Hôm nay,  

Mỹ-Phi Đồng Minh Như Cũ

15/03/201900:00:00(Xem: 3413)
Vi Anh

 

Tin VOA tiếng nói của chánh phủ Mỹ, “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 1/3 đảm bảo với Manila rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công trên Biển Đông. Ông nói Hiệp ước Quốc phòng Chung Philippine-Mỹ 1995 sẽ được tuân thủ nếu đồng minh của Mỹ là nạn nhân của việc xâm chiếm,” và Ông nói rõ rằng Trung Quốc là một mối đe dọa cho sự ổn định. “Các hoạt động xây dựng đảo và quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa đến lãnh thổ, an ninh và do đó là sự phát triển kinh tế của các bạn cũng như của Hoa Kỳ.” “Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào các lực lượng, máy bay và tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ khởi động các nghĩa vụ quốc phòng chung,” Ngoại trưởng Pompeo long trọng tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Manila.

Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia đều có các tuyên bố chủ quyền trên hải lộ này, một tuyến đường thủy qua đó một lượng hàng hóa trị giá 3,4 nghìn tỷ USD được giao thương hàng năm. Ngoại trưởng Pompeo nói những nước ấy có trách nhiệm đảm bảo rằng “những thủy lộ vô cùng quan trọng này rộng mở và Trung Quốc không thể đe dọa đóng chúng lại.”

Tình nghĩa vợ chồng như chén úp trong sóng cũng có khi khua. Tình nghĩa đồng minh gắn bó giữa hai nước Mỹ và Phi kéo dài 70 năm, cũng có lúc chinh chạm. Nhưng tình nghĩa quí giá hơn vật chất nên tình xưa nghĩa cũ, không rủ cũng đến. Đó là định luật vô thường trong tương quan của vạn vật, trong đó có thể nhân là con người và pháp nhân là quốc gia dân tộc và chánh quyền.

Thực vậy, trong lịch sử cận đại từ  sau Chiến tranh VN, sau khi Mỹ bỏ rơi, bức tử VN Cộng Hoà, nhân dân và chánh quyền Phi có lần mời Mỹ ra khỏi nước. Vì Phi thấy Mỹ quá thực dụng, bắt tay được TC thì chơi đoản hậu với VN Cộng Hoà một đồng minh của Mỹ đã cùng chiến đấu sát cánh với quân nhân Mỹ trong chiến lược  ngăn chận CS. Tinh thần dân tộc Phi vùng lên chống Mỹ, đuổi quân Mỹ ra khỏi nước, đòi Mỹ phải trả lại hai căn cứ chiến lược hải và không quân ở Phi là Subic Bay và Clarkfield. Và Phi cũng hoà giải với TC để giữ an ninh cho nước mình và tương quan kinh tế giao thương với một nước láng giềng đông dân nhứt hoàn cầu.

Và gần đây không phải chỉ có tân TT Duterte của Phi sang TQ, mà TT Benigno Aquino tiền nhiệm của TT Duterte năm 2011 cũng đã công du Bắc Kinh, với kỳ vọng nâng tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên thành 60 tỷ đô la vào năm 2016. Dù chánh quyền của TT Aquino khiếu kiện TQ về việc tranh chấp chủ quyền biển và bãi cạn Scarborough, TT Aquino vẫn ký gia nhập ngân hàng AIIB và đã nỗ lực để được là thành viên sáng lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Á Châu, một sáng kiến của Bắc Kinh để làm đối trọng với Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu. Nhưng TT Aquino đâu có cần ‘nổ’ và ‘quậy’ dậy sóng trong tương quan bang giao đồng minh với Mỹ. Và Mỹ đâu có chống chánh quyền Aquino vì tương quan kinh tế với TQ.

Cho nên TT Dutere dù là tổng thống quá khích, ăn nói bốc đồng, hành động tuỳ hứng, nhưng nhân dân và chánh quyền chánh trực của Phi không thể để Ô Duterte  phá vỡ tình nghĩa đồng minh của Phi và Mỹ. Vì đó là truyền thống, xu thế khó mà đảo ngược của hai nước Mỹ và Phi. Vì đó là quyền lợi kinh tế, chánh trị, văn hoá xã hội chánh trực của Phi và Mỹ nữa. Còn dân chúng Phi thì thăm dò mới nhất cho thấy, cứ 3 người Phi thì 2 người thích Mỹ. Phi là một quốc gia dân chúng theo Ky tô giáo tỷ lệ cao nhứt Á châu, dân chúng đâu có bao giờ chấp nhận CS vốn là chủ nghĩa vô thần, bài bác tôn giáo.

Và kinh tế Philippines đã khởi sắc nhờ Mỹ dành miếng bánh lớn cho đồng  minh Phi. Mỹ đưa kỹ nghệ, gia công và việc làm qua Phi vì tương quan đồng minh của Phi và Mỹ. Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc là ba thị trường xuất cảng lớn nhất của các doanh nghiệp Philippines. Trung Quốc chỉ là nước đứng thứ ba trong số các nước bỏ vốn đầu tư vào Philippines. Theo thẩm định của Ngân Hàng Pháp Triển Á Châu, trong hai tài khóa 2014 và 2015, thời kỳ TC trả thù Phi kiện TQ, GDP của Philippines vẫn tăng đều đặn ở mức 6% một năm; lạm phát tăng chậm lại.

Kinh tế tài chánh Phi nhờ rất nhiều vào số 30 tỷ đô la kiều hối do người Phi lao động ở ngoại quốc gửi về. Kiều hối từ Mỹ về Phi đứng hạng nhì. Nếu TT Duterte ‘ly khai’ Mỹ, Mỹ chỉ cần giảm số tiền người Phi ở Mỹ gởi về nước, thì TT Duterte sẽ khóc bằng tiếng Tàu như Ông ngoại của Ông và dân chúng Phi sẽ nổi dậy chống Ông.

Đúng, Chủ Tịch Tập cận Bình và TT Duterte đã chứng kiến doanh gia tài phiệt theo Ô Duterte ký một số hợp đồng và cho vay ưu đãi 13,5 tỷ Đô la và số vay lãi suất ưu đãi. Nhưng tiền chỉ còn trên giấy chớ TC chưa giải ngân.

Về phương diện chánh trị thực tiễn và hiến pháp, luật pháp, TT Duterte là một tổng thống của quốc gia theo thể chế dân chủ tuy chưa hoàn mỹ, nhưng chánh quyền của dân, do dân và vì dân, tam quyền phân lập, không phải tổng thống muốn làm gì thì làm. Còn Quốc Hội, còn Tối cao Pháp viện và còn quân đội và quần chúng nhân dân nữa có thể thay đổi chánh phủ.

Thẩm phán Tối Cao Pháp viện đã cảnh cáo TT Duterte trước khi công du TQ. Rằng để mất biển đảo là tội phản quốc, có thể bị truất phế. Quân đội Phi im lặng trước những lời TT Duterte tuyên bố chống Mỹ, theo TC.

Thời sự và sự kiện mới đây cho thấy phản ứng của Mỹ trầm tĩnh, vững tin tình nghĩa đồng  minh của hai nước Phi  Mỹ. Mỹ hành động đúng nghi thức ngoại giao và đúng cam kết quân sự đối với các đối tác, đồng minh của Mỹ trước lời nói bạt mạng và hành động bốc đồng của tân TT Duterte. Toà Bạch Ốc Phủ Tổng Thống Mỹ phản ứng ôn hoà. Phát ngôn viên Josh Earnest cho rằng Phi “duy trì quan hệ với Mỹ là điều tốt nhất cho người Philippines,” là một thái độ “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa Hoa Kỳ và Philippines”. Và Hải Quân Mỹ đã phái khu trục hạm USS Decatur đến vùng biển Hoàng Sa để thách thức Trung Quốc bằng một cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.

Còn chánh phủ của TT Duterte cũng tìm đủ mọi cách đính chánh, làm giảm sự căng thẳng giữa Phi với Mỹ. Bộ Trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez đã khẳng định rằng Philippines vẫn sẽ duy trì quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ. Và mới đây đồng minh chí thiết của Mỹ là Nhựt một tam siêu cường kinh tế, được Mỹ tạo điều kiện trở thành đầu tàu kéo liên minh chống TC, đã làm cho TT Duterte tin tưởng Nhựt hơn TC nhiều. Chánh phủ Nhựt viện trợ kinh tế, chánh trị, quân sự cho Phi còn ngon lành hơn TC nữa. Nhật cấp cho Phi «máy bay huấn luyện TC-90», sẽ «huấn luyện phi công cho Hải Quân Phi”. Giúp cho nông nghiệp Phi bán 5 tỷ Mỹ kim chuối. Giúp cho kỹ nghệ Phi kiếm được 1 tỷ rưởi Đô và 200.000 việc làm trong việc sản xuất xe hơi chạy điện, sửa chữa và đóng tàu, năng lượng tái tạo. TT Dutrete sướng rung mình, tuyên bố tương quan với TC là tương quan kinh tế thôi, còn với Nhựt là bè bạn chí thân. Ông cam kết cùng Nhật Philippines tuần tra chung, tập trận chung và bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông.

Tóm lại, tinh thần đoàn kết xây dựng, tình nghĩa đồng minh, cảm nghĩ thuộc về nhau, ý chí bảo tồn quyền lợi kinh tế, chánh trị, quân sự giữa chánh quyền Phi, nhân dân Phi và Mỹ cho thấy Phi và Mỹ sẽ vẫn đồng minh như cũ, dù TT Duterte thỉnh thoảng có tuyên bố bốc đồng, tuỳ hứng./.(VA)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.