Hôm nay,  

TC: Ác Mộng Toàn Cầu

04/03/201900:00:00(Xem: 4687)
Vi Anh

 
Đầu thiên niên kỷ thứ ba, thế kỷ 21, Trung Quốc Cộng sản hay Trung Cộng là chế độ vươn lên vũ đài thế giới, chánh yếu là nhờ Tây Phương nhứt là Mỹ giúp cho TC chuyển sang kinh tế thị trường mà TC gọi là theo định hướng xã hội chủ nghĩa. TC trỗi dậy, tới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình [TCB] vươn lên, bành trướng muốn làm bá chủ không gian thực với chiến lược bành trướng “Vành Đai Con Đường” và khống chế  không gian ảo trên mạng với chiến lược “Made in China 2025” và khoa học kỹ thuật viễn thông cao thế hệ “5G”.

Càng ngày càng nhiều quốc gia lo ngại trước túi không  đáy và thách thức bạo ngược của TC để tái hiện Giấc Mộng Trung Hoa thời nước Tàu coi mình là cái rún của  thế giới và các nước là chư hầu, dị tộc. Thành ra giấc mộng toàn cầu của TCB thành Ác mộng của TC.

Nên, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, hôm 25-09-2018, TT Trump kêu gọi các nước trên thế giới “chống lại chủ nghĩa xã hội và những đau khổ mà nó đã gây ra cho mọi người”. Ông đơn cử trường hợp ở Venezuela, là một “bi kịch của nhân loại” với “hơn 2 triệu người trốn chạy khỏi đất nước vì chế độ XHCN Maduro và sự hậu thuẫn của Cuba”. “Xã hội Chủ nghĩa” tức CS. TC là chế độ CS lớn nhứt còn sót lại ở Á châu.

Nhân dân và chánh quyền Mỹ coi TC là đối thủ đáng gờm, kẻ thù số 1 của Mỹ. TT Trump phát động chiến tranh thương mại chống TC. Mỹ chiến tranh toàn diện chống TC. Mỹ đánh vào kinh tế, tài chánh, giao thương của TC. Mỹ mở rộng chiến trường Á châu Thái bình dương rộng ra Ấn độ dương là diện mà Biển Đông là điểm. Mỹ và đồng minh Nhựt, Anh, Pháp không để TC hoành hoành, gây bất ổn, vi phạm quyền tự do hàng hải trên con đường hàng hải huyết mạch của Á châu Thái bình dương. Chưa bao giờ TC bị hầu như cả thế giới, Đông cũng như Tây phương, chống như bây giờ. Chống  TC cướp giựt biển đảo ngoài Biển Đông. Mỹ tấn công thẳng vào Quân Uỷ Trung Ương TC, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng trên toàn quân đội TQ và lực lượng bán quân sự TC. Chủ Tịch Tập cận Bình kiêm luôn Chủ Tịch cơ quan quyền lực quân sự này.

Mỹ mở chiến tranh tâm lý chống TC dùng tiền và quyền lực mềm mua chuộc và phổ biến ý thực hệ CSTQ, văn hoá vận  TQ ở ngoại quốc. Mỹ bắt đầu khai tử Viện Khổng Tử của TC lâu nay đã đặt tại các đại học lớn trên đất Mỹ.

 Mỹ mở chiến tranh chống TC  triệt hạ và thôn tính đất nước của các sắc tộc thiểu số như Tây Tạng và Duy ngô nhĩ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/09/2018 chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh đã trấn áp sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet của RFI của Pháp tường trình. Mỹ vận động hàng trăm nước trên thế giới chống “Trung Quốc là nguồn chính cung cấp ma túy vào Mỹ.”

Đối với chiến lược Vành Đai và Con Đường, nhiều dấu chỉ cho  thấy TC có thể để cho chiến lược này chết lặng lẽ. Chết vì tình hình tài chánh của TC chịu đựng hết nổi. Ngoại hối TC suy giảm, ngân sách TC thâm hụt. Suy thoái kinh tế của TQ buộc TQ đã phải rút đi hơn 1 ngàn tỷ đô la từ dự trữ ngoại hối nói trên. Nếu tính thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho Vành đai Con đường ở một quy mô như trước.

Bắc Kinh lại phải đương đầu với một cơn bão về chi phí lương hưu tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiền thu thuế giảm dần. Lỗ hổng ngân sách lớn nhất của Bắc Kinh là lương hưu cho dân số lão hóa nhanh chóng. Bộ Tài chính TQ phải thật thà khai báo và khẩn khoảng vào cuối tháng 12 năm ngoái: "Tất cả các cấp của chính phủ phải lãnh đạo bằng cách thắt lưng buộc bụng và làm hết sức mình để giảm chi phí hành chính."

Chết vì các nước chống đối, tẩy chay cách đầu tư khai thác của TC còn tồi tệ hơn thực dân nữa. Nào cho vay là gài “bẫy nợ” để siết đất, cảng, công trình chiến lược của các nước nhược tiểu. Nào mua chuộc viên chức tham nhũng mướn đất 99 năm như nhượng địa cho TQ. Nào đem công nhân TQ qua lãnh làm công trường, lập làng xóm tự trị như một quốc gia trong một quốc gia. Nào đầu tư khai thác tài nguyên đem về TQ.

Nên, tiêu biểu như tân Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia 93 tuổi, nhiều lần làm thủ tướng, nhiều kinh nghiệm về TC đã hủy bỏ hai dự án Vành đai Con đường lớn, một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí quá cao. Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại viên ngọc quý của Vành đai Con đường - Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đôla. Sri Lanka hay Tích Lan là quốc gia vay 1 tỷ đô la của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Tháng 12/2017, Sri Lanka không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc, quốc gia này đã buộc phải chính thức bàn giao cảng Hambantota chiến lược của họ cho Trung Quốc tiếp quản.

Chính phủ Myanmar (Miến điện) vừa nói với Bắc Kinh rằng việc xây dựng một đập thủy điện đã bị đình chỉ do Trung Quốc tài trợ sẽ không được khởi động lại. Maldives, quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương, đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỷ đôla - bằng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội - mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án Vành đai Con đường.

Đó là những bằng chứng về chiến lược ngoại giao bằng “bẫy nợ” cực kỳ lợi hại của Trung Quốc – một nước cờ gian ác của sáng kiến “Vành đai và Con đ​ường” của Trung Quốc, mà Tập Cận Bình gọi đó là “dự án của thế kỷ”.

Tây Phương và Mỹ còn cùng phối hợp tác chiến. Đánh TC trong chiến lược “made in China 2025’ và khoa học kỹ thuật viễn thông 5G. Mỹ tẩy chay tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vì lo ngại hạ tầng di động 5G của Huawei của TC phục vụ cho mạng lưới gián điệp toàn cầu của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 21/2 cảnh báo Hoa Kỳ không thể hợp tác hoặc chia sẻ thông tin với các quốc gia sử dụng các hệ thống của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào tháng 10 năm ngoái đã thẳng thừng cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ, “cướp bóc” kinh tế và gây hấn quân sự. Vài tháng sau bài phát biểu của PTT Pence, Mỹ đã công bố hàng loạt cáo trạng nhằm vào các cá nhân và tổ chức Trung Quốc với tội danh gián điệp. Các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ cũng có những bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ và tại các sự kiện quan trọng, cảnh báo các mối đe dọa từ Trung Quốc không chỉ đối với Mỹ mà còn với toàn thế giới.

Mỹ cũng đánh TC về nhân quyền và kỳ thị chủng tộc. Ở TQ những nơi có cộng đồng người Hồi giáo đông đúc, ngày càng bất bình với các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/2 đã cáo buộc Trung Quốc bắt giữ tùy tiện hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, bất chấp phản bác của Bắc Kinh. Một loạt các quốc gia, bao gồm Mỹ và Australia, cũng kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại “cải huấn” Tân Cương, nơi có khoảng 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi và tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đã triệu tập đại sứ Trung Quốc và yêu cầu giải thích về các vấn đề liên quan tới cộng đồng người Hồi giáo. Ngoài ra, làn sóng phản đối Trung Quốc cũng lan sang Malaysia.

Ngần ấy dữ kiện và thời sự chống TC trên nhiều phương diện chứng minh giấc mộng Trung Hoa của TCB đã thành ác mộng của TC./.(VA)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.