Hôm nay,  

Truyện Ngắn: Yêu Chồng Em Phải Cắm Sừng

14/10/200100:00:00(Xem: 4583)
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng: ta với ta
(Qua đèo ngang -Bà Huyện Thanh Quan)

Vào năm 1938, đất nước Việt Nam đang sống khốn khổ dưới sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp. Lúc đó Pháp đã đô hộ Việt Nam được khoảng tám chục năm. Tôi nhớ hình như Pháp bắt đầu nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858 thì phải. Sống trong nỗi khốn khổ như vậy, con người Việt Nam lúc đó đã làm khổ lẫn nhau để sống còn cũng có mà hành hạ nhau để được sung sướng cũng có. Vì thế, thời đó đã đẻ ra không biết bao nhiêu chuyện đau lòng, tủi cực, khiến tôi bây giờ dù sống sung sướng ở Úc nhưng tâm trạng chẳng lúc nào nguôi ngoai, bình yên khi nhớ lại chuyện cũ. Câu chuyện đau lòng tôi kể dưới đây là câu chuyện có thật về cuộc đời một người đàn bà khốn khổ đã sinh đúng vào năm Dần cách đây trên 60 năm.

Thời đó, thị xã Hưng Yên còn là một thị trấn nghèo nàn với hơn chục nóc nhà và dấu hiệu duy nhất của nền văn minh đô thị là chiếc xe ngựa lọc cọc chạy dọc theo con lộ chính của phố huyện. Người đàn bà khốn khổ mà tôi kể dưới đây lúc đó còn là là một thiếu nữ tuổi 18 tên là cô Dần. Tuy sinh vào năm Dần nhưng cô Dần nhu mì, hiền lành và rất an phận. Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, đầu tắt mặt tối, phải bán lưng cho trời, bán mặt cho đất hết ngày này sang ngày khác, thì người con gái như cô Dần làm sao dám mơ mộng cao sang, phải không các bạn"

Tuy đã trải qua không biết bao nhiêu năm tháng và mọi hình ảnh của quá khứ kỷ niệm đời tôi đều nhạt nhòa không rõ nét, những chẳng hiểu sao đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người con gái mặc bộ quần áo vá chằng, vá đụp, mái tóc buông xõa một nửa phía trước bao giờ cũng che mất một nửa khuôn mặt của cô. Cô Dần rất ít cười. Và tôi có thể cam đoan cùng các bạn là trong suốt cuộc đời thơ ấu của tôi lớn lên tại tỉnh lỵ Hưng Yên kéo dài suốt mười mấy năm trời, tôi đã thấy cô Dần mỗi ngày vài lần nhưng chả bao giờ tôi thấy cô cười.

Lúc nào gặp cô tôi cũng thấy cô héo hắt, mắt cô bao giờ cũng nhìn xuống trong một tâm trạng nhẫn nhịn, chịu đựng, chờ đợi sự giận dữ của tất cả mọi người. Ngay đến cả những ngày được coi là vui của tất cả mọi người như tết nhất, hội hè, đình đám trong làng, cô Dần vẫn héo hắt, buồn tủi và an phận một cách nhọc nhằn chẳng khác gì mẹ cô.

Cô Dần cũng hay khóc lắm các bạn ạ. Vì chính mắt tôi đã từng thấy nhiều lần cô đứng úp mặt vào gốc cây nhãn cạnh nhà tôi mà khóc nức nở. Ngày đó còn bé, tôi đâu đã biết gì nỗi khổ của nhân thế, của con người, nhất là của những người nghèo khổ như cô Dần. Nhưng nhìn thấy người con gái cô đơn, lạnh lẽo đứng khóc, hai bờ vai gầy rung lên từng đợt thổn thức cũng đủ làm tôi tê tái cả cõi lòng. Tôi nhớ có lần không biết tôi nói gì, hỏi gì khi thấy cô Dần khóc, làm cô òa lên khóc to hơn khiến tôi cũng khóc theo. Nghe tiếng tôi khóc, cô quay lại ngồi xuống cạnh tôi, lau nước mắt cho tôi rồi cô Dần bệu bạo nói, "Cô khổ lắm, Tuấn ơi!" Nói xong, cô đứng dậy vừa khóc vừa chạy về phía rặng nhãn ngoài bờ ao bà cả Huyền.

Sau này tôi lớn lên, trôi nổi thật nhiều nơi, rồi tôi đến Sydney, nhưng câu nói của cô Dần thì cứ mãi mãi vang lên trong óc tôi như một điệp khúc sầu đau của cô Dần, của quê hương tôi, của những người con gái khốn khổ tôi gặp, tôi thấy hiện ra nhan nhản trên khắp mọi miền của đất nước.

Cuộc đời cứ lặng lẽ trôi và tôi cứ đinh ninh cuộc sống của tôi sẽ mãi mãi dính liền với khung cảnh êm đềm của một tỉnh lẻ. Tôi đâu có ngờ, cùng với năm tháng và những biến động của cuộc đời, tôi đã giã biệt mái nhà tranh đơn sơ lên Hà Nội trọ học.

Chẳng hiểu sao, xa bố mẹ, xa các anh các chị, xa bao nhiêu kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, tôi chẳng nhớ gì nhiều chỉ nhớ đến hình ảnh buồn buồn, mái tóc buông xõa của cô Dần.

Ngày nọ, tôi nhận được lá thư của thằng em trai. Trong thư nó kể đủ thứ chuyện trên trời dưới bể đang thay đổi ở quê nhà nhưng chẳng làm tôi quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến dòng chữ cuối cùng nó báo tin cô Dần sẽ lấy chồng vào cuối tháng tới.

Thế là chẳng hiểu vì động lực gì thúc đẩy, tôi đã dám trốn học về quê đúng ngày cô Dần cưới. Tôi biết ngày nay các bạn trẻ gọi ngày người con gái về nhà chồng là ngày lên xe hoa. Ôi một mỹ từ thật tuyệt vời cho những người con gái thời nay mà ngày xưa chẳng có mấy cô gái được hưởng. Tôi còn nhớ, hôm đó cô Dần lủi thủi, bé bỏng, đi bộ về nhà chồng. Cùng đi với cô chỉ có hai người, một người là chồng cô và một người là mẹ cô. Ngày cưới là ngày ăn diện của tất cả mọi người. Nếu không thì cũng cô dâu và chú rể phải không các bạn" Nhưng không, hôm đó cô dâu Dần cũng vẫn chiếc áo vá, vẫn đi chân đất, vẫn mái tóc xõa che kín một nửa khuôn mặt và vẫn ánh mắt buồn buồn nhìn xuống đất trong vẻ cam phận, nhẫn nhục và chịu đựng. Và cô Dần lại khóc, nước mắt cô đầm đìa ước sũng cả nửa mái tóc...

Tôi theo cô Dần "lên xe hoa" tới tận cuối thị trấn. Tới đó, mẹ cô Dần dừng lại cạnh bụi tre còn vợ chồng cô Dần thì từ đường làng phải leo lên đê để đi về làng chồng, một đoạn đường dài đến độ nếu đi bằng xe hơi cũng phải mất gần một tiếng.

Tôi nhớ chiều hôm đó nắng vàng vọt, nhợt nhạt lắm. Trời hôm đó cũng lạnh lẽo một cách lạ lùng. Gió lại thổi lộng từng cơn. Và giữa khung cảnh trời đất mênh mông đang chìm dần trong ánh hoàng hôn vàng vọt ở một vùng thôn quê miền Bắc, tôi thấy nổi bật hai bóng người cô đơn, còm cõi, run rẩy đi trên đê... Bóng của họ xa dần, nhỏ dần nhưng vẫn là hai bóng đen nổi bật trên con đê kéo dài như một vệt chì đậm chạy thẳng tới chân trời xám xịt đang vần vũ những đám mây đen...

Nhưng câu chuyện thương tâm của cô Dần chẳng phải chỉ dừng lại ở đây mà còn tiếp tục theo ngày tháng với nỗi thương tâm càng ngày càng lớn và những giọt nước mắt của cô Dần càng ngày càng thánh thót để rồi khi cô nhắm mắt trở về với cát bụi dưới sợi dây thừng oan nghiệp thì những giọt nước mắt của cô đã đặc quánh và được chắt ra một cách tằn tiện từ hai khóe mắt đã khóc quá sớm và khóc quá nhiều...

*

Chồng của cô Dần là anh Cò. Chẳng hiểu khi sinh anh ra, đặt tên cho anh, thầy mẹ anh có linh cảm được tướng tá của đứa con mình sau này hay không, nhưng cái tên Cò quả thực rất hợp với thân hình mình ve xác hạc, cổ dài như cổ cò của anh. Chỉ tiếc, song thân sinh thành ra anh không sống cho đến ngày anh lấy vợ để thấy anh càng ngày càng có phần giống cò hơn là giống người.

Nhà anh Cò cũng nghèo lắm các bạn ạ. Chính anh vẫn thường than thở một cách bạc bẽo, nếu chẳng nghèo anh đã chẳng lấy cô Dần làm vợ. Anh Cò sống bằng nghề kéo xe tay. Không hiểu anh đã kéo xe tay từ bao giờ nhưng khi cô Dần về làm vợ anh thì anh đã biết kéo những cơn ho khan dài dằng dặng trong đêm khuya khiến cô Dần thao thức chẳng thể nào ngủ được. Ôi những cơn ho rũ rượi của một người đàn ông thân hình ốm yếu phải lao lực quá độ, phải kéo những thân xác phì lũ của những người ăn uống no đủ lên những con dốc dài đến hụt cả hơi.

Cô Dần về sống với anh Cò được khoảng nửa năm thì anh Cò bắt đầu ho ra máu, thân hình anh càng tiều tụy. Sau lần thuê xe cả ngày không chạy nổi một cuốc khách nào, anh bị chủ xe đánh cho một trận nhừ đòn. Từ đó, anh Cò chẳng còn làm nghề kéo xe mà quay sang nghề ho và nghề ăn bám vợ quanh năm ngày tháng.

Thật khổ cho cô Dần, đã khổ từ lúc nhỏ, đến lúc về nhà chồng cô lại càng khổ hơn trước. Cuộc sống thiếu thốn, cộng với thuốc men cho anh Cò đã làm cho cả cái cơ ngơi gồm căn nhà một gian hai trái và hơn sào đất hương hỏa lọt vào tay lão cửu Tĩnh, chú họ của anh Cò. Đến ngày lấy nhà, lấy đất, lão cửu Tĩnh cùng hai tráng đinh tay thước tay thừng đến tận nhà anh Cò đòi trói gô cổ cả hai vợ chồng "đem vứt ra đường như hai con chó dơ bẩn".

Nhưng trong lúc giằng co la hét một mực bảo vệ người chồng bệnh hoạn, cô Dần bỗng trở nên thật quyến rũ, thật đáng yêu một cách lạ lùng trong cặp mắt dê xồm của lão cửu Tĩnh. Lão cửu Tĩnh đứng chống nạnh ngắm cô Dần một cách đắc ý. Lúc đó cô Dần hai má đỏ bừng, cặp mắt long lanh, những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cộng với bộ ngực căng tròn phập phồng theo tiếng thở hổn hển...

Sau một hồi ngắm nghía, lão cửu Tĩnh gật gù quát hai tên tráng đinh ra khỏi nhà rồi quay sang cô Dần lão đổi giọng làm lành, ngọt ngào chú chú, cháu cháu. Trước khi ra về lão còn dúi vào tay cô Dần hai đồng bạc rồi tay lão nắm chặt tay cô Dần, giọng bả lả hứa hẹn giúp đỡ bất cứ điều gì cô Dần nhờ vả.

Từ ngày đó, lão cửu Tĩnh liên tục đi lại thăm nom vợ chồng anh Cò. Lần nào đến thăm lão cũng mang sẵn quà cáp, thuốc men và ngồi trò chuyện cùng cô Dần hai ba tiếng đồng hồ rồi mới ra về. Lão cửu Tĩnh hiểu với cái tuổi gần 60 của lão, lão chẳng thể nào quyến rũ nổi vợ anh Cò. Nhưng lão hiểu, với tình thương yêu chồng tha thiết, cộng với hoàn cảnh túng thiếu đang phải sống nhờ ở đậu trên đất của lão, trong nhà của lão, lại cần tiền bạc lo thuốc men cho chồng, không sớm thì muộn cô Dần sẽ phải thất thân với lão.

Quả nhiên, sau thời gian gần năm trời hết ngọt đến sẵng, hết dọa non đến dọa già, cuối cùng lão cửu Tĩnh đã thành công đúng vào đêm anh Cò được lão trả tiền cho nhập viện chữa bện ho lao. Từ đó trở đi lão cửu Tĩnh thường xuyên đi lại thăm cô Dần. Và xem ra bệnh anh Cò càng nặng, cô Dần càng khốn khổ bị lão cửu Tĩnh dầy vò hành hạ.

Cuối cùng thì câu chuyện cô Dần gian díu cùng lão cửu Tĩnh cũng đến tai nhiều người trong làng. Từ đó, cô càng sống tủi hổ, cô đơn, xa lánh tất cả mọi người. Người cô càng ngày càng gầy, hình dong càng ngày càng tiều tụy. Nhưng dù bị dân làng dè bỉu, bị mọi người xa lánh, cô vẫn cắn răng ngửa tay nhận tiền của lão cửu Tĩnh để mua thuốc men cho chồng và thăm nom chồng. Mỗi ngày một lần, cô Dần đi bộ từ làng lên tỉnh qua hai cánh đồng, xuyên suốt một dẻo đê dài hơn 10 cây số mới lên đến tỉnh. Cô cứ đi như vậy ròng rã suốt một năm trời, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, mùa đông hay mùa hạ, sương mù ngập đất hay bão tố đầy trời...

Đến ngày anh Cò không còn chịu đựng được những cơn ho uất nghẹn kéo dài gần như bất tận, anh run rẩy, thều thào thốt được vài lời rồi cầm lấy tay vợ nắm lại thật chặt mà trút hơi thở cuối cùng.

Chôn cất xong xuôi người chồng vắn số, cô Dần cũng tự tử theo chồng sau khi để lại một bức thư với dòng chữ nguệch ngoạc xin tất cả mọi người tha lỗi cho cô và xin cho cô được chôn cất bên cạnh chồng cô.

Tiễn đưa cô Dần đến nơi yên nghỉ cuối cùng có rất đông người. Trong số đó có cả những người trước đây từng phỉ nhổ, chửi rủa cô. Có cả lão cửu Tĩnh khóc hu hu như một đứa con nít. Có cả mẹ cô, anh chị em của cô và dĩ nhiên có cả tôi, lúc ấy đang là một thanh niên học trường Bưởi.

Cô Dần mất được một tháng thì lão cửu Tĩnh bỗng nổi cơn điên. Ngày cũng như đêm, nóng cũng như lạnh, lão lang thang trên đê phong phanh có một chiếc khố. Lão cười, lão khóc, lão đấm ngực la hét rồi lão réo tên lão ra mà chửi... Nhiều người trong làng bảo lão bị ma làm. Nhiều người lại bảo lão bị cô Dần hành hạ... Cũng có người bảo lão bị chính vong hồn anh Cò hiện về trả thù.

Tôi chẳng biết những lời đồn đại đó đúng hay sai nhưng tôi biết chắc một điều, nếu hồn cô Dần có linh thiêng hiện hữu trong thế gian này, chắc chắn cô chẳng bao giờ hành hạ lão và cô cũng chẳng hành hạ một ai cho dù cả cuộc đời cô luôn luôn bị người đời hạnh hạ.

Trần Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.