Hôm nay,  

Xin Kể Lại Ngày Đó

21/04/200100:00:00(Xem: 5560)
Lê Tất Điều sinh ngày 2 tháng 8 năm 1942 tại Hà Đông, Bắc Việt. Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng dậy học, đi lính, viết văn trước khi vượt biển tỵ nạn, định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài bút hiệu Lê Tất Điều, ông còn có bút hiệu Cao Tần, Kiều Phong. Là một trong những nhà văn trẻ có đời sống nội tâm phong phú cộng với tinh thần dấn thân nên trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông đã có những bài, những tác phẩm vừa cảm động vừa có giá trị khích lệ tinh thần như đoạn ký nhan đề Xin kể lại ngày đó. Đoạn ký trước đây đã được đăng trên tạp chí Bách Khoa vào tháng Giêng 75 và là một phần trong thiên hồi ký Ngưng bắn ngày thứ 492. Đây là một đoạn ký vô cùng cảm động ghi lại thật tỷ mỉ những sự kiện, hình ảnh, màu sắc, lời đối thoại... quanh thảm kịch một gia đình gồm mẹ và hai con thơ cùng bị chết trong giấc ngủ vì cộng sản pháo kích.

Với một bút pháp linh động, trung thực và vị thế tự thuật của một người trong cuộc đang thực sự trải qua những đau đớn tột cùng, tác giả đã tạo cho người đọc những đau đớn rất thực, những xúc động đến không cầm được nước mắt. Đặc biệt, qua lối vừa tả, vừa hồi tưởng xen kẽ không theo một trình tự không gian hay thời gian, tác giả đã tạo cho người đọc có cảm xúc như chính mình là người đang sống lại những giây phút kinh hoàng, thấy nguyên vẹn trước mắt những đường nét, hình ảnh của một thảm kịch. Quả thực, chỉ có những ai đã một lần phải bàng hoàng đau đớn đứng nhìn cảnh khâm liệm những người thân, mới thấy được những pha trộn lộn xộn trong đoạn ký là cả một thể nghiệm trung thực của người viết. Qua đoạn ký, qua những ngôn ngữ của tác giả, ngũ quan cùng tâm hồn người đọc bị quay cuồng giữa cả trăm hình ảnh, ngôn ngữ vừa đau đớn, quằn quại trước những gì đang thấy trong thực lại vừa hạnh phúc, êm đềm bồi hồi trong mộng tưởng... Chính sự tương phản được xen kẽ một cách rối bời đó đã khiến người đọc thấy nỗi đau đớn thấm thía hơn, tiếng khóc nghẹn ngào hơn và nỗi xúc động cũng sâu xa, bất tận hơn.

Đọc đoạn ký, tuy tác giả không nói rõ thủ phạm của bi kịch là ai nhưng người đọc cũng như tất cả các nhân vật đều biết rõ thủ phạm là cộng sản, những kẻ đã cố tình vi phạm lệnh ngưng bắn và vi phạm liên tục trong suốt thời gian 492 ngày kể từ khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực, 27.1.73 cho đến ngày xảy ra thảm cảnh trong đoạn ký, 3.6.74. Có điều thật lạ lùng, đứng trước một bi kịch thê thảm đến như thế, trước những mất mát khủng khiếp đến như vậy và trước những thủ phạm rõ ràng bằng xương bằng thịt ai ai cũng biết, vậy mà người đọc không hề nghe một lời nguyền rủa hay thấy một cử chỉ biểu lộ sự căm phẫn, hận thù xuất hiện trong đoạn ký. Từ những thân nhân, ruột thịt của người đã khuất đến vị cha xứ, ông sư, rồi bà con hàng xóm láng giềng và ngay cả chính tác giả, tất cả đều chấp nhận nỗi đau đớn trong âm thầm và bổn phận. Tuyệt không hề có một lời oán thán, một tiếng chửi bới hay một lời kêu gọi trả thù cho người đã khuất. Phải chăng điều lạ lùng đó chứng tỏ người dân Miền Nam đã phải chịu đựng quá nhiều những thảm kịch và lòng hận thù chỉ còn biết tiềm ẩn và được nén sâu trong lòng...

*

Sáng sớm hôm đó, chú em hàng xóm về báo hung tín, chưa đợi mở cửa hết đã tống vô nhà đầy đủ những chi tiết chính, nặng như sập trời:

- Nhà chị G. bị pháo kích trúng. Hai đứa nhỏ chết hết. Chị ấy bị thương nặng lắm... đưa đi nhà thương...

Chú em báo tin không nỡ đưa ra ba cái chết một lượt nên bày đặt nói chuyện "đưa đi nhà thương"... Sự thật thì chú ấy biết rồi. Thế nên, trong lúc tiếng rú hốt hoảng lan khắp nhà thì chú ấy thêm:

- Chị G. bị nặng lắm, sợ khó sống.

Cả nhà phóng lên xe lam ngồi rồi, tôi mới kịp hỏi thêm:

- Nó bị vào những đâu"

Chú em báo tin hiểu ý tôi:

- Người chị ấy nguyên vẹn... chỉ có những vết thương nhỏ ở đầu, ở ngực.

- Khi em đưa nó vào nhà thương, nó còn tỉnh không"

- Dạ không... Em sợ...

Chú em ngập ngừng muốn báo luôn cái chết thứ ba mà không nỡ. Cố tưởng một chút về căn nhà sau khi trúng hỏa tiễn. Mái bay, tường sập. Hai đứa nhỏ chết ngay. Ba mẹ con chúng nó ngủ với nhau, làm sao con G. thoát được" Thằng anh ruột của nó ngồi khóc trên xe, vừa cầu mong cho em sống lại vừa cầu mong cho nó chết, chết nhanh, đừng tỉnh lại, đừng đau đớn. Chú em báo tin là nó còn nguyên vẹn, nhưng đã chắc gì. Nó tỉnh lại, biết hai con đã mất... Người thì đầy thương tích có thể bị cưa chân cưa tay. Sống gì nổi. Tôi, thằng anh ruột nó, thành tâm cầu mong cho nó chết, chết thật nhanh.

Đến Biên Hòa, gia đình chia làm hai toán. Ông già, bà già và con Vóc đến căn nhà bên cầu Vạc, nghĩa là đến với hai xác cháu. Tôi theo chú em hướng dẫn chạy vào nhà thương Biên Hòa.

Nhà thương đầy người. Phòng bệnh đầy người bị thương và phía ngoài đầy thân nhân. Trước hết phải vào khu bệnh nặng tìm. Những phòng có người còn ngồi đứng được như thế kia là không thể có em tôi. Nó phải đang ở phòng mổ hoặc phòng hồi sinh, nếu thoát được đến giờ này.

Những phòng chứa bệnh nặng đều đóng cửa im ỉm, cấm vào. Bà con đứng chờ trước cửa, lo lắng nhưng không hốt hoảng. Hình như họ đều may mắn biết rõ số phận người thân rồi. Còn chưa biết rõ như tôi thì đành vi phạm luật lệ, tông cửa mà vô. Cũng có mấy tiếng la lối ngăn cản vang lên. Nhưng trông mặt mũi anh em lúc này thì cũng biết rõ tình cảnh của nhau quá rồi, ai nỡ bày đặt làm khó.

Tôi phóng vô mỗi phòng, nhìn mặt mỗi người. Nếu trên một cái giường nào đó có đứa em tôi, băng bó cùng mình, gọi khẽ một tiếng, hoặc nó cứ mê man đi, nhưng tôi nhìn ra nó thì hạnh phúc biết chừng nào. Đầu tiên là phải làm bộ tỉnh. Trời cho nó sống sót, nó hỏi về hai con nó. Tôi sẽ tươi cười, dư sức giả vờ tươi cười, nói xạo rằng có phép lạ xảy ra. Trời, Thượng Đế, Chúa, Phật, vô cùng nhân từ và đặc biệt biết thương con nít đã bồng hai đứa nhỏ lên và đặt nhẹ nhàng êm ái xuống... thảm cỏ trước nhà, xuống ao rau muống, xuống cánh đồng lúa đang chín vàng... nơi nào cũng được. Miễn là nó có thể tin hai con nó không sứt một chút móng tay! Rồi nó đòi gặp hai con nó thì sao"...

Thằng anh ruột vừa tính một kế hoạch nói dối vừa chạy từ phòng này sang phòng kia một cách vô vọng. Lúc này lại không dám mong nó chết. Sống được, dù là sống thế nào cũng còn quý lắm.

Một ông một bà y tá được hỏi về danh sách nạn nhân bệnh nhân mới vô trong ngày, đã trả lời như than thở:

- Đông quá! Tùm lum hết.. ghi đâu có kịp. Ông chỉ có cách đi mà tìm.

Dĩ nhiên là tìm. Mười lăm hai chục phút vừa qua ông có làm chuyện chi khác đâu.

Một ông lão đội chiếc nón thời trang trước năm 1954 đứng chờ trước phòng hồi sinh bỗng nắm tay tôi dẫn lên những phòng trên lầu hai. Ông đứng ở cửa mỗi phòng chờ tôi trở ra. Ông cũng có vẻ mong tôi kiếm thấy. Nhưng chỉ có cách lắc đầu để trả lời cho cái nhìn băn khoăn của người tốt bụng.

Chú em về báo tin cũng chạy theo tôi kiếm tìm hăng hái mặc dù chú đã đoán chắc giờ này em tôi nằm ở nơi nào.

Thôi thì đành xuống nơi ấy. Kinh hãi mà vẫn phải vội vàng hấp tấp.

Cánh cửa nhà xác được mở rộng. Từng ngăn kéo đựng xác người được lôi ra. Người gác nhà xác nhớ rõ những chi tiết chính về cái xác nằm trong mỗi ngăn. Theo thứ tự riêng ông kéo cái cao nhất ở sát bờ tường. Trước khi kéo ra ông đã giải thích như một người hướng dẫn du lịch:

- Cái này đâu còn đầu đuôi gì. Làm sao mà nhận được.

Ngăn kéo ra nửa chừng, phần "đuôi" ra sao, vì còn nằm trong bóng tối, không ai biết. Riêng phần đầu thì khó nhận thật. Cái xác không có đầu. Phần cao nhất của cái thân thể bị tàn phá ấy bây giờ là cuống họng bị chẻ dọc còn dính một cách mơ hồ vào khúc xương vai, chỗ đỏ, chỗ trắng, chỗ tím đen.

- Cái này cũng không làm sao nhận ra được...

Ông ta vừa nói vừa giúp tôi kéo cái ngăn thứ hai. Xác nằm trong đó chỉ còn từ bụng trở xuống. Cái bụng trống rỗng, nhưng không dẹp lép mà cong vòng như một cái vòm nhỏ nhờ mấy cái xương sườn còn sót lại.

Xác trong ngăn thứ ba nát bét, trong ngăn thứ tư chỉ là mấy khúc chân tay.

Chú em đứng phía sau cứ phải trấn an:

- Người chị ấy nguyên vẹn... Người chị ấy nguyên vẹn...

Tôi chợt khám phá người gác nhà xác không rút ngăn kéo theo một thứ tự tự nhiên. Ông kéo mở lung tung những ngăn rùng rợn nhất. Hẳn ông không có ý làm đau lòng người tìm. Nhưng hình như ông cũng muốn phô bày những cảnh rùng rợn trong nhà xác và người ta sẽ liên tưởng đến những giờ ghê gớm của ông khi phải đưa ngần ấy xác người tan nát vào trong các ngăn. Dù là xác trong nhà thương một xứ đang có chiến tranh, không phải ngày nào những ngăn kéo của nó cũng đầy ắp những thân hình kinh hoàng như thế.

Một cô bé cỡ mười bốn, mười lăm tuổi khóc nức nở ngay sau khi một ngăn kéo khác được rút ra:

- Em cháu đó! Nó là em cháu đó bác ơi.

Đứa bé chết là một em trai cỡ mười hai tuổi, tóc hớt cao, áo sơ mi sọc hồng, đầy bụi cát. Lúc trước, tưởng chỉ có lũ trẻ tò mò theo chân tôi vào nhà xác tìm kiếm, hóa ra có cả thân nhân những kẻ xấu số.

Chú em báo tin nói đúng. Xác em tôi nguyên vẹn. Phải cám ơn chút lòng trắc ẩn cuối cùng của định mệnh hay cảm ơn trái hỏa tiễn đã tha, không làm thêm công việc cắt xén thảm khốc, hãi hùng" Em gái tôi đã được vuốt mắt. Vết thương giết người bằng đầu ngón tay út, xuyên thẳng vào tim. Vết chí tử thứ hai xuyên thẳng vào óc nhưng nằm lẩn ở chân mày bên phải. Bộ quần áo ngủ xốc xếch đầy vôi cát và đẫm máu. Cám ơn vết thương vào óc. Chắc nó giúp em tôi không đau đớn.

Nó đang nằm ngủ cùng hai con nhỏ trên giường, trong cái tổ ấm nghèo nàn nhưng thơ mộng và kín đáo của nó. Ba mẹ con cùng nhút nhát nên để đèn sáng suốt đêm. Vụt một cái nó nằm đây, trong cái ngăn lạnh lẽo tăm tối, giữa những xác người tan nát.

Bây giờ bỗng có dịp nhìn kỹ, nhìn thật kỹ mặt mũi chân tay nó. Nó vẫn nhỏ bé, gầy còm tội nghiệp như xưa.

*

Đứng trước nhà, nhìn qua cánh đồng, thấy xe cộ chạy qua cầu Vạc. Đến thăm gia đình nó, khi về, xe chạy trên cầu Vạc, tôi nhìn qua cánh đồng, thấy rõ căn nhà nó sau rặng cây thưa.

Đường vào nhà yên tĩnh và sạch sẽ. Nửa phần ngoài giống những ngõ hẻm sạch nhất ở Sài Gòn. Nửa phần trong là con đường quê. Rời lộ chính vài chục bước là đi giữa những khu vườn xinh xắn, cây cỏ tốt tươi. Em tôi khoe nhà nó nửa quê nửa tỉnh.

Căn nhà, ngõ hẻm nửa quê nửa tỉnh đó bữa nay được canh gác cẩn mật, không khí nghiêm trang, long trọng như đón tiếp một ông lớn. Ông lớn hỏa tiễn đến thăm nhà vào khoảng năm giờ sáng.

Hai cháu tôi đang được tắm rửa. Chúng nằm trên tấm vải liệm trắng. Hình như chúng mới được mẹ cắt tóc. Cả hai tóc ngắn, gọn gàng. Hai đứa giống nhau một cách kỳ lạ, những vết thương nhỏ ở rải rác khắp người chúng đã được lau kỹ. Ba bốn vết thương hơi lớn ở chân cu Tý hả cái miệng khô máu sạch sẽ. Nó chết rồi mà thấy tưởng còn đau...

Những người đến cấp cứu kể: hai đứa chết ngay. Mắt chúng nhắm sẵn từ trước khi hỏa tiễn bay tới. Chúng chết như nối tiếp giấc ngủ. Mặt mũi nhợt nhạt trắng bạch rồi mà hai cháu tôi vẫn thật là xinh.

Hai người săn sóc cho các cháu cũng ở trong xã. Ông già mập mạp thỉnh thoảng nói một câu ngắn với các phóng viên. Người trẻ tuổi làm việc lặng lẽ.

Cháu Linh mới đến trường mẫu giáo lần đầu tiên vào buổi sáng ngày thứ bảy. Cháu được năm tuổi và đi học được đúng một ngày. Mẹ nó chọn ngày thứ bảy để khai trương nền học vấn của con chắc là muốn con gái cưng học xong buổi đầu tiên đã có ngay ngày chủ nhật nghỉ cho đỡ nản.

Vậy thì tối hôm qua, chủ nhật, chắc chắn em tôi bắt hai con đi ngủ sớm. Cháu Linh phải dậy đúng giờ để còn kịp bú một bình sữa điểm tâm trước khi đến trường. Tối qua hai cháu đi ngủ sớm. Đêm qua hai cháu ngủ ngon lành êm ấm bên cạnh mẹ. Vụt một cái, mẹ và hai cháu nằm bằn bặt trên cái nền nhà đầy những mảnh tường và gạch vụn.

Lát nữa hai cháu được tắm rửa xong, được quàn trong khăn liệm. Mặt mũi chân tay xinh xắn của các cháu sẽ khuất sau lần vải trắng vĩnh viễn. Những sự kiện ấy cứ vùn vụt đến, tuần tự, chắc nịch. Tưởng rằng như thế thì phải đứng như trời trồng, đôi mắt mở to không chớp để mà nhìn hai cháu, nhìn mười phút sau cùng, nhìn năm phút sau cùng, nhìn vì không bao giờ nhìn thấy nữa. Nhưng không phải vậy. Không phải ai cũng đủ can đảm đứng đó mà nhìn.

Ông ngoại đứng trên bãi cỏ trước nhà, quay mặt ra đồng mà khóc. Bà ngoại ngồi bệt xuống đống gạch vụn.

Sinh vậy duy nhất trong căn nhà này còn sống sót sau tiếng nổ là con chó. Nó bị thương ở cổ và ở mông. Nó ngồi cạnh hai đứa bé từ giờ phút đó. Một người mang lại cái ghế mây, bồng con chó lên và cho nó uống nước. Nó lặng lẽ uống rồi ngồi yên trên ghế.

Bà hàng xóm cụt đầu được đặt nằm hướng cái cổ còn lại về phía tượng Chúa và tấm bảng ghi tên vội vàng. Người ta quấn hàng chục thước băng quanh cái cổ cụt. Người ta đặt rất nhiều vải vụn và quần áo cũ vào chỗ thiếu đó như muốn thay thế cái đầu cho hình hài cuối cùng của bà ta bớt vẻ rùng rợn tội nghiệp. Tất cả những mảnh vải lớn nhỏ đặt ở chỗ đó đều ngả dần sang màu tím ngắt. Cái đầu bà ta không lẽ tan biến thành cát bụi, không còn dấu tích" Sợ rằng nó bay lên rồi rớt xuống một chỗ kín đáo nào đó và còn đủ mắt mũi tóc tai, những người hàng xóm lặng lẽ kiên nhẫn tìm kiếm hàng giờ trong ao rau muống, trên cánh đồng, trong cái chuồng nuôi thỏ. Nhiều người dò tìm ngay trên mái nhà, trong những ống máng nhà mình. Họ muốn giúp người chết tìm ra vật thất lạc, toàn vẹn hơn, và họ cũng không muốn mai mốt, bất ngờ nhìn thấy cái đầu lăn lóc ở một chỗ nào đó. Hai căn nhà chung tường bây giờ chung nhau một nền gạch vụn. Một bên còn được cái bếp, một bên còn phòng tắm. Trên tường phòng tắm còn cục xà bông dùng dở màu hồng nhạt. Vách tường đứng vững, cao chừng một thước, nhận những vết thương phơn phớt li ti như dấu đinh.

Một thanh niên hàng xóm mô tả phong cảnh buổi sáng ngay sau tiếng nổ. Nơi này nhận trái hỏa tiễn đầu tiên. Còn một loạt tiếng nổ tiếp theo, xa dần. Nhưng mọi người trong xóm ùa tới tiếp cứu. Điện toàn khu và ngọn đèn sáng suốt đêm trấn an em tôi tắt phụt. Hai thanh niên có đèn bấm. Những người khác cầm nến và đèn dầu.

Người kêu lớn nhất là bà hàng xóm bị thương nhẹ ở khuỷu tay. Trong căn nhà này hoàn toàn yên lặng, hai đứa nhỏ nằm giữa cát bụi, không nhúc nhích. Mẹ nó tim còn đập nên được đưa đi nhà thương.

- Vết thương nào cũng túa máu nên đành băng tùm lum, có miếng vải nào băng miếng ấy, cốt sao cho khỏi thấy máu chảy xối xả. Đi dọc đường, vải băng ở sườn chị ấy lại sút ra, phải băng lại.

- Có lúc nào tỉnh lại không" Nó có nói được tiếng nào không"

- Không. Ngay lúc bồng chị ấy lên em đã thấy phía sau đầu chị ấy mềm nhũn. Em gọi nhiều lần chỉ nghe chị ấy rên khẽ vài tiếng.

- T. đâu"

- Anh ấy vào nhà thương đón chị ấy về.

T. là chú em rể, người sống sót duy nhất của gia đình này, người đột ngột mất hết nhà cửa, vợ con, mất hết, vào khoảng năm giờ sáng nay. Bây giờ chắc nó đã tới nhà thương, đã đón xác vợ từ cái ngăn lạnh lẽo. Nó được hướng dẫn để mở thẳng ngăn kéo muốn tìm, hay lại như thằng anh phải tìm qua từng ngăn, từng ngăn, miễn cưỡng nhìn những thân người tan nát"

Bà già rời chỗ để xác hai cháu ngoại, đòi vào nhà thương thăm con gái. Được báo tin con gái cũng chết rồi, bà gào to hơn: "Cho tao đi lo cho con tao". Đi ra chưa tới đầu ngõ, bà cụ xỉu. Cái giường rộng của căn nhà hàng xóm biến thành giường cấp cứu. Tất cả những người đàn bà ở đây hình như đều biết và đều sẵn sàng cạo gió, cứu tỉnh mọi người.

Nhân vật lực hàng xóm được trưng dụng hoàn toàn vào việc cấp cứu, giúp đỡ tang gia. Căn phòng ở cách căn nhà trúng hỏa tiễn khoảng nửa thước trở thành phòng làm việc tạm thời của họ đạo và hội đồng xã. Chiếc máy phóng thanh hoạt động không ngừng. Thảm cảnh của hai gia đình lâm nạn được mô tả. Cái thùng lạc quyên được nhắc nhở nhiều lần khi bài diễn văn ngắn đã tới đoạn kết. Những lời mô tả mộc mạc bi thảm vừa ngưng là nhạc buồn tang lễ thâu băng lập tức vang lên. Băng nhạc bi ai, những lá cờ tang đen cắm quanh ao rau muống nhỏ trước nhà, miếng vải dù rộng che nắng... tất cả đều như đã có vẻ quen việc, đã xuất hiện nhanh chóng và đúng lúc ở nhiều nơi buồn thảm như thế, trước đây. Cha xứ nói mấy lời kêu gọi từ tâm của những người đang vây quanh cảnh sụp đổ. Giọng cha trầm buồn, không oán hờn, không than van, nghe ngậm ngùi như một tiếng thở dài.

Miệng cu Tý mở hé. Cái miệng nhỏ xíu trễ xuống như còn muốn nũng nịu điều chi. Thanh niên lo tắm rửa cho cháu hơi băn khoăn. Anh sửa lại thế nằm, đặt lại đầu Cu Tý. Cái miệng nhỏ vẫn không chịu ngậm kín. Anh quấn một cái khăn đệm dưới cằm cháu. Bấy giờ cu Tý bớt có cái vẻ của một đứa trẻ ngủ quá say.

Vải liệm đã về. Ông già đã tắm rửa xong cho cháu Linh băn khoăn:

- Liệm luôn hay chờ mẹ nó"

Ông nhìn đám đông vây quanh, chờ một quyết định của một người nào đó thuộc tang gia.

- Ông liệm giùm đi. Mẹ nó chết rồi, còn chờ gì!

Ông nội, bà nội của hai cháu đã tới đông đủ cùng các cô các chú của hai cháu. Cô nhỏ nhất đã nhiều ngày từng phải bồng bế, bón cơm cháo sữa cho hai cháu vừa khóc vừa run bần bật.

Vải liệm đã quấn quanh hai cháu nhỏ. Vụt một cái tất cả chỉ còn là hai gói vải trắng nằm song song nhau. Hai gói vải bé bỏng tội nghiệp biết chừng nào. Tối hôm trước các cháu còn vui đùa, bị mẹ bắt đi ngủ sớm. Đêm qua các cháu còn nằm bên mẹ, êm ấm ngủ ngon.

Chiếc áo quan của bà hàng xóm đến trước. Mười phút sau một quan tài lớn, hai quan tài nhỏ được khiêng vào. Thế rồi em tôi cùng một người bạn thất thểu khiêng chiếc băng ca đi dọc con đường hẻm cỏ cây tươi tốt. Trên băng ca em gái tôi đã được quấn kín bằng vải trắng hoàn toàn đồng phục với hai con.

Ba mẹ con được đặt nằm cạnh nhau.

Một người bưng cái ghế mây có con chó ngồi đem đặt trong bóng mát của bụi chuối trước nhà. Nhìn thấy tô nước nó chúi đầu uống một cách hối hả nhưng vẫn không rời ghế. Những bài diễn văn ngắn đọc ở máy phóng thanh vẫn theo một nhịp cách nhau chừng mười phút, không mệt, không yếu đi. Thỉnh thoảng mọi người được hô hào cùng đọc một bài kinh.

Tấm khăn trắng quấn tạm được giở ra cho mọi người nhìn một lần nữa, lần chót, khuôn mặt người thân. Bà mẹ chồng nhìn thấy mái tóc con dâu còn dính nhiều bụi cát. Các chuyên viên tắm rửa tẩm liệm được gọi lại. Họ vừa bỏ đi ăn cơm trưa và hình như một người có uống vài ly rượu. Bà mẹ chồng tự tay thay áo mới cho con dâu. Bộ quần áo ngủ nhàu nát, bết máu dính vào thân thể, vào miệng những vết thương, phải cắt ra từng mảnh một. Cái băng tạm bợ quấn quanh đầu, gối bông bít vết thương ở sườn... tất cả đã trở thành vô ích, chỉ khiến hình dung em tôi thêm thiểu não. Bà mẹ chồng cũng muốn tóc tai mặt mũi nó không còn một chút cát bụi. Nó phải được sạch sẽ như hai con.

Tiếng bà bác kể lể về lòng tốt của một bà hàng xóm lẫn lộn với tiếng nhạc sầu bi:

- Tội nghiệp bà ấy, bà ấy nấu nồi nước trà thứ năm rồi đó. Vừa nấu bà ấy vừa khóc. Bà ấy thương mẹ con chúng nó lắm.

Bà hàng xóm được nhắc nhở tới mắt đỏ hoe, tay xách ấm nước đang rướn người ngó qua hàng rào.

Từ khúc quanh bên bờ ao rau muống, hai bà sơ xuất hiện, bước vào nhà. Ông sư lo làm lễ nhập quan đến sau hai bà sơ chừng mười phút. Một bà nào đó nói lớn:

- Họ hàng thân thuộc của cô ấy đến đây đi cho ông thầy làm lễ khâm liệm.

Một bà nào đó ghé tai tôi dặn dò:

- Hình như cô ấy đang có thai. Chôn xong nhớ rắc một ít vừng hoặc trồng cây chuối lên mộ. Khi nào vừng mọc lên đứa nhỏ mới đi đầu thai được. Anh nhớ đấy.

Chưa liệm đã lo chuyện chôn, chưa biết chôn ở đâu đã phải tính tới thủ tục rắc vừng trên mộ để bảo vệ quyền lợi của cái bào thai. Nếu người đàn bà khéo tiên liện đó không có đôi mắt sưng húp, đỏ hoe chắc tôi đã khó chịu, rợn người vì sự tỉnh táo của bà.

Cái máy phóng thanh lại nhắc mọi người cùng đọc một bài kinh.

Thế mà đã xế trưa rồi.

Cứ tưởng ngày phải dài ra, mênh mông, thành một ngày dài nhất. Cứ tưởng buổi sáng ngày 3.6.74 nặng nề ấy, khủng khiếp thế mãi, không sao vượt nổi tới trưa tới chiều. Nhưng buổi sáng đã qua như những khuôn mặt thân yêu khuất đi vĩnh viễn sau lần vải liệm.

Buổi trưa không khí yên tĩnh một cách gay gắt.

Đám người tụ tập dưới tấm vải dù căng tạm vẫn đông. Thỉnh thoảng vẫn có người mới tới đòi nghe kể lại mọi chi tiết. Bao nhiêu người chết" Ai cụt đầu" Người đàn ông duy nhất còn lại đâu" Sáng nay khi nghe tin anh ta ra sao"

Một đứa trẻ nhảy lên đống gạch vụn cao nhất giữa nhà và nhìn quanh. Trong ánh nắng gay gắt buổi trưa mắt đứa trẻ hấp háy liên hồi. Nó có vẻ đang tìm kiếm một vật gì, nhưng không tha thiết lắm. Xa xa, sau lưng nó, cùng in rõ nét trong khoảng không là cây mận ở vườn nhà bên cạnh. Không còn một chiếc lá. Tất cả đều đen, khô như đã chết lâu, đã cháy. Nhưng bám chi chít trên những cành cây đen đó là những trái mận xanh mướt. Cành cây trái cây đều giống như thứ giả được gắn vào nhau một cách vụng về và phi lý.

Đồ đạc còn lại của căn nhà được dồn cả về phía sát hàng rào, cạnh cống thoát nước. Con búp bê nằm chỏng trơ trên chồng chăn chiếu tả tơi. Chiếc xe đạp ba bánh nằm dưới cái ba lô hả miệng. Những quần áo rách như bị cắt bằng dao trên cái ghế gãy chân, chi chít lỗ thủng. Hai cái nồi bẹp đặt trên cái chăn màu da cam... Các cháu ngủ ở nhà ông bà nội ngủ trong căn nhà ở Phước Long, ngủ trong căn nhà này đã được đắp bằng tấm chăn da cam ấy.

Vụt một cái, những vật thân yêu riêng tư phơi đầy trong nắng trước mặt mọi người. Vụt một cái, em cháu tôi nằm trong căn nhà không tường không mái, trước mắt mọi người.

Gió bỗng thổi phần phật vào tấm vải dù che, gió thổi phần phật trên những lá cờ tang đen cắm quanh ao rau muống. Thử quay lưng lại với căn nhà đổ sập, bịt tai không nghe máy phóng thanh kể lể, nhìn ra cánh đồng và tưởng tượng: không có chi xảy ra đâu. Trong ao rau muống có hai cánh cửa sổ, một tấm tôn cong và những thanh gỗ gẫy... Những lá cờ tang vẫn phần phật nhắc nhở tất cả...

Nhưng cứ nhìn xa hơn, tới cánh đồng lúa chín, tới dòng xe cộ qua lại trên cầu Vạc sẽ thấy căn nhà còn thơ mộng biết bao. Căn nhà nửa quê, nửa tỉnh, rộng rãi, mát mẻ, cả hai vợ chồng nó cùng thích. Hai cháu bé có khoảng vườn cỏ xinh xắn trước nhà, có chuồng nuôi mấy con thỏ, có chút đất bên bụi chuối cho chúng ném những hạt na, xoài và hy vọng chúng mọc thành cây.

Buổi trưa nắng gay gắt vẫn có gió đồng thổi ào ào. Buổi chiều nắng vàng xuống mênh mông. Trời xanh ngát chỉ có những cánh diều và những con chim bay thanh thản. Tiếng xe cộ vọng về chỉ nghe ào ào, như một cơn gió lớn. Sau đồng lúa chín, sau bãi cỏ xanh, sau những bờ ruộng vuông vắn, sẫm vàng là đường chân trời tạo bởi toàn thể phía sau những căn nhà quay mặt ra lộ chính. Có lẽ phía sau ấy là cống rãnh rác rưởi, là những mảnh ao nhỏ đậm màu bùn đen. Nhưng nhìn từ xa, tất cả hợp thành một đường chân trời gồ ghề ngộ nghĩnh. Nó là vết kẻ nồng nàn của sự sống, của loài người giữa thiên nhiên tĩnh mịch, mênh mông.

Đến thăm căn nhà này lần đầu tiên, tôi đứng với hai cháu nhỏ trên thảm cỏ trước nhà, cứ lấy làm mừng cho chúng nó. Bác của hai cháu quanh năm quay cuồng giữa bụi và khói, đường chân trời nhìn thấy mỗi buổi mai là bức tường căn nhà trước mặt, cách xa mình chưa đầy mười thước. Các cháu có cánh đồng, có chuồng nuôi thỏ, có cỏ cây xanh, có cánh đồng và bầu trời bao la, thấy trăng sao thật sớm. Lúc đó, kẻ viển vông này đã nghĩ lẩm cẩm đến chuyện mai sau, hai cháu lớn, hai cháu sẽ có nhiều thứ để nhớ, kỷ niệm của các cháu được đặt trong một phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. Các cháu đã khổ cực theo cha mẹ lang thang qua những thành phố bị đe dọa, bị pháo kích mỗi ngày. Vùng cỏ xanh, chuồng nuôi thỏ, bầu trời và cánh đồng êm đềm này chắc là phần thưởng sau chuỗi ngày khốn khó kia.

Khoảng hai giờ chiều, bạn bè T. và đồng bào trong xóm xúm lại khiêng ba chiếc áo quan lên. Một người nói lớn:

- Đường hẹp, đưa ra từng cái một.

Áo quan lớn đi trước, hai áo quan nhỏ theo sau. Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, các bác, các cô chú của hai cháu lẽo đẽo đi ngược con đường nửa quê nửa tỉnh, đi từ căn nhà đổ nát đến bên chiếc xe chờ ngoài lộ chính, đi giữa những khoảng vườn cây xanh.

Đúng hai giờ chiều ngày hôm trước, hăm bốn giờ trước khi ba chiếc quan tài được nhấc lên đem ba mẹ con nó vĩnh viễn rời khỏi nơi này, thằng chồng rời nhà đi trực. Lần cuối lo bữa ăn cho chồng, em tôi rán giòn bốn con cá rô, cho vào gà men. Chồng nó bảo chia lại ở nhà một nửa, nó cười: "Thôi, để ở nhà đâu có ai ăn".

Buổi trưa hai đứa nhỏ chưa ngủ, chúng chạy ra đứng trước khoảng thềm nắng trước nhà, cười cười nhìn theo bố. Mẹ chúng từ trong bếp gọi vọng ra, sợ chúng đứng nắng lâu bị cảm.

Bố nó đã ra đến hết khoảng ao rau muống còn quay vào dặn:

- Tối nay cho chúng nó đi ngủ sớm không có sáng mai con Linh lại ngủ ì ra, không chịu đi học.

Rồi trở ra, trước khi khuất hàng rào, bố nó quay lại vẫy vẫy. Hai đứa nhỏ đứng trên thềm nắng nheo mắt cười. Rồi thằng cu Tý nhìn chị nó, hình như nói một tiếng gì. Kẻ duy nhất còn sống của gia đình này chỉ nhớ được có thế.

Như thế khoảng hai giờ mười sáu phút, T. đi trên con đường nửa quê nửa tỉnh ra sở, bước những bước bình thường để rồi phải xa cách vợ con nghìn trùng.

Hăm bốn giờ sau, T. đi không vững sau ba chiếc quan tài, cũng trên con đường này.

Trên chiếc cam nhông, em tôi được nằm chính giữa, hai con nó hai bên. Những người thân đứng không vững ngồi thụp cả xuống sàn xe. Ông nội hai cháu tay cầm bật lửa, mắt đăm đăm canh chừng ngọn nến thắp quan tài cháy chập chờn.

Xe đi chừng mười thước thì leo qua cầu Vạc.

Mọi lần đi thăm gia đình em tôi về, khi qua cầu Vạc, tôi đều đi chậm lại một chút để nhìn căn nhà của nó. Dưới chân cầu Vạc là một con lạch nhỏ. Khoảng trống mở ra cánh đồng là khoảng cách giữa hai dãy nhà nằm hai bên lạch. Trong khoảng trống mở ra cánh đồng đó, ở thật xa, căn nhà của em tôi nhỏ xíu, trắng, nổi bật giữa đám cây còn thấp.

Những lần ấy, tôi nhìn lại không vì lưu luyến mà có lẽ vì tò mò một chút. Từ cầu Vạc có nhìn rõ nhà tụi nó không" Từ cầu Vạc thấy căn nhà tụi nó ra sao" Tôi nhìn lại như kẻ ngồi trong máy bay vừa cất cánh ngó qua cửa sổ xem nhà cửa nhìn từ một nơi cao.

Bây giờ tôi cũng đứng vịn thành xe, giương mắt nhìn lại khi xe qua cầu Vạc. Xe không đổi tốc độ. Cánh đồng sáng rực. Ở chỗ xa tắp đó, bây giờ không có màu căn nhà, chỉ có những bóng người nhỏ tí lô nhô, chập chờn dưới lá cờ tang đen, bên vài bụi cây thấp. Tấm vải dù che căn nhà có tang chói nắng như một miếng kính vàng. Chỉ có khoảng rộng chừng mười thước từ tường nhà bên này lạch qua tường bên kia lạch. Thế nên vụt một cái khoảng trống mở ra đồng biến mất. Cái gì cũng vội vã biến mất, tan vào quá khứ với một tốc độ không lay chuyển nổi.

Tiếng khóc lại bật lên giữa tiếng xe cộ, giữa tiếng gió cuốn. Bà nội" Bà ngoại" Hay các cô của hai cháu bé đang nói gì trong tiếng khóc" Chỉ nghe thoáng lời kể lể: "Thôi chẳng còn ai..."

Lê Tất Điều

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.