Hôm nay,  

Chúng Tôi Thế Hệ Lưu Vong

16/12/200000:00:00(Xem: 4190)
Lênh đênh vượt biển chúng tôi đi
Nắng mưa đói khát có xá chi
Biển Đông bao phủ đầy hải tặc
Mạng sống thuyền nhân chẳng đáng gì.

Bình yên đây bờ bình yên đây
Miên man hạnh phúc chúng tôi say
Nhớ mãi tháng năm dài trên đảo
Quê hương cố quốc vẫy tay chào.

Muôn màu say thế giới muôn màu say
Xa hoa điên loạn mi mắt cay
Bôn ba mỏi mệt đời viễn xứ
Nô lệ dollars ngày qua ngày

Có gì trong tay còn gì trong tay
Quanh đi quẩn lại đời sao mỉa mai
Việt Nam còn đó nơi không thể ở
Lưu vong nơi đây nơi đắng cay.

Sau ngày miền Nam mất, gia đình chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn. Ba tôi một sĩ quan của quân đội VNCH bị bắt đi học tập cải tạo tận ngoài Bắc xa xôi. Mẹ tôi một giáo sư ngoại ngữ nhẫn nhịn ráng giữ một chỗ dạy học dưới bao nhiêu chèn ép, bất công để sinh tồn. Không lâu căn nhà thân yêu chứa bao kỷ niệm thời thơ ấu của gia đình tôi được cách mạng trưng dụng và mẹ con chúng tôi suýt bị mời đi một vùng kinh tế mới có thể nói là khỉ ho cò gáy. Nhờ bỏ tiền chạy chọt hối lộ đủ chỗ, mẹ tôi mới dẫn anh em tôi chạy được về quê ngoại, mang tiếng là hồi hương theo chính sách nhà nước. Trong khi mẹ tôi mỗi ngày như phải rửa mặt bằng nước mắt thì tôi vẫn sống hồn nhiên, vô tư. Tôi còn khá nhỏ đâu để ý đến thế thái nhân tình xảy ra chung quanh. Những bà con thân thuộc ngày xưa khi có chuyện gì là đều nhờ vả ba mẹ tôi, nhưng đến lúc chúng tôi sa cơ thất thế thì phần đông quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ, sợ liên lụy thế này thế khác.

Tôi còn nhớ phần đông bạn cùng lớp lúc đó đều được vô thiếu nhi quàng khăn đỏ. Mỗi khi thấy họ nhảy múa ca hát sinh hoạt đội, tôi rất thích, những lúc đó trông họ thật oai phong. Cái lý lịch con của Ngụy đè nặng trên đôi vai non nớt của anh em tôi, chúng tôi như những con cừu bị người ta đánh dấu là giống xấu trong bầy, như những mầm cây non bị cho là có sâu không thể ngóc đầu lên để thấy ánh nắng mặt trời. Có lẽ vì cùng đường, lại vì tương lai của chúng tôi nên mẹ tôi tom góp tiền bạc vàng vòng lo cho anh em tôi đi vượt biên.

Anh tôi đi đến bờ bình yên được 3 tháng thì tôi rời Việt Nam. Ngày tôi đến đảo Bidong ở Mãi Lai lại đúng ngay ngày anh tôi có danh sách rời đảo đi qua trại chuyển tiếp trong đất liền ở Sungei Besi. Nếu tôi đến trễ một ngày thì sẽ không gặp được anh tôi và hai anh em sẽ không có dịp xin ghép hồ sơ chung để cùng đi định cư.

Những năm đó, ở Mã Lai, người tỵ nạn được sắp xếp cho đi định cư rất nhanh chóng. Riêng trường hợp chúng tôi vì thủ tục ghép hồ sơ bị rắc rối, tôi là minor mà anh tôi lại chưa đủ tuổi để làm người giám hộ cho tôi. Nếu xin đi Mỹ thì chỉ cần khai tên và số quân của ba tôi là có thể chúng tôi được bay thẳng qua Mỹ rất nhanh theo diện minor, nhưng vì theo một người bà con xa xin đi Úc nên chúng tôi đã bị kẹt ở Mã Lai gần một năm dài.

Ba tháng đầu sống trên đảo Bidong, ngoài giờ đi học Anh văn ở trung tâm sinh ngữ, hầu như ngày nào tôi cũng theo đám bạn cùng lứa hết tắm biển lại lội suối, trèo đồi. Theo hồi ức của tôi, Bidong thật nhiều thú vui, hòn đảo nhỏ xinh đẹp với biển xanh vây quanh. Những buổi chiều từ trên đồi Công giáo, gọi là đồi Công giáo vì trên đồi có một nhà thờ và một ngôi chùa, nhìn xuống biển cả mênh mông, thỉnh thoảng lại có dịp thấy những chú cá heo đùa giỡn thật ngoạn mục.

Tối đến tôi lại hay cùng lũ bạn ra khu C là khu khá thơ mộng trên đảo nằm dọc theo bãi biển. Khu C nổi tiếng nhờ những quán cà phê được dựng lên một cách đơn sơ nhưng ấm cúng bởi người tị nạn để mua bán. Ai có tiền thì vào quán nhâm nhi cà phê nghe nhạc xanh nhạc vàng đủ loại. Ai không có tiền vẫn có thể ngồi dọc theo bãi cát bên ngoài gần đó để nghe ké. Bọn tôi không phải đi nghe nhạc ké, càng không phải đi thưởng thức cà phê, chúng tôi đi rình mò những cặp tình nhân thích lợi dụng bóng đêm trên bãi cát để hẹn hò tình tự. CHúng tôi thích nhất là chọi cát sỏi sau lưng phá đám họ rồi bỏ chạy thục mạng, thật hết nói, bây giờ nghĩ lại xấu hổ vô cùng.

Trên đảo thời đó, ai không có thân nhân ở các đệ tam quốc gia như Mỹ, Úc, Canada... gửi tiền tiếp tế thường được mệnh danh là "con bà phước", có nghĩa là chỉ sống nhờ những đồ tiếp tế cung cấp bởi cao ủy LHQ. Tuy không bị đói, nhưng thèm đủ thứ, nhất là bánh, kẹo, quà vặt. Hai anh em chúng tôi là trường hợp đó. Mỗi khi có cha người công giáo vào trại tỵ nạn để thăm các giáo dân trên đảo thì anh em tôi thế nào cũng được cha cho 5, 10 đồng tiền Mã Lai để mua tem gửi thơ cho gia đình ở VN. Ông cha người Tây to lớn và hai gò má lúc nào cũng gay gay đỏ thật phúc hậu tiếc là tôi không nhớ nổi tên cha.

5, 10 đồng lúc đó rất quý, 50 xu đã có thể mua được một cái bánh bía đậu xanh to bằng bàn tay người lớn. Một đồng có thể mua được đến 3 trái táo xanh vừa dòn vừa ngọt. Sau khi gửi thư cho mẹ, thế nào tôi cũng đi mua ngay một hộp kẹo bòn bon với những viên tròn nhỏ đủ màu hấp dẫn để dành ăn dần. Chiều đó nếu lên đồi Công giáo chơi thì chúng tôi sẽ có một ổ bánh mì sandwich để ăn không từng lát bánh mì mềm bỏ vào miệng thơm phức. Tôi còn nhớ ở thời điểm đó, mỗi ngày đều có người tỵ nạn mới tới đảo, dân trong đảo hay được là nhờ đài phát thanh trong trại. Đài phát thanh này là mấu chốt quan trọng quý giá nối liền liên lạc của người tỵ nạn với cao ủy LHQ. Cao ủy muốn gặp ai đều nhờ đài kêu lên, phái đoàn các nước đến phỏng vấn nhận người để cho list ai được nhận đi nước nào, list rời đảo, thơ tín của dân trên đảo... Mỗi lần nghe có người mới đến đảo, bất kể đêm hay ngày, tôi đều chạy thật nhanh ra khu A, là khu chính của trại, các văn phòng hành chánh nhỏ, bịnh viện, cầu Jetty để tàu lên xuống đều nằm ở khu A. Tôi luôn nuôi hy vọng, luôn tìm kiếm để xem có được gặp mẹ tôi hay không. Điều mà tôi hoàn toàn không biết là lo cho chúng tôi đi vượt biên xong mẹ tôi đâu còn tiền để đủ mua một chỗ đi vượt biên cho người nữa.

Sau khi được chuyển qua trại chuyển tiếp Sungei Besi để chờ đợi list đi định cư ở Úc, anh tôi xin vào một chân gác đêm ở bịnh viện. Nhiệm vụ của người gác đêm là đi báo cho bác sĩ hay khi có trường hợp cần cấp cứu vào ban đêm. Khu bác sĩ Việt Nam ở ngay sau lưng bệnh viện.

Mỗi đêm sau khi trực xong cao ủy cấp cho anh tôi một cái trứng gà và một gói mì ăn liền để bồi bổ. Trứng gà và mì gói đều có thể đem bán lấy tiền và tôi lại được mua kẹo cao su nhai, ăn bánh mì ngọt hoặc uống sữa Olvatine của bà Tàu Mã Lai hay bày bán trong trại mỗi chiều. Bà ta bán mì nước và sữa Olvatine nhưng chúng tôi chỉ mua sữa olvatine thôi.

Có lẽ vì thấy tôi càng ngày càng giống như ngựa hoang, không ai quản thúc nên anh tôi gửi gắm tôi cho một cô cao ủy y tá người Mỹ trong bệnh viện, để cho tôi có chuyện làm và không còn thì giờ rảnh đi quậy phá làng xóm. Từ đó cuộc đời tôi bỗng dưng có một thay đổi đáng kể, tôi như chững chạc hẳn ra, tưởng cũng nên nhắc lại vì mẹ tôi là giáo sư ngoại ngữ nên từ năm 6 tuổi, tôi đã biết khá nhiều ngữ vựng tiếng Anh. Tôi còn khá hơn vì từng có cơ hội học thêm ở hội Việt Mỹ ngày xưa. Do dự tính đi vượt biên nên mẹ tôi đã không ngừng trau giồi Anh văn cho chúng tôi. Khi đến đảo, chỉ vài tháng là tôi đã nghe và hiểu khá nhiều Anh văn theo lối phát âm của người ngoại quốc.

Cô Lynie rất hiền, cô còn trẻ, chỉ vừa mới lập gia đình. Jeff, chồng cô cũng là cao ủy làm việc bên trung tâm sinh ngữ nơi dạy tiếng Anh cho người tỵ nạn. Cô Lynie là y tá của bệnh viện, lúc nào cô cũng dịu dàng, nhỏ nhẹ với các bệnh nhân. Mái tóc dài lấp hết lưng, màu hung đỏ càng làm tăng thêm vẻ đẹp của cô. Mới gặp nhau lần đầu mà tôi và cô đã thấy thân thiết với nhau từ lâu rồi.

Nhiệm vụ của tôi là làm thông dịch viên cho cô Lynie. Tôi rất sung sướng mỗi lần cô giới thiệu tôi với mọi người. Cô hay nói: "Đây là C. thông dịch viên tí hon của tôi". Cô vừa nói vừa choàng vai tôi, nụ cười trong mắt cô như khích lệ lòng tự tin của tôi. Cũng may mọi người sẽ không biết tôi là con bé nào cứ hay bám sát cô như hình với bóng.. Thật ra trình độ của tôi làm sao đủ để làm một thông dịch viên thật sự. Đi theo thông dịch cho cô Lynie, tôi giống như một đứa học trò đi theo cô để học tiếng Anh. Chỉ khác là thay vì ngồi trong lớp, chúng tôi lại ở trong bệnh viện. Khoảng thời gian làm việc với cô, tôi nguôi ngoai bớt phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Mỗi sáng tôi thức sớm, ăn vội miếng mì gói, rồi vào bệnh viện chờ cô Lynie đến. Đoàn cao ủy vừa bác sĩ vừa y tá của bệnh viện khi vào trại thì đã có một đoàn thông dịch viên Việt Nam, nhí nhất là tôi chờ sẵn. Mỗi bác sĩ, mỗi y tá hầu như đều có thông dịch viên riêng của mình. Bác sĩ có việc của bác sĩ, y tá có việc của y tá, và thông dịch viên có việc mà thông dịch viên phải làm.

Cũng vì làm việc trong bịnh viện với cô Lynie mà tôi đã tai nghe mắt thấy không biết bao nhiêu cảnh đoạn trường của người tỵ nạn trên con đường vượt biên tìm tự do. Một chị còn sống sót duy nhất trên tàu nhờ ăn thịt người chết, uống nước tiểu của chính mình. Một dì khá lớn tuổi có 5 đứa con, lớn nhất chỉ độ 10 tuổi, nhỏ nhất còn ẵm trên tay. Dì bị điên loạn vì chính mắt chứng kiến người chồng bị cướp biển chém rồi đạp xuống nước mất tích. Một người đàn bà Việt Nam phải sinh một đứa con lai Thái Lan vì bị hãm hiếp đến có thai.... Nói sao cho hết những nỗi đau đớn mà những thuyền nhân bất hạnh phải trải qua."

Cao Ủy không ở lại trại vào ban đêm, chiều khi cô Lynie lên xe về nơi cô cư ngụ ở trung tâm thành phố Kuala Lumpur thì tôi mới trở về nhà. Có 3 chuyện xảy ra trong thời gian đó mà có thể nói tôi suốt đời ghi nhớ.

Chuyện buồn nhất là một sáng sớm anh tôi từ bệnh viện về nhà quần áo đầy máu, tóc tai rã rượi giống như người vừa đi đánh trận về. Hỏi ra mới biết, đêm đó có một người phụ nữ sinh khó, bác sĩ trực người mình không trở tay kịp, ban đêm không có bác sĩ và y tá cao ủy. Anh tôi tuy không biết một chút gì về y học nhưng cũng phải nhảy vào phòng cấp cứu giúp bác sĩ, những việc như lấy bông gòn, ống chích, thậm chí phút chót bất đắc dĩ, anh tôi theo lời chỉ dẫn của bác sĩ phải chính tay chính thuốc cầm máu cho bà ta. Chích vào tay hay vào mông thì tôi không biết rõ. Một đứa con trai mới lớn mà tận mắt nhìn thấy cảnh sinh đẻ, lại bị làm băng, máu chảy không ngừng và người đàn bà tội nghiệp kia đã qua đời sau khi sinh ra một đứa con gái. Anh tôi không bị khủng hoảng tinh thần là may mắn lắm rồi. Không lâu sau đó, một hôm theo cô Lynie đi thăm khu bịnh truyền nhiễm về, tôi bị lây chicken pox, ngày hôm sau chính tôi cũng phải khăn gói vào đó nằm. Cơn bịnh của tôi trở nặng hơn người lây cho tôi, nên vài ngày sau đó nó đã được về nhà, còn tôi phải nằm lại đó suốt hai tuần lễ. Tối nào tôi cũng khóc vì ngứa ngáy, nhớ mẹ, sợ ma... Anh tôi không được vào ở với tôi vì anh tôi không biết mình có bị chicken pox qua bao giờ chưa.

Cô Lynie mỗi ngày đến thăm và ngồi với tôi rất lâu, cô đọc sách cho tôi nghe, nói chuyện cho tôi đỡ buồn, bánh kẹo thì ôi thôi không thiếu. Có thể nói từ ngày làm việc cho cô Lynie tôi như giàu có hẳn lên, không phải giàu tiền bạc mà giàu về tình thương và bánh kẹo. Biết tôi ở trại thiếu thốn lại ở tuổi mê ăn ngọt, mỗi ngày từ Kula Lumpur vào, cô hay mang thức ăn cho tôi. Bản thân vợ chồng cô cũng không giàu có gì, vì làm cao ủy chỉ là công việc thiện nguyện, với mức lương rất tượng trưng... Tình thương của Lynie làm tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc. Những người từng là thuyền nhân giống như tôi chắc không mấy ai là không từng cảm xúc sâu xa với ơn cứu trợ của cao ủy tỵ nạn LHQ.

Câu chuyện cuối lại là một câu chuyện khá buồn cười. Buồn cho tôi và cười cho những người ở chung nhà với tôi nên biết chuyện. Ở bịnh viện về vài tuần, một hôm gia đình chị ở chung phòng tổ chức đổ bánh xèo để ăn mừng vì có danh sách đi định cư. Họ rất dư dả vì có thân nhân tiếp tế. Những người ở chung phòng đều được mời dự tiệc. Ở trại với đồ ăn lúc nào cũng được nấu sẵn rồi phát cho, sáng mì gói, trưa cá nục hấp hoặc chiên bột khi tươi, khi ươn. Chiều thì ăn gà lăn bột, nhưng bột nhiều mà gà chẳng bao nhiêu. Mới ăn thì rất sung sướng, nhưng ăn một thời gian trên 6 tháng như thế mỗi ngày, thì kẻ ăn dễ có hạng như tôi đây cũng đâm ra ngán nữa.

Một ngày ăn bánh xèo quan trọng như vậy tôi đâu thể nào thiếu mặt. Tôi vội chạy lên bệnh viện, báo bịnh xin nghỉ không đi làm một ngày, để ở nhà chờ đợi tiệc. Khi cô Lynie vào trại, nghe tin tôi không đi làm, cô hỏi thăm người xung quanh và đến tận nơi tôi ở, khu nhà hộp dành cho người đi Úc. Gọi là nhà hộp thật ra vì nó nhìn giống cái hộp (như những nhà cabin hộp trong caravan parks ở Úc nhưng dài hạn hơn). Người tỵ nạn trong trại thường phải ở theo khu - đi Úc, đi Mỹ, đi Canada ở khu khác.

Trở lại câu chuyện của tôi, cô Lynie lúc đó rất khẩn trương, có lẽ cô bị ám ảnh bởi lần trước tôi lây bệnh chicken pox, cô không biết lần này, tôi lại bị lây bệnh gì. Nào ngờ tôi chỉ vì háu ăn mà thôi. Thình lình gặp cô đến nhà, tôi ngẩn người ra vì cảm động sự quan tâm của cô và tôi thấy hổ thẹn vô cùng. Đã lỡ rồi làm sao" Cô hỏi tôi bịnh gì sao không vào bệnh viện khám bác sĩ" Tôi cho là mình lanh trí vội nói là tôi bị nhức răng, hà hà... với nhức răng bệnh viện cũng phải bó tay. Muốn gặp nha sĩ thì phải lấy số thứ tự, chờ đợi khá lâu. Cô Lynie chẳng nói chẳng rằng lập tức xách đầu tôi đi gặp nha sĩ. Ông nha sĩ cao ủy vốn là bạn thân của Jeff chồng cô, thế mới chết dở!!! Trên đường đi cô còn nói xin lỗi đã quên không nhắc nhở tôi rằng đi nha sĩ ở Úc cũng đắt đỏ như bên Mỹ vậy. Bây giờ được chăm sóc miễn phí, tại sao không lo trước. Kết quả tôi trở về nhà với cái miệng vừa sưng vừa tê cứng suốt buổi chiều, vì bao nhiêu lỗ sâu, mẻ lớn nhỏ trong răng đều được ông nha sĩ chiếu cố tận tình dưới sự giám sát của cô Lynie. Một đứa hảo ngọt như tôi, cũng đủ biết hàm răng nhiều trouble dường nào. Bụng dạ đâu còn để thưởng thức bánh xèo nữa chứ" Chưa hoàn toàn thoát nạn, vì sau đó tôi còn bị mấy cuộc hẹn tiếp, gặp lại nha sĩ để trám răng cho xong hết những chỗ răng sâu. Úi trời! Một phút ham ăn hại suốt mấy tuần.

Ngày rời Sungei Begi đi định cư, vợ chồng cô Lynie đưa chúng tôi lên xe bus để ra phi trường và đứng mãi đến khi xe chuyển bánh. Cô Lynie chạy theo xe bên dưới cửa sổ chỗ tôi ngồi, không ngừng vẫy tay, cô và tôi đều khóc. Lần thứ nhì trong đời, tôi khóc biệt ly, lần thứ nhất là ngày tôi chào mẹ tôi để đi vượt biên. Gần 20 năm rồi xa quê hương, tôi bây giờ đã là một thông dịch viên đúng nghĩa, tôi phải cám ơn trên luôn chở che cho gia đình chúng tôi. Tôi vẫn luôn tin rằng trên thế gian này nơi nào cũng có tình thương vì nếu không anh em tôi đã trôi dạt về tận đâu" Tuy nhiên tôi vẫn muốn nói lên cái quá khứ bơ vơ, đau buồn mà tôi đã trải qua. Lúc đó tôi thấy mất mát, hụt hẫng. Thà tôi rời Việt Nam khi tôi đã lớn một chút, 18, 19 tuổi với những kỷ niệm nào đó sâu sắc, những hình ảnh nào đó không thể mờ nhạt như "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát"... hay thà tôi rời Việt Nam khi còn quá nhỏ 9, 10 tuổi để không thắc mắc gì nhiều.

Đừng để quê hương trong tâm hồn tôi lúc đó thật giống như một bức tranh thủy mạc không rõ nét, lúc ẩn lúc hiện. Ai nói tôi không từng tủi thân khi thấy những đứa trẻ cùng trang lứa ở trại tỵ nạn nhõng nhẽo, vòi vĩnh ba mẹ chúng" Những lúc đó tôi hay thu người lại trong góc phòng nhỏ, giang sơn của hai anh em tôi, trùm mền giả bộ ngủ, để khóc không cho ai thấy.

Tôi biết có rất nhiều người, giống như tôi, từng là những đứa trẻ, không đường lựa chọn, sớm phải xa lìa ba mẹ, sống trôi dạt tha hương. VỚi những thua thiệt khó diễn đạt nên lời này, chúng tôi cả một thế hệ lưu vong lỡ cỡ, không lớn không nhỏ, nên phải cám ơn ai đã gây ra""

HPDC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.