Hôm nay,  

Thêm Biên Cương Mới

24/08/200000:00:00(Xem: 4752)
Từ ngữ “biên cương mới (new frontier) không xa lạ với người Mỹ. Nó đã có trong lịch sử của Hoa Kỳ. Chữ biên cương không phải riêng để chỉ biên giới một nước mà còn bao hàm những ý rộng hơn. Biên cương mới còn là một vùng đất mới cần khai phá, một chân trời mới cho những người muốn vuơn lên và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Bởi vậy nó cũng nói lên một lãnh vực của kiến thức và tư duy mới.

Ngày lễ Độc lập July 4th năm nay, khi nhìn hội thuyền OpSail ở New York, mấy chữ “biên cương mới” đã đến với tôi vì tôi nghĩ nước Mỹ quả là một nước của những người di dân đã có can đảm vuợt biển bao la sóng gió để tìm đất sống xứng đáng với sức năng động của họ. Sau khi 13 tiểu bang nguyên thủy của Hoa Kỳ thành lập ở miền Đông, từ ngữ “biên cương mới” càng rõ nét hơn nữa, vì những người dân đầu tiên của nước này đã đi tìm những chân trời mới ở phía Tây để xây dựng một đất nước phồn vinh vĩ đại. Nhưng với thời gian hai thế kỷ sau, mấy chữ biên cương mới có vẻ bị mờ dần. 40 năm trước đây, John Fitzgerald Kennedy, một thượng nghị sĩ trẻ của đảng Dân Chủ đã làm sống lại ý niệm “biên cương mới” để làm chủ đề tranh cử Tổng Thống của ông. Đại hội đảng Dân Chủ năm nay họp ở Los Angeles, cũng là nơi họp đại hội năm 1960, hiển nhiên muốn nêu lại ý niệm đó làm nền tảng của chương trình tranh cử. Chủ đề đã cũ chăng"

Ở đây tôi tạm thời không nói đến người, tôi chỉ muốn bàn đến tư tưởng của con người. Tôi đã nghe bài nói chuyện của bà Caroline Kennedy, con gái của cố Tổng Thống Kennedy, nhắc đến những tư tưởng của cha, trong đó có biên cương nới. Bà nói ý niệm đó thích hợp với bất cứ thời gian nào, bởi vậy nó “không có thời gian”. Năm 1960, JFK đưa ra khái niệm biên cương mới vì lúc đó, 15 năm sau cuộc thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã phải đương đầu với biết bao thử thách của thời thế, cuộc chiến tranh lạnh chỉ mới bắt đầu, những chiến binh của cuộc chiến nay đã trở về thành những người cha, trong khi những vấn đề phức tạp nhất trong xã hội đã nẩy sinh. Năm 1960, Caroline Kennedy đứng bên cha trên diễn đàn đại hội, chỉ mới lên 3. Năm nay tuổi trung niên, cô vẫn diễn tả rất chính xác ý niệm biên cương mới của cha cô. Những tư tưởng lớn xây dựng tương lai bao giờ cũng được các thế hệ đến sau ghi nhớ.

Tôi còn nhớ năm 1961, JFK đã đưa ra lời thách thức nước Mỹ sẽ lên Mặt Trăng trước Liên Sô, mặc dù Liên Sô lúc đó đã hơn Mỹ vì phóng được một vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại lên quỹ đạo Trái đất. Hai năm sau, JFK đã gục ngã dưới những viên đạn của kẻ sát nhân, nhưng lời thách thức của ông không chết. Năm 1969, Mỹ lên Mặt Trăng trước Liên Sô. Tôi rất đồng ý với Caroline Kennedy khi bà nói biên cương mới “không có thời gian”. Tôi chỉ muốn bàn góp thêm: Nó cũng “không có không gian”. Biên cương mới không có trên Trái Đất, không có trên một hành tinh nào trong vũ trụ. Vậy nó ở đâu" Nó ở trong lòng người. Có đầu óc sáng suốt mới khái tượng được biên cương mới để định hướng tương lai cho thật đúng. Nhưng vẫn chưa đủ. Còn phải có tấm lòng chân thành, cương quyết, quả cảm mới thực hiện được tương lai đó. Biên cương mới cần cả khối óc và con tim.

Trong biên cương mới này có một điểm đã trở thành câu nói thời thượng “bao gồm thay vì loại trừ” (inclusive intead of exclusive). Cụm từ này không mới, nó chỉ diễn tả một tinh thần nhân đạo bao dung, mở rộng tầm tay đón nhận với tình thương. Nói cách khác, đó là khẩu hiệu ôn hòa chống kỳ thị, thù ghét và miệt thị. Trên chính trường đã vang lên những tiếng này từ lâu, nhất là vào năm 1996 và 1998 khi người ta cần câu phiếu cử tri. Nhưng không hiểu tại sao, mấy chữ đó đã khắc sâu trong tâm trí tôi, đến độ vào tháng 4 năm 1999, tôi đi xem tàn tích của quả bom khủng bố phá một tòa cao ốc ở Oklahoma City. Tối hôm đó nói chuyện trước một cử tọa đông đảo, tôi đã nói một câu: “Chính trị cần phải cởi mở và khoan dung. Nó phải bao gồm thay vì loại trừ”. Trong thời đại thông tin và kiến thức nở rộ, tôi xin nói thật với các nhà làm chính trị: Không có cách nào “loại trừ” mà chỉ có thể “bao gồm”. Đó là toa thuốc tốt nhất để chống những lập trường bảo thủ giáo điều cực đoan, bởi vì cực đoan chỉ tạo ra căm thù mù quáng và căm thù mù quáng đưa đến bạo lực mù quáng.

Nhưng vấn đề không phải chỉ nói mà phải làm. Ai cũng biết nói, vậy ai là người làm được" Chúng tôi đã nói cần phải có một tấm lòng, nhưng muốn nhìn rõ những tấm lòng đó, cần phải trở lại tiến trình khái tượng tương lai. Khi anh bám chặt lấy giáo điều và quá khứ, anh chỉ là những kẻ cực đoan và kinh nghiệm đã cho thấy kẻ cực đoan mù trước tương lai. Trên chính trường Mỹ vẫn có hai khuynh hướng bảo thủ (Cộng Hòa) và tự do phóng khoáng (Dân Chủ). Tôi không nói bảo thủ là xấu và tự do phóng khoáng là tốt, tôi chỉ muốn nói cả hai đều có những người xấu và người tốt. Chỉ có những phần tử cực đoan nhất trong hai đảng mới là xấu, bởi vì họ không thấy biên cương mới. Ấn tượng đầu tiên của tôi nhìn cuộc tranh cử 2000 là thấy những cái cạnh cực đoan nhất đang mất dần thế đứng. Xu thế ngày nay là người ta muốn đi vào giữa đường thay vì bám vào lề đường dù lề tả hay lề hữu.

Biên cương mới không có không gian vì nó ở trong lòng người. Nhưng về thời gian, nó hợp thời hơn bao giờ hết. Chúng ta đã bắt đầu thế kỷ 21, chúng ta đã đi vào một thời đại trí tuệ và kiến thức con người được nâng lên một tầng cao hơn nữa. Biên cương mới đã vẽ cho chúng ta một hình ảnh tươi sáng của thế trung dung, ôn hòa và nhân ái

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.