Hôm nay,  

Phản Tuyên Truyền

22/04/200000:00:00(Xem: 5960)
Tuyên truyền đã từng là sách lược đắc dụng của các chế độ độc tài, nhưng nó đã hết thời. Ngày nay chính chế độ Cộng sản cũng phải bỏ danh xưng Tuyên truyền hay Tuyên huấn mà gọi là Thông tin-Văn hóa, bởi vì hai chữ “tuyên truyền” đã trở thành biểu tượng của bịa đặt, dối trá và lừa gạt. Cái tên có đổi thật nhưng thủ đoạn vẫn thế. Khoe mẽ vinh quang quá khứ là phương pháp cổ điển của tuyên truyền, nó đã quá nhàm, hết linh. Nhưng nếu thành tích có ít mà xuýt ra nhiều, hoặc không có mà bịa đặt là có để lái sang mục tiêu trục lợi riêng, ngọn lửa tuyên truyền sẽ quật ngược lại. Người ta gọi đó là phản tuyên truyền.

Tại sao chế độ Hà Nội phải cho di tản chiến thuật các cuộc diễn hành lễ lạt ngoài đường phố ở Saigon ngày 30 tháng 4 năm nay để rút về an toàn khu dinh Thống Nhất" Họ nói là vì an ninh và tiết kiệm tiền bạc. Nhưng từ tháng 3, những lễ lạt tưng bừng kèm theo tuần hành rầm rộ đã diễn ra ở Ban Mê Thuột, Huế Đà Nẵng, Nha Trang, không thấy có gì xáo trộn và không thấy kêu tốn kém. Ở các tỉnh nhỏ dễ bịp bợm, nhưng ở Saigon các ông cộng sản sợ mắc hố. Những người cộng sản năm xưa vào Saigon với thế huênh hoang của kẻ chiến thắng, nói sẽ quét sạch văn hóa đồi trụy của tư bản, đĩ điếm, xì-ke ma túy, trộm cắp, ăn chơi trác táng... Một ký giả ngoại quốc đã viết một câu bất hủ: “25 năm sau Saigon muôn thủa đã lặng lẽ trở về báo thù”. Báo thù bằng cách nào vậy"

Không một tiếng súng, trực thăng Huey đã đổ bộ. Nhưng chúng hiện ra thành hình ảnh in trên các lon Coca bán rong ngoài đường hay tranh vẽ gợi cảm trên trần các hộp đêm với bia ôm, nhẩy nhót và nhạc xập-xình thâu đêm suốt sáng. Và trên vỉa hè các phố Tây, gái bán dâm tự do tuần tiễu xáp lại du khách níu kéo, mời mọc bằng những lời có khả năng làm mấy anh thủy thủ, dù đang “háu đói” xác thịt cũng phải đỏ mặt lên mắc cỡ. Không biết các nàng nói gì, có lẽ những tiếng Anh mà người ta chỉ in ra bằng chữ “f” ở đầu rồi chấm một cái chớ không có can đảm viết ra cả chữ. Tội nghiệp thay, cái cảnh xung phong tấn công thịt người này lại diễn ra chình ình ngay trước các hình vẽ “Bác” to tổ bố vẫn đặt nhan nhản ngoài đường phố giữa đêm khuya thanh vắng. Cũng may hình vẽ không biết đỏ mặt, nếu không thật chẳng còn ra thể thống nào nữa. Còn các cột điện năm xưa phải khóc ròng vì không có chân để ra đi, nay ánh sáng đèn đường về khuya rọi kỹ những “nàng” ăn mặc hớ hênh, chắc phải mừng rơn ca bài cách mạng “Quân ta đã về...quân ta đã về...” Cột đã trả thù dân tộc.

Saigon vẫn còn treo nhưng tấm hình tuyên truyền thật đồ sộ quen thuộc như nhà máy hiện đại nhả khói, các công nhân vai u thịt bắp, mồm cười đẹp như tượng thần Hy Lạp. Lại còn những hình ảnh truyền thống khác như các nàng thôn nữ tuơi như hoa “gánh lúa về” trong khi các chàng nông dân giơ cao bó lúa nặng chĩu hạt đập xuống giữa đồng. Khổ thay, các hình ảnh vẽ đẹp đó đã thóa mạ thực tại. Vì các lao công mình trần trùng trục vẫn đẩy xe bò kiểu thế kỷ 19 ngay nơi bến cảng, trong khi các nhà máy cổ lỗ thời Pháp thuộc không còn sức nhả khói được nữa, nếu có nhà máy nào hiện đại thì nó không treo cờ búa liềm mà treo cờ liên doanh tư bản ngoại quốc.
Hà Nội là thủ đô của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng Saigon lại là kinh đô của cách kiếm tiền tư bản chủ nghĩa. Ngày nay nông dân không bám đồng ruộng, họ đã chán với cảnh làm ăn lam lũ, âm thầm kéo ra Saigon để làm giầu, tăng cường đạo quân thất nghiệp. Bỏ diễn hành ăn mừng chiến thắng ngoài đường phố là phải, vì không lẽ đọc diễn văn ca tụng đảng ở giữa nơi thực tế tư bản chống lại tư tưởng cộng sản quá rõ. Dù có loa đài hò hét ngày đêm lấp liếm, dù có báo chí tự do khoác lác, kết quả cũng chỉ quật ngược.

Hăm dọa cũng là một thủ đoạn tuyên truyền của cộng sản. Dù đã rút các lễ lạt 30-4 ra khỏi đường phố, các ông cộng sản vẫn sợ dân chúng nhân cơ hội này biểu tình chống đối. Mấy chục nông dân tỉnh Đồng Tháp còn biết kéo nhau ra đến Hà Nội để biểu tình đòi dân chủ chống tham nhũng, nữa là ở ngay Saigon làm sao nông dân miền Nam không dám làm" Việc đưa Linh Mục Chân Tín ra xử theo kiểu tòa án nhân dân chính là một thủ đoạn tuyên truyền hăm dọa, dằn mặt những mầm mống biểu tình phản kháng nhân ngày 30-4. Ngày xưa khi xử theo kiểu họp mít-tinh nạn nhân phải có mặt, công an đến tận nhà lôi đi. Đàng này Linh Mục Chân Tín không chịu ra mặt, vậy mà “nhân dân cò mồi” vẫn xử. Xử rồi chưa biết thi hành bản án ra sao cũng không cần nói đến. Đó là vì chế độ không muốn làm to chuyện mà chỉ muốn dùng vụ này để tuyên truyền reo rắc sợ hãi.

Vụ này cũng giống như vụ bắt một nữ ký giả Pháp rồi trục xuất ngay tức khắc khi bà này có ý định đến phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Tháng 5 có Ngày Nhân Quyền Việt Nam và hồi này năm ngoái bác sĩ Quế đã đưa ra một bản tuyên ngôn nhân danh Cao Trào Nhân Bản đòi chế độ Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền. Năm nay Bác sĩ Quế cũng có thể làm một việc tương tự, chế độ lo sợ nên đã cho Công an chìm rình rập. Vụ trục xuất nữ ký giả Pháp cũng là một thủ đoạn tuyên truyền dằn mặt các ký giả ngoại quốc khác.

Tuyên truyền bịa đặt hay hù dọa đều là phản tuyên truyền. Dùng những thủ đoạn cũ xưa hay bắt chước những từ ngữ đáng tởm từ 50 năm trước còn lố bịch hơn nữa. Nó chỉ làm lộ mặt cáo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.