Hôm nay,  

Nhiều Xưởng Ráp Xe Tải VN: Sắp Dẹp Vì Luật Mới Làm Khó

27/12/201800:00:00(Xem: 1979)
SAIGON -- Báo động mới cho thị trường Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp ô tô tải nguy cơ đóng cửa. Trong những gian nan ngành kinh doanh này gặp phải, có lỗi của nhà nước đã áp đặt thuế và phí quá nặng.

Báo Tiền Phong ghi rằng vì  quy mô thị trường vẫn nhỏ, tỷ lệ nội địa hoá thấp, nhiều khoản thuế phí “đè lên”, nhu cầu giảm trong khi hàng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp xe tải ở Việt Nam khó khăn chồng chất, và đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Bản tin báo TP ghi rằng tính tới hết tháng 12 này, tròn 1 năm áp dụng Nghị định 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2018, thị trường ô tô nhập khẩu hết sức ảm đạm bởi các doanh nghiệp (DN) chưa thể đáp ứng được những quy định mới. Các hãng không thể nhập xe về Việt Nam hoặc chỉ về với lượng rất ít để “cầm cự” và cố gắng duy trì việc bán hàng bằng cách bán nốt lượng xe tồn được nhập khẩu (NK) trước đó.

Bản tin nhắc rằng kể từ tháng 7/2018, thị trường ô tô nhập khẩu bắt đầu trở lại sôi động hơn khi một số hãng bắt đầu đáp ứng được các quy định mới của NĐ 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện nghị định này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cộng dồn 11 tháng qua, cả nước nhập 66.283 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,5 tỷ USD.

Thống kê của Bộ GTVT, đến giữa năm 2018 đã có 200 bộ hồ sơ NK cho 103 kiểu loại ô tô và 7.226 xe ô tô được cấp giấy chứng nhận ra thị trường tiêu thụ.

Mặc dù tình hình NK ô tô liên tục tăng trưởng, nhưng hết tháng 11, sản lượng xe ô tô nhập khẩu vẫn đang giảm khoảng 20% trong khi kim ngạch giảm 21% so với cùng kỳ 2017. Xét về xuất xứ, hết tháng 11, Thái Lan và Indonesia dẫn đầu về số lượng ô tô nguyên chiếc NK và kim ngạch.

Xét về doanh số, báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, 11 tháng qua, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 253.956 xe, tăng 4% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 193.688 xe tăng 11%, còn xe NK đạt 60.269 xe giảm 14% so với cùng kì năm ngoái.

Về thị phần tại thị trường ô tô Việt Nam, trong tháng 11 vừa qua thị phần của 2 nhà sản xuất chiếm vị trí số 1 và 2 lại có sự đảo ngược. Theo đó, Trường Hải (Thaco) lấy lại vị trí số 1 " là nhà sản xuất đứng đầu thị trường (30,2%) sau 1 tháng bị Toyota chiếm giữ (25,2%).


Nan đề cho các cơ xưởng, theo báo Tiền Phong, là không muốn sản xuất xe mà chỉ muốn nhập xe ngoại vào:

“Với việc khai thông được nguồn cung và hưởng thuế NK 0%, hiện nhiều DN kinh doanh và sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam đang dần chuyển sang phân phối các dòng xe NK thay vì lắp ráp như trước.”

Thê thảm cũng là, xe bán yếu, tồn kho nhiều, theo bản tin TP:

“...đến hết năm 2018, một số DN vẫn chỉ bán được vài trăm xe, trong khi tồn kho cả nghìn chiếc, khiến chi phí bảo quản, lưu kho bãi với xe tồn và các linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào tăng lên. Số lượng xe tải cả nước tồn kho ước tính lên đến cả chục ngàn chiếc, một số DN đã phải tạm ngừng kế hoạch đưa ra mẫu xe mới.

Theo các DN, nhu cầu xe tải giảm mạnh là do ảnh hưởng từ việc siết chặt việc chở hàng quá tải vài năm trở lại đây. Ngoài ra, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay với khách hàng mua xe tải kinh doanh, chính vì vậy doanh số bán giảm. Hiện trên thị trường chỉ có những mẫu xe tải cỡ nhỏ giá rẻ, chất lượng đảm bảo, vẫn còn duy trì doanh số bán ổn định. Tuy vậy, các DN cũng phải đẩy mạnh khuyến mãi, trong khi trước đây không cần khuyến mãi vẫn bán tốt.”

Chính phủ lại siết ngành kinh doanh xe tải bằng quy định mới, theo báo Tiền Phong:

“Chưa kể, từ tháng 4/2019, các DN sản xuất ô tô sẽ phải thực hiện quy định mới tại Nghị định 116. Theo đó, các DN sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có xe tải, phải có đường thử xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đây là quy định bắt buộc, khiến nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô khó đáp ứng. Những DN nhỏ nhà xưởng vốn nhỏ bé, diện tích mặt bằng hạn hẹp, sẽ không dễ đáp ứng quy định này. Nếu muốn đáp ứng chỉ còn cách thuê khu đất mới làm đường thử mới, như vậy, chi phí sẽ tăng, khiến giá xe đội lên.

Một điều kiện bắt buộc nữa là phải có dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn. Để đầu tư dây chuyền này tốn hơn 100 tỷ đồng, nhiều DN nhỏ không có tiền đầu tư, hoặc đầu tư xong cũng khiến giá xe đội lên.”

Do vậy, thê thảm. Bản tin nói rằng nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô quy mô nhỏ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bởi không thể đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 116. Nếu có làm được thì chi phí cũng sẽ đồng loạt tăng, khiến giá xe tăng cao. Đã có một vài DN lắp ráp xe tải đang rao bán nhà máy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.