Hôm nay,  

Đảo Biển Đông Ngập Nước

09/10/201800:00:00(Xem: 5639)
Trần Khải

 
Trung Quốc lấn về phương Nam, giành đất, tranh đảo, lấn ép đàn em... Tuy nhiên, Biển Đông có thể lâu dài sẽ an toàn, vì tình hình biến đổi khí hậu có vẻ như sẽ ngập nước nhiều đảo -- đặc biệt các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các bãi cạn.

Khi dòng thời gian vô thường xóa sổ các đảo mà TQ đã cắm dùi, chẳng còn ai nhớ tới dấu mốc nào đàn anh TQ đã rình rình cắm, rình rình chôn làm dấu. Phải chăng, đó lả một viễn ảnh sẽ xảy ra?

Trong khi đó, nhìn thấy tầm gần là Mỹ sẽ ra sức ngăn cảng TQ.

Bản tin NHK viết rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích lẫn nhau, cho thấy rõ căng thẳng gia tăng giữa 2 nước.

Hôm thứ Hai, ông Pompeo thăm Bắc Kinh để thông báo với ông Vương về cuộc họp giữa ông với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng vào hôm trước đó.

Ông Pompeo nói với ông Vương rằng Mỹ và Trung Quốc bất đồng căn bản về một số vấn đề.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông muốn tái khẳng định hợp tác về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại quyết định hủy đối thoại an ninh song phương, vốn dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 10.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói phía Mỹ nhiều lần làm gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc, có một loạt hành động gây phương hại tới Trung Quốc, cũng như chỉ trích chính sách đối nội và đối ngoại của nước này.

Ông Vương yêu cầu Mỹ dừng cái mà ông gọi là hành động sai lầm. Ông cũng nói rằng 2 nước nên tăng cường trao đổi và hợp tác trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp và vững chắc.

Bản tin VOA ghi nhận: Nhật Bản, Việt Nam thỏa thuận hợp tác để bảo đảm hòa bình ở Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 8/10 đồng ý hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Bắc Kinh.

Trong cuộc họp tại Phủ Thủ tướng ở Tokyo, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các hiệp định thương mại khu vực, kể cả hiệp định TPP-11, quy tụ 11 đối tác tham gia hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bất chấp xu hướng bảo hộ đang lan rộng.

Thủ Tướng Abe nói trong một cuộc họp báo:

“Cùng chung bước với Thủ tướng Phúc, tôi quyết tâm thực hiện một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương rộng mở và tự do bao trùm cả Biển Đông”.

Ông Phúc đang ở thăm Tokyo để dự Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản, tổ chức vào ngày Thứ Ba 9/10. Tham gia hội nghị này còn có các lãnh đạo của Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Cùng với một số quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông. Giữa lúc căng thẳng lên cao, Bắc Kinh cho xây các đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Nhật Bản không tranh giành chủ quyền trên Biển Đông nhưng coi tuyến đường biển trong khu vực là tuyến vận chuyển hàng hóa có tầm quan trọng chiến lược.

Ông Phúc không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng trong cuộc họp báo, ông và ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình, an ninh hàng hải và tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập bang giao, Thủ Tướng Abe cam kết sẽ thúc đẩy các trao đổi và giao lưu giữa người dân hai nước giữa lúc Tokyo đang chuẩn bị gia tăng số công nhân nước ngoài thông qua việc thiết lập một quy chế di trú mới kể từ tháng Tư năm 2019.

Nhật Bản còn hứa sẽ hỗ trợ 1,2 tỷ đô la viện trợ để mua thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm ở Việt Nam nhằm mục đích giúp nước này gia tăng xuất khẩu thực phẩm.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận tình hình Biển Đông: Trung Quốc bành trướng và 3 phương án của Mỹ.

Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, Mỹ cùng đồng minh liên tục thách thức tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhằm bảo vệ quyền «tự do hàng hải», đặc biệt là gia tăng tập trận hay đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý các thực thể địa lý, do Bắc Kinh kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc điều tàu ngăn chặn. Nhiều nhà quan sát nói đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh cục bộ. Washington hành xử ra sao trước tham vọng của Bắc Kinh trong thời gian tới ?

RFI giới thiệu các phân tích và dự báo nhà nghiên cứu Sean R. Liedman, làm việc tại Center for a New Americain Security. Bài viết mang tựa đề «The Evolution of U.S. Strategy in the South China Sea», được đăng tải trong cuốn Great Power, Grand Strategie : The New Game in the South China Sea, ra mắt đầu năm nay.

Chúng ta sẽ thấy rằng viễn ảnh tốt nhất sẽ là kịch bản thứ ba mà bản tin RFI ghi nhận, theo phân tích cuộc nghiên cứu trên:

“Khôi phục như trước  (Rolling Back) được tác giả coi là, tuy khó thực hiện, nhưng phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Đó là buộc Trung Quốc phải trở lại tình trạng trước khi có các hành động lấn chiếm bất hợp pháp. Năm 2017, ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, ông Rex Tillerson, tuyên bố : Thứ nhất, chấm dứt xây dựng đảo, thứ hai, Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận các thực thể này. Kịch bản này, vào thời điểm đó, đã bị truyền thông Nhà nước Trung Quốc phản đối dữ dội, với đe dọa sẽ có chiến tranh.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Mỹ, Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng thực thi giải pháp triệt để này, mà không buộc phải dùng các biện pháp quân sự. Một trong các biện pháp được nêu ra để thực thi, là trừng phạt có trọng điểm nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến các thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm giữ bất hợp pháp.

Cùng với việc tiếp tục thường xuyên các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không, ngay bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo, đá Trung Quốc kiểm soát, còn có hàng loạt biện pháp pháp lý khác có thể dùng để gây áp lực với Bắc Kinh. Trong số đó, có việc tạo đồng thuận về ngoại giao quốc tế buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết về Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực… Hay dùng tuần duyên Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực hỗ trợ việc thực thi quyền của ngư dân Philippines, theo phán quyết của Tòa án La Haye... Tiếp tục hỗ trợ hải quân và tuần duyên các đối tác ven Biển Đông...

Để thực thi kịch bản này, Hoa Kỳ chắc chắn phải chấp nhận là quan hệ với Bắc Kinh sẽ có nhiều rạn nứt, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc có thể bị kích động, khiến khủng hoảng Biển Đông lan rộng… Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác cần theo sát, để kịp thời đối phó.

Bài nghiên cứu của chuyên gia Sean R. Liedman được công bố đầu năm nay. Thực tế cho thấy một số biện pháp như ông đã nêu ra trong kịch bản thứ ba, như tước quyền tham gia của Trung Quốc vào các hoạt động quốc tế lớn, ví dụ cuộctập trận đa quốc gia RIMPAC mùa hè 2018, đã được chính quyền Donald Trump thực thi. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa rõ chính quyền Mỹ có kiên quyết chọn kịch bản thứ ba, để pháp luật quốc tế được thượng tôn hay không? Và các đồng minh, đối tác khu vực và quốc tế có thái độ như thế nào?

Nếu không thế? Chúng ta làm gì? Nước biển lên cao, là TQ phải chạy về Tàu?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.