Hôm nay,  

Trang Thư Độc Giả

16/12/200000:00:00(Xem: 4106)
Chuyện Việt Kiều đóng $100 đô"

Đọc báo Sàigòn Times cách đây hai tuần hay ba tuần gì đó thấy mấy ông nhà báo đăng tin Việt kiều về nước phải đóng 100 đô. Tôi tính về VN dịp tết này để thăm bà già, đọc thấy vậy hỏi mấy cô làm ở văn phòng du lịch, các cô bảo không biết, muốn biết hỏi chỗ này, chỗ nọ. Cuối cùng có người bảo tôi gọi điện thoại cho tòa đại sứ của VC. Tôi hỏi thì họ bảo không làm gì có chuyện vô lý đó. Họ bảo họ cũng không biết thật hay hư. Rồi họ bảo tôi, xem thấy báo nào đăng thì hỏi thẳng báo đó. Họ còn bảo, báo chí Việt ngữ mình bên này vì không được nhà nước kiểm duyệt nên hay loan tin thất thiệt. Vì vậy tôi gửi thư này yêu cầu qúy vị cho biết tin đóng 100 đô là thiệt hay thất thiệt"

Vũ Q.T. - Canberra ACT

*

Thưa ông Vũ Q.T.

Tin Việt kiều về nước đóng $100 được loan tải bằng Anh ngữ trên mạng lưới Internet. Rất tiếc, chúng tôi không nhớ rõ xuất xứ, nhưng khi đọc tin này, có 3 người trong tòa soạn cùng đọc. Sau đó, tin tức bằng Việt ngữ nhận được qua Internet cũng xác nhận nguồn tin trên. Qua phối kiểm với một số báo xuất bản tại Việt Nam trên mạng Internet, chúng tôi được biết đây là quyết định số 179/2000 của bộ tài chánh CSVN. Đó là lý do khiến chúng tôi đăng tin đó trên báo. Sau đó, không hiểu vì lý do gì, ông Phạm Văn Bút, trưởng hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và ông Nguyễn Văn Quát, chánh văn phòng phi cảng sân bay miền Nam, đồng loạt khẳng định không có việc thu khoản lệ phí trên, cũng không có quyết định 179/2000 nào cả. Đến tuần trước, CSVN lại ra thông cáo cho biết, khoản lệ phí đó là có, và quyết định của bộ tài chánh là có hiệu lực. Chỉ khác điểm, $100 đô lệ phí chỉ áp dụng cho mỗi chuyến bay, chứ không áp dụng cho mỗi đầu người. Sau CSVN lại cho rằng, 100 đô lệ phí cho mỗi người thì quá đắt, nhưng cho mỗi chuyến bay thì lại quá rẻ. Vì vậy, CSVN có thể thay đổi số tiền này trong vài tháng tới. Một nguồn tin hợp lý cho biết, CSVN lúc đầu tính thu 100 đô cho mỗi hành khách đặt chân đến VN. Sau bị chính giới làm ăn du lịch, kinh doanh khách sạn trong nước phản đối, nên CSVN phải nói trớ đi là tiền đánh vào phi cơ.

Riêng việc một người nào đó trong tòa đại sứ VC bảo với ông "ở đây không có nhà nước kiểm duyệt nên báo chí Việt ngữ hay loan tin thất thiệt", thì tôi xin thưa với ông, sự thất thiệt của báo chí Việt ngữ tại đây chỉ bằng phần ngàn so với sự thất thiệt của báo chí Việt ngữ tại Việt Nam. Điểm quan trọng nữa là sự thất thiệt của chúng tôi ở đây nếu có đều do vô tình, hoặc do thiếu thốn phương tiện. Còn sự thất thiệt của báo chí Việt ngữ tại Việt Nam là do cố ý và là đường lối chính sách của chính phủ CSVN.

Trân trọng.

Hoàng Tuấn

===

Đau như bị gậy

Thưa Lão Cô,

Nhìn lại chỉ trong vòng mấy tháng thôi, mà trên chốn giang hồ "Miệt dưới" này có khá đông "Quái nhân" xuất hiện.... (chuyện cũ chỉ nói khi cần nên mạn phép cắt bỏ)...

Thú thật với Lão Cô, tệ hạ có phần ngán ngẩm với sự đời, tự dặn mình nên tránh bước chân vào chỗ chông gai, vì sau mỗi lần như thế, nhìn quanh thấy người quen cứ bớt lần, khiến lòng mình cũng thấy chua! Tuy nghĩ vậy, nhưng đây là việc chẳng đặng đừng, lại làm phiền tới lão Cô, xin lão ngài miễn chấp cho!

Số là, trong một Thông Báo mà các báo có phổ biến vào đầu tháng 11/2000 của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Vic, về việc tổ chức Hội Chợ Tết năm Tân Tỵ. Ông Chủ Tịch NTP cho biết sẽ tổ chức ngay trong chợ Tết, một khu triển lãm "Các sản phẩm thủ công nghệ Việt Nam như búp bê, nón lá, quạt, giỏ tre..."

Sau đó, thấy có một bài thơ đăng trong mục "Thơ thẩn" của một tuần báo xuất bản ở Sydney, tác giả lấy tên là Việt lão-Victoria; nội dung thắc mắc về các sản phẩm thủ công sẽ do Cộng Đồng Người Việt Tự Do chúng ta chính thức triển lãm là những sản phẩm do Người Việt Tỵ Nạn làm ra, hay được mang ra từ trong cái gọi là xã hội chủ nghĩa Việt Nam""

Thắc mắc trên đã được tác giả có tên là Việt Lão Sydney, không che giấu bằng một luận cứ xem thường dư luận và thách thức lương tâm của những người Việt Tỵ nạn chân chính. Cũng bằng một bài thơ, đăng cùng một mục và cùng một tờ báo. Nội dung cho rằng triển lãm sản phẩm thủ công của Việt Cộng thì có sao!

Tới đây, theo thiển kiến của tệ hạ thì chính dự định tổ chức triển lãm của cộng đồng người Việt tự do Victoria đã tạo cho cộng đồng chúng ta một sự phân ý ngay trong nội bộ của chúng ta. Ngay bây giờ chúng ta không thể nào quả quyết xác định sự vô tình hay cố ý của người có trách nhiệm. Do đó tệ hạ muốn được sơ lược thêm một vài dữ kiện, trước để rộng đường dư luận, sau cùng là để người lãnh đạo cộng đồng có cơ hội thấu đáo, sự mâu thuẫn, sự tế nhị và phức tạp của vấn đề, hầu quyết định cho tiếp tục tiến hành hay đình chỉ cuộc triển lãm" và qua quyết định đó khiến cho cộng đồng chúng ta sẽ khẳng định được việc làm Vô Tình hay là cố ý của đương kim chủ tịch cộng đồng Victoria.

Chắc chắn, cộng đồng NVTD chúng ta không thể nào quên được, trước đây chúng ta đã cương quyết chống đối mọi hình thức phô trương tuyên vận của Việt Cộng. Chúng ta đã biểu tình kêu gọi tẩy chay mọi cuộc triển lãm của những phái đoàn Việt Cộng, mang hàng hóa từ trong xứ ra khoe hầu gây uy tín, cảm tình với nước ngoài. Khắp nơi đã có một ý thức chung và một cương quyết đồng nhất, nên cho đến nay Việt Cộng không thể nào phô trương như chúng hằng mong muốn. Có thể không sợ lầm lẫn khi cho rằng Việt Cộng rất mong mỏi từng cơ hội để được triển lãm hàng hóa của chúng ở nước ngoài! Nhưng chúng làm không được là vì có sự chống đối của Người Việt Tự Do.

Nhưng đột nhiên có người trong hàng ngũ chúng ta đứng ra mang các sản phẩm của chúng ra trưng bày ở nước ngoài thì đúng ý của chúng rồi còn gì nữa! Nhất là người đứng ra làm việc ấy thay cho chúng lại là người lãnh đạo cộng đồng tự do thì còn gì mà mỉa mai cho bằng, còn gì đau hơn khi mình bị gậy của chính mình" Thời buổi này mà nói chuyện chụp mũ nhau thì kể như quá ấu trĩ, quá thiển cận, nhất là quá nhàm chán. Chúng ta phải bình tâm mà nhận định vấn đề, nếu như người Việt tỵ nạn chúng ta đang sinh sống bên ngoài mà có làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc mình thì nhất quyết phải là những sản phẩm quý giá, cần phải tiếp tay nhau đem đi triển lãm khắp nơi trên thế giới. Nhưng nếu như sản phẩm đem ra trưng bày mang từ trong nước ra thì ý nghĩa hoàn toàn trái ngược lại những đấu tranh của người Việt tỵ nạn. Việt cộng chúng có những tòa đại sứ của chúng, tại sao chúng đành bó tay, là vì chúng bị chúng ta chống đối quyết liệt không tổ chức được.

Dù cho có ai đó lý luận méo mó đến đâu đi nữa, cũng khônglàm sao phủ nhận được hành động tiếp tay cho Việt Cộng, khi có người trong cộng đồng tự do chúng ta đứng ra triển lãm các sản phẩm của VC.

Vì không thể lạm dụng quá nhiều đất dụng võ của Lão Cô, nên người viết đành phải dừng lại ở đây, hy vọng bạn đọc xa gần thông hiểu cho và nhất là người có trách nhiệm hiện thời với cộng đồng tự do VIC, nghe đâu thân phụ cũng là một sĩ quan cao cấp đã hết mình chiến đấu cho bên này chiến tuyến

Lâm Hữu Xưa - VIC

===

Hai thế hệ một nỗi lòng

Sau khi xem bài tham luận với tựa đề: Sự chan hòa của tuổi trẻ trong và ngoài nước" của anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm chủ tịch THSVHSVN/LBUC, trình bày trong Đại Hội Toàn Thế Giới Kỳ 6 của LMVNTD được tổ chức tại Sydney (Úc châu) vừa qua đăng trên Saigon Times số ra ngày 24,12.2000. Tôi có một vài cảm nghĩ xin được chia sẻ trên mục Diễn Đàn Độc Giả...

Ngược về dĩ vãng 30 năm, tuổi trẻ chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong một đất nước mà chiến tranh đang ngự trị triền miên, tương lai không do chúng tôi hoạch định, hay nói đúng hơn chúng tôi bị lôi kéo vào cuộc chiến với 2 chọn lựa: hoặc bên này Tự Do hay bên kia Cộng sản. Tuổi trẻ hai miền Nam Bắc lúc ấy không có cơ hội ngồi lại với nhau để bàn thảo về phương cách làm thế nào mà đưa đất nước đến chỗ An Lạc Phú Cường.

Những hình ảnh tang tóc điêu linh của đồng bào tại Cố đô Huế bị chôn sống tập thể trong ngày tết Mậu Thân hay những thảm cảnh thê lương trong mùa Hè Đỏ Lửa đã làm cho tuổi trẻ miền Nam (dù có chút tự do hơn) cũng không làm sao dằn được cơn máu nóng để phải hăng hái bước vào quân trường khoác áo chiến binh lên đường cứu đất nước. Hoặc có một thiểu số "Mộng mơ" hơn không chấp nhận sự giải quyến tình trạng đất nước bằng súng đạn nên kêu gọi "phản chiến", nhưng phương thức này cũng không trung thực vì nó chỉ làm lợi cho phía bên kia cộng sản.

Trong khi đó Tuổi Trẻ miền Bắc còn thảm hại hơn nhiều, họ bị bưng bít đầu độc với tư tưởng "Chống Mỹ cứu nước" bị ép buộc phải đội bom vượt Trường Sơn cầm súng với khẩu hiệu "Sinh Bắc tử Nam" tăng cường cho cuộc chiến.

Nếu nói như nhận xét của người bạn trẻ Hoàng Thanh Tâm chủ tịch Tổng Hội SVHSVN/LBUC trình bày trong buổi ra mắt BCH của LMVNTD tại Sydney hôm 19.11.2000: "Bản chất của tuổi trẻ là sống cho lý tưởng, sống trong tinh thần cầu tiến và qua đó luôn đòi hỏi một cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuổi trẻ khắp nơi trên thế giới đều như thế cả. Và nếu nhìn về lịch sử của nhân loại thì tuổi trẻ luôn đóng vai trò chủ chốt trong cuộc cách mạng canh tân xã hội.

Không may cho tuổi trẻ chúng tôi vào thời đại ấy đã chịu áp lực quá nặng nề của một cuộc chiến Ý Thức Hệ giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản. Nếu so sánh về tinh thần yêu tổ quốc giữa hai thế hệ: Tuổi trẻ VN thời chúng tôi 30 năm trước có phần sôi nổi và tích cực hơn. Thực vậy, trong cuộc chiến đã qua, hàng triệu thanh niên hai miền đã hy sinh cho tổ quốc (miền Bắc thì vì ảo tưởng mà hy sinh, miền Nam thì thực sự vì tổ quốc mà hy sinh). Cho đến ngày nay, sau 30 năm, thế hệ chúng tôi vẫn còn nhiệt tình yêu nước, điển hình như Lý Tống, Võ Đại Tôn, Nguyễn Kim. Ngoài Bắc thì có Bùi Minh Quốc, Nguyễn Xuân Tụ, Dương Thu Hương. Tuổi trẻ VN năm 2000 có phần may mắn hơn. Các bạn trẻ ngày nay không bị ảnh hưởng nhiều về cuộc chiến đã qua, nhất là giới trẻ hải ngoại, được sinh ra lớn lên trong những đất nước tự do, được hưởng nền văn minh tuyệt hảo. Nhờ thế, tư tưởng của các bạn khoáng đạt và khách quan hơn.

Hôm nay, đọc bài diễn văn của người bạn trẻ Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, tôi thấy hân hoan, phấn khởi vì lớp trẻ VN không mang nặng những thành kiến ý thức hệ. Các bạn đã nhìn rõ kẻ thù chính của dân tộc là CSVN. Ý niệm nối kết giữa lớp trẻ hải ngoại và trong nước đã thể hiện trong sáng tinh thần dân tộc. Ý niệm đó sẽ tạo nên sức mạnh mới đưa nước VN thoát khỏi thảm họa cộng sản, vươn tới sự thịnh vượng về kinh tế và tốt đẹp về tự do dân chủ.

Lê Hà Chữ - Adelaide SA

===

Thảo luận tiếp: Cần tôn trọng sự thật

Tôi đã đọc lá thư trao đổi của ông Hoàng Tuấn về những ý kiến của tôi trong lá thư tuần vừa qua. Tôi phải nói rằng ông Hoàng Tuấn có khả năng biện luận và có khiếu phân tích vấn đề. Đọc qua lá thư trao đổi của ông Tuấn, ai cũng có thể nhận ra hai đặc điểm nổi bật: một là ông thích suy diễn sự kiện, và hai là ông cố tình đi lạc vấn đề đang bàn thảo.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy thất vọng vì nội dung mà tôi nêu lên trong lá thư tuần rồi đã bị ông Hoàng Tuấn làm cho lạc đề và thay vào đó là những lời phát biểu có tính xuyên tạc. Tôi viết lá thư đó bằng một sự dè dặt và cẩn thận thường lệ, chứ không viết theo "cảm tính" như ông Hoàng Tuấn đã suy diễn. Tôi không nói quá sự thật cho phép. Tôi cũng không dùng những từ ngữ quá nặng nề hay xúc phạm. Đối với những ai có tri thức, trích dẫn tài liệu không trung thực, và suy luận hàm hồ vô căn cớ là một việc làm phản trí thức (anti-intellectual). Tuy nhiên, rất tiếc là Sàigòn Times đã không đăng hết lá thư của tôi, nhưng lại lấy những điểm không đăng đó để kết án tôi là "cảm tính" thì tôi e rằng Sàigòn Times đã không công bằng với tôi. Đã không công bằng thì câu hỏi cần được đặt ra là chúng ta có nên tiếp tục cuộc đối thoại ở đây không" Tôi cố gắng lần này nữa xem sao...

Quay trở lại đề tài tôi nêu ra trong thư trước, có lẽ ta nên thống nhất cách hiểu về kiểm duyệt như thế nào. Theo các từ điển Tiếng Việt và Tiếng Anh, tôi hiểu một cách khái quát như sau: "kiểm duyệt" có nghĩa là xem xét, duyệt lại các sách, phim, kịch bản, bài viết ... trước khi cho công bố; là cắt xén câu văn hay sửa đổi ý tưởng của người khác. Chẳng hạn như việc Sàigòn Times cắt xén lá thư của tôi là một hành động kiểm duyệt. Xin nói rõ ở đây, tôi chưa bàn chuyện Sàigòn Times kiểm duyệt lá thư tôi là đúng hay sai, mà chỉ muốn lấy đó làm một ví dụ.

Đối chiếu lại với định nghĩa trên, ai cũng thấy rõ là bài diễn văn của Tổng Thống Clinton đã không hề bị phía chính quyền Việt Nam kiểm duyệt. Ông Clinton đã không bị cắt xén, thậm chí còn thêm vào những ý tưởng về nhân quyền và dân chủ. Rõ ràng là không có chuyện kiểm duyệt ở đây. Vì lịch sự ngoại giao, có thể Tòa Bạch Ốc đã cho phía Việt Nam xem trước bài diễn văn của Tổng Thống Clinton; nhưng đó không phải là "kiểm duyệt". Như vậy, sự thật vẫn là sự thật dù ông Hoàng Tuấn không muốn nhìn nhận: chính quyền Việt Nam chẳng dính dáng gì đến bài diễn văn đó của Tổng Thống Clinton.

Tất cả những thông tin và sự việc liên quan đến sự cố về phiên dịch bài diễn văn của Tổng Thống Clinton đã được các báo chí Tây phương đăng tải một cách rất chi tiết và rõ ràng. Bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng được vào bất cứ lúc nào. Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã giải thích chuyện đó. Họ còn nói rõ ràng rằng sự cố đó không có dính dáng gì với phía chính phủ Việt Nam; rằng ông Sean Lam không có lỗi lầm gì; rằng đó chỉ là một lỗi lầm về tổ chức mà thôi. Những lời giải thích của Bộ Ngoại Giao Mỹ đã không bị bất cứ một ký giả nào có mặt hôm đó phản đối. Như vậy, đó là những lời giải thích có thể tin cậy được. Quả đúng thế, theo những người có mặt ngày hôm đó, những giải thích của Bộ Ngoại Giao Mỹ là đúng với sự thật.

Ông Hoàng Tuấn ám chỉ rằng ông Sean Lam đã bị phía Việt Nam đe dọa, nên đã cố tình dịch sai ý của Tổng Thống Clinton. Tôi không đồng ý với sự vu khống này, và cho rằng đây là một suy đoán thiếu cơ sở. Ông Sean Lam là một nhân viên của Toà Bạch Ốc, là công dân Mỹ; ông Lam không phải là nhân viên của chính quyền Việt Nam, không phải là một công dân Việt Nam. Là một công dân Mỹ và được tuyển vào làm việc ở Tòa Bạch Ốc (một cơ quan quyền lực cao nhất nhì nước Mỹ), ông Sean Lam chắc chắn phải trung thành với lý tưởng của nước Mỹ và phải có một lai lịch có uy tín. Không sống ở Việt Nam (ông Sean Lam đã ở Mỹ cả 30 năm), không phải là công dân của Việt Nam, ông Sean Lam không có lý do gì phải sợ chính quyền Việt Nam(1) để phải diễn dịch có lợi cho Việt Nam hay làm hài lòng những người cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam. Thực ra, những gì ông Sean Lam diễn dịch cũng không có lợi cho phía Việt Nam và những người cộng sản Việt Nam. Còn tin đồn mà ông Hoàng Tuấn viết là có người "ghé tai nói nhỏ" cho ông Sean Lam lại càng thiếu cơ sở hơn nữa. Ông Hoàng Tuấn hãy xem lại cuốn băng video ngày hôm đó (2) xem có ai đứng gần nói nhỏ cho ông Sean Lam hay không" Câu trả lời là "không". Như vậy, câu chuyện rỉ tai là chuyện hoàn toàn bịa đặt.

Còn cho rằng ông Sean Lam là thông dịch kỳ cựu cho tổng thống, nên không thể phạm phải những sai lầm thì tôi cho rằng không hẳn đúng, và tôi cũng không thấy có bằng chứng gì để ủng hộ ý kiến này. Chỉ một bài diễn văn của Tổng Thống Clinton mà mỗi người dịch mỗi khác nhau. Người của Toà Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội dịch khác với một số báo chí Việt ngữ ngoài này. Cách đây không lâu, trên báo chí Úc châu rộ lên một tranh cãi quanh việc dịch cụm từ "Constitutional Conference",(3) mỗi người dịch một khác, và ít ai đồng ý với ai. Điều đó cho thấy cùng là một lời nói, là một cụm từ, nhưng khi chuyển ngữ thì có khi nó mất đi cái nghĩa mà người nói muốn diễn đạt. Do đó sự kiện ông Sean Lam lúng túng khi dịch đoạn văn tế nhị về nhân quyền, dân chủ đó là một điều không ngạc nhiên, nhất là ông ta chưa được biết đoạn văn này có trong bài diễn văn.(4)

Nói tóm lại, trong bài trao đổi với tôi, ông Hoàng Tuấn hoàn toàn không đưa ra được một chứng cớ gì rõ ràng để chứng minh là nhà cầm quyền Việt Nam kiểm duyệt bài diễn văn của Tổng Thống Clinton. Thay vì dựa vào sự thật, ông Hoàng Tuấn suy luận và đặt giả thuyết. Thực ra, không có gì sai trái với việc suy luận hay đặt ra giả thuyết, khi sự kiện xảy ra không được rõ ràng. Nhưng những suy luận và giả thuyết phải có cơ sở, phải có bằng chứng cụ thể thì mới có giá trị.(5) Ví dụ như nếu tôi chưa biết ông Hoàng Tuấn là ai, nhưng qua đọc thơ của ông, tôi có quyền suy luận với một xác suất rằng ông là một nhà thơ; nhưng nếu tôi không biết gì và chỉ gặp ông lần đầu tiên, tôi không có bằng chứng để cho rằng ông là một nhà thơ; sau cùng, nếu tôi đã biết ông Hoàng Tuấn là một nhà thơ, thì những suy luận và giả thuyết của tôi về ông không còn cần thiết nữa.Tương tự, ở đây, suy luận và giả thuyết về ông Sean Lam là hai việc làm phí công, vì sự thật đã được trưng bày rõ ràng.

Suy luận rằng chính quyền Việt Nam kiểm duyệt bài diễn văn của một Tổng Thống Mỹ nói cho cùng chỉ là sản phẩm của một sự tưởng tượng và có chút bệnh hoạn trong suy nghĩ. Sự suy luận này hàm ý đề cao Chính quyền Cộng Sản Việt Nam và cùng lúc sỉ nhục quốc gia Mỹ. Một siêu cường hùng mạnh như Mỹ, nước đã từng lên tiếng không ngừng nghỉ về nhân quyền và dân chủ ở cả những nước lớn như Trung Quốc; hà cớ gì họ lại khiếp nhược trước một nước nhược tiểu như Việt Nam là để cho người Cộng sản Việt Nam kiểm duyệt những gì họ muốn nói.(6) Người Mỹ không cần Việt Nam để tồn tại, nhưng Việt Nam có thể cần Mỹ để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Tuấn còn có tài xoay sở vấn đề này sang vấn đề khác để đánh lạc hướng vấn đề đang bàn. Ông đề cập đến bài diễn văn của ông Lê Khả Phiêu ở đây là cố tình đi ra ngoài phạm vi bàn luận, nhưng tôi cũng cố gắng hầu chuyện ông (nhưng xin đừng chuyển đề tài này sang đề tài về bài diễn văn của ông Lê Khả Phiêu, vì hai sự kiện không có dính dáng gì với nhau: một bên là trục trặc kỹ thuật, một bên là sự thiếu lễ phép). Tôi đồng ý với ông Hoàng Tuấn và một tác giả có bài phân tích về chuyến đi của ông Clinton rằng những phát biểu của ông Lê Khả Phiêu là rất thiếu văn hóa, không xứng đáng làm lãnh đạo. Điều này dễ hiểu, vì ông Phiêu là một người cộng sản giáo điều và thiếu học thức. Có thể nói rằng những gì ông Phiêu nói không nhắm vào ông Clinton, mà nhắm vào đồng nghiệp cộng sản của ông ta. Tôi cũng đồng ý với ông Hoàng Tuấn là nhiều người cộng sản có thủ đoạn tàn ác. (Xin mở ngoặc ở đây là sự tàn ác hầu như có trong mỗi giai đoạn lịch sử Việt Nam, kể cả trong thời của ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu). Người cộng sản tàn ác vì họ cuồng tín, ít học và không biết tôn trọng sự thật.(7) Đã đành. Nhưng chả lẽ ông Hoàng Tuấn cũng không tôn trọng sự thật hay sao"

Về vấn đề tiếng Anh trong lá thư của ông Đoàn Việt Trung thì tôi thấy có hai trường hợp. Thứ nhất, nếu lá thư đó đã bị Sàigòn Times đánh máy lại sai, thì Sàigòn Times nên xin lỗi ông Trung. Thứ hai, nếu Sàigòn Times sao y bản chính đã được đăng trên báo Sun Herald thì như tôi có nói trong thư (nhưng Sàigòn Times không đăng) là sai văn phạm. Tôi không dám đưa cho một giáo sư Anh văn nào xem bài viết đó, vì tôi muốn giữ danh dự cho người Việt chúng ta, và một phần là sợ sẽ bị cười.(8) Bất cứ ai tinh ý cũng có thể thấy cái sai về văn phạm và cách dùng chữ trong lá thư đó, bởi vì những lỗi lầm như thế quá sơ đẳng.

Việc ông Hoàng Tuấn suy đoán về cá nhân tôi với những danh từ như "văn công" thì tôi phải nói là ông hình như đang nằm mơ giữa ban ngày, và tôi cảm thấy bị xúc phạm. Thử hỏi nếu tôi nói một cách vô căn cớ rằng (ông bình tĩnh nhé): "Ông Hoàng Tuấn là một tên du côn nói dóc" thì ông có cảm thấy bị xúc phạm không"(9) Nếu ông cảm thấy như thế thì ông còn nợ tôi một lời xin lỗi. Vả lại, cá nhân tôi chẳng có liên quan gì đến đề tài chúng ta đang bàn luận. Vấn đề chính ở đây là sự thật và phản sự thật. Tôi hy vọng ông Hoàng Tuấn có đủ can đảm để nhìn nhận sự thật, và đừng suy luận không dựa vào bằng cớ. Ông có thể ghét người cộng sản (cũng như tôi không ưa thích họ), nhưng ông nên vượt lên trên những người cộng sản là ông phải tôn trọng sự thật. Việc gì có thì nói là có, không thì nói là không, đừng bao giờ bắt chước theo người cộng sản hay bẻ cong ngòi bút để xuyên tạc sự thật. Người tranh luận phải có tính văn hóa. Những hành động chụp mũ vô cớ không giúp được gì trong tranh luận cả.

Cuối cùng, tôi kính chúc ông nhiều sức khỏe, và hy vọng Sàigòn Times là một tờ báo nghiêm túc và công bằng với độc giả.

Laurence Tran - NSW

*

Vì không muốn thảo luận về một vấn đề quá rõ ràng, nên tôi chỉ nêu những bất đồng của mình với những điểm được ông Lawrence nêu trong thư.

(1) Ông Lawrence muốn nói chỉ có 80 triệu công dân Việt Nam và những người đang sống ở Việt Nam mới "có lý do" để sợ cộng sản thôi sao" Tôi không nghĩ vậy đâu. Thưa ông, tôi có quen ông cụ từng đi phu thời Pháp đã ở ngoại quốc 50 năm, vậy mà mỗi khi nhắc đến cộng sản VN cụ vẫn còn giật mình, kinh hoàng. Lý do là giữa thập niên 1960, cụ đang sống sung sướng ở Tân Thế Giới, vì nghe lời đường mật cộng sản tuyên truyền, nên bán nhà cửa, đất đai, cửa tiệm, rồi về Việt Nam "xây dựng đất nước". Hậu quả, cụ bị mất tất cả, ngay cả cơm độn ngô khoai cũng không có mà ăn. Vợ của cụ bị chết vì đau ruột thừa, đưa đến bệnh viện Phủ Lý, bị CSVN vất lăn lóc, không thèm chăm sóc. Hai người con trai của cụ bị cộng sản bắt vô Nam chết mất xác. Năm 1978, cụ và người con út "vượt biên", và hiện lại định cư tại Tân Thế Giới, nhưng phải ở nhà thuê, đi làm thuê. Tôi đồng ý, ông Sean Lam sống ở Mỹ 30 năm, nhưng trước khi đến Mỹ, tôi tin chắc ông từng là nạn nhân của cộng sản VN. Ở hải ngoại này, thiếu gì người Việt sống trên dưới 30 năm như ông Sean Lam, nhưng vẫn sợ cộng sản như sợ hủi. Nếu ông Lawrence không tin, mời ông đến tòa soạn, tôi sẽ đưa ông đến Cabramatta nghe cả ngàn người kể "cộng sản đã làm cho họ có những ác mộng suốt 30 năm qua" hoặc tệ hơn, "làm cho họ không dám ngủ" vì mỗi khi ngủ là "lại thấy mình bị cộng sản hành quyết"... Có một người năm nay 37 tuổi, sống ở Úc 26 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến hai chữ "Việt cộng" là ông ta lại rùng mình. Ông Lawrence biết tại sao không" Tại vì mẹ của ông ta bị "Việt cộng" lấy chiếc quần đen chùm đầu rồi hành quyết ngay trước mặt bốn anh em, trong vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế. Khi đó, ông ta mới có 5 tuổi.

(2) Ông Lawrence Trần, "cuộn băng video đó" là cuộn nào" Quả thật ở ngoại quốc, tất cả người Việt chỉ coi thoáng qua cảnh tổng thống đọc diễn văn trong phần tin tức thường nhật trên TV chứ không có ai có "cuộn băng video ngày hôm đó" nên không hiểu ý ông muốn gì" Mà tại sao lại "xem lại", hở ông" Đâu đã thấy mặt mũi cuộn băng video đó thế nào thì làm gì có chuyện "xem đi xem lại"" Chẳng lẽ ông Lawrence "đặc biệt" lắm nên được tổng thống Clinton tặng cho cuộn băng video ngày hôm đó để xem đi xem lại hay sao"

(3) Gọi là "Constitutional Convention", không phải "Constitutional Conference".

(4) Ông Lawrence, ông nên nhớ là hôm đó ông Sean Lam đã lúng túng không dịch những câu nói quan trọng về tự do dân chủ của tổng thống Clinton chứ không phải "mỗi người dịch mỗi khác". Tại sao ông ta lại lúng túng" Phải chăng đoạn văn đó quá khó" Hay là trong đoạn đó có những từ ngữ ông Sean Lam không biết" Tại sao một người sống ở Mỹ 30 năm mà lại không hiểu đoạn văn đó" Ông Lawrence bảo ông Sean Lam lúng túng khi dịch là điều không ngạc nhiên vì "ông ta chưa được biết đoạn văn này có trong bài diễn văn"! Chu choa, chèng đét ơi! Đi thông ngôn cho tổng thống Mỹ mà đòi mọi lời nói của tổng thống phải viết xuống rồi trao tay cho đọc kỹ trước khi tổng thống nói, thì ai chả làm thông ngôn được, thưa ông Lawrence""

(5) Ông Lawrence có biết tại sao ông Sean Lam phải rời Việt Nam cách đây hơn 30 năm không" Ông có biết khi còn sống ở Việt Nam, ông Sean Lam đã có những kinh nghiệm kinh hoàng như thế nào với cộng sản không" Như trên ông đã viết với ngụ ý: Chỉ có công dân Việt Nam và những người sống tại Việt Nam mới sợ cộng sản. Vậy trong một xã hội mệnh danh "dân là chủ" mà những người "chủ nhân dân" còn sợ những người "đầy tớ cộng sản" đến độ ghê gớm như tác giả Bùi Ngọc Tấn đã viết trong cuốn Chuyện Kể Năm 2000, thì thử hỏi, những người khác chiến tuyến như ông Sean Lam phải sợ cộng sản đến mức nào" Sợ cộng sản rồi lúng túng không dám dịch những gì bất lợi cho cộng sản, theo tôi, đó cũng là một hình thức kiểm duyệt đó ông. Nó cũng giống như lối kiểm duyệt mệnh danh "Tự ý đục bỏ" trong báo giới vậy đó. Điều đáng sợ nữa là ông Sean Lam đang ở Việt Nam, một quốc gia có rất nhiều tai nạn giao thông chết người. Trong số những nạn nhân bị chết vì tai nạn xe hơi có không thiếu những nhân vật tên tuổi như Nguyễn Bá Thi, vợ chồng nhà văn nhà thơ nổi tiếng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Ngay cả nhà văn nữ Dương Thu Hương cũng đã nhiều lần bị xe hơi đuổi lên tận vỉa hè Hà Nội... Đến khi thoát chết, gọi công an tới, tài xế bỏ xe chạy mất tiêu. Ở Việt Nam, một chiếc xe hơi qúy hơn mạng người, làm sao có chuyện tài xế "xuýt đụng phải người" mà dám bỏ xe chạy mất tiêu" Là người có ăn học và hiểu biết, ông Sean Lam dư sức biết, người cộng sản VN không có chuyện gì họ không dám làm. Từ chuyện giết vài trăm ngàn người trong cải cách ruộng đất để nuôi ảo tưởng chia ruộng cho đám bần cố nông tận tình theo đảng, đến chuyện bất chấp dư luận quốc tế, ngang nhiên xé bỏ Hiệp Định Ba Lê, xâm chiếm Miền Nam, rồi thảm sát ở Huế, xâm lăng Căm Bốt, ngay cả việc thủ tiêu những tướng lãnh cộng sản có công với chế độ... Với sự hiểu biết đó, lại đặt chân đến một đất nước có những người CS như vậy, chuyện ông Sean Lam sợ hãi, lúng túng khi dịch những câu gây bất lợi cho cộng sản là điều hợp lý. Trình độ Anh ngữ của ông Sean Lam dư sức hiểu tổng thống Clinton nói gì mà không cần phải nhìn vào bản diễn văn in sẵn. Ông Sean Lam cũng dư biết, nếu dịch sai, dịch sót lời của tổng thống, ông sẽ bị mất việc. Nhưng mất việc còn hơn nguy hiểm đến tính mạng.

(6) Kiểm duyệt phải được hiểu dưới nhiều hình thức. Nộp một cuốn sách, một bài viết cho một người, hay một cơ quan để họ đọc, sửa, hay loại bỏ, đó là kiểm duyệt nổi, kiểm duyệt công khai. Một chế độ CS độc tài, chuyên chế suốt nửa thế kỷ, chuyên gây thảm kịch máu và nước mắt cho người cầm viết dám nói sự thật, riết rồi bây giờ, những nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam mỗi khi viết, chỉ dám viết những gì đảng CS muốn nghe, muốn đọc, đó cũng là một hình thức kiểm duyệt. Kiểm duyệt lối này tinh vi hơn, nguy hiểm hơn, và công hiệu hơn, vì trong đầu mỗi nhà văn, nhà thơ lúc nào cũng có một viên "cai văn nghệ" ngự trị. Kiểm duyệt kiểu này nhan nhản ở Việt Nam, và ai ai cũng biết, chẳng lẽ ông Lawrence không hiểu được sao"

(7) Đồng ý, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những thảm kịch, tội ác và nỗi thống khổ. Nhưng tội ác, thảm kịch và nỗi thống khổ do người cộng sản gây ra bao giờ cũng gấp bội. Hỏi cả chục triệu người dân Việt Nam sống dưới thời Ngô Đình Diệm, thời Nguyễn Văn Thiệu, và ngay cả những người sống dưới thời Pháp, Nhật, họ đều đồng ý, tội ác do cộng sản gây ra khủng khiếp gấp bội so với thời ông Diệm, ông Thiệu, lẫn cả thời Pháp, Nhật. Tại sao vậy" Xin thưa, người cộng sản, ngoài chuyện "cuồng tín, ít học và không biết tôn trọng sự thật" như ông viết, họ còn là những người vô thần. Họ không tin có đời sau, họ không tin có chuyện nhân quả, họ không tin có ông bà, có phúc đức đời trước ảnh hưởng đến đời sau. Một người khi đã không tin vào sự trừng phạt thiêng liêng của thế giới vô hình, không tin vào chuyện mình làm ở thế giới hôm nay sẽ ảnh hưởng đến phúc họa của con cháu mình, thì người đó dễ trở nên tàn nhẫn vô lương tâm hơn ai hết.

(8) Thưa ông Lawrence, đáng lẽ ông nên hiểu, danh dự của người Việt sẽ bị xúc phạm bởi những người có thái độ giấu dốt như ông. Một người Việt đem một bài viết bằng tiếng Anh hỏi một người Anh là điều rất cần trong việc học hỏi và cầu tiến. Khi ông Đoàn Việt Trung email cho tôi là thư và có ý muốn đăng nguyên văn bằng tiếng Anh trên báo Sàigòn Times, tôi có đọc, và thấy lối diễn tả của ông rất đúng văn phong của người Úc. Sau khi nhận được thư của ông, tôi hơi ngạc nhiên, và không tin vào vốn liếng Anh ngữ của mình. Vì vậy, tôi đã gọi điện thoại bàn bạc với ông Trung, và hỏi thêm một số người khác. Kết quả, tôi thấy những điểm ông nêu vừa không đúng lại vừa có tính quy kết, nên tôi quyết định cắt bỏ những đoạn ông góp ý về văn phạm Anh văn, vì nếu đăng là biểu hiện coi thường độc giả. Nếu ông Lawrence muốn bàn bạc kỹ lưỡng hơn về văn phạm trong đoạn văn của ông Đoàn Việt Trung, thiết tưởng cách tốt nhất, ông nên xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn hỏi một người Úc, hoặc email hỏi thẳng ông Trung. Tôi tin chắc, ông Trung sẽ giải thích cặn kẽ tại sao ông lại viết như vậy. Giống như lá thư trước của ông, tôi thấy lá thư này ông tiếp tục sa lầy và sa lầy thê thảm hơn trong vấn đề văn phạm, nên tôi tiếp tục "kiểm duyệt" và cắt bỏ hơn chục dòng ông bàn về một vấn đề tôi tin chắc ông không am tường.

(9) Cái đó còn tùy thuộc ông Lawrence là ai. Nếu ông Lawrence là một người hiểu biết, đáng qúy và đáng kính, thì tôi không những cảm thấy bị xúc phạm, mà còn buồn lo sợ hãi. Tôi sẽ tự vấn lương tâm mình, tự kiểm lại mình xem mình có làm điều gì lỗi, sai trái khiến một người đáng kính chê trách mình. Trái lại, một lời nói "vô căn cớ" đối với tôi chỉ là "con ruồi đậu trên sừng trâu" mà thôi. Tại sao con trâu lại phải bận tâm vì con ruồi đậu trên sừng nó nhỉ"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.