thực hiện đa nguyên, đa đảng) chỉ là giải pháp để giữ vị trí lãnh đạo của ĐCS Việt Nam trong giai đoạn nhất định, thì đối với lịch sử của đất nước, nó lại là một quyết định, một chiến công vĩ đại nhất từ trước tới nay . Nhìn lại toàn bộ lịch sử nước ta, truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt nhưng nhân dân chưa bao giờ được tự do, đất nước chưa một ngày có dân chủ. Hiện nay đất nước đang ở thời điểm quyết định cho bước chuyển biến lớn nhất của lịch sử, và lịch sử đang trao trọng trách cho tất cả chúng ta . Chúng ta, trước hết là ĐCS, cần phải nắm bắt và khai thác được thời cơ có một không hai này để mở ra cho toàn xã hội một chân trời mới của sự phát triển. Tôi tin tưởng tuyệt đối và mãnh liệt rằng, dù có bất kỳ trở ngại nào, dù ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân nào, lực lượng nào cản trở, dân tộc Việt Nam vẫn đi tới đích của lịch sử : Tự do của cá nhân và Dân chủ cho toàn xã hội .
Là một người dân Việt, với nhận thức về tình hình đất nước và xu thế không thể đảo ngược, Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao góp phần giảm thiểu tối đa những tổn thất mà nhân dân phải gánh chịu, nảy sinh từ bước chuyển biến đau đớn nhưng đầy vinh quang sắp tới . Lý do cũng rất đơn giản, một thay đổi lớn của lịch sử nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần của nhân dân sẽ rơi vào hỗn loạn, dẫn tới hậu quả khôn lường cho xã hội . Chính vì vậy, cần có một lực lượng đối lập ngay trong lòng xã hội hiện nay để một mặt, thúc đẩy tất cả các yếu tố sẵn có đi tới chín muồi và mặt khác, cùng với thời gian và sự thay đổi, tạo ra nền tảng vững chắc cho một cơ cấu dân chủ trong tương lai (tránh tình trạng như nước Nga, khi thay đổi chế độ không có một chính đảng thực sự thay thế dẫn tới việc kéo dài thời gian xây dựng thiết chế dân chủ).
Trên tinh thần đó, Tôi đã làm đơn (có gửi kèm) xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ. Xin trình bày một số nét sơ lược về đảng Tự do - Dân chủ cũng như suy nghĩ của bản thân về con đường phát triển đất nước.
Đảng Tự do - Dân chủ có mục đích tự thân là đấu tranh cho Tự do cá nhân và Dân chủ xã hội . Trong bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, nếu Đảng không còn đấu tranh cho Tự do và Dân chủ, thì Đảng sẽ không còn là đảng Tự do - Dân chủ. Mục tiêu cơ bản và lâu dài của đảng Tự do - Dân chủ là xây dựng một xã hội : Nhân dân tự do - giàu có, Quốc gia hùng mạnh, Xã hội dân chủ - công bằng - văn minh .
Để thực hiện được mục tiêu cao đẹp trên, cần xây dựng được tiền đề, nội dung và điều kiện cho sự phát triển đất nước. Đó là : Dân chủ hoá xã hội, Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển, Quốc tế hoá mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội .
a/ Dân chủ hoá xã hội . Nói tới dân chủ hoá xã hội là phải tôn trọng những nguyên tắc chung của dân chủ, tức là phải thừa nhận những quyền cơ bản của con người, quyền công dân mà bất kỳ chế độ dân chủ nào cũng phải thừa nhận. Đó là quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc, quyền được tự do ứng cử và bầu cử. Mặt khác, cần xây dựng hệ thống luật pháp làm nền tảng cơ bản cho chế độ chính trị dân chủ. Một luật pháp cần bảo đảm được những quyền con người và quyền công dân cơ bản, bảo đảm được sự phát triển và thay đổi bằng tiến hoá trong ổn định và quan trọng nhất là tạo ra khả năng lựa chọn cái tốt nhất cho đất nước. Điều cần lưu ý là xây dựng chế độ dân chủ phải là một quá trình liên tục, tự điều chỉnh, tự bổ sung và hoàn thiện. Cần huy động được sự cống hiến của mọi người, không loại trừ người nào trong quá trình thực hiện dân chủ.
b/ Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển. Trong nền kinh tế thị trường thì quyền tư hữu tài sản là nền tảng phát triển, quyền sở hữu trí tuệ là động lực phát triển. Cần phải tuyệt đối bảo đảm và bảo vệ hai quyền này bằng luật pháp. Đồng thời tuân thủ nguyên tắc số một của kinh tế thị trường là: thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực. Nền kinh tế hiện đại gắn liền với xã hội thông tin, kinh tế tri thức và toàn cầu hoá. Với tiềm năng trí tuệ và khả năng sáng tạo của con người Việt Nam, chúng ta hy vọng một sự bùng nổ khi mỗi một cá nhân được tự do phát triển.
c/ Quốc tế hoá các hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội . Đây vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới . Xét trên góc độ hội nhập, đó là việc tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại nhằm phát huy văn hoá dân tộc lên tầm cao mới . Xét trên giác độ toàn cầu hoá, đó là thực hiện sự luân chuyển tự do của các yếu tố: nhân lực, thông tin, vốn, kỹ thuật. Trong điều kiện hiện nay, đẩy mạnh quốc tế hoá các hoạt động trên mọi lĩnh vực chính là điều kiện để thực hiện dân chủ hoá xã hội và xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại .
*
Bài viết này tập hợp tất cả trí tuệ và tâm huyết của bản thân tôi . Với tâm niệm rằng, cần phải có một đảng chân chính và trung thực ngay từ buổi đầu thành lập, bằng phương thức đấu tranh công khai và hoà bình cho Tự do và Dân chủ ở Việt Nam. Tôi biết rằng, có thể tôi sẽ phải hy sinh nhưng vẫn tin tưởng tuyệt đối là : Lịch sử sẽ sang trang, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ được hưởng Tự do và Dân chủ trong một tương lai không xa nữa . Và trên nền của Tự do và Dân chủ, nhân dân Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới phải kinh ngạc về dân tộc mình, đất nước mình không kém những gì họ đã làm trong lịch sử ./.

Nguyễn Vũ Bình

*
(phần 2)

"MẶT THẬT" và MẶT THẬT...

1- Cầm tờ báo ANTG có bài "Mặt thật..." tôi đọc và chờ đợi xem tác giả chỉ ra bộ "Mặt thật.... phản bội tổ quốc" của Hà Sĩ Phu xem như thế nào " Vì tôi biết khá rõ Hà Sĩ Phu (qua bài viết cũng như gặp mặt).
Đọc xong cả ba bài thì tôi không thấy cái "Mặt thật phản bội" ấy ở đâu cả.
Không thấy Hà Sĩ Phu có một hành vi nào mà một người bình thường chỉ ra được là hành vi phản bội . Có lẽ chỉ có người "không bình thường" là công an mới tìm ra được. Qua các trích dẫn tôi chỉ thấy Hà Sĩ Phu là người ham hiểu biết, ham trao đổi, ham suy nghĩ và nhiều lo nghĩ về dân tộc và đất nước. Những kiểu trích dẫn và suy luận như vậy thì có thể cho rằng tất cả những nhân vật quan trọng của ĐCS trước đây (kể cả chủ tịch HCM) điều là "phản bội" tiệt cả mà chỉ có những kẻ bám quyền lực, lớn tiếng nịnh bợ, ca ngợi, luồn lách mới là người không phản bội và ... yêu nước.
Tác giả bài báo trích dẫn và bình luận phẫn nộ, đầy kích động là những đoạn HSP nhận xét về những yếu kém của dân tộc, đó là những nhận xét đầy ưu tư về sự phát triển của dân tộc. Cứ kiểu trích dẫn và suy luận như vậy thì cả Lỗ Tấn và Nam Cao đều là những tên "phản bội" lớn.
Tôi nhớ có lần 1 nghệ sĩ sân khấu phàn nàn với tôi (lúc đó còn có tư cách là đại diện cho Đảng CS): khổ chúng em quá, chúng em muốn nịnh Đảng mà Đảng cũng không cho nịnh nữa . Tôi hỏi: cậu nịnh thế nào " Nghệ sĩ trả lời: Em đề cao một cán bộ tự phê bình thành khẩn nêu rõ những khuyết điểm xấu xa của mình. Đúng nguyên lý của Đảng quá còn gì"""
Té ra là "Mặt thật phản bội ..." của HSP là đã quá thông minh, quá hiểu biết, quá ưu thời mẫn thế, quá tâm huyết. Còn những người "trung thành" tức là không phản bội thì là những người ngược lại .
2- Một nét "phản bội" nữa của HSP là cứ hay nhận thư, tin từ nước ngoài, và thư từ trao đổi với người nước ngoài . Đối với tác giả bài báo thì cứ ai ở nước ngoài có ý kiến gì về trong nước mà không ca ngợi nịnh bợ thì đều là "phản bội". Do vậy HSP đã phản bội tổ quốc. Té ra MẶT THẬT là tất cả những cán bộ ngoại giao lớn nhỏ, các nhà báo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các người du học, các vị lãnh đạo nhà nước hay liên hệ với nước ngoài đều là phản bội tổ quốc hết.
Thậm chí Ban tư tưởng văn hóa của TW Đảng và văn phòng của TW Đảng đã nhận thư của Hoài Việt từ California - Mỹ chửi rủa láo xược lảo tướng Trần Độ rồi lại in ra phát hành và cho đăng vào tạp chí nội bộ của Ban TTVH thì hai cơ quan này (hay ít nhất những người cầm đầu hai cơ quan này) đã là "phản bội tổ quốc" hạng nặng vậy .
Cái đáng ghê sợ và ghê tởm hơn nữa, là đối với những người vắng mặt ở xa, mà cứ tùy tiện kể tội người ta chỉ căn cứ vào thư từ. Người ở xa không thể được nói lại một chút gì, như thế vừa không tử tế vừa ... lưu manh.
3- Thấy được "mặt thật" của HSP rồi, nhưng qua sự việc này, tôi còn được thấy một mặt thật (không có dấu ngoặc) khác nữa . Đó là cơ quan tư tưởng của công an. Cơ quan tư tưởng là công cụ chuyên chính, và công an cũng là chuyên chính, thì cơ quan tư tưởng của công an là "CHUYÊN CHÍNH BÌNH PHƯƠNG". Chuyên chính là làm bừa làm ẩu không cần pháp luật, nói năng tùy tiện thì bình phương lên, cái bừa, ẩu và tuỳ tiện đó cũng được bình phương lên. Cái bất chấp pháp luật rõ nhất và cũng láo nhất của cái mặt thật này là:
HSP đang còn trong giai đoạn bị điều tra, nghĩa là chưa có cơ quan pháp luật nào có ý kiến được về tội trạng của HSP, HSP vẫn đầy đủ tư cách là một công dân vô tội . Thế mà báo ANTG lại chính thức "trương" lên mặt báo của mình một câu "quá trình phạm tội phản bội tổ quốc". Người ta vô tội mà bảo người ta có tội ăn cắp vặt, người ta còn có thể kiện, thế mà tự nhiên lại xưng xưng lên cho người ta tội tầy đình, thì quả là sự tùy tiện này "bình phương" thật rồi . Ông HSP có đủ quyền, đủ tư cách kiện ra các tòa án báo ANTG về tội vu cáo và phạm pháp. Cho đến bây giờ ông HSP chỉ gửi một thư ngỏ cho ANTG mà với Mặt thật của họ, họ không thể đăng cho ông.
Ông HSP quá hiền lành, quá biết điều . ANTG sẽ không ngượng tiếp tục nhờ người khác "giương ra " hoặc "che dấu" MẶT THẬT của mình.
Sự tùy tiện còn nhân bình phương thành luỹ thừa 4 nữa là các cơ quan pháp luật chính thức công bố đình chỉ điều tra, giải tỏa sự quản chế, trả lại các tài sản cho HSP. HSP chính thức được công nhận là người vô tội . Điều này xảy ra ngày 5/1/2001 thì từ ngày 4/1 và kéo dài theo sau đó 3-4 tuần liền, loạt bài báo kết tội vẫn cứ tiếp tục. Người bình thường đứng trước sự việc này chỉ còn biết giơ tay lên trời và há hốc mồm ra chứ biết nói sao . Nhất là đó lại là hành vi của một cơ quan tư tưởng văn hóa của một cơ quan pháp luật quan trọng.
Cái MẶT THẬT vừa nêu trên này là MẶT THẬT thật nhất và rõ nhất và quả tang nhất.
4- Tất cả những điều vừa nói lại nói lên một MẶT THẬT khác to hơn, cao hơn và thật hơn.
Đó là MẶT THẬT của cái thể chế đẻ ra những sự coi thường pháp luật, bất chấp pháp luật, trắng trợn, tuỳ tiện vu cáo, bịa đặt, tùy tiện hại dân thường, hại người lương thiện, coi thường và chế riễu lẽ phải . Đó là MẶT THẬT của một thể chế tự nhận mình là dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Thể chế có bộ mặt đến như vậy thì không biết gọi là gì nữa, vì "thiếu dân chủ", "không dân chủ", thậm chí "phản dân chủ" nữa cũng không đủ để diễn tả cái thể chế này . Bộ MẶT THẬT này to quá, rõ quá mà Nguyễn Như Phong chỉ là một vẩy thu nhỏ của bộ MẶT THẬT này mà thôi.

Tháng 2/2001
Tết Nguyên tiêu Tân Tỵ
Trần Độ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.