Một phóng sự điều tra đăng trên Việt Nam Thời Báo ngày 5 tháng 7 của phóng viên Tâm Don, lại nói về một nghi vấn môi trường chưa bao giờ sáng tỏ của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.
Theo bài phóng sự, hàng năm Formosa Hà Tĩnh thải ra khoảng hơn 3,300,000 tấn các loại rác thải rắn. Đây là một con số khổng lồ, khiến nhiều người choáng váng. Bởi vì theo một số chuyên gia công nghệ luyện kim, trên thế giới hiếm có nhà máy nào thải ra một lượng lớn rác thải rắn đến vậy. Câu hỏi đặt ra là các chất rác thải rắn này chạy đi đâu?
Một phóng viên đã đến nhà máy Formosa Hà Tĩnh trong những ngày cuối tháng 6-2019. Anh bàng hoàng nhận ra là một núi chất thải không lồ tại đây đã biến mất. Trước đó, vào tháng 4-2019, nhà báo này cũng đến đây, đã bắt gặp những núi rác thải rắn khổng lồ, và đã dùng Ipad chụp những núi rác ấy. Chỉ hai tháng sau, nó không còn. Vậy thì nó đi đâu?
Để giải thích cho vấn đền này, báo Hà Tĩnh ngày 01-7-2019 có bài viết “Nước thải và khí thải của Formosa Hà Tĩnh được kiểm soát 24/24 bằng hệ thống quan trắc tự động”. Bài báo này có đoạn viết:
“…Hiện tại, tạp liệu rắn của toàn nhà máy được phân thành 3 loại lớn dựa trên mục đích xử lý và tái sử dụng, trong đó khoảng 98% tạp liệu rắn đã được thu hồi và tái sử dụng, chỉ khoảng 2% không thể tái sử dụng được xem là chất thải và phải chuyển giao ra bên ngoài xử lý. Tình hình quản lý như sau:
Nhóm tạp liệu rắn đã nhận được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy: là sản phẩm có thể tiêu thụ hoặc tiến hành tái sử dụng theo mục đích hợp chuẩn hợp quy để làm vật liệu xây dựng. Hiện tại, xỉ thép, xỉ hạt lò cao, tro bay, thạch cao và tro đáy của FHS đều đã nhận được chứng nhận sản phẩm, đang được tiêu thụ và tái sử dụng theo quy định.
Nhóm tạp liệu rắn chứa làm lượng sắt cao: là tạp liệu rắn sản sinh trong quá trình luyện gang, luyện thép và phát điện, được ưu tiên thu hồi tái sử dụng ở trong nhà máy, như bụi thu hồi, bùn chứa sắt… sau khi được thu gom và phối trộn, sẽ được thu hồi về làm nguyên liệu cho công đoạn thiêu kết, hoặc chuyển giao cho các đơn vị có chức năng tái sử dụng để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.
Nhóm chất thải rắn phải chuyển giao xử lý: là các loại chất thải không thể thu hồi hoặc tái sử dụng trong nhà máy, mới phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý, bao gồm rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường (như bùn thải từ quá trình xử lý nước thải sinh hoạt/công nghiệp) và chất thải nguy hại (như bùn thải từ quá trình xử lý nước thải sinh hóa), hiện đều được phân loại theo quy định và lưu chứa an toàn tại 19 kho lưu giữ chất thải của toàn nhà máy, đồng thời chuyển giao cho các đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý…”
Những lời giải thích trên được xem là ít có cơ sở về khoa học, cho nên dư luận người dân vẫn tiếp tục lo lắng.
Nhiều người dân Hà Tĩnh nghi ngờ rằng, các chất thải rắn ở Formosa Hà Tĩnh được dùng vào việc xây âu tàu, hay còn gọi là đê biển. Từ trung tâm nhà máy Formosa Hà Tĩnh, một con đê biển chạy thẳng ra biển đã được xây dựng liên tục trong vòng hai năm qua. Con đê biển- âu tàu này hiện tại có chiều dài từ 700-1000 mét( ảnh 03), chiều rộng từ 7-10 mét, và cao hơn mặt nước biển từ 3-4 mét. Một người dân Hà Tĩnh đề nghị dấu tên nói Chắc chắn là Formosa Hà Tĩnh lấy rác thải làm đê biển..
Một cựu chiến binh đề nghị dấu tên, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết, biển ở khu vực nhà máy Formosa Hà Tĩnh rất sâu. Chắc chắn, Formosa Hà Tĩnh đã đổ rất nhiều chất thải rắn xuống biển. Theo ông, nếu không đổ xuống biển thì đưa đi đâu được, tiêu thụ vào đâu!
Phóng viên đã gặp một sĩ quan cảnh sát ở Kỳ Anh, và giả vờ hỏi vu vơ về rác thải rắn ở Formosa Hà Tĩnh. Người cảnh sát này đã trả lời “ Anh đi mà hỏi biển ấy. Có ai được vào đó đâu mà biết…”.