Hôm nay,  

Niềm Khao Khát Gia Đình - Phần I

17/03/200100:00:00(Xem: 4538)
Alfred Hitchcock - Nhạc Phong dịch

Ông Jared là một người mồ côi từ thuở lọt lòng. Sau này lớn, ông làm nghề nhà đòn tại một thị trấn nhỏ. Vì quá cô đơn lại quá thèm khát có một gia đình nên ông Jared đã lần lượt chọn lựa trong số những người chết những người ông ưng ý và thay vì chôn cất người đó dưới ba thước đất, ông Jared đã đánh tráo để giữ xác người đó và bỏ vào trong một căn hầm với quần áo tử tế. Kể từ đó, những xác chết được ông chọn lựa trở thành những người thân trong gia đình ông.

Năm nay bước vào cái tuổi 58 nhưng Sared Sloane lại có những thói quen cố hữu của một người đàn ông độc thân chưa từng có vợ bao giờ. Bảy giờ vào mùa hè và sáu giờ vào mùa đông, ông tắt đèn ở chỗ làm việc và lững thững bước về gian phòng nghỉ ngơi của ông. Tại đây, ông lặng lẽ tắm rửa dưới vòi sen, cạo râu, mặc quần áo ngủ. Sau đó ông nấu nướng bữa ăn tối và dọn dẹp rửa ráy chén đũa.

Xong xuôi mọi việc, ông bắt đầu mang chiếc điện thoại đặt trên sàn phòng ngủ để chắc chắn rằng một khi nó reo, ông có thể nghe được. Rồi kế đó, ông lặng lẽ nghe ngóng xem có động tĩnh gì khả nghi hay không trước khi rón rén đi về phía cánh cửa luôn luôn đóng chặt phía sau nhà. Từ từ mở khóa một cách thật chậm rãi, ông đẩy cánh cửa phòng và chậm rãi bước xuống cầu thang để tới một căn hầm lạnh lẽo, tối tăm, nơi cả gia đình ông đang cư ngụ.

Ông cụ Shallcross, người đã bán nhà cho ông từ hai mươi năm trước đã dùng tầng hầm để chứa đủ thứ thập cẩm bẩn thỉu. Nhưng khi căn hầm đã thuộc về ông, một người lúc nào cũng sẵn sàng làm việc, chịu khó suy nghĩ thì việc biến căn hầm bẩn thỉu trở thành một nơi nghỉ ngơi chẳng phải là chuyện khó khăn gì.

Sự thực, chẳng bao lâu sau khi ông mua lại căn hầm, cả căn hầm đã được sơn phết lại đàng hoàng và ông biến nó trở thành một nơi đầy đủ tiện nghi. Chỉ riêng cái khoản đèn điện vì ông không biết cách bắt điện nên đành phải nối một ống dẫn hơi gaz từ bên ngoài và dùng một chiếc đèn treo cháy bằng gaz đã cũ kỹ. Chẳng phải là ông không biết cách gọi thợ điện đến để lắp cho ông cái bóng điện sáng sủa hơn nhưng vì trong căn phòng này có những bí mật đầy thương yêu mà ông biết một khi để người ngoài hay biết thì ông chỉ có cách tự tử mà thôi.

Mỗi khi ông mở cửa phòng bước xuống, tất cả đều ngồi trong một trạng thái chờ đợi và bất động mặc dù bề ngoài ai cũng đang làm việc và làm mãi một việc hết năm này sang năm khác. Bố của Sared ngồi trong một chiếc ghế bành lớn, thoải mái đọc tạp chí Middleton. Mẹ của Sared thì đan vớ. Bà nội thì ngủ gà ngủ gật trên chiếc trường kỷ kê ở góc phòng. Bà ngủ gật cả ngày. Chẳng gì thì bà cũng đã ở tuổi gần đất xa trời rồi. Ngót 90 chứ đâu có ít ỏi gì. Anh Ben và chị Emma thì đang chơi bài. Luke, đứa con trai 10 tuổi của Sared thì đang ngồi ngay trên sàn mải mê với chiếc tàu đang được lắp ráp nửa chừng. Guissie, vợ của Sared đang ngồi đánh đàn dương cầm. Những ngón tay của nàng như đang lướt đi trên phím đàn và đầu của nàng hình như đang hướng về phía Sared và miệng nàng hình như cũng mỉm cười... Ôi cái gì cũng "hình như" mà sao Sared cảm thấy hạnh phúc, tuyệt vời đến thế.

Ngày nào cũng như ngày ấy, mỗi khi bước vào căn hầm là Sared thấy cảnh vật và vị trí của tất cả mọi người đều y nguyên không thay đổi. Và ngày nào cũng vậy, sau khi bước vô phòng, Sared lặng lẽ đến ngồi vào chiếc ghế trống bọc vải nhung màu mận chín và sẽ tán gẫu với họ đến tận lúc ông đi ngủ. Ông kể cho họ nghe tất cả những công việc ông làm trong ngày, bình phẩm những gì đã xảy ra trong tỉnh và nhận xét cả những người quen biết trong hàng phố. Ông còn kể cả những câu chuyện tiếu lâm mà ông nghe được từ những người buôn bán, diễn đạt ý nghĩa câu chuyện theo bất cứ chiều hướng nào hiện ra trong trí óc của ông. Tất cả những thành viên trong gia đình ông đều chăm chú lắng nghe ông như nuốt từng lời và không bao giờ có một người nào tranh cãi hoặc phản đối. Họ cũng chẳng bao giờ thắc mắc hay hỏi ông bất cứ một câu hỏi gì. Ngay cả mấy đứa nhỏ cũng nghịch ngợm một cách âm thầm như rất tôn trọng ông khi ông nói chuyện. Ông cũng biết, kể chuyện cho cả một đám đông trong gia đình nghe mà không có một ai bài bác, hỏi han, thắc mắc thì ông cũng buồn bã lắm. Nhưng biết làm thế nào được. Dù sao họ cũng là người đã thành người thiên cổ... Nhưng dù sao có họ ông cũng cảm thấy cuộc sống cô đơn của ông được an ủi nhiều lắm.

Trang phục của những người trong nhà được thay đổi theo mùa và theo mốt. Tuy nhiên khung cảnh thì không bao giờ thay đổi. Khi đến giờ ngủ, bao giờ Sared cũng duỗi chân, tay và ngáp một cái rõ to rồi nói, "Thôi, chúc mọi người ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp". Sau đó, Sared tắt ngọn đèn treo, leo lên cầu thang, khóa cửa lại và lên giường. Cũng có lúc ông đã hôn lên trán vợ, chúc vợ ngủ ngon nhưng rồi thấy trán vợ lúc nào cũng lạnh toát nên ông cảm thấy không có hứng thú lắm. Nhất là ông lại nghĩ nếu hôn vợ, ông phải hôn tất cả những người khác. Và như vậy đối với ông sẽ là cả một cực hình nên ông đành thôi. Mặc dù thương vợ tha thiết, thương con vô cùng, nhưng kể từ khi có mặt vợ, con trong căn hầm, không bao giờ ông ngủ với vợ cùng một giường bao giờ. Vậy mà nghĩ đến chuyện ly dị là cả người ông lại lạnh toát như đang được ướp trong một tảng băng giữa mùa đông lạnh lẽo.

Dĩ nhiên, những người trong gia đình ông, hay nói đúng hơn, những người hiện đang ngụ dưới căn hầm của ông, trước đây đã nắm giữ những vai trò khác trong cuộc sống với những cái tên khác. Nói đúng ra thì trước đây họ là bà nội, là con, là cháu hay là vợ của những người khác, nhưng nay thì họ hoàn toàn là của ông. Làm nghề nhà đòn mà ma mãnh như ông thì kiếm mấy vợ như vậy mà chả được.

Vài người trong số họ ông đã phải chờ đợi rất lâu vì còn phải đợi để họ đến một cái tuổi già nua nhất định hay gặp phải một hoàn cảnh rủi ro bệnh tật cho họ mà may mắn cho ông. Lấy thí dụ như Gussie chẳng hạn, ông đã yêu nàng từ bao nhiêu năm trước khi nàng về làm vợ của ông trong căn hầm lạnh lẽo này. Ông yêu nàng âm thầm và nhẫn nại. Mỗi khi đi ra đường gặp thấy nàng từ xa là ông lại thầm ước mơ một ngày nào đó nàng sẽ qua đời để nàng trở thành vợ ông, trở thành bà Sared. Ông cũng biết nếu Gussie qua đời sớm thì ông sẽ có được một người vợ đẹp còn nếu nàng qua đời khi đầu bạc răng long sống hết tuổi thọ của trời thì của đáng tội, lúc đó ông có còn sống đi chăng nữa thì vợ ông cũng chẳng còn những đường nét hấp dẫn quyến rũ.

Cô Gussie khi còn con gái đã đẹp lắm. Sau đó nàng về làm vợ lão Ralph, chủ tiệm thuốc tây ở phố thì lại còn đẹp gấp bội phận. Khi đó cô không thể biết được Sared đã yêu cô say đắm và đang mong ước những điều độc địa: Mong cho cô chết. Gussie là tên thật của cô còn những cái tên khác của những người đang cư ngụ dưới căn hầm đều là những tên Sared thích thú. Cho đến nay Sared vẫn phải thừa nhận cô Gussie là trung tâm điểm của tất cả và cô là người đầu tiên hiện diện trong căn hầm. Tất cả những người còn lại đều đến sau và đến lần lượt từng người một. Riêng bà nội là người mới đến nhất. Bà chỉ sống với họ khoảng một năm trời trở lại đây. Mỗi lần nghĩ đến cái gia đình đông đủ của mình trong căn hầm, Sared chỉ ước mơ làm sao có được một cô con gái là tuyệt cú mèo. Nhưng ước mơ là một chuyện còn làm được hay không lại là chuyện khác. Thời đại khoa học hiện đại bây giờ chuyện con nít đang xinh đẹp bỗng lăn cổ ra chết là cả một chuyện hiếm hoi. Biết vậy nhưng Sared vẫn hy vọng.

Sared vẫn còn nhớ một cách cay đắng những người khác đã cười nhạo ông như thế nào vì cuộc đời của ông bắt đầu từ là một thằng bé mồ côi không có cha mẹ, thân nhân. Ông chỉ là một thằng bé bị bỏ hoang ở vỉa hè của viện mồ côi và được người nữ giám thị nhặt vô nuôi. Theo lời của người giám thị sau này kể lại thì khi đó, Sared còn đỏ hon hỏn và được quấn một cách sơ sài trong tờ giấy báo. Cuống nhau lúc đó chưa cắt, người thì đầy nhớt và kiến. Dĩ nhiên lúc đó Sared khóc nhưng khóc không ra hơi.

Sau này lớn lên trong viện mồ côi, Sared mới thấm thía cái cô đơn của một thằng bé không có thân nhân như thế nào. Trong khi tất cả những bạn bè của Sared tuy mang tiếng là mô côi nhưng cũng còn có người này người nọ đến thăm nuôi. Có nhiều đứa còn được người thân đón về, cho đi chơi đây đó rồi chiều trở lại. Có nhiều đứa còn được đi hàng tuần lễ. Những đứa nào không có họ hàng ruột thịt thì cũng còn họ xa nên ít ra thì cũng còn được một lá thư, phong bánh, chiếc kẹo hay một vài quyển sách tranh. Riêng Sared thì không bao giờ có ai viếng thăm, hỏi han hay gửi cho bất cứ một cái gì. Trong suốt những năm trời sống trong cô nhi viện, Sared cảm thấy sự hiện hữu hoàn toàn thừa thãi của mình trên thế gian này. Nhiều lúc Sared chỉ muốn tự tử cho thoát mọi nợ nần nơi trần thế nhưng lại nhát, lại sợ.

Chính vì lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của gia đình như vậy nên ngay từ hồi còn bé, Sared đã khao khát có được một đại gia đình thật đông đúc. Và bây giờ thì quả thực Sared đã toại nguyện. Bây giờ Sared đã có ông bà, bố mẹ, vợ con, anh chị... Nhất là bà nội quả là điềm may mắn cho Sared vì Sared vừa để ý đến cụ được vài tuần lễ là lập tức cụ chấp nhận từ giã gia đình của cụ đến ở với Sared.

*

Phải nói là tất cả mọi chuyện đều bắt đầu từ Gussie, người thiếu phụ xinh đẹp mà Sared đã yêu nàng ngay từ khi nàng còn là một thiếu nữ. Chính tình yêu tha thiết nhưng hoàn toàn bất lực của Sared dành cho nàng là nguyên nhân khiến cho Sared có cả một đại gia đình dưới căn hầm. Yêu nàng, nhưng Sared biết với thân phận tứ cô vô thân, không tài sản, nghề nghiệp lại không có gì là cao quý như hắn thì làm sao hắn có thể cưới được nàng. Nhất là cái quá khứ của một thằng bé mồ côi vẫn còn ngự trị trong tâm hồn hắn khiến hắn mặc cảm đến nỗi mỗi khi thấy nàng từ xa hắn chỉ dám cúi gằm xuống nhìn trộm hoặc úp mặt vào một cửa tiệm nào đó chờ cho nàng đi qua để rồi ngây người đứng ngắm khi bóng nàng khuất dần ở cuối phố.

Có điều xưa nay trời cũng chiều kẻ có lòng. Bằng chứng là nàng mới về nhà chồng được một thời gian ngắn thì chẳng hiểu vì lý do gì nàng lăn đùng ra chết. Đến khi người chồng cho gọi Sared đến vào buổi chiều hôm đó và nhìn thấy người tình trong mộng của mình đang nằm bất động nhưng nét mặt còn tươi như hoa và những đường nét của hình hài còn nguyên sức sống, lập tức Sared nghĩ ra một ý đồ, một mưu mô thật khủng khiếp. Ý đồ đó nếu thực hiện thành công, chắc chắc Gussie sẽ là vợ của hắn vĩnh viễn cho đến khi nào hắn còn sống trên trần thế.

Nhưng phải nói cái may mắn đầu tiên của Sared là y đã chọn đúng cái nghề làm nhà đòn tại một thị trấn hẻo lánh, nơi chỉ có một nhà đòn duy nhất của cụ Shallcross. Sau khi đến thị trấn không bao lâu, cụ cho đăng báo bán lại cơ nghiệp của cụ. Lập tức Sared bỏ tiền ra mua vì y nghĩ với bản mặt hãm tài, bằng cấp lại không có thì chẳng có cái nghề nào thích hợp với y hơn là nghề làm nhà đòn.

Sau khi mua lại nhà đòn không bao lâu, Sared trở thành một người làm ăn có uy tín và trở thành một biểu tượng không thể thiếu được của thị trấn. Mặc dù cho đến nay, y chưa có được một người bạn nào thân thiết, hay chưa hề giao thiệp khăng khít với người nào ở thị trấn nhưng ông lại có tiếng là làm ăn cẩn thận, tiền bạc sòng phẳng và trên hết, chẳng có ai nghi kỵ ông.

Mọi việc đều được thực hiện đúng theo ý muốn của gia đình người quá cố. Đám tang thường được cử hành ở nhà mồ hay ở nhà thờ nhỏ được trang trí thật đẹp của ông, tùy theo sự lựa chọn của thân nhân. Người chết, sau khi được ướp xác và sửa soạn một cách khéo léo, sẽ được mặc bộ quần áo đẹp nhất và đặt nằm trong cỗ quan tài có vải chêm. Hoa và những vòng hoa tang được đặt chung quanh. Khi vị mục sư vừa chấm dứt nghi lễ, cô Hattie bắt đầu dạo một khúc nhạc dìu dặt bằng đèn organ. Kế đó Sared ra hiệu và đoàn người đưa tang theo hàng một đi ngang qua quan tài để nhìn mặt người quá cố lần cuối cùng. Thân nhân trong gia đình là những người cuối cùng trong đoàn. Sau khi nhìn mặt người quá cố, mọi người đều đi hết ra ngoài và leo lên những chiếc xe đã chờ sẵn. Xe của nhà đòn thì dành cho gia đình. Còn bạn bè, thân hữu thì đi xe riêng. Tất cả chờ đợi chiếc xe nhà đòn cùng với quan tài của người quá cố là khởi hành đến nghĩa trang...

Lúc này là những giây phút quyết định để gia đình của Sared có thêm một thành viên. Bây giờ thì Sared đã quá thành thạo nên không còn lo ngại gì nhiều. Nhưng cái lần đầu tiên thì thật là hồi hộp, lo sợ. Lần đó Sared phải tính toán từng giây, bố trí mọi chuyện đâu ra đó. Hôm ấy sau khi thấy tất cả mọi người cùng thân nhân cô Gussie ra khỏi nhà quàn chỉ còn lại Sared và mấy nhân viên hộ tang đang chờ đợi đóng quan tài là lập tức khiêng quan tài ra xe. Trong các đám tang lớn ở thành phố, những người phụ tá có nhiệm vụ mang hoa ra ngoài. Nhưng ở thị trấn nhỏ với cái nhà đòn nhỏ xíu của mình, Sared không hề có phụ tá. Ông biết mọi người và mọi người biết ông. Vì thế, quay nhìn những người hộ tang, Sared đã cố gắng lấy giọng thản nhiên kêu gọi, "Này các bạn, tôi không muốn mất thì giờ vì ngoài kia người ta đang chờ nên mỗi người một chân, một tay. Các bạn làm ơn mang dùm tất cả những vòng hoa trong này ra ngoài xe tang. Tôi đã gỡ danh thiếp ra khỏi các vòng hoa cả rồi. Các bạn chỉ mang vòng hoa ra xếp chung quanh kiệu khiêng hoặc bỏ vào trong xe tang. Xong các bạn trở lại đây là tôi cũng vừa đóng nắp quan tài xong. Các bạn chỉ việc khiêng ra. Vâng tất cả mọi người đều mang vòng hoa ra. Trong này chỉ mình tôi là đủ."

Quả nhiên lần đó sau khi nghe y nói xong, chẳng có ma nào muốn ở lại trong nhà đòn. Ai thì cũng không muốn phải nhìn lại mặt người chết. Ngay cả thân nhân của người quá cố, chuyện nhìn mặt cũng là chuyện bất đắc dĩ có tính cách nghi lễ không làm không được. Chứ người dưng nước lã nhìn vào rồi cứ bị ám ảnh mấy ngày, ai đâu muốn nhìn làm gì.

Nhìn thấy người hộ tang cuối cùng mang vòng hoa bước ra khỏi nhà đòn, là lập tức Sared hành động nhanh như chớp. Di chuyển xác chết cô Gussie ra khỏi quan tài, đặt cô nằm trên chiếc trường kỷ được giấu sẵn đằng sau tấm nhung dày và mang cái hình nộm có cùng kích thước và trọng lượng như người thật được chuẩn bị cẩn thận từ trước bỏ vào quan tài. Sau đó Sared nhanh chóng đóng nắp quan tài và khóa các chốt đinh. Tất cả những việc đó chỉ mất có khoảng hơn một phút đồng hồ. Khi người hộ tang đầu tiên trở vào thì mọi chuyện đã xong xuôi đâu vào đấy. Cho đến nay đã bao nhiêu lần trôi qua và Sared đã làm nhiều vụ như vậy nhưng vẫn không có một ai hay biết. Không một ai mảy may nghi ngờ những chiếc quan tài với người thân của họ trong đó được hạ huyệt.

Khi bước ra khỏi phòng tang, ông đều không quên khóa cửa một cách chắc chắn rồi lái xe tang đến nghĩa trang. Sau khi chôn cất người quá cố xong xuôi, chính ông lái chiếc xe tang về. Sau khi mở cửa bước vào nhà đòn, ông phải cố gắng trấn tĩnh và chịu đựng những thấp thỏm vừa lo âu, vừa mừng rỡ suốt từ lúc đó cho đến lúc đêm khuya. Lúc đó giữa bóng tối đen đặc của căn phòng, ông chậm rãi từng bước đi đến sau bức màn nhung và nhấc người thành viên mới nhất của gia đình ông lên môt cách nhẹ nhàng, cẩn trọng và ôm người đó trong một dáng điệu âu yếm đến phòng sửa soạn xác chết cho nạn nhân.

Từ xưa đến nay chưa có một ai phàn nàn ông về chuyện sửa soạn xác chết trước khi ướp xác bao giờ. Song những gì tinh túy nhất trong nghệ thuật của ông giờ mới được mang ra với tất cả tấm lòng trân trọng và quý mến dành cho một thành viên mới trong gia đình của ông. Ông áp dụng những phương pháp đặc biệt nhất để bảo tồn xác chết, hóa trang được thay đổi, cả quần áo cũng được thay bằng quần áo mới do chính ông chọn lựa. Rồi ông mang người thân vừa mới được thừa nhận ấy xuống tầng hầm. Những lời giới thiệu thật không cần thiết vì tất cả những người sống ở dưới hầm đều đã biết nhau. Dù sao họ cũng đều là người hàng phố cả với nhau trong bao nhiêu năm trời. Nhưng dù sao ông cũng phải giới thiệu để họ biết mối quan hệ mới, vị thế mới của người mới tới. Nếu trước kia người này là bà Smith chủ tiệm may góc phố thì nay đã là bà thím của Sared. Trong những tuần lễ đầu tiên khi có một thành viên mới trong gia đình thường Sared đi ngủ khá trễ vì những niềm vui mừng vừa ấm cúng vừa hạnh phúc. Ông cảm thấy khó có thể rời khỏi căn hầm tuy lạnh lẽo nhưng đông đúc như vậy.

Cho đến nay đã nhiều năm trôi qua và ông không còn cảm thấy bứt rứt, lo lắng, sợ sệt về hành động của mình như thuở ban đầu. Ông dư biết việc ông làm là hành động phạm pháp. Nhưng một hành động phạm pháp nếu đã làm đi làm lại nhiều lần mà không một ai hay biết thì dần dần được người ta coi là một hành động hợp pháp lúc nào không hay. Vả lại, mỗi năm ước chừng có đến 50 đám tang được ông tiến hành mỗi năm, kể cả những người ở vùng chung quanh Middleton và những người sinh ra ở thị trấn này rồi đi xa nhưng đến khi về già hoặc khi chết vẫn muốn trở lại quê nhà để được chôn cất. Bấm đốt ngón tay kể từ khi Sared làm nghề nhà đòn đến nay đã 10 năm trời. Như vậy là Sared đã tống táng, khâm liệm và đưa khoảng 500 người quá cố về bên kia thế giới. Trong số đó, ông chỉ đánh tráo có bảy lần với bảy người ông ưng ý.

Ông biết rằng một ngày nào đó ông sẽ chết và lúc đó mọi chuyện sẽ bị khám phá. Song đến lúc ấy thì ông không còn sợ nữa và dư luận bàn tán lẫn sự khích động ngay cả những tít lớn trên báo chí cũng chẳng quan hệ gì đến ông. Năm nay ông chỉ mới 58 tuổi và chưa từng bệnh tật ngày nào trong đời. Ông hy vọng mình sẽ sống thêm hai mươi hoặc hai mươi lăm năm nữa - ông sẽ là người đàn ông duy nhất ở thị trấn này không sợ tuổi già cô đơn. Ông nhớ đến thời thơ ấu và tuổi thanh niên đầy cô đơn hãi hùng của ông, mỗi lần như thế ông lại nhẩm đọc lời cảm tạ Chúa đã ban cho ông những kết quả mỹ mãn bù cho những ngày tháng trong quá khứ. Ông cảm thấy mình mang ơn một điều khác nữa: Đó chính là cái định mệnh đã cướp đi của đứa trẻ côi cút tình thương của mẹ dường như đã làm xơ cứng bản chất yêu thương trong ông; Chưa bao giờ trong đời ông cảm thấy hoặc hiểu thế nào là sự thôi thúc tình dục như những người đàn ông khác. Đối với ông những cảm xúc tình dục, những đam mê của thân xác là những cái gì thật ghê tởm.

Có lần ông đọc được trong một quyển sách tâm lý nói về một tâm bệnh tình dục lệch lạc gớm ghiếc gọi là chứng làm tình với xác chết và ông đã thật sự run sợ với ý tưởng đó. Đôi lúc ông tưởng tượng đến cảnh ông đang dìu Gussie - người vợ dễ thương, quý báu của ông, được ông mặc áo lụa và đeo chuỗi ngọc, người mà ông đã mua tặng cây đàn dương cầm khi còn sống nàng thường hay chơi - khỏi cây đàn dương cầm rồi đưa nàng lên giường và ôm hôn, ân ái với cô... Nghĩ đến đó là ông cảm thấy lợm giọng buồn nôn, thân thể ông run bắn lên như muốn phát bệnh! Những ngày sau khi có những ý tưởng lệch lạc như vậy, ông thường cảm thấy bối rối mỗi khi nhìn thấy Gussie. Ông đỏ cả mặt mỗi khi bước vào căn hầm và ông có cảm tưởng như mọi người trong nhà đều biết rõ tâm can ông đã có những ý tưởng quái gở như vậy.

Nhưng nhiều lúc ông vẫn nghĩ đến chuyện vợ chồng và những âu yếm cần phải có. Dù sao ông và Gussie đã sống chung với nhau trong nghĩa vợ chồng đã mấy năm trời. Ông yêu gia đình của ông lắm. Ông có thể cam đoan trên mặt đất này không có thằng đàn ông nào biết yêu thương gia đình, vợ con và biết kính trọng cha mẹ, anh em bằng ông. Vì họ đâu có trải qua những ngày tháng kinh khủng sống trong cô đơn như một con chó ghẻ như ông bao giờ. Họ đâu có biết có những đêm Giáng Sinh, Phục Sinh hay tết nhất lễ lạt, ông thường nằm úp mặt vào gối để mặc cho nước mắt chảy dàn dụa còn hàm răng của ông thì cắn chặt lấy chiếc gối bẩn thỉu hôi hám của viện mồ côi. Cả gian phòng rộng lớn chứa hàng trăm đứa trẻ lớn bé khác nhau vào những dịp như vậy là trống không chẳng còn một ai ngoài ông, một cậu bé tứ cố vô thân theo đúng nghĩa nhất của từ này và cậu bé đó lại còn có một khuôn mặt xấu xí. Sống trong cô đơn tột cùng như vậy nên Sared hiểu rõ giá trị của tình nghĩa gia đình. Nói có mệnh hệ nào, nếu những người thân trong căn hầm của ông chẳng may phải ra đi, chắc chắc ông khó có thể sống nổi trên trần gian này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.