Hôm nay,  

Nhiều doanh nghiệp gỗ sai phạm trong lĩnh vực lao động

17/06/201900:00:00(Xem: 1624)
Theo báo Người Lao Động, nhiều công ty hoạt động trong ngành gỗ ở Đồng Nai đã không tôn trọng luật lệ lao động. Nếu không kịp thời xử lý, tình trạng trên  sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, và khó duy trì mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

Theo thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), từ tháng 12-2018 đến nay, sở đã thanh tra tại 30 doanh nghiệp chuyên ngành gỗ trong tỉnh. Qua đó có đến hơn 70% số doanh nghiệp có vi phạm và bị xử phạt hành chính.

Vi phạm phổ biến nhất là các doanh nghiệp bắt người lao động làm thêm giờ quá quy định của pháp luật

Ngoài ra, còn một số vi phạm khác như  ký kết hợp đồng lao động với người lao động nhưng nội dung thỏa thuận chưa đầy đủ. Thí dụ như không ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng miệng với người lao động; chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc đối thoại tại doanh nghiệp vẫn hạn chế, mang tính hình thức.

Liên quan đến bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất là giải quyết chế độ cho người lao động không kịp thời, không thỏa thuận trả vào lương khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về an toàn vệ sinh lao động, các sai phạm thường gặp là không đánh giá môi trường lao động; doanh nghiệp chưa phân loại hoặc phân loại chưa đầy đủ số lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dẫn đến việc thực hiện chế độ cho người lao động và tổ chức huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động không đầy đủ.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, hoặc có trang bị nhưng chưa có biện pháp yêu cầu người lao động sử dụng. Nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc tổ chức khám sức khỏe chưa đủ cho người lao động; chưa lập hồ sơ sức khỏe bệnh tật cho người lao động theo quy định; không có người phụ trách y tế để chăm lo sức khỏe tại chỗ cho người lao động.

Đồng Nai là một trong 2 địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gỗ và xuất khẩu gỗ mạnh nhất cả nước, với hơn một ngàn doanh nghiệp, thu hút 50-60 ngàn lao động, tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu.

Ngoài 30-40 doanh nghiệp có quy mô  trên 1,000 công nhân, hơn 50 doanh nghiệp có quy mô từ vài trăm đến 1 ngàn công nhân. Đa phần người lao động làm việc trong ngành gỗ đến từ khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, nên chấp nhận làm việc mà không phải ký kết hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp. Họ chấp nhận làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn, và chấp nhận làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập

Ngoài nguyên nhân  từ phía người lao động,  nguyên nhân từ phía doanh nghiệp mới là đáng nói. Nhiều chủ doanh nghiệp dù nắm luật nhưng vẫn cố tình bắt người lao động làm thêm giờ sai quy định. Đây là hành động bắt chẹt người lao động nghèo khổ và thiếu kiến thức.

Chuyện các công ty nước ngoài tìm cách tránh né việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên là khá phổ biến.

Cái khó của người lao động Việt Nam là tổ chức công đoàn quốc doanh thường đứng về phía chủ doanh nghiệp, chứ không dám lên tiếng bảo vệ công nhân. Và các tổ chức công đoàn độc lập hiện nay vẫn bị chính quyền CSVN cấm đoán.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.