Hôm nay,  

Nhân Quyền Còn Xa?

05/08/201800:00:00(Xem: 2034)
Trần Khải

 
Hình như không mong đợi chế độ CSVN tự giác cởi mở nhân quyền... Nghĩa là, chúng ta phải vận động quốc tế tăng áp lực...

Trong khi đó, quốc tế chỉ ưa chỉ trích tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên...

Bản tin NHK kể rằng một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc cho biết tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại Bắc Triều Tiên trong bối cảnh mọi sự chú ý hiện dồn vào vấn đề phi hạt nhân hóa.

Hôm thứ Năm, đại diện Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein bày tỏ quan ngại trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Các báo cáo trước của cơ quan này cáo buộc Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và lan rộng, trong đó có bắt cóc và tra tấn.

Ông Zeid nói Bắc Triều Tiên có rất ít thay đổi và người dân nước này tiếp tục bị tước đoạt các quyền cơ bản. Ông cho rằng Liên Hợp Quốc cần giám sát chặt chẽ tình hình Bắc Triều Tiên để đảm bảo không bỏ qua tình trạng vi phạm, trong bối cảnh mọi sự chú ý hiện dồn vào vấn đề phi hạt nhân hóa.

Ông Zeid cũng đề cập đến giao tranh giữa nhóm vũ trang Hamas của Palestine và lực lượng Israel tại Dải Gaza. Ông kêu gọi ngừng ngay lập tức việc bắn rocket bừa bãi gây thiệt hại cho dân thường.

Hay là áp lực nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ?

Mạch Sống Magazine của BPSOS kể rằng mới đây, chính Phủ Trump trừng phạt 2 Bộ Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ...

Ngày 1 tháng 8, đại diện của BPSOS và 11 tổ chức nhân quyền đã có buổi họp với gần 20 giới chức Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ về 21 hồ sơ đề nghị chế tài đã nộp vào tháng 6 vừa qua. Số hồ sơ này bao gồm giới chức thuộc 14 quốc gia: Azerbaijan, Bahrain, Burundi, Cộng Hoà Trung Phi, Trung Quốc, Dân Chủ Cộng Hoà Congo, Honduras, Hungary, Malaysia, Russia, Sudan, Turkey, Cambodia và Vietnam.

Tại buổi họp, các giới chức chính phủ đặc trách về thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu cho biết rằng ở bất kể thời điểm nào cũng có trên 100 nhân viên các cấp thuộc nhiều cơ quan chính phủ đang điều tra các hồ sơ mà họ nhận được; ngoài ra, 6 nhân viên vừa mới được tuyển thêm để bổ sung cho bộ phận điều tra các hồ sơ tham nhũng.

Bản tin BPSOS ghi rằng Luật Magnitsky Toàn Cầu, được ban hành cuối năm 2016, có biện pháp trừng phạt đối với những giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng hoặc dính líu đến các vụ tham nhũng lớn, hoặc cả hai. Những đối tượng bị trừng phạt sẽ bị Bộ Ngoại Giao từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ và bị Bộ Ngân Khố đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ.

Một thắc mắc lớn được các tổ chức nhân quyền nêu ra tại buổi họp là, liệu những vấn đề mà Chính Phủ Trump cho là lợi ích quốc gia có chi phối các quyết định trừng phạt không?

Khi đang họp, mọi người được báo tin là Toà Bạch Ốc vừa tức thì công bố quyết định chế tài Bộ Trưởng Tư Pháp và Bộ Trưởng Nội Vụ của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), đồng minh của Hoa Kỳ trong khối NATO. Giới chức đại diện Bộ Ngoại Giao dùng ngay sự kiện này để minh xác rằng Hành Pháp Trump không chừa quốc gia nào khi thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu...

Dù vậy, có vẻ như Việt Nam ngoài tầm mắt của Trump? Trong khi Châu Âu áp lực Nguyễn Phú Trọng, chúng ta chỉ thấy Trump lặng lẽ ngồi xem đài Fox...

Bản tin VOA kể về áp lực từ Châu Âu: ‘Nút thắt’ quyền người lao động trong hiệp định thương mại Việt Nam-EU.

Việt Nam và Liên minh châu Âu đã đàm phán một hiệp định thương mại tự do trong hơn 5 năm qua. Có ba công ước cốt lõi để đảm bảo quyền của người lao động chưa được Việt Nam thông qua trong hiệp định này.

Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi Việt Nam phê chuẩn những công ước lao động cốt lõi còn lại để hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, mà Việt Nam mong đợi từ lâu, được thông qua.

Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhưng vẫn chưa phê chuẩn 3 công ước về chống lao động cưỡng bức, quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết, vốn là những thành tố quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), theo một thông báo trên trang web của ILO đăng tải hôm 30/7.

Dự kiến, Việt Nam sẽ phải sửa đổi một số luật như Lao động, Công đoàn... Những luật này từng dự kiến được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khi TPP còn được hy vọng ký kết trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.

VOA ghi rằng theo báo SGGP, muốn tham gia hiệp định thương mại tự do với châu Âu, một mục tiêu mà Hà nội đã nhắm tới và bắt đầu đàm phán từ hơn 5 năm nay, Việt Nam sẽ phải sớm thông qua ba công ước còn lại, và lồng ghép chúng vào hệ thống luật quốc gia,.

EVFTA là một “hiệp định dựa trên luật lệ”, nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu được báo SGGP ở tp SG trích lời nói với báo chí hôm 27/7.

Theo ông Lange, Nghị viện châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.

EVFTA ban đầu được dự kiến ký kết trong tháng 12/2017 nhưng sau đó được hoãn lại tới mùa hè năm nay. Theo ông Lange thì việc phê chuẩn hiệp định này nay lại bị hoãn lại thêm một lần nữa, cho tới tháng 3/2019.

Cũng nên nhắc rằng CSVN vừa bắt 1 công dân Mỹ mà không nói là vi phạm gì.

Bản tin RFA ghi lời Dân biểu Mỹ Mimi Walters hôm 2/8 lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho công dân Mỹ Michael Phương Minh Nguyễn hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam, nếu không muốn gánh lấy hậu quả.

Bà Mimi Watler đưa ra lời phát biểu này tại buổi họp báo tại Orange county, Carlifornia, 3 tuần sau khi công dân Mỹ gốc Việt Michael Phuong Minh Nguyễn bị công an Việt Nam bắt giữ khi đang ở thăm Việt Nam.

Và cũng mới mấy hôm trước, bản tin VOA ghi nhận: Một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm 30/7 tuyên án tù từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng đối với 15 người biểu tình chống một dự luật gây tranh cãi hồi đầu tháng 6. Nhà chức trách khép những người này vào tội “gây rối trật tự công cộng”, theo báo chí Việt Nam.

Cùng bị xét xử còn có 5 người khác, họ nhận mức án thấp hơn là 1 năm cải tạo không giam giữ do họ “đang nuôi con nhỏ”...

Biểu tình đòi giữ lãnh thổ, đòi ngăn cản việc cho TQ thuê đất 99 năm... mà cũng bị án nặng như thế.

Quốc tế vẫn lặng lẽ... lâu lâu thò chuyện nhân quyền ra để cho có vẻ cũng biết suy nghĩ nghiêm và buồn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.