Hôm nay,  

TU VIỆN THƯỢNG HẠNH

20/09/201910:21:00(Xem: 5919)

Tu Vien Thuong Hanh (3)                              

Thượng Hạnh là vị Bồ Tát trong phẩm “ Tùng Địa Dõng Xuất” của kinh Pháp Hoa được đức Phật giao cho sứ mệnh truyền bá kinh Pháp Hoa sau khi Phật diệt độ.

Đối với Thầy Thích Tâm Thiện, kinh Pháp Hoa là nhân duyên lớn từ bậc sinh thành của Thầy đã từng trì tụng kinh Pháp Hoa khi Thầy còn tấm bé và quyết định cho Thầy xuất gia đầu Phật khi Thầy chỉ mới 6 tuổi. Những năm sau đó, Thầy có duyên vào Sài Gòn, được theo tu học với Hòa Thượng Thích Trí Quảng khai sáng Đạo Tràng Pháp Hoa. Với bài viết “Ý Nghĩa Bồ Tát Từ Đất Vọt lên” (Tùng Địa Dũng Xuất) Thầy được Hòa Thượng tán dương và khuyến khích. Từ đó, trưởng tử của Như Lai, tỳ kheo Thích Tâm Thiện đã phát lời nguyện “Nguyện trọn đời đời làm hành giả Pháp Hoa”.

Tiếp nối “tông phong tổ ấn” từ Hòa Thượng Thích Trí Quảng đã từng du học tại Nhật Bản, Thầy đã đến Rissho, trường đại học xưa kia của vị Thầy cũ, khám phá nhiều tư liệu quý báu và kỳ diệu về kinh Pháp Hoa, Niềm hạnh phúc vô biên và tâm thức về vị Bồ Tát Thượng Hạnh gánh vác sứ mệnh truyền bá kinh Pháp Hoa ấp ủ từ bấy lâu càng thúc đẩy Thầy thực hiện sứ mệnh hoằng pháp tại xứ Mỹ.

Nhân đại hội quốc tế đầu tiên trùng tụng kinh đại thừa tại núi Linh Thứu Ấn Độ, Thầy Thích Tâm Thiện cùng các phái đoàn Phật giáo các nước khai kinh trùng tụng kinh Pháp Hoa. Thầy đã có buổi giảng về kinh Pháp Hoa tại đại học Nalanda Ấn Độ. Sứ mệnh hoằng pháp và niềm mơ ước có một đạo tràng truyền bá kinh Pháp Hoa mang tên vị Bồ Tát Thượng Hạnh đã thôi thúc Thầy đi tìm mảnh đất xây dựng tu viện.

Với nhiều thuận duyên từ công ơn dạy dỗ của Thầy Tổ, sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, sự phát tâm cúng dường đất đai và  tịnh tài của các Phật tử và tâm nguyện của Thầy “ nguyện trọn đời thọ trì, quảng tuyên, học nhân hạnh Pháp Hoa”, tên Tu Viện Thượng Hạnh, ngôi chùa đầu tiên tại thành phố McKinney đã thành hình như sứ mệnh của Thầy mong ước.

Khởi hành từ ngày thứ sáu 13, không kiêng cữ gì con số này, tôi và chị Nhã Ca vượt bốn tiếng đồng hồ đường bay từ Cali đến Dallas dự buổi lễ động thổ xây dựng tượng đài Quan Âm Bồ Tát ngày 14 và 15 tháng 9 năm 2019. Đến phi trường bình an, con gái đón về, hai chị em nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ một giấc ngon để ngày mai đến tu viện Thượng Hạnh cách đó một giờ lái xe.

Tọa lạc trên một ngọn đồi  cao nhìn về hướng Đông, chung quanh là một khu đất rộng 12 mẫu tây bao bọc bởi những cánh rừng tùng bách bát ngát, những cây đại thụ lâu đời, những thảm cỏ xanh, con đường dẫn vào tu viện thẳng tắp, râm mát với hai hàng cây xanh. Khúc quanh bên trái, rẽ  vào con đường nhỏ có lá cờ Phật giáo dẫn đến hai ngôi nhà xuất hiện từ xa, đó là tu viện Thượng Hạnh.

Mặc dù thời tiết đã chớm thu nhưng cái nắng và cái nóng của thành phố Dallas cũng làm thấm đọng những giọt mồ hôi trên áo. Con đường chính tráng xi măng trắng trải thẳng đến ngôi chánh điện, hai bên là các chậu cây cảnh và những hàng tùng bách xa xa. Chiếc biểu ngữ “ Cung Nghinh Thiện Đức Tăng Ni. Chào Mừng Quý Quan Khách Và Phật Tử” được treo trước chánh điện.

 Tôi đi một vòng ngắm thế đất “Thiền lâm” trong đó có  bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ đầy sáng tạo của Thầy Tâm Thiện góp phần tạo nên khung cảnh hiền hòa, tĩnh lặng thích hợp cho sự tu tập và tịnh hóa thân tâm.  Một hồ nước nhân tạo có vòi chảy róc rách cạnh một tảng đá lớn giữa một khoảng sân rải đá đen làm tươi mát cho khung cảnh chung quanh. Chánh điện là ngôi nhà nhỏ trần thấp, sàn lát đá hoa cương trắng, trang trí đơn giản với hoa, trái và một tượng Phật bằng đồng đen, bốn bên là những cột gỗ trên đó Thầy viết những câu kệ, lời kinh bằng chữ Hán. Cạnh chánh điện là căn nhà lớn, ngoài cửa là hai cái chuông đồng và những câu kệ. Đây là nhà khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng nghỉ ngơi của các Thầy.

Đẹp và xinh xắn có lẽ là nhà thủy tạ thiết kế theo kiểu Nhật có hồ nước trôi lăn tăn những lá bèo, tượng Bồ Tát Quan Âm màu trắng an vị đứng giữa hồ, chung quanh là các phiến đá lớn chồng lên nhau và những chậu cây cảnh xanh tươi. Đứng trước cửa nhìn ra  là một vườn hoa, vào mùa Xuân hoa vàng nở, mùa thu hoa cỏ úa , mùa đông đóng băng tuyết  đợi cho mùa xuân sang hoa vàng lại nở, xoay vần như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Đi vòng quanh tu viện là đủ loại cây kiểng trồng trong các chậu nhỏ  xếp rải rác rất là mỹ thuật, những bụi trúc, những cây phong Nhật lá đỏ, những cây thông kiểng được Thầy chăm sóc tưới tẩm nên cây lá xanh tươi. Thú vị nhất là được đọc những lời kệ, câu kinh nhiều ý nghĩa cao sâu viết trên những miếng gỗ thông hay những viên đá bằng mực đen “Every step of the journey is the journey” “Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình” ,“Tranquility” “ Sự Tĩnh Lặng”, “Vào nhà Như Lai. Mặc áo. Ngồi tòa Như Lai” hoặc các pháp tu “ Làm lành. Lánh dữ. Ăn chay. Niệm Phật. Tụng Kinh. Hành Thiền”...

Theo chương trình, ngày thứ bảy 14 tháng 9, chúng tôi đến buổi sáng vừa đúng lúc Thầy và các Phật tử vừa tọa Thiền xong, đang chuẩn bị  tụng kinh Pháp Hoa thời thứ năm bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Sau đó đại chúng sẽ nghe pháp thoại, thiền hành, sinh hoạt ngoài trời như hát, tập dưỡng sinh Taichi. Buổi chiều là lễ cúng thí thực, phổ thí âm linh cô hồn. Quan trọng nhất là  lễ thiết đàn phiên tả (chép) kinh Pháp Hoa lúc 5 giờ  chiều. Buổi tối là phần Thiền trà và văn nghệ.

Mặc dù không có thì giờ, bài pháp ngắn sáng nay của Thầy Tâm Thiện là bài học về sự cầu nguyện và tình thương. Chỉ có con người mới có khả năng cầu nguyện. Hai câu kệ do Thầy viết trên bảng gỗ treo ngoài sân chùa “Tam giới lục đạo, tức khổ đình toan. Pháp giới chúng sinh, văn thinh ngộ đạo”. Trong ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới của sáu nẻo luân hồi là trời, người, a- tu- la, ngạ quỷ, súc sinh và  địa ngục, loài người là loài có khả năng tri giác và tu tập nên khi phát lời cầu nguyện, tụng kinh hoặc niệm chú, những vong linh trong cõi dục giới, nghe được những âm thanh này có thể làm giảm đi những đau khổ, chua cay, và khi ngộ đạo, họ có thể đầu thai vào một cảnh giới khác tốt hơn.

Ba ngày trì Chú Đại Bi 108 biến để tạo năng lượng và phát  khởi từ tâm đã làm Thầy khan tiếng. Từ tâm phải đi đôi với trí tuệ. Chắp hai tay lễ lạy là sự kính ngưỡng hình ảnh của hai vị Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ và Bồ Tát Quan Âm tượng trưng cho từ bi. Kinh nghiệm của Thầy là nếu thế giới này không có lòng từ bi hay tình thương, đó chỉ là hỏa ngục.

 Sau khi dùng điểm tâm tại chiếc lều dựng ở sân cỏ, chúng tôi được chứng kiến cuộn kinh Pháp Hoa do Thầy chép tay. Cuộn kinh này để trong lồng kính và thờ trên bàn thờ Phật. Cuộn kinh viết bằng mực đen trên tờ giấy bản màu trắng. Cuộn kinh được Thầy giăng ra, trải dài một vòng cho các Phật tử đứng chung quanh được cầm, ngắm và chụp hình những nét chữ đẹp của Thầy. Cầm tờ kinh trong tay, tôi thầm cảm niệm công đức trì tả hai bộ kinh Pháp Hoa suốt ba mươi sáu ngày đêm miệt mài, hoàn thành hai mươi tám bài kệ trên giấy.

 Vào buổi chiều, lễ cúng thí thực hay còn gọi là cúng cô hồn được bày ra ngoài sân trước chánh điện với nhiều loại thức ăn trên bàn. Mong rằng những lời kinh tụng và niệm chú cầu nguyện cho những vong linh chưa được siêu thoát có cơ hội được ăn no đủ và được nghe kinh. Buổi lễ này phù hợp với bài pháp sáng nay của Thầy và  những câu kệ ở sân chùa.

Năm giờ chiều là lễ phiên tả kinh Pháp Hoa được tổ chức trọng thể trong chánh điện và ngoài sân chùa. Trước đó ban ẩm thực đã chuẩn bị chu đáo bữa ăn nhẹ cho Phật tử trước giờ chép kinh. Có ba dãy bàn trải khăn trắng và một bàn dài ngoài sân, trên đó đặt sẵn những quyển kinh Pháp Hoa màu đỏ, một ngọn nến trắng và một cây viết. Các Phật tử mặc đồng phục áo tràng lam, đeo pháp y vàng, yên lặng và trang nghiêm ngồi đối diện nhau.   

Trước khi buổi lễ bắt đầu, Thầy Kim Bản tận tình chỉ dẫn cách viết kinh Pháp Hoa cho các Phật tử nhất là các bác lớn tuổi tay run, mắt yếu, tai nghe nghễnh ngãng nhưng vẫn phát tâm tham dự buổi lễ này. “Một trái tim trong cùng trái tim. Một hơi thở trong cùng hơi thở”, Thầy nói các Phật tử bình đẳng, không phân biệt già, trẻ, lớn, bé cùng ngồi bên nhau chép kinh. Mỗi người được phát một tờ giấy bản màu vàng trong góc có ghi số trang. Khi nhận được tờ giấy bản, các Phật tử cứ theo số mà giở trang kinh và chép trang đó. Nếu ai viết nhanh còn thì giờ có thể giơ tay xin một tờ giấy khác và viết trang kinh kế tiếp. Tuyệt đối phải giữ yên lặng, không ra dấu, giữ tâm không bị phan duyên theo cảnh bên ngoài. Phần cuối trang, các Phật tử sẽ ghi những lời cầu nguyện của mình. Tất cả các tờ giấy vàng này sẽ được gom lại và đốt trong buổi lễ động thổ sáng mai.Tro tàn sẽ được chôn dưới bệ của tượng Quan Âm trước khi xây cất.

Sau lời tác bạch của Thầy Kim Bản, trước chánh điện, Thầy Thích Tâm Thiện là chủ lễ mở đầu thời tụng kinh Pháp Hoa bằng tiếng Nhật, sau đó  Thầy cùng với các Phật tử tụng kinh Pháp Hoa và Chú Đại Bi, tiếp theo là hai vị sư người Nhật Masashi Egawa và Genyo Hoshimi thuộc phái Tào Động của Nhật tụng kinh Pháp Hoa bằng tiếng Nhật. Trong khi các Phật tử chép kinh, các Thầy đi kinh hành, phất trần, làm lễ sái tịnh chung quanh khuôn viên của buổi lễ làm cho không khí buổi lễ thêm phần thiêng liêng và thanh tịnh.Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tụng kinh của đại chúng vang vọng cả một góc trời hòa theo là mùi thơm của hương trầm xông lên trong chánh điện bay theo trong cơn gió rồi lan tỏa trong không gian bao la.

Trong khi đại chúng  viết kinh, tiếng nhạc êm dịu, nhẹ nhàng làm  cho buổi lễ chép kinh thêm phần thư giãn, tâm hồn người viết lắng đọng hướng về chư Phật và Bồ Tát trong những trang kinh. Những mái tóc trắng xen lẫn với tóc đen nghiêng nghiêng theo những giòng chữ nắn nót, những nét mặt nghiêm trang và thành kính chăm chú từng chữ, từng lời trong trang kinh. “Tả kinh công đức thù thắng hạnh”, đại chúng đang bòn phước và công đức khi thân tâm an lạc và thanh tịnh trong thế giới của Pháp Hoa kinh qua ngòi bút và chữ viết.

Tiếp theo lễ chép kinh là lễ dâng nến. Những ngọn nến trắng tượng trưng cho trí tuệ của người con Phật được đốt sáng, đại chúng cùng dâng cao  đèn và phát lời cầu nguyện.


Tu Vien Thuong Hanh (1)
Sau gần hai tiếng đồng hồ tham dự buổi lễ chép kinh, buổi lễ đã  hoàn mãn trong sự hoan hỉ và an lạc của đại chúng.

Nắng chiều đã tắt, trên sân cỏ của tu viện, ban văn nghệ gồm các nhạc sĩ và ca sĩ “cây nhà lá vườn” chuẩn bị đàn và dụng cụ âm thanh cho chương trình văn nghệ tối nay. Các nhạc sĩ Khánh Hải, Đức Niệm, Quý Luân , trưởng và phó nhóm văn nghệ Đạo Tâm là chị Hạ Nhàn và  Phương Dung cùng các ca sĩ như Tuyết Minh, Thúy Vi, Thanh Thảo, Tanya Tiên, Băng Tâm, Sơn Bùi, Khoa Lê, Quốc Việt…  và nhiều bạn khác cùng hợp ca bài “ Tứ  Đại Nguyện’, song ca “Bông Hồng Cài Áo” đơn ca “Tình Thắm Duyên Quê”, “Cát Bụi Cuộc Đời”, “Hoa Từ Bi”… Trong cơn gió mát ngoài trời, khán giả vừa thưởng thức văn nghệ, vừa được phục vụ bánh mì và nước uống thật là chu đáo. Phần văn nghệ chấm dứt lúc 10 giờ để các Phật tử ra về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chương trình chính vào sáng mai đó là lễ động thổ tôn tượng Bồ Tát Quan Âm.

Được Thầy Tâm Thiện book trước 2 ngày tại khách sạn Best Western Plus, chúng tôi về khách sạn cách chùa khoảng 15 phút nghỉ ngơi sau khi ăn cơm tối ở chùa. Sáng ngày chủ nhật 15 tháng 9, chúng tôi được cháu Sơn và anh Trực là hai “ tài xế” mà chúng tôi gọi đùa là hai  “Bồ- Tát -Thường- Chuyên- Chở” thường xuyên đưa đón đi về. Đến tu viện, đã thấy quý Thầy và sư cô cùng các Phật tử đang dùng điểm tâm là phở chay dưới lều. Mọi người ai nấy đều có việc nhưng bận rộn nhất vẫn là Thầy trụ trì bận tiếp các vị khách quý từ phương xa đến như Hòa Thượng Nguyên Hạnh viện chủ chùa Việt Nam đến từ Houston chiều ngày hôm qua, Thầy Geshe Yeshi Choedup đến từ tu viện Tibet sáng nay.Thầy Kim Bản vừa lo âm thanh, vừa sắp xếp và chỉ dẫn đoàn người  đi kinh hành từ chánh điện vòng qua bên kia đồi đến nơi đặt tôn tượng là khoảng đất trống bên trái chánh điện.

Tôi có dịp đến nhìn tôn tượng Phật Quan Âm bằng đá hoa cương  khổng lồ cao 35 feet và bệ thờ còn nằm trong khung gỗ, bao bọc bởi những khuôn vải trắng. Theo dự kiến của công trình còn có  một trụ đá cao khắc lời Phật dạy với đỉnh là hình đầu sư tử tượng trưng cho vua A Dục, vị vua vĩ đại có công trong lịch sử hộ trì Phật Pháp và nhờ Phật Pháp chuyển hóa từ một vị vua tàn ác trở thành vị vua giàu lòng từ bi. Sau buổi lễ này, tượng sẽ được một công ty Mỹ dùng máy móc hiện đại để xây bệ thờ và dựng lên. Hình tượng Quan Thế Âm tại thành phố MC Kenney sẽ có ý nghĩa lớn lao cho hàng Phật tử có nơi tụng niệm chiêm bái và con cháu sau này tìm về đời sống tâm linh cũng như cội nguồn dân tộc.

Tiếng chuông trống Bát Nhã vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Đi đầu là các Phật tử cầm khánh, chuông, hương trầm, các em trai mặc áo trắng, các em gái mặc áo dài vàng, đeo pháp y vàng, tay cầm lẵng hoa vừa đi vừa rải suốt con đường. Hình ảnh cờ, lọng và những chiếc y vàng, đỏ của các bậc tôn túc, tăng, ni, tiếp theo là những chiếc áo dài đủ màu xen kẽ với những chiếc áo tràng lam của Phật tử nối đuôi nhau thành một hàng dài trông thật là đẹp mắt.

Ngồi bên khán đài dưới tàn cây đầy bóng mát, nhìn sang bên kia đồi dưới cái nắng là hình ảnh một đoàn người đang tiến dần đến khán đài. Xa xa là tôn tượng Quan Âm vẫn còn đó, tôi liên tưởng đến buổi cơm chay gây quỹ chiều nay. Cầu mong cho buổi tiệc chay gây quỹ thành công giúp cho tôn tượng được dựng lên. “Xây chùa, dựng tượng đúc chuông. Ba công đức ấy lưu phương ngàn đời”.

 Chương trình buổi lễ là phần tác pháp, thỉnh sư quan lâm lễ đài. Khi các Ngài đã an vị, Thầy Kim Bản điều hợp chương trình, cung kính giới thiệu các vị tôn túc hiện diện gồm có Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa đệ nhất chứng minh và sám chủ đàn tràng, Hòa Thượng Thích Minh Điền chứng minh đạo tràng, Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh chứng minh đạo tràng và ban đạo từ. Các Thượng Tọa Geshe Yeshi Choedup đến từ tu viện Tibet. Hai đại đức Masashi  Egawa và Genzo Hoshimi thuộc phái Tào Động đến từ Nhật Bản. Đại đức Thích Thường Tịnh đến từ Cali. Các ni sư như Thích Nữ Chúc Minh, Thích Nữ Từ Hạnh, Thích Nữ Cát Tường, Thích Nữ Như Hoa, Thích Nữ Chơn Diệu, Thích Nữ Chơn Thịnh, Thích Nữ Nguyện An, Thích Nữ Diệu Thanh, Thích Nữ Diệu Châu, Thích Nữ Cát Hương... từ các tiểu bang trong nước Mỹ và Việt Nam, các vị đã không quản thì giờ, sức khỏe, đường xa đến chia sẻ với Thầy trụ trì ngày quan trọng và đáng ghi nhớ này.

Tiếp đó là phần giới thiệu Thầy Thích Tâm Thiện viện chủ tu viện Thượng Hạnh khai mạc buổi lễ, Hòa Thượng chủ sám Thích Tín Nghĩa có vài lời giáo huấn, Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh chứng minh và  ban đạo từ. Các nghi thức khác cũng được tiến hành như lễ dâng hương, lễ sái tịnh, niệm Phật cầu gia bị, tụng đọc chú Đại Bi. Các em trong nhóm văn nghệ Đạo Tâm đi thành vòng tròn rải hoa chung quanh khán đài và hợp ca bài “Tứ Đại Nguyện”.

Trong khi giọng nói của vị MC Kim Bản rổn rảng vang lên mạnh mẽ thì giọng của Thầy Tâm Thiện chậm rãi, nhỏ nhẹ và trầm lắng, có lẽ  Thầy đã mất ba mươi sáu đêm ngồi viết hai mươi tám bài kệ của hai bộ kinh Pháp Hoa. Thầy đã đọc tụng một trăm lẻ tám biến các bài kệ trong bộ kinh Pháp Hoa để tạo năng lượng và rải tâm từ, chuẩn bị cho buổi lễ. Thầy đã thiếu ngủ nhiều đêm để lo liệu, sắp xếp chương trình, tiếp đón quý tăng ni và Phật tử và còn biết bao nhiêu việc lớn khác đang chờ Thầy.

 Lời nói đầu tiên là Thầy ngỏ lời tri ân đến các bậc tôn túc, tăng ni và Phật tử khắp nơi đã góp phần công đức hoàn thành tôn tượng. Thầy nói lý do xây dựng tôn tượng là lời phát nguyện gìn giữ di sản văn hóa của Phật giáo và dân tộc ở xứ Mỹ. Tiếp đó Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa vị chủ sám nhắc đến con đường tu tập với trí tuệ, từ, bi, hỷ xả của đạo Phật, đến hình ảnh các chùa ở Mỹ mọc nhiều như núi chứ không phải mọc nhiều như nấm.Thầy nhắc đến Thầy trụ trì Tâm Thiện và Thầy phó trụ trì Kim Bản có “tam đồng”, đồng chủng, đồng đạo, đồng hương cùng lèo lái con tàu Thượng Hạnh. Thầy nhắc đến Thầy Thích Thiện Long được ví như vị Giám Trai Sứ Giả Bồ Tát chuyện lo việc ẩm thực cho các buổi lễ  lớn của các chùa Phật giáo trong đó có buổi tiệc chay gây quỹ chiều mai.

 Mở đầu lời giáo huấn, với  giọng  Huế trầm ấm và truyền cảm, Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh nhắc đến công hạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm trong phẩm Phổ Môn. Đối với tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, Bồ Tát được ví như bà Mẹ hiền biết lắng nghe niềm đau nỗi khổ của thế gian nên khi gặp khổ nạn, họ thường kêu cầu Ngài cứu độ. Hòa Thượng tán thán công đức của Thầy trụ trì đã khởi công xây dựng tôn tượng tại thành phố này. Hòa Thượng kêu gọi chúng ta hãy trở về với trái tim từ bi bằng cách tự  xây dựng cho mình một vị Bồ Tát Quan Âm trong tâm.

 Ca khúc “Tu Viện Thượng Hạnh” Lời thơ Tuệ Kiên, nhạc Võ Tá Hân “Thầy về đây khai sơn lập tự. Vì Thế Tôn giáo hóa chúng sinh…” của nhóm Đạo Tâm chấm dứt phần nghi lễ. Tiếp theo là nghi thức phần hóa kinh Pháp Hoa hay còn gọi là đốt các trang kinh màu vàng chép tay chiều hôm qua.Tất cả các tro bụi được chôn dưới lòng đất thiêng của tôn tượng.

Trước lò đốt, chung quanh là các thanh củi và cây khô, dưới ngọn cờ nơi đặt tôn tượng, các tăng ni và Phật tử quây quần cùng nhau chụp những tấm hình lưu niệm mặc dù buổi trưa trời nắng gay gắt. Sau đó các Phật tử trở về chùa ăn trưa và nghỉ ngơi, chiều nay sẽ có buổi tiệc chay gây quỹ tại Swayz Ballroom vào lúc 6 giờ.

                                                 ***


Tu Vien Thuong Hanh (2)
Sự có mặt của MC Nguyễn Ngọc Ngạn với sự hoạt bát, duyên dáng và kiến thức của ông là một trong những sức hút của đồng hương Phật tử và không phải là Phật tử có mặt khá đông trong buổi tiệc chay  gây quỹ này. Các ca sĩ Phật tử như Thanh Tuyền với giọng hát vượt thời gian, thường có mặt trong những buổi tiệc chay gây quỹ ở Cali, cô đã hát liên tục những bản nhạc xa xưa trước 75 và cúng dường 15 dĩa CD mỗi cái trị giá 15$, chỉ trong ít phút đã bán hết. Ca sĩ  trẻ và đẹp trai Lâm Tùng Quang xuống sân khấu, vừa đi vừa hát từ bàn này sang bàn khác, kêu gọi đồng hương “mạnh tay” cúng dường thêm nữa đã thu vào số tiền hơn ba ngàn. Các ca sĩ khác như Lan Anh đã hát liên tục những bản nhạc theo yêu cầu làm cho không khí trên sân khấu luôn luôn sôi động. Ca sĩ Giang Nhân hát loại nhạc quê hương và đề tài Mẹ  được hoan hô nồng nhiệt.

Ngoài ra ban hợp ca “Đạo Tâm”, rực rỡ trong chiếc áo  dài vàng đã cống hiến phần mở đầu chương trình các bản Quốc Ca Hoa Kỳ,  Quốc Ca Việt Nam, Phật giáo kỳ.

Mục xổ số vẫn là mục hồi hộp vì lô trúng trị giá ba cây vàng. Mong rằng ai đó trúng được lô này phát tâm cúng dường cho buổi tiệc chay gây quỹ thì công đức thật là vô lượng.

Mục đấu giá bức tranh thêu hình hoa đào và tượng cá hóa long thếp vàng đã được mua với giá cao. Trên màn hình ghi rõ số tiền cập nhật từ vài chục ngàn lên đến con số một trăm bốn chục ngàn đô- la thu được trong buổi tiệc chay gây quỹ quả là con số đáng kể ngoài sự mong đợi của mọi người. Con số bốn mươi bảy bàn ăn đầy kín trong hội trường cũng   chứng tỏ lòng kính Phật, quý Thầy, mộ đạo của đồng hương Phật tử tại đây hết lòng góp một bàn tay giúp Thầy trụ trì hoàn thành Phật sự.

 Không nhắc đến sự đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quan trọng trong buổi tiệc chay đó là mục ẩm thực. Thầy Thường Tịnh trụ trì chùa Phật Tổ chắc đã có một hạnh nguyện nên Thầy và ban trai soạn thường có mặt để phục vụ đại chúng trong những ngày lễ lớn. Ở Cali chúng tôi đã đến ăn chùa (đúng nghĩa) vào những ngày rằm và các ngày lễ . Đến bất cứ lúc nào chùa cũng đông vậy mà lúc nào cũng có thức ăn sẵn sàng. Thầy vui vẻ, nấu ăn ngon, đi đến đâu mang sự no đủ và ngon miệng đến cho mọi người. Điều đáng quý là ban trai soạn của Thầy bay một chặng đường dài đến nấu nướng xong rồi về ngay. Các món như súp, hoành thánh chiên, gỏi mít, cải xào nấm, sushi, cơm chiên, người thưởng thức chỉ có thể nói một câu “Ăn chay ngon hơn ăn mặn”. Xin cảm niệm công đức  này của quý  Thầy và ban trai soạn chùa Phật Tổ.

Chuyến bay về lại Cali vào buổi trưa nên hai chị em chúng tôi lại có dịp trở lại tu viện. Hôm qua tôi có nói với Thầy trưa mai chúng con ghé chào quý Thầy trước khi lên đường, Thầy nói chùa không có ai nấu nên ăn mì gói nha. Hai chị em tưởng thật nên lấy phần cơm ở nhà hàng mang về để tủ lạnh sáng ra hâm lại, ăn sáng rồi về chùa. Nào ngờ đến nơi Thầy và ban ẩm thực đã chuẩn bị một nồi bún riêu nóng hổi, rau, giá, chanh, ớt đầy đủ ngon quá chừng. Thầy nói chơi mà chị em mình tưởng thiệt. Hộp cơm thêm tô bún riêu chúng con no cả ngày, về nhà khỏi ăn tối Thầy ơi !

“Behind the scenes” là cảnh các sư cô và các em ngồi lau khô và xếp bát đĩa từng loại vào thùng. Các em khác xắt rau, rửa dọn trong bếp hay phụ nồi bún riêu, trong đó phải kể đến Hương “cơm bưng nước rót” cho hai chị mỗi ngày, ông chồng làm tài xế lúc nào cũng lịch sự và đúng giờ. Hai chị xin chuyển lời cảm ơn các sư cô, đến hai em Hương và  Trực, các em trong ban trai soạn, “tài xế” Sơn đã chăm sóc cho chị Nhã Ca và Diệu  Lan trong thời gian ở tu viện.

Ngoài kia nắng đã lên cao. Nhìn ra sân, Diệu Lan thấy vài anh đã lớn tuổi, đâu có vạm vỡ to cao gì thế mà các anh xốc, vác, kéo, đẩy những chậu cây về chỗ cũ, mang các bàn ghế còn sót ở khán đài vào nhà kho, kéo vòi tưới nước các chậu cây kiểng... Họ là những thiện nguyện viên về chùa làm công quả giúp Thầy chuẩn bị  buổi lễ từ nhiều ngày qua và bây giờ vẫn còn ở lại tiếp tục giúp Thầy các việc còn lại trong chùa.

Nhìn xa xa là bóng dáng của những người công nhân đang vây quanh tôn tượng. Sau buổi lễ, họ bắt tay vào việc ngay. Hy vọng vài tháng sau tôn tượng thành hình, các Phật tử có dịp ngước đầu lên đảnh lễ và nhìn ngắm tôn tượng Bồ Tát Quan Âm sừng sững trong khuôn viên ngôi chùa đầu tiên tại thành phố này.

Cuối cùng chúng con xin thành kính tri ân Thầy Tâm Thiện và Thầy Kim Bản, hai Thầy đã tạo điều kiện cho chúng con có cơ hội bòn chút phước báu làm hành trang cho đời sau. Những ngày được về tu viện dự lễ là những ngày để lại cho chúng con nhiều ấn tượng và kỷ niệm khó quên.

Kính chúc quý Thầy và Phật tử tu viện Thượng Hạnh có thêm sức khỏe và Bồ Đề tâm vững vàng để tiếp tục làm Phật sự cho hàng Phật tử chúng con được ơn triêm công đức.

Cali ngày 17 tháng 9 năm 2019

Diệu  Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.