Hôm nay,  

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ: Đại hội Văn Bút Quốc Tế tố cáo Cộng sản gia tăng đàn áp những người yêu nước, hoạt động vì Nhân Quyền, vì Công Bình Xã Hội và vì Môi Trường tại Việt Nam

04/12/201811:05:00(Xem: 2167)

Nhắc lại, ngày 24 Tháng Mười 2018, chúng tôi có đưa tin: Văn Bút Quốc Tế chào mừng bà Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra khỏi trại tù của cộng sản. Từ ngày 17 tháng Mười 2018, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị buộc phải lưu vong ngoại quốc và án tù giam chỉ tạm hoãn thi hành. Cho nên Văn Bút Quốc Tế lên tiếng bênh vực quyền của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được tự do trở về Việt Nam. Văn Bút Quốc Tế còn thúc giục nhà cầm quyền cộng sản phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những nhà văn và nhà hoạt động Nhân Quyền bị tù giam hoặc bị tạm giữ chỉ vì hành sử ôn hòa quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm của họ. Văn Bút Quốc Tế tiếp tục lên án hành vi cộng sản buộc các nạn nhân phải bỏ nước sống lưu vong thì mới được thả ra trước hạn tù giam.

Tình trạng cộng sản Hà Nội vi phạm Nhân Quyền, gồm có quyền Tự do Phát biểu và bày tỏ quan điểm, quyền Tự do Hội họp và Lập Hội, luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Văn Bút Quốc Tế từ hơn ba thập niên qua. Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại được biết là một trong số những Trung tâm đã hết lòng và tích cực góp phần vào tất cả công cuộc vận động bênh vực nhà văn bị cầm tù của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế. Văn Bút Thụy Sĩ ủng hộ nhà văn tù nhân tại nhiều nước trên thế giới, trong đó nhứt là chế độ cộng sản Hà Nội. Hồi cuối tháng Chín năm 2018, Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc tế kỳ thứ 84 họp tại thành phố Pune, nước Ấn Độ, đã đồng thanh thông qua một bản Quyết Nghị về CHXHCNVN. Bản dự thảo do Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và Văn Bút Việt Nam Hải ngoại đồng đề nghị, với sự tán trợ của ba Trung tâm Văn Bút Pháp, Québec và Gia Nã Đại. Hiệp hội các Nhà Văn thế giới cực lực tố cáo cộng sản tiếp tục chà đạp quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm, hành hạ, ngược đãi và giam cầm các nhà văn, nhà báo, tác giả bút ký điện tử và các nhà tranh đấu bảo vệ Nhân Quyền và Môi Trường. Quyết Nghị đòi trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân ngôn luận và lương tâm, vì yêu nước trong đó có bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga, ông Trần Huỳnh Duy Thức, các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ và nhiều vị khác nữa. Văn Bút Quốc Tế cũng thúc giục cộng sản xóa bỏ những điều luật hiện hành, gồm cả luật An ninh Mạng, cốt để hủy diệt hoặc kềm hãm tinh thần tự do dân chủ và những quyền căn bản của con người. Tham dự Đại hội nói trên, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã cảm ơn các đại biểu Văn Bút Na Uy, Erythrée và Estonie về sự quan tâm đặc biệt của các văn hữu đối với tình cảnh lao lung của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng như trường hợp tù nhân Nguyễn Văn Hóa (7 năm tù giam). Một bản Quyết Nghị của Văn Bút Na Uy, với sự tán trợ của Văn Bút Erythrée và Estonie, đã cực lực tố cáo những sự đe dọa và đàn áp, ngược đãi những nhà hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu trên khắp thế giới. Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và ông Nguyễn Văn Hóa là hai nạn nhân tiêu biểu của chế độ cộng sản Việt Nam.

Tự Do – Sự Thật – Đa Nguyên kết tinh thành chủ đề của Đại Hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 84. Đại Hội do Trung tâm Văn Bút Nam Ấn tổ chức tại Pune, thủ đô văn hóa và thành phố đại học nổi tiếng của tiểu bangMaharashtra. Các văn hữu Ấn Độ đã tiếp đón hơn 200 nhà văn hội viên của gần 90 Trung tâm Văn Bút và tân khách trong văn giới. Ngoài ra còn có đông đảo thân hữu cùng nhiều phái viên thông tấn báo chí, truyền thanh và truyền hình. Tại Đại Hội Pune, lần đầu tiên thi hữu Nguyên Hoàng Bảo Việt đã gặp phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải ngoại gồm có văn hữu chủ tịch Dương Thành Lợi và hai văn hữu Lê Hữu Liệu và Nguyễn Thanh Sơn, phó chủ tịch và tổng thư ký. Chúng tôi được tin nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt sẽ trở lại Ấn Độ mùa xuân năm 2019. Trong khuôn khổ sinh hoạt Đại hội Văn Bút Quốc Tế, thi hữu đã đọc thơ tại Trung tâm Văn Hóa Pandit Jawaharlal Nehru và nói chuyện tại trường Đại học Savitribai Phule Pune. Ngay sau đó thi hữu Việt Nam được thi văn hữu Ấn Độ mời sang năm 2019 đến đọc thơ nhân dịp 150 năm Sinh Nhựt của Mahatma Gandhi. Thư mời chánh thức đã đến với tác giả bài thơ Tiếng Hát Calcutta. Bài thơ được viết năm 1955 tại Calcutta, Ấn Độ và được in trong tập thơ Hy Vọng năm 1961 tại Sài Gòn. Hy Vọng là một trong những thi phẩm đã được trao giải Văn Chương Toàn Quốc 1960-1961 tại Miền Nam Việt Nam Tự Do (Thời Đệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa).

Rất tiếc khuôn khổ hạn hẹp của Bản Tin điện tử và thì giờ ưu tiên cho hoạt động vì Nhân Quyền khiến chúng tôi không thể viết nhiều hơn về Đại hội Văn Bút Quốc Tế tại Pune, Ấn Độ. Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã làm một bản tường trình đầy đủ bằng Pháp văn cho Ban Chấp hành cùng tất cả hội viên Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại. Chúng tôi mong sẽ có dịp và điều kiện thuận tiện để viết tiếp và bổ sung Bản Tin của chúng tôi hôm nay.

Genève ngày 30.11.18

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse

Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

Nguồn tin và tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, đặc trách Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Danh sách các Trung tâm Văn Bút Quốc Tế đã biểu quyết ủng hộ dự thảo Quyết Nghị về CHXHCNVN tại phiên họp khoáng đại của Hội đồng Đại biểu ngày 29 tháng Chín 2018 (bản Pháp văn):

PEN Afghanistan, PEN Afrikans, PEN Allemand, PEN Américain, PEN Anglais, PEN Arménien, PEN Autrichien, PEN Bangladesh, PEN Basque, PEN  Biélorusse, PEN Belgique, PEN Bengal-Ouest, PEN Canadien, PEN Catalan, PEN Croate, PEN Danois, PEN Delhi, PEN Ecossais, PEN Erythréen, PEN Esperanto, PEN Estonien, PEN Finlandais, PEN Français, PEN Galicien, PEN Gambien, PEN Guatemaléen, PEN Guinée Bissau, PEN Honduras, PEN Hongkong d’expression anglaise, PEN Hongkong d’expression chinoise, PEN Hongrois, PEN Indépendant Chinois, PEN Irakien, PEN Irlandais, PEN Japonais, PEN Coréen, PEN Kurde, PEN Letton, PEN Malawien, PEN Malien, PEN Marocain, PEN Melbourne, PEN Mexique, PEN Moscovite, PEN Myanmar, PEN Népalais, PEN Nicaraguayen, PEN des Ecrivains Nord-Coréens en exil, PEN Norvégien, PEN Ougandais, PEN Ouighour, PEN Palestine, PEN Pays-Bas, PEN Perth, PEN Philippines, PEN Polonais, PEN Portugais, PEN Québecois, PEN Roumain, PEN Russe, PEN Saint Petersbourg, PEN San Miguel de Allende, PEN Serbe, PEN Sierra Leone, PEN Slovaque, PEN Slovène, PEN Sud de l’Inde, PEN Suisse Romand, PEN Suède, PEN Suisse Allemand, PEN Suisse Italien et Reto-romanch, PEN Sydney, PEN Taipei Chinois, PEN Tchèque, PEN des Ecrivains Tibétains à l’Etranger, PEN Trieste, PEN Turc, PEN Ukraine, PEN Vénézuélien, PEN des Vietnamiens à l’étranger, PEN Pays de Galles Symru.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Sau đây là bản Dự thảo Quyết Nghị về chế độ độc tài cộng sản Hà Nội đã chánh thức được Văn Bút Quốc Tế công nhận là Quyết Nghị về Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gồm có bản tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Kèm theo là bản tiếng Việt do văn hữu Hà Tản Viên (Hà Nội) phiên dịch từ các bản ngoại ngữ.  

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Quyết Nghị về Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

do Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại và Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải ngoại đồng đề nghị, với sự tán trợ của các Trung Tâm Văn Bút Pháp, Québec và Gia Nã Đại

 

Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế họp Đại hội hàng năm lần thứ 84 tại Pune, Ấn Độ từ ngày 25 đến 29 tháng Chín năm 2018.

Kể từ Đại hội Văn Bút Quốc Tế lần thứ 83 tại Lviv, Ukraine, các quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã bị suy yếu trầm trọng (1. Xin xem chú thích dịch : trong bản Pháp văn). Các nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và các nhà bảo vệ nhân quyền vẫn bị đối xử như những kẻ tội phạm chiểu theo các luật lệ về an ninh quốc gia được soạn thảo một cách mù mờ (2. Xin xem chú thích dịch : trong bản Pháp văn) trong bối cảnh nhà cầm quyền cố tình thắt chặt kiểm soát không gian kỹ thuật số – nơi được coi là không gian cuối cùng của quyền tự do biểu đạt tại CHXHCNVN.

Từ tháng Một đến tháng Mười Hai 2017, Văn Bút Quốc Tế đã ghi nhận chín vụ bách hại nhà văn tại Việt Nam bằng cách bỏ tù, cầm giữ hoặc đưa ra tòa – chiếm 10% tổng số vụ bách hại tại Á châu và vùng Thái Bình Dương (3. Xin xem chú thích dịch : trong bản Pháp văn).

Nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng hàng loạt các thủ thuật trấn áp có vỏ bọc tư pháp, như bắt giữ tùy tiện, giam cầm kéo dài không xét xử, ngăn cản trợ giúp pháp lý, tra tấn trong khi giam giữ, bịa đặt các vụ án, tuyên các án tù dài nhằm dập tắt các chỉ trích chính quyền. Ngoài ra, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng thủ đoạn thả tù cưỡng ép lưu vong, điển hình là trường hợp mới xảy ra đối với nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vào tháng Sáu năm 2018.

 

Văn Bút Quốc Tế đặc biệt quan tâm tới các trường hợp sau :

-      Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ Nấm, là một tác giả bút ký điện tử tích cực, nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền, đồng sáng lập Mạng lưới các Tác giả Bút ký điện tử Việt Nam, hiện đang chịu án tù 10 năm giam với cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN ». Tháng Hai 2018, bà Mẹ Nấm đã bị chuyển trại giam xa nhà, xa con 1200 Km. Bà Mẹ Nấm đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối các hành xử vô nhân đạo của cai tù. Sức khỏe của bà Mẹ Nấm đang bị suy giảm nặng (4. Xin xem chú thích dịch : trong bản Pháp văn).

-      Ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà thơ, tác giả bút ký điện tử và nhà văn trên mạng. Ông cũng là đồng tác giả cuốn sách bị cấm Con đường Việt Nam. Ông đã đăng nhiều thơ và các bài báo trên nhiều nhựt ký điện tử khác nhau. Ông bị bắt vào tháng Năm 2009, bị kết án vào tháng Một 2010 16 năm tù giam và 5 năm tù quản chế với cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN » và « hoạt đồng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Tháng Năm 2016, ông bị chuyển trại giam cách xa nhà gần 1400 km. Thị lực của ông bị suy giảm do điều kiện giam giữ tồi tệ. Ông đã từ chối đi lưu vong để được trả tự do trước mãn hạn tù giam.

-      Bà Trần Thị Nga, bút danh Thúy Nga, nhà bảo vệ nhân quyền, thành viên Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam – một tổ chức ủng hộ và trợ giúp các tù nhân bất đồng chính kiến. Bà nổi tiếng trong việc bảo vệ các nạn nhân bị cướp đất. Bà đã tham gia biểu tình lên án những kẻ đã gây ra vụ ô nhiễm biển có mức rộng và trầm trọng chưa từng có vào tháng Tư 2016. Bà Trần Thị Nga bị bắt ngày 21 tháng Một 2017. Bà bị kết án 9 năm tù giam và 5 năm tù quản chế vào ngày 25 tháng Bảy 2017 với cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN ». Tháng Một 2018, bà bị chuyển tới nơi giam giữ xa nhà, xa hai con nhỏ hơn 1000 Km. Sức khỏe bà Trần Thị Nga đang có nhiều diễn biến xấu.

 

Ngày 12 tháng Sáu 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bộ luật An ninh Mạng cho phép Bộ Công an quyền kiểm soát thông tin cá nhân khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ mạng với lý do an ninh. Dư luận rất lo ngại về bộ luật này vì thiếu các điều khoản bảo vệ người dùng mạng. Bộ luật này, có hiệu lực từ tháng Một 2019, sẽ bóp nghẹt các tiếng nói phản biện chính quyền, các vấn đề môi trường và bất công xã hội, đồng thời bộ luật này sẽ làm cho các cuộc tranh luận trong xã hội trở thành độc đoán, một chiều.

Bên cạnh sự cấm đoán chung chung, mù mờ nhằm vào các quyền tự do biểu đạt và các quyền lập hội đã được qui định trong hiến pháp, đồng thời xâm hại quyền an ninh, quyền bảo vệ riêng tư của công dân, bộ luật này có các điều khoản tồi tệ nhất như sau:

Điều 8 : Các hành vi bị cấm phụ thuộc vào sự đánh giá của cơ quan an ninh. Đó là các hành vi tổ chức, xúi giục, truyền bá hoặc khơi dậy các sự kiện lịch sử và « phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ».

Điều 15 : cấm (a) kêu gọi công dân biểu tình phản đối hoặc (b) kích động biểu tình « gây mất tự »

Điều 26 : yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các công ty mạng xã hội cung cấp cho cơ quan an ninh các thông tin cá nhân của các nhà hoạt động nhưng không kèm theo bất kỳ ràng buộc pháp lý hoặc đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tháng Mười Hai 2017, quân đội Việt Nam đã tiết lộ việc thành lập Lực lượng 47 gồm 10 000 nhân viên mạng để chống lại « các quan điểm sai trái trên mạng » (5. Xin xem chú thích dịch : trong bản Pháp văn) nhằm đối phó với các web mới, các trang Facebook và các nhựt ký điện tử được coi là có các ý kiến trái chiều hoặc tuyên truyền chống nhà nước.

 

Văn Bút Quốc Tế hết sức lo lắng về các vụ bắt bớ, tống giam một cách tùy tiện, đặc biệt các vụ bắt giữ các tác giả nhựt ký điện tử và các nhà bảo vệ nhân quyền do họ đã tham gia biểu tình ôn hòa từ tháng Sáu 2018 (6. Xin xem chú thích dịch : trong bản Pháp văn). Công dân cần phải được quyền tự do bày tỏ ôn hòa quan điểm của họ về bộ Luật An ninh mạng và dự luật « Đặc khu » - bộ luật sẽ đưa tới các chuyển nhượng lãnh thổ cho các nhà đầu tư ngoại quốc trong thời hạn 99 năm.

 

Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế kêu gọi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam :

  • Bãi bỏ bộ luật mới về an ninh mạng
  • Xóa bỏ tất cả các cáo buộc và trả tự do ngay tức khắc, vô điều kiện cho tất cả các nhà văn, nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền đã thực hiện ôn hòa quyền tự do biểu đạt và lập hội, đặc biệt chú ý tới bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Trần Thị Nga và những người có tên trong phụ bản dưới đây ;
  • Từ bỏ tất cả các hình thức kiểm duyệt và bảo đảm tất cả các quyền công dân đã được ghi trong hiến pháp về bày tỏ tự do quan điểm, đặc biệt các quan điểm bất đồng với chính quyền hoặc chất vấn chính quyền ;
  • Chấm dứt chính sách thả nhà văn bị cầm tù với điều kiện cưỡng bức đi lưu vong ở ngoại quốc ;
  • Bảo đảm quyền tiếp cận đúng mực với chuyên gia pháp lý và luật sư độc lập. Cải thiện điều kiện lao tù cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo sao cho các tù nhân được hưởng các chăm sóc y tế cần thiết. Tạo thuận lợi cho các cuộc thăm viếng của gia đình tù nhân bằng cách để các tù nhân được giam cầm ở những nơi gần hơn với gia đình.
  • Thực thi các bổn phận của Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền tự do biểu đạt, lập hội và hội họp đúng với tư cách thành viên đã ký tên vào Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

 

Phụ lục :

Các diễn biến gần đây tại Việt Nam đang gây lo ngại đặc biệt cho giới nhà văn, nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền và giới hoạt động trên toàn thế giới :

  1. Ngày 26 tháng Năm 2017 : Tòa phúc thẩm giữ nguyên án tù nặng nề đối với hai nhà hoạt động nhân quyền, ông Trần Anh Kim (13 năm tù giam) và ông Lê Thanh Tùng (12 năm tù giam).
  2. Ngày 27 tháng Mười một 2017 : Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù giam kèm 3 năm tù quản chế với cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN » theo Điều 88 luật Hình sự.
  3. Ngày 01 tháng Một 2018 : Bác sĩ Hồ Văn Hải, tác giả bút ký điện tử, nhà hoạt động nhân quyền, bị kết án 4 năm tù giam kèm 2 năm tù quản chế do đăng tải các thông tin về tình trạng bất công của Việt Nam. Ba mươi sáu (36) trong số 75 bài viết của bác sĩ Hải bị nhà cầm quyền cáo buộc chống nhà nước, xâm hại vào Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Internet.
  4. Ngày 6 tháng Hai 2018 : tác giả bút ký điện tử Hoàng Đức Bình bị kết án 14 năm tù giam do đăng tải nhiều thông tin và video về các cuộc biểu tình của các nạn nhân môi trường tại Nghệ An, Hà Tĩnh đòi hỏi đền bù do thảm họa Formosa xảy ra vào tháng Tư 2016.
  5. Tháng Tư 2018 : Tòa án Việt Nam đã tuyên các án tù giam nặng nề đối với nhiều nhà bảo vệ nhân quyền và nhiều nhà hoạt động ôn hòa, trong đó có người là nhà văn, tác giả bút ký điện tử, nhà báo, tất cả đều thuộcHội Anh Em Dân Chủ đã bị chính quyền CHXHCNVN đàn áp từ năm 2017 :

Ông Nguyễn Văn Đài, luật sư nhân quyền, tác giả bút ký điện tử bị kết án 15 năm tù giam kèm 5 năm tù quản chế (đã được thả đi lưu vong từ tháng Sáu 2018)

Ông Trương Minh Đức, nhà báo và tác giả bút ký điện tử, án tù giam 12 năm kèm 3 năm tù quản chế.

Ông Nguyễn Trung Tôn, mục sư và tác giả bút ký điện tử, án tù giam 12 năm kèm 3 năm tù quản chế.

Ông Nguyễn Bắc Truyển, cố vấn luật và tác giả bút ký điện tử, án tù giam 11 năm kèm 3 năm tù quản chế.

Bà Lê Thu Hà, giáo viên, dịch giả, án tù giam 9 năm kèm 2 năm tù quản chế (đã được thả đi lưu vong từ tháng Sáu 2018).

Ông Phạm Văn Trội, nhà văn, án tù giam 7 năm kèm 1 năm tù quản chế.

Ông Nguyễn Văn Túc, nhà hoạt động nhân quyền, án tù giam 13 năm kèm 5 năm tù quản chế.

Bà Trần Thị Xuân, nhà hoạt động nhân quyền, án tù giam 9 năm kèm 5 năm tù quản chế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.