Hôm nay,  

Cõi Tạm

21/03/200100:00:00(Xem: 4099)
Neither country nor churchyard will I choose
I'll come to Vasilevsky Island to die
(Xứ sở làm chi phần mộ làm gì
Ta sẽ tới đảo kia để chết)

In the dark I won't find your deep blue facade
I'll fall on the asphalt beetween the crossed lines
(Trong đêm tối thấy đâu,
gương mặt em thăm thẳm xanh, xưa
Ta gục xuống nhựa đường đen, giữa những lằn ranh chéo)
Joseph Brodsky

Cảm quan Cõi Tạm, Mả Bên Đường, Trăng Đất Khách, (Phận) Lưu Vong, (Thân) Ăn Nhờ Ở Đậu... ở nơi nhà thơ J. Brodsky, thật mãnh liệt. Từ đó, làø nỗi ghẻ lạnh, dửng dưng: như là một cách sống (estrangement as a lifestyle).

Lạnh lùng, dửng dưng, với nhà thơ, bắt nguồn ngay từ quê nhà. Như một đứa trẻ, ông đã nhận ra thân phận lưu vong ngay trên chính quê hương của mình. Quê nhà thiếu tất cả, nhưng lại thừa mứa, hình lãnh tụ: "Có cậu bé Lênin, như thiên thần có cánh với mớ tóc nâu", ông viết trong nhật ký thời trẻ. "Rồi Lênin trong những năm 20, 30; chẳng có một sợi tóc trên chỏm đầu, mặt nghệt ra...". Bộ mặt này đã ám ảnh mọi người dân Nga. Cố tránh né nó là bước đầu để trở nên lạnh lùng, dửng dưng. Như một thói ở đời.

Trong đêm tối, làm sao ta nhìn ra mặt em thăm thẳm xanh, xưa"
Ta gục xuống nhựa đen, giữa những lằn ranh chéo.
"Khuôn mặt xanh thẳm xa xưa": Quê hương.
"Những lằn ranh chéo": bờø ranh Nga Mỹ, nơi phân biệt số phận hai mặt (double fate), của một kẻ ăn nhờ ở đậu.

Lạnh lùng dửng dưng là một biến thái của hoài nhớ (nostalgia). Và đây đúng là căn bệnh của thế kỷ (le mal du siècle). Cội nguồn của nó là do căn bệnh xa xứ (la maladie du pays) mà ra.
Theo Svetlana Boym (1), từ nostalgia do hai gốc Hy Lạp nostos (home), và algia (longing); tuy nhiên đây không phải một từ cổ Hy Lạp, mà là giả-Hy Lạp (pseudo-Greek), hay nói một cách văn vẻ: nó hoài nhớ Hy Lạp (nostalgically Greek).

Thứ bịnh nhớ này (nostalgic disorder) bác sĩ người Thụy-sĩ phát hiện lần đầu, vào thế kỷ 17, ở một đám lính đánh thuê. Được coi là hay lây lan, "la maladie du pays" đã được chữa trị bằng cách cho đỉa hút máu, bằng á phiện, hay cho đi du ngoạn núi Alps. Hoài nhớ không được coi là số kiếp, hay phận người, mà là một căn bệnh tạm, nỗi đau vờ ("Các cậu đạo đức giả bỏ mẹ!", như một nhà thơ trong nước, du Cali, phát biểu). Tới thế kỷ 19, hoài nhớ mang tính địa lý bị lấn át bởi hoài nhớ mang tính lịch sử, trở thành nỗi đau thế kỷ (le mal du siècle).

Theo lý thuyết của Roman Jakobson, một nhà ngôn ngữ, triết gia người Nga, có hai loại hoài nhớ. Loại thứ nhất, nặng về "nostos", nghĩa là, nhớ hoài về một quê hương thần thoại, đâu đó thuộc mảnh đất ở Cõi Không Tưởng (Utopia). Đó là nơi quê hương lớn - lớn hơn quê hương cũ - hay thực sự, phải được tái tạo dựng. Thứ hoài nhớ này mang tính nhặt nhạnh, hồi tưởng, tái cấu tạo... Loại thứ nhì đặt nặng vào "algia". Không có ý định tái dựng một nơi chốn thần thoại có tên là "nhà", nó là nỗi đau: cứ ở cách xa mà chẳng (cần) biết xa cái gì, xa chỗ nào... Thứ hoài nhớ này mang tính tếu, tản mạn, và đặc thù. Nếu hoài nhớ không tưởng (utopian nostalgia) coi lưu vong như đọa đầy, mất ân sủng (fall from grace), và tình trạng này phải được sửa chữa, hoài nhớ tếu (ironic) chấp nhận mọi nghịch lý của lưu vong và đổi đời.

Lạnh lùng dửng dưng, như thế là một mảnh, từ hoài nhớ tếu.

"Hãy đổi cho tôi cái thân phận lưu vong đó đi", một nhà thơ ở trong nước, khi tới Quận Cam đã đề nghị với một nhà văn lưu vong như vậy. Đây là qua kể lại của Nguyễn Mộng Giác, trong lời Bạt viết cho cuốn Trong Mê Cung của Nguyễn Trung Hối. Nguyễn Mộng Giác nhân đó cho rằng: viết về nỗi bất hạnh (trong đó có thân phận lưu vong): dễ. Viết về hạnh phúc: khó. Càng khó, nếu viết về thành công (như Nguyễn Trung Hối đã chọn lựa).

"Đổi cho tôi thân phận lưu vong...", đây là một niềm ao ước "thực sự" của những nhà văn ở trong nước, theo tôi. Nhìn xa hơn nữa: họ mong được bất hạnh, như một nhà văn, hay nói một cách khiêm tốn, giản dị hơn, và đúng hơn, như một người dân của cái nước Miền Nam đã từng được họ giải phóng. Nói theo nhà thơ người Đức, Holderlin: Nơi nào có hiểm nguy, nơi đó có cứu chuộc. (Là où croit le péril, croit aussi ce qui sauve). Những nhà văn phương Tây đã từng mong được bách hại, được bỏ tù, được đi học tập mút mùa lệ thủy như những nhà văn phương Đông, là vậy.

Nó cũng là nguyên do khiến nhà thơ J. Brodsky không dám trở về. Ông sợ quá khứ, sợ kỷ niệm, sợ làm mất đi, những gì ông đã làm được cho thành phố quê hương của ông St. Petersburg: ông bị kết án phải lạnh lùng dửng dưng với nó.

Vàø như thế, nghệ thuật dửng dưng trở thành nghệ thuật ly khai (dissident art). Đây là dấu ấn nghệ thuật những năm 1960 tại Liên-xô. Dửng dưng nhằm chống lại xô-viết hóa. Dửng dưng để không bị "Đảng" hớp mất hồn vía. Và họ bị gán cho cái tội vong thân.

Đây cũng là dấu ấn của Nhân Văn Giai Phẩm ở Miền Bắc, cũng vào những năm này: Đảng có thể lấy hết mọi thứ, nhưng hãy trả lại cho chúng tôi văn học nghệ thuật.

Nguyễn Quốc Trụ.

Chú thích (1) Tác giả bài viết Estrangement as a lifestyle: Shklovsky and Brodsky, in trong cuốn Lưu vong và Sáng tạo (Exile and Creativity, nhà xb Duke University Press, 1996).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.