Hôm nay,  

Ngư Dân VN Vẫn Thê Thảm

07/03/201900:00:00(Xem: 2814)
Trần Khải

 

Biển Đông không ngừng lộ ra những cạm bẫy nguy hiểm... Trong khi đó, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đụng chìm là bình thường...

Bản tin của báo tạp chí tài chánh Úc Châu AFR ghi lời cựu Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull  thuyết trình trước viện nghiên cứu ngoại giao  Anh quốc -- viện Henry Jackson Society -- tại London rằng nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc bây giờ đã hình thành một mạng lưới các tiền đồn hải đảo, và sẽ không thực tế nếu nghĩ rằng TQ sẽ rời bỏ việc tranh chấp chủ quyền nơi vùng tranh chấp  này.

Turnbull cũng khuyến cáo rằng Anh quốc nên cách ly mạng lưới viễn thông G5 của Huawei, một công ty đang bị Hoa Kỳ tố cáo là cánh tay gián điệp của Bắc Kinh. Turnbull nói rằng không thể bảo đảm rằng Huawei sẽ bảo mật cho khách hàng.

Trong bài diễn văn trước viện Henry Jackson Society,  cựu Thủ Tướng Úc Turnbull  nói rằng chính phủ của ông đã ra chính sách riêng để cấm công ty Huawei tham dự mạng G5 tại Úc châu, và quyết định đó của Úc đã đưa ra trước khi chính phủ Mỹ tham dự thươngv hiến với Hoa Lục.

Cũng nên nhắc rằng, trong thời kỳ cuối, vào lúc Turnbull nắm chức Thủ Tướng Úc, chính phủ Bắc Kinh đã phản đối Úc về thái độ căng thẳng tại Biển Đông đối với TQ.

Trong khi đó, bản tin Zing hôm 6/3/2019 ghi rằng: Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa.

Sự kiện xảy ra lúc 10h10 ngày 6/3 tại khu vực đảo Đá Lồi (Quần đảo Hoàng Sa). Các ngư dân bị nạn đã được cứu hộ kịp thời.

Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, một tàu đánh cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 90819 TS/05 LĐ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm lúc 10h10 ngày 6/3.

Vị trí tàu bị đâm cách phí đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý, trong khu vực đảo Đá Lồi - quần đảo Hoàng Sa.

Bản tin Zing ghi rằng tàu chỉ còn nổi phần mũi, 5 ngư dân trên tàu đã bám vào mũi tàu và chờ cứu hộ.

Ngay khi nhận thông tin, văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam phối hợp với Trung tâm TKCN Hàng hải Trung Quốc cứu nạn các ngư dân.

Đến 12h14 cùng ngày, 5 ngư dân đã được tàu cá QNg 90620 TS tiếp cận cứu vớt an toàn và rời khỏi khu vực trên.

Trong khi đó, bản tin VOA kể rằng vào ngày 6/3, hai tàu huấn luyện thuộc Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm Đà Nẵng trong 4 ngày.

Chuyến thăm lần này của hai tàu Setoyuki và Shimayoki do Đại tá Nakagama Yoshiyuki, Chỉ huy trưởng đơn vị huấn luyện số 1, làm trưởng đoàn với 380 sĩ quan và thủy thủ.

Báo Zing trích lời Đại tá Yoshiyuki cho biết chuyến thăm của tàu Hải quân Nhật Bản cho thấy hai nước “sẵn sàng hợp tác với nhau trên biển để duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực.”

“Tôi kỳ vọng chuyến thăm hữu nghị TP Đà Nẵng của Đội tàu huấn luyện Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân nhân dân Việt Nam và cao hơn nữa là góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam,” báo Tuổi Trẻ trích lời Đại tá Yoshiyuki nói.

Từ ngày 6 đến 9/3, các chỉ huy và thủy thủ Nhật sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu V, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Hải quân hai nước sẽ tổ chức các hoạt động như thăm tàu của nhau, giao lưu văn hóa, thể thao...

Vào tháng 9/2018, tàu ngầm Kuroshio của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản lần tiên thăm Việt Nam tại cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đài NHK, việc Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản đưa tàu ngầm Kuroshio đến vịnh Cam Ranh có thể nhằm mục đích cho Trung Quốc biết mối quan hệ đang ngày càng lớn mạnh của Nhật Bản với Hải quân Việt Nam, cũng như thể hiện khả năng của tàu ngầm Nhật.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận: Mỹ lại điều pháo đài bay B-52 đến thị uy trên Biển Đông.

Sự kiện diễn ra ngày 04/03/2019, nhưng chỉ được tiết lộ một hôm sau. Ngày 05/03/2019, truyền hình Mỹ ABC News, trích dẫn thông báo của lực lượng Không Quân Mỹ vùng Thái Bình Dương cho biết là một chiếc oanh tạc cơ B-52 đã thực hiện một phi vụ trên vùng trời gần các đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông.

Thông báo của Không Lực Mỹ vùng Thái Bình Dương cho biết là vào hôm 04/03, hai máy bay ném bom B-52H Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để tham gia các phi vụ huấn luyện định kỳ.

Bản thông báo nói rõ : «Một chiếc oanh tạc cơ thực hiện việc luyện tập ở vùng lân cận Biển Đông trước khi quay trở lại đảo Guam, trong khi chiếc còn lại tiến hành huấn luyện ở khu vực lân cận Nhật Bản, trong sự phối hợp với Hải Quân Mỹ và với các đối tác thuộc không lực Nhật Bản, trước khi quay trở lại đảo Guam».

Theo hãng tin ABC, cả hai chuyến bay đều là một phần trong chương trình mang tên «Oanh Tạc Cơ Hiện Diện Thường Trực - Continuous Bomber Presence (CBP)» được triển khai trên đảo Guam.

Tương tự như các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải của Hải Quân Mỹ, theo đó chiến hạm Mỹ được cử đi tuần tra trong khu vực sát các quần đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông, các phi vụ của Không Quân Mỹ cũng nhằm khẳng định vùng trời bên trên Biển Đông là không phận quốc tế.

Nếu chỉ tính trong 6 tháng gần đây, Không Quân Mỹ đã bốn lần cho siêu pháo đài bay B-52 đến thị uy trên Biển Đông : Trước phi vụ hôm 04/03, những chiếc B-52H đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông và biển Hoa Đông vào tháng 9 và tháng 11 năm 2018.

RFI cũng ghi rằng như thông lệ, Không Quân Mỹ lần này cũng không tiết lộ khu vực cụ thể mà các chiếc B-52 bay qua, nhưng riêng việc oanh tạc cơ Mỹ hiện diện trên Biển Đông sẽ lại làm cho Trung Quốc phản ứng mạnh.

Bản tin khác của RFI kể chuyện “Ý bỏ đồng minh, chạy theo Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc...”

Theo tiết lộ của nhật báo Anh Financial Times vào hôm qua, 05/03/2019, nước Ý đã có kế hoạch ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) với Trung Quốc để trở thành một quốc gia tham gia Sáng Kiến Một Vành Đại Một Con Đường của Trung Quốc. Quyết định của Ý đã lập tức bị Mỹ chỉ trích gay gắt, và khiến Bruxelles lo ngại.

Trả lời phỏng vấn của báo Financial Times, chính thứ trưởng bộ Phát Triển Kinh Tế Ý Michele Geraci đã tiết lộ tin trên và cho biết là lễ ký kết sẽ diễn ra vào thời điểm cuối tháng Ba này, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm nước Ý.

Quan chức cao cấp trong chính quyền Rôma giải thích: «Các cuộc đàm phán vẫn chưa xong, nhưng có khả năng kết thúc vào đúng chuyến thăm (của ông Tập)… Chúng tôi muốn chắc chắn rằng các sản phẩm ‘Made in Italia’ có thể gặt hái nhiều thành công hơn khi được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới».

Nếu tham gia vào cái được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, Ý sẽ trở thành nước G7 đầu tiên chính thức bám theo sáng kiến của ông Tập Cận Bình, và động thái này của Rôma ngay lập tức đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Mỹ. Theo Bạch Ốc, dự án hợp tác với Trung Quốc này không giúp ích gì cho nền kinh tế Ý, mà còn phá hủy nghiêm trọng hình ảnh của quốc gia G7 này.

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ Garrett Marquis còn nói thêm rằng Mỹ đang ngày càng quan ngại về cái được gọi là ảnh hưởng tiêu cực của chính sách «ngoại giao cơ sở hạ tầng của Trung Quốc», đồng thời thúc giục các đồng minh và đối tác của Mỹ, trong đó có Rôma, là phải gây sức ép để buộc Bắc Kinh điều chỉnh chính sách đầu tư sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

RFI cũng ghi về nỗi lo:

“Theo Financial Times, quyết định của Ý khi tham gia sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Trung Quốc có thể gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, với những nước như Pháp hay Đức đang thúc đẩy các biện pháp nhằm thanh lọc các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu. Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3/2018 cũng từ chối ký kết bản ghi nhớ về sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường.”

Nghĩa là, Biển Đông vẫn nhức nhối. Trong khi đó, ngư dân VN vẫn thê thảm...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.