Hôm nay,  

Phú Quốc Chưa Thành Đặc Khu: Máy Ủi Ào Ạt, Xóa Rừng, Bạt Núi

29/07/201800:00:00(Xem: 2769)
SAIGON -- Còn gì nữa đâu mà họp với hành? Đó là chuyện đảo Phú Quốc những ngày sắp thành đặc khu.

Báo Tiền Phong có bài viết nhan đề “Đảo ngọc Phú Quốc bị băm nát: Vỡ vụn trước khi thành đặc khu”...

Bản tin nói rằng trong hơn 15 năm qua, “Hòn Ngọc biển Tây” đã thay đổi chóng mặt. Đạt được một số thành tựu vượt bậc, song Phú Quốc đang phải trả giá cho sự phát triển “nóng” của mình. Đó là đất đai bị “băm nát”, xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, trong khi chính quyền huyện đảo tỏ ra bất lực…

Mười sáu năm trước, năm 2002, khi ấy chưa có những con tàu cao tốc, hành khách ra Phú Quốc phải đi tàu gỗ, lênh đênh cả ngày mới đặt chân đến đảo Ngọc.

Bản tin TP nói rằng thời ấy Phú Quốc dân số chỉ khoảng 80 ngàn người, tập trung chủ yếu ở thị trấn Dương Đông và An Thới. Anh Nguyễn Văn Tấn - một ngư dân sống ở thị trấn An Thới mời cả đoàn khách về nhà thưởng thức các món hải sản tươi sống do chính anh đánh bắt như: Mực tươi nướng mọi, ốc hương hấp sả, cá bống mú hấp hành… Lai rai xong, chủ nhà trải chiếu rồi nằm lăn ra ngủ cùng khách. Nhà không có cổng, cửa nhà không thiết kế khóa, cứ mở toang cho gió biển tràn vào. Phú Quốc thời đó không có trộm cắp, cướp giật, đánh chém như bây giờ. Đi đánh bắt suốt đêm nhưng nhà không cần khóa cửa xe máy không cần đưa vào nhà, khóa để nguyên trên xe ai cần thì lấy chạy.

Ông Nguyễn Văn Bảy - một người sống lâu năm trên đảo Phú Quốc tâm sự: Nói hoang tàn thì có vẻ nặng nề, mất quan điểm. Nhưng, những gì đang xảy ra trên hòn đảo này thật là khủng khiếp. Đất đai, núi đồi, sông suối, bãi biển… tất cả đang bị xới tung lên, làm thay đổi hiện trạng, cảnh quan và đặc biệt môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Phú Quốc bắt đầu được chú ý tới từ khoảng đầu năm 2002 khi những tin đồn (chủ yếu được phát ra từ các cán bộ lãnh đạo) về việc Chính phủ sẽ qui hoạch xây dựng hòn đảo này thành Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của khu vực. Một số người ở đất liền đã ra đảo để mua đất đầu cơ.

Báo Tiền Phong viết:

“Đến năm 2004, “phong trào” đầu cơ đất Phú Quốc rộ lên khi Quyết định 178/TTg của Thủ tướng Chính phủ được chính thức công bố.

Sau sự kiện trên, hàng trăm công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đã “đổ bộ” vào Phú Quốc lập dự án, đăng ký kinh doanh dịch vụ, du lịch. Các Cty tàu cao tốc liên tiếp ra đời, nối đất liền (TP Rạch Giá) với Phú Quốc chỉ còn 2 tiếng 35 phút. Trên bầu trời, các chuyến bay cũng tới tấp đến Phú Quốc. Điện lưới quốc gia cũng nhanh chóng được kéo ra đảo thay cho những chiếc máy phát điện cũ kỹ, lỗi thời. Đường, cầu cảng nhanh chóng được nâng cấp, mở rộng.

Làn sóng di dân ra đảo ngày càng nhiều, hòn đảo vốn yên bình bỗng náo nhiệt hẳn lên. Trong sự phát triển “nóng” ấy, đảo Ngọc đã phải chịu nhiều tổn thương. Một trong những vấn đề đó là vấn nạn phá và lấn chiếm đất rừng, núi đồi bị san phẳng…“

Bản tin ghi nhận rằng hàng trăm chiếc máy đào, máy xúc, máy ủi đang ngày đêm quần thảo trên những sườn đồi, sông suối, những bãi biển hoang sơ, những vườn tiêu, vườn điều của người dân. Sự việc đau lòng diễn ra liên tiếp cả chục năm qua. Những bãi biển hoang sơ giờ đây đã nhường chỗ cho bê tông, hầu hết đều bị rào bít lối đi; nhiều khu vực rừng đã bị xóa sổ. Con sông Dương Đông thơ mộng bao đời nay cũng đang… hấp hối. Dòng sông Cửa Cạn cũng bị lấn chiếm công khai từ thượng nguồn cho tới hạ lưu.

Không chỉ môi trường, cảnh quan ở Phú Quốc bị tàn phá, xã hội Phú Quốc cũng đang có sự đổi thay, phân hóa, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, nổi bật là hoạt động của những băng nhóm xã hội đen.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.