Hôm nay,  

10 Điểm Bảo Vệ Quyền Tự Do Ngôn Luận Của Sàigòn Times

23/06/200100:00:00(Xem: 5301)
Bài Kỳ 2 (22/6/01): Tư Cách Public Figure của Bà Ngọc Lan và Ông Khắc Bình


Thứ Năm, 7 tháng 6, tòa soạn Sàigòn Times nhận được qua fax và qua thư bảo đảm, hai lá thư của luật sư Karl Quy (tức Nguyễn Xuân Cao) thuộc công ty luật Thomson Bentley & Partners (Suite 2, 19 Restwell Street, Bankstown), trong đó, ông Karl Quy Nguyễn Xuân Cao cáo buộc Sàigòn Times đã có những bài viết phỉ báng mạ lỵ hai thân chủ của ông là bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình. Luật sư Karl Quy yêu cầu báo Sàigòn Times phải đăng lời cáo lỗi nhị vị thân chủ của ông, bằng không, báo Sàigòn Times sẽ bị kiện về tội phỉ báng và mạ lỵ.

Xét thấy việc làm mà chúng tôi cho là thiếu hợp lý của luật sư Karl Quy cùng nhị vị thân chủ của ông, đã có ý cản trở và đe dọa đến quyền tự do ngôn luận chính đáng của Sàigòn Times cũng như quyền tự do lên tiếng chống tuyên truyền cộng sản trong cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị tại Úc; đồng thời trong thời gian hơn một năm trở lại đây, chúng tôi cũng nhận thấy những âm mưu đánh phá mới của cộng sản VN nhằm vào cộng đồng người Việt hải ngoại, và đặc biệt là vào báo Sàigòn Times, nên kể từ số báo tuần này, chúng tôi sẽ mạnh dạn, công bằng và thẳng thắn trình bầy những ý kiến của mình qua một số bài viết để làm sáng tỏ 10 điểm then chốt:

Thứ nhất: Liệu báo Sàigòn Times có phỉ báng mạ lỵ bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình như lời cáo buộc của luật sư Karl Quy và nhị vị thân chủ của ông hay không"

Thứ hai: Nếu bà Ngọc Lan là MC và ông Khắc Bình là ca sĩ thì họ có phải là người của công chúng (public figure) và họ có phải chấp nhận để công chúng và báo chí phê phán một cách công bằng và hợp lý" Nếu họ là người của công chúng và nếu họ có những việc làm được coi là tham gia ban tổ chức, hoặc bán vé, hoặc trực tiếp ca hát cho những đoàn trình diễn văn hóa văn nghệ của Việt cộng, tạo sự phân hóa trong cộng đồng, thì các cơ quan ngôn luận Việt ngữ cùng cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị tại Úc có quyền đóng góp ý kiến, phê bình họ một cách chính đáng và công bằng hay không"

Thứ ba: Cộng đồng người Việt tại Úc là một cộng đồng được chính phủ Úc chấp thuận cho định cư trên căn bản tỵ nạn chính trị và là nạn nhân của chế độ cộng sản. Vì vậy những việc làm được coi là tiếp tay với cộng sản trong việc tổ chức cho các đoàn văn nghệ của cộng sản sang trình diễn tuyên truyền tại Úc có phải là những việc gây kích động tạo nên những xáo trộn, những mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng người Việt tại Úc (incite discord in the Vietnamese community in Australia)" Và như vậy, việc lên tiếng chỉ trích, phê phán và chống đối lại một cách ôn hòa những hành động sai trái như vậy, liệu có hợp pháp trong xã hội tự do dân chủ như Úc Đại Lợi, hay không"

Thứ tư: Nếu bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình là những người Việt được Úc chấp thuận cho vô Úc định cư trên căn bản là những người tỵ nạn cộng sản, hoặc có thân nhân là người tỵ nạn cộng sản, nay nếu họ quay ra ca hát cho cộng sản, hoặc tiếp tay với cộng sản tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ tuyên truyền cho cộng sản, gây xáo trộn cuộc sống và tiến trình hội nhập của người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc, thì Sàigòn Times, một cơ quan ngôn luận của người Việt tỵ nạn cộng sản, có quyền lên tiếng phê phán và phản đối họ một cách công bằng và hợp lý hay không"

Thứ năm: Mặc dù Úc và Việt Nam có bang giao ở cấp bậc đại sứ, nhưng chính phủ Việt Nam đã cố tình lạm dụng mối bang giao giữa hai quốc gia, tiếp tục theo đuổi chính sách đánh phá cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị tại Úc qua văn hóa tuyên truyền, qua việc thâm nhập vô cộng đồng người Việt những thành phần bất hảo, tội phạm, thậm chí cho người rỉ tai dụ dỗ, mua chuộc để thu thập những tin tức gây phương hại đến trật tự an ninh của Úc; hoặc dùng thư, email, điện thoại nặc danh hoặc cho người đe dọa những người có lập trường chống cộng ôn hòatại Úc. Trước việc làm đầy ngoan cố và vi luật của chính phủ Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Úc cần phải làm gì"

Thứ sáu: Trong thời gian qua, vì cùng chung hoàn cảnh tỵ nạn, vì sự quen biết giao thiệp hàng ngày, và vì cả nể, báo Sàigòn Times đã không nêu đích danh những người đứng ra cấu kết làm ăn với cộng sản, tổ chức các buổi trình diễn văn hóa văn nghệ cộng sản tại Úc. Tuy nhiên, nay nhận thấy, chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bách hại tôn giáo, chà đạp các quyền tự do dân chủ của người dân Việt Nam; phần nhận rõ trách nhiệm và quyền hạn của một cơ quan ngôn luận của người tỵ nạn cộng sản trong xã hội tự do dân chủ như Úc Đại Lợi, phần vì nhu cầu bảo vệ trật tự an ninh cho xã hội Úc trong đó có cộng đồng người Việt trước sự leo thang đánh phá của CSVN, kể từ nay, nếu xét thấy cần thiết và với sự góp sức của đồng bào tỵ nạn cộng sản, báo Sàigòn Times sẽ thực thi quyền tự do ngôn luận, đáp ứng quyền được biết, được thông tin của công chúng, thẳng thắn và mạnh dạn, nêu rõ tên các cá nhân, các tổ chức, các cơ quan... móc nối với cộng sản, tổ chức các buổi trình diễn văn hóa, văn nghệ tuyên truyền cho cộng sản tại Úc. Ngoài ra, những người Việt tỵ nạn phản bội tư cách tỵ nạn, nhờ làm ăn với cộng sản, thủ đắc bất chính tiền bạc và của cải chìm nổi tại Úc cũng như tại Việt Nam, cũng sẽ được báo Sàigòn Times thu thập các bằng chứng từ qúy độc giả, chuyển giao các bằng chứng đó cho các cơ quan hữu trách của Úc để tiến hành điều tra và truy tố.

Thứ bảy: Trong những trường hợp cần thiết, Sàigòn Times sẽ thu thập chữ ký của độc giả, của người Việt tỵ nạn chính trị, cũng như của người Úc tại Úc, để gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu bộ di trú Úc và cơ quan cảnh sát liên bang Úc, tiến hành điều tra, truy tố và trục xuất những người Việt tỵ nạn cấu kết với cộng sản, có những hành động phá rối trị an, làm mất an ninh trật tự trong xã hội Úc, gây chia rẽ và xung đột trong cộng đồng người Việt tại Úc, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và sự hội nhập của người Việt tại Úc.

Thứ tám: Báo Sàigòn Times sẽ kết hợp chặt chẽ với Ban chấp hành CĐNVTD và các hội đoàn, đoàn thể chống cộng liên bang, tiểu bang, cùng người Việt yêu tự do tại Úc và cả tại Việt Nam, để có thể thu thập các bằng chứng và bạch hóa trước công luận Úc, cũng như thông báo cho chính phủ Úc biết rõ lai lịch những cá nhân bất hảo, những tội phạm chiến tranh, tội phạm hình sự... nếu những kẻ đó trà trộn trong tòa đại sứ CSVN, trong các phái đoàn ngoại giao, các đoàn văn hóa văn nghệ của cộng sản sang thăm Úc, hoặc trong các cơ sở làm ăn của cộng sản VN tại Úc, cũng như trong các đoàn du học sinh, tu nghiệp của VN tại Úc. Đặc biệt, thân nhân của những cán bộ cộng sản cao cấp, đội lốt du học, tu nghiệp, hành nghề hay đội lốt hôn phối, hiện sinh sống ở Úc, tìm cách tẩu tán tiền bạc, của cải cho CSVN bằng cách mua nhà tậu đất, sang cửa tiệm tại Úc, cũng sẽ là đối tượng để Sàigòn Times thu thập các bằng chứng, trao cho cơ quan phản gián liên bang Úc ASIO điều tra và truy tố.

Thứ chín: Riêng nhân viên tòa đại sứ Việt Nam tại Úc, báo Sàigòn Times, với sự hợp tác của đông đảo độc giả, sẽ tiến hành thu thập các bằng chứng, hình ảnh, để bạch hóa trên báo và thông báo cho giới chức hữu trách tại Úc biết, một khi có những cá nhân phạm tội tham nhũng, tống tiền, buôn lậu, hoặc có hành động sách nhiễu người Việt như đòi ăn uống nhậu nhẹt, đòi mua quà cáp, gây chia rẽ, gây mất đoàn kết, hoặc đánh phá cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị tại Úc. Trong trường hợp cần thiết, báo Sàigòn Times sẽ thu thập chữ ký độc giả, viết thỉnh nguyện thư, yêu cầu luật sư liên lạc với bộ di trú và bộ ngoại giao Úc, cũng như các dân biểu tiểu tiểu bang, liên bang để tạo áp lực chính đáng và cần thiết, trục xuất khỏi lãnh thổ Úc những tội phạm Việt Nam đội lốt ngoại giao đoàn, đội lốt thương gia, đội lốt du học sinh, tu nghiệp sinh...

Thứ mười: Hầu hết luật sư Việt hiện đang hành nghề tại Úc đều là những người tỵ nạn cộng sản, hoặc có cha mẹ, anh chị em là những người tỵ nạn cộng sản. Vì vậy, chúng tôi tha thiết mong mỏi, bên cạnh trách nhiệm bảo vệ danh dự thân chủ khỏi những phỉ báng mạ lỵ một cách bất công, qúy vị luật sư nên có trách nhiệm cố vấn cho thân chủ hiểu rõ bổn phận của một người Việt tỵ nạn chính trị CS, hiểu rõ bổn phận tôn trọng quyền tự do ngôn luận chính đáng của cộng đồng người Việt tại Úc trước những việc làm vi phạm tư cách tỵ nạn chính trị, gây xáo trộn trong cộng đồng của một vài người phản bội tư cách tỵ nạn chính trị. Nếu vị luật sư người Việt tỵ nạn nào phản bội tư cách tỵ nạn chính trị của mình, của gia đình mình, cố tình quên đi những thảm cảnh do cộng sản gây ra trên quê hương đất nước trong quá khứ cũng như trong hiện tại, để rồi có những hành động tiếp tay, che chở những phần tử thân cộng, gây mâu thuẫn, phân hóa trong cộng đồng, cản trợ sự hội nhập của đông đảo người Việt tại Úc, Sàigòn Times sẽ sẵn sàng lên tiếng góp ý và phê phán đích danh những vị luật sư đó một cách thẳng thắn, công bằng và hợp lý.

Sàigòn Times chỉ là một tờ tuần báo eo hẹp về tài chánh lẫn nhân sự. Nhưng với sự ủng hộ thủy chung của trên dưới 10 ngàn độc giả tại Úc, cùng hàng chục ngàn độc giả trên toàn thế giới qua Việt Báo Online (vietbao.com), và đặc biệt, với lý tưởng cao đẹp mà Sàigòn Times theo đuổi suốt thời gian ngót 10 năm qua, chúng tôi sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách, mọi thế lực để đi tiếp con đường của mình, bất chấp những thử thách đó, những thế lực đó đến từ đâu, núp dưới bất cứ danh nghĩa gì, đội lốt bất cứ hình thức nào, dù là hợp pháp hay phi pháp.

Trên đây là tóm tắt 10 điểm then chốt sẽ được báo Sàigòn Times trình bầy lần lượt qua các bài viết trong các số báo tới. Sau đây, mời qúy độc giả theo dõi bài viết kỳ hai: Tư Cách Public Figure của bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình.

*

Trong số báo trước, chúng tôi đã nêu tóm tắt 10 điểm chính yếu sẽ lần lượt trình bầy để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Sàigòn Times. Chúng tôi cũng đã nêu lên những điểm thiếu hợp lý trong hai lá thư gửi Sàigòn Times của luật sư Karl Quy. Trong số báo tuần này, chúng tôi xin được trình bầy một số ý nghĩ quanh nguyên nhân khiến Sàigòn Times phải lên tiếng và tư cách public figure của bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình.

Thưa quý vị, sau khi báo Sàigòn Times xuất bản tuần trước, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ quý độc giả. Nhìn chung, đông đảo độc giả đã ủng hộ quan điểm của Sàigòn Times. Nhiều vị đã hào phóng và thẳng thắn bầy tỏ thiện chí hậu thuẫn Sàigòn Times trên cả phương diện tinh thần lẫn vật chất, để có thể bảo vệ quyền tự do ngôn luận chính đáng của cộng đồng trong việc duy trì lập trường chống cộng. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự ủng hộ và lập trường minh bạch của đông đảo quý độc giả cùng quý thân hữu trong cộng đồng.

Chúng tôi cũng xin chân thành xác nhận, việc lên tiếng của báo Sàigòn Times đối với luật sư Karl Quy, bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình là chuyện chẳng đặng đừng. Trong thâm tâm, chúng tôi luôn luôn ấp ấp ủ hoài bão, duy trì sự hòa thuận và tình đoàn kết giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng. Chúng tôi hiểu rõ, vì chung hoàn cảnh tang thương sau khi đất nước rơi vào tay cộng sản, nên tất cả chúng ta có mặt trên đất nước này. Trong suốt thời gian phần tư thế kỷ qua, mặc dù chính quyền CSVN đã có những cải thiện nhất định trên phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng nhìn chung, chúng ta phải thừa nhận, cho đến hiện nay, chế độ cộng sản Hà Nội vẫn là căn nguyên của tất cả những tang thương, bi kịch đang xảy ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam. Đây là những thực tế hiển nhiên, ai ai cũng biết, chúng tôi khỏi cần nêu bằng chứng. Những tang thương bi kịch đó, không những làm đau lòng người dân trong nước mà còn làm đau lòng tất cả người Việt hải ngoại, thậm chí cả bạn bè của người Việt ở khắp năm châu. Chính vì nhận thức được như vậy, nên anh em chúng tôi đã cố gắng cùng nhau, đóng góp công sức, thời gian và tiền bạc để nuôi dưỡng tờ báo Sàigòn Times.

Làm báo trong một xã hội tự do dân chủ, chúng tôi hiểu được quyền hạn và trách nhiệm của mình. Qua học hỏi và thường xuyên tham khảo các vị thân hào nhân sĩ trong cộng đồng, cùng các vị luật sư, chúng tôi biết, trong bối cảnh xây dựng và phát triển một cộng đồng tỵ nạn chính trị tại Úc, trong khi chế độ cộng sản Hà Nội còn hiện hữu và chế độ đó đang bang giao chính thức với quốc gia sở tại, luôn luôn đòi hỏi một cơ quan ngôn luận có lập trường chống cộng minh bạch như Sàigòn Times phải có những thận trọng cần thiết, để một mặt duy trì quyền tự do ngôn luận, một mặt tôn trọng quyền tự do và đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, bất kể cá nhân đó là người Việt tỵ nạn hay là người cộng sản.

Theo đuổi mục tiêu chống cộng một cách ôn hòa và trên căn bản tình dân tộc, chúng tôi nhận thức rõ ràng, tương lai của dân tộc Việt Nam chỉ có thể tươi sáng khi nào chủ nghĩa cộng sản bị cáo chung. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, tương lai của dân tộc Việt Nam chỉ thực sự ổn định và tươi sáng, khi chúng ta chấp nhận những dị biệt, và giải quyết những dị biệt đó trên căn bản thuyết phục và đồng thuận.

Dĩ nhiên, khi theo đuổi hoài bão chống lại chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi chấp nhận mọi thử thách, mọi đe dọa và mọi hình thức tấn công dù là hợp pháp hay phi pháp.

Cá nhân mà nói, giữa chúng tôi với luật sư Karl Quy, bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình, hoàn toàn không có bất cứ sự tư thù gì. Trái lại, với luật sư Karl Quy chúng tôi còn dành cho ông sự quý trọng đặc biệt vì chúng tôi biết rằng, ông cũng là một người tỵ nạn, và thân phụ ông nguyên là một mục sư tuyên úy, từng bị đầy đọa nhiều năm trong lao tù cộng sản. Với bà Ngọc Lan, mặc dù tôi chưa hề được trò chuyện cùng bà, nhưng qua lời kể của bằng hữu, thân nhân, tôi vẫn dành cho bà sự quý mến và lỏng ái mộ. Riêng ông Khắc Bình, tuy tôi không biết gì về ông, nhưng tôi biết ông cũng là một người Việt tỵ nạn, đến Úc khi ông còn rất trẻ và là một trong những ca sĩ thành công tại Úc. Tôi thực tâm tin tưởng, nếu đất nước Việt Nam chúng ta không có chủ thuyết cộng sản, chắc chắn tất cả chúng ta và dân tộc Việt Nam đã không trải qua những thảm kịch đầy bi thương như chúng ta đã phải đi qua suốt mấy chục năm trời.

Nhưng mặc dù có sự quý trọng dành cho luật sư Karl Quy, lòng ái mộ dành cho bà Ngọc Lan cũng như ông Khắc Bình, một khi quý vị ngăn chận quyền tự do ngôn luận của Sàigòn Times, hoặc giả sử quý vị tiếp tay cho cộng sản tổ chức các buổi văn nghệ tuyên truyền tại Úc, chắc chắn chúng tôi sẽ chống đối một cách quyết liệt trong khuôn khổ luật pháp Úc. Nhưng dù chống đối quyết liệt đến như thế nào chăng nữa, trước sau như một, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ tình cảm tốt đẹp với quý vị trên căn bản tình đồng bào, tình tỵ nạn, tình của những người cùng chung máu đỏ da vàng.

Trở lại 3 câu hỏi then chốt, chúng tôi đã nêu trong số báo tuần trước. Câu hỏi thứ nhất, theo nghĩa luật pháp, một người hành nghề MC cho các buổi trình diễn văn nghệ, hoặc làm ca sĩ, họ có phải là người của công chúng hay không"

Như quý vị đã biết, tại các quốc gia tự do dân chủ, quyền tự do cá nhân luôn luôn được mọi người tôn trọng. Tuy nhiên, nếu một người làm ca sĩ, làm MC, làm chính trị, hay là một nhà thể thao... thì đời sống của họ không còn thuần túy của riêng họ mà còn là của công chúng. Họ là những người sống nhờ công chúng, được công chúng ái mộ, nên họ phải chấp nhận để công chúng phê phán, chỉ trích, một khi họ không làm được những điều công chúng đã kỳ vọng.

Luật pháp tại tiểu bang NSW đã có những điều khoản cho phép các cơ quan ngôn luận được quyền phê phán, chỉ trích những người được mô tả là public figure, với hai điều kiện then chốt. Thứ nhất, chỉ trích đó phải xuất phát từ sự việc có thật. Thứ hai, việc chỉ trích đó xuất phát từ quyền lợi, ước vọng của công chúng.

Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây, bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình có phải là người của công chúng hay không" Rõ ràng, với chức năng của một MC nổi tiếng, được nhiều người Việt biết đến, bà Ngọc Lan là người của công chúng. Tương tự, với chức năng của một ca sĩ, và tên tuổi được in trên tờ quảng cáo Duyên Dáng Việt Nam, ông Khắc Bình cũng là người của công chúng.

Rõ ràng, chỉ nguyên yếu tố là người của công chúng, bà Ngọc Lan và ông Khắc Bình phải chấp nhận để công chúng khen chê, chỉ trích. Tại Úc, cũng như tại các quốc gia Tây phương, chúng ta thấy không biết cơ man nào các ca sĩ, người mẫu, các chính trị gia, thể thao gia, bị báo chí phanh phui đủ thói hư, tật xấu. Với một người bình thường, nếu ký giả đưa đời tư của họ lên báo, lập tức ký giả đó sẽ bị ghép vào tội phỉ báng mạ lỵ. Nhưng với những người được luật pháp coi là người của công chúng, thì nếu họ đã sống nhờ công chúng, họ phải chấp nhận để công chúng chỉ trích, phê phán.

Bà Ngọc Lan và ca sĩ Khắc Bình là người của công chúng. Và công chúng ở đây là người Việt tỵ nạn cộng sản sinh sống tại Úc. Nếu người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc đã có tình cảm quý mến, lòng ái mộ dành cho MC Ngọc Lan và ca sĩ Khắc Bình thì một khi MC Ngọc Lan và ca sĩ Khắc Bình có những việc làm trái với nguyện vọng của người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc, công chúng có quyền chỉ trích, phê phán họ.

Trên đây là những nguyên tắc sơ đẳng nhất trong luật pháp liên quan đến tội phỉ báng mạ lỵ. Là những nguyên tắc luật pháp sơ đẳng, có nghĩa bất cứ người dân bình thường nào cũng biết và có bổn phận phải biết. Như vậy điều lạ lùng phải được đặt ra ở đây là tại sao ông Karl Quy, một luật sư đã hành nghề tại Úc trên dưới 10 năm, lại không biết những nguyên tắc luật pháp sơ đẳng đó" Tại ông sơ ý, đãng trí không để ý đến tư cách public figure của nhị vị thân chủ" Hay tại vì ông quá nể nhị vị thân chủ để rồi bất chấp mọi nguyên tắc sơ đẳng của luật pháp, lăm le đòi kiện Sàigòn Times" Hay ông không rành tiếng Việt nên không hiểu rõ, hoặc do ông không chịu đọc kỹ bài báo bằng tiếng Việt" Hay ông Karl Quy quên mất trách nhiệm khách quan, vô tư và thành thật của một người có bổn phận làm sáng tỏ công lý chứ không phải bẻ cong công lý" Hay còn những lý do đặc biệt nào khác mà chúng tôi không được biết"

(Còn tiếp...)

Hữu Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.