Hôm nay,  

Góp Y Về Dự Thảo Báo Cáo Chính Trị Đại Hội 10 Csvn

18/02/200600:00:00(Xem: 5727)
- Hưởng ứng lời mời góp ý kiến của Đảng, tôi xin góp ý 2 điều, mà tôi cho là bất cập trong Dự thảo, vì thấy nó không cập nhật với thời đại mới toàn cầu hoá hiện nay, nhân loại đã bước sang thế kỷ thứ 21, nó biểu lộ sự trì trệ trong nhận thức không theo kịp những biến đổi của thời cuộc. Hai điều đó là:

1- Sự kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin trong Dự thảo.

2- Sự định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường của Dự thảo.

Xin đi vào điều 1:

Học thuyết Mác được nảy sinh trên cơ sở nghiên cứu nền kinh tế phát triển của một số các nước tư bản phương Tây thế kỷ 18, 19 (Anh, Pháp, Đức...), thành quả của nó là bộ Tư bản luận, và kết quả lý thuyết của nó là Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Trong đó có những nhận định kinh điển: Cách mạng vô sản chỉ thành công đồng loạt ở các nước tư bản, và do đó đưa ra khẩu hiệu Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại. Sau nay Lênin ứng dụng nó làm cuộc cách mạng Tháng 10 (1917) thắng lợi, đóng góp một nhận định mới: Cách mạng vô sản có thể thành công ở một khâu yếu nhất trong mắt xích tư bản. Cả hai ông đều cổ vũ thành lập nhà nước chuyên chính vô sản, thực hiện đấu tranh giai cấp, nhằm xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân, quốc hữu hoá và tập thể hoá các tư liệu sản xuất. Vì thế mà thành học thuyết Mác-Lênin.

Học thuyết Mác-Lênin đã tỏ rõ sức mạnh của nó trong việc hô hào đại chúng cần lao vùng dậy giành chính quyền. Nhưng đã tỏ ra bất lực trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống toàn dân khi đã nắm chính quyền trong tay. Và nhất là nó vi phạm các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Liên Xô sau 70 năm thi hành học thuyết này đã từ bỏ nó. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng từ bỏ nó vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay trên thế giới chỉ còn độ vài nước theo học thuyết này, đếm chưa đủ năm đầu ngón tay, mà hầu hết đều rơi vào tình trạng đói nghèo.

Nói riêng về Việt Nam ta, là một nước theo học thuyết Mác-Lênin, thì ta đã làm được những gì có lợi có hại cho dân tộc"

Nếu nói, nhờ học thuyết này mà ta đã làm cách mạng Tháng 8 thành công, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, kháng chiến chống Mỹ thắng lợi; cứ cho là như thế đi, thì những công việc đó đã hoàn thành, đã đi vào lịch sử. Ta đã qua sông rồi, không nên vì luyến tiếc chiếc thuyền cũ mà cứ vác nó trên vai để rồi đi chậm như rùa trong phát triển kinh tế hiện nay. Hiện nay ta vẫn là một trong 10 nước nghèo nhất hành tinh. GDP mới khoảng trên 400 đôla/đầu người/năm. Mà tiêu chuẩn quốc tế dưới 1.000 đôla/đầu người/năm coi là nước đói nghèo.

Còn có đúng học thuyết Mác-Lênin đã làm cách mạng Tháng 8 thành công, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi, thì còn phải được bàn bạc dài dài, cho đủ sức thuyết phục. Vì trên thực tế, toàn dân tham gia cách mạng Tháng 8 thảy vì muốn thoát khỏi thân phận nô lệ thuộc địa trở thành người dân một nước độc lập tự do. Toàn dân tham gia chống Pháp là vì lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược; và tham gia chống Mỹ là vì muốn tổ quốc Việt Nam thống nhất, Trung Nam Bắc một nhà. Chứ đâu có phải là vì chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Việc này, nếu bây giờ chưa thể nói được, ta hãy để thế hệ sau phán xét. Lịch sử và thời gian sẽ là những vị quan toà công bằng và nhân hậu.

Học thuyết Mác-Lênin được thực thi rõ rệt nhất là 10 năm sau thống nhất đất nước (19751985). Chúng ta làm hợp tác hoá nông nghiệp. Cải tạo công thuơng nghiệp tư nhân (thực chất là đánh tan tư bản tư nhân). Thành lập các xí nghiệp quốc doanh, các nông trường quốc doanh. Kinh tế chỉ huy từ trên xuống dưới. Thực hiện đấu tranh giai cấp, đề cao cảnh giác cách mạng địch ta, đề bạt theo thành phần lý lịch, thi hành chuyên chính vô sản...vv... đã để lại những sai lầm khủng khiếp như cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn-Giai phẩm, vụ án Xét lai-Chống Đảng, những trại cải tạo được lập ra khắp nơi, những lệnh bắt người không có bản án, không có xét xử...vv...

Những sự việc đó đã đưa đất nước đến suy sụp, kinh tế khủng hoảng, chế độ đứng bên bờ vực thẳm.

Cho nên Đảng đã phải đổi mới, kể từ Đại hội Đảng lần 6 năm 1986, đã từ bỏ một số nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, giao trả ruộng cho người cày, chấp nhận kinh tế thị trường, thừa nhận công thương nghiêp tư nhân, cổ phần hoá xí nghiệp nhà nước, mở rộng cửa buôn bán và làm ăn với các nước tư bản...Nhờ đó đã đạt được một số thành tựu sau 20 năm đổi mới.

Tổng kết 20 năm đổi mới, Dự thảo nhận định rằng, vì ta kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, nên mới đạt được những thành tựu đó. Như thế là không đúng với thực tế khách quan. Là thiếu tính khoa học. Là muốn làm vừa lòng một số ai đó, vì quá yêu chủ nghĩa Mác-Lênin, không muốn bị mất nó đi. Nhưng sự thật là sự thật. Cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để nhận ra phải trái, đúng sai. Như thế mới tiến bộ được.

Có rất nhiều những bậc lão thành cách mạng, những cựu chiến binh, những tướng lĩnh, những trí thức, văn nghệ sĩ đã lên tiếng đề cập vấn đề này. Có thể kể ra một số tên tuổi: Cụ Lê Giản, ông Trần Độ, ông Hoàng Hữu Nhân, ông Hoàng Minh Chính, ông Bảy Trấn, ông Nguyễn Hộ, ông Đặng Quốc Bảo, ông Lê Hồng Hà, ông Phan Đình Diệu, ông Trần Văn Hà, ông Lê Đăng Doanh...vv... và nhiều nhiều người nữa. Điều này chắc ban Dự thảo văn kiện phải biết rõ hơn chúng tôi nhiều.

Cho nên, đã đến lúc, chúng ta nên bỏ kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, thay bằng tư tưởng Hồ Chí Minh là đẹp rồi. Lại là của ta, không mang tiếng ngoại lai, ngoại nhập. Nên nhấn mạnh và đề cao ý tưởng dân làm chủ của cụ Hồ. Cụ Hồ đặt tên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, với tiêu chí độc lập, tự do, hạnh phúc, chứ đâu phải xã hội chủ nghĩa với học thuyết Mác-Lênin gì gì đâu.

Trung Quốc hiện nay cũng không còn theo Mác-Lênin nữa. Họ đưa ra học thuyết ba đại diện. Họ có rất nhiều đổi mới, khiến chúng ta phải học tập họ và cảnh giác với họ.

Tôi xin lưu ý quý vị, nghị quyết 1481 của Quốc hội Châu Âu mới đây ngày 25-1-2006 đã lên án chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tàn bạo, những chính quyền theo chủ nghĩa này đã giết hại rất nhiều người dân nước họ chỉ vì khác biệt ý thức hệ. Với số phiếu áp đảo 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với chúng ta.

Tôi rất mong rằng, Đại hội 10, nên tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bậc thức giả, trí giả, những tướng lĩnh, những cựu chiến binh, lão thành cách mạng...vv... mà bỏ kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin đi, thì là điều đại phúc cho dân tộc, cho đất nước. Còn nếu cứ giữ nó chỉ vì muốn làm vừa lòng vài người quá nặng tình với chủ nghĩa Mác-Lênin, thì lợi bất cập hại. Phải đặt lợi ích của đất nước lên trên những sở thích cá nhân.

Xin góp ý điều 2:

Đó là thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đã có khá nhiều ý kiến đóng góp từ lâu. Về lôgic luận lý nó trái ngược nhau không thể nhét chung một rọ được. Kinh tế thị trường là kinh tế thị trường, nó có những quy tắc, luật lệ của nó, như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải...vv... Còn kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng có những quy tắc, luật lệ của nó, như quốc hữu hoá, tập thể hoá, kế hoạch hoá, không chấp nhận kinh tế tư nhân, tất cả phải vào hợp tác xã (kể cả các hợp tác xã xích lô, hợp tác xã cắt tóc, hợp tác xã chữa xe đạp..vv.. có một thời như thế). Nó là nền kinh tế chỉ huy, được sinh ra bởi ý chí của người lãnh đạo. Vậy thì kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa khác nhau như nước với lửa, như ngày và đêm, như đen và trắng. Đem trộn hai thứ màu tương phản với nhau nó thành một thứ màu nhờ nhờ xam xám chẳng bắt mắt được ai.

Đã có lần ở nước ta đưa ra học thuyết làm chủ tập thể. Thế nào là làm chủ tập thể" Hiểu theo nghĩa cá nhân làm chủ, thì là chế độ quân chủ phong kiến trước đây. Hiểu theo nghĩa tập thể làm chủ, tức dân chúng làm chủ, thì là chế độ dân chủ như ở các nước phuơng Tây. Còn khái niệm làm chủ tập thể ở nước ta đặt ra nó mờ mờ xam xám, rất khó cho phiên dịch viên dịch ra tiếng nước ngoài, có một thời từng được tâng bốc lên tận mây xanh. Và rồi thực tiễn đã làm nó chết lặng, khi người chủ xướng nó ra đi, như hòn đá ném xuống mặt ao bèo.

Xã hội chủ nghĩa hiểu theo định nghĩa kinh điển của Mác-Lênin là làm ăn tập thể, quốc hữu hoá các hầm mỏ, công trường, nhà máy, xoá bỏ tư hữu, làm tuỳ theo sức hưởng tùy theo công, tiến tới hưởng tùy theo nhu cầu. Không còn người bóc lột người. Sung sướng quá đi chứ! Nó là thiên đường trên mặt đất! Mơ tưởng thế thôi, chứ áp dụng thực tiễn thì không phải vậy.

Trên thực tế, các nước XHCN xóa bỏ tư hữu cá nhân, quốc hữu hoá các nhà máy, công trường, hầm mỏ, đều trở thành các ông chủ tư bản đỏ. Họ sống đời sống quá đế vương, còn những người lao động thì lương bổng thấp kém. Năng xuất sụt giảm khủng khiếp. Hàng hoá đắt đỏ, kém phẩm chất. Đời sống toàn dân sa sút. ở nước ta, nông nghiệp trì trệ thất bát, nhiều vùng phải đi ăn xin, như Thanh Hoá, Nghệ An... chính quyền địa phương cấp giấy hẳn hoi, ra tận Hà Nội và các thành phố xin ăn. Chính tôi đã được nhìn những tờ giấy như thế. Thật đau lòng cho cơ chế XHCN!

Những nhà lý luận theo ban Tư tưởng-Văn hoá chỉ đạo đã tâng bốc thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một sáng kiến lớn của Việt Nam, xứng đáng đóng góp vào học thuyết Mác-Lênin. Tôi nghĩ là họ nên thực lòng với ngòi bút của mình thì hơn. Họ chỉ muốn làm vui lòng một số lãnh đạo cao cấp thích như thế, thì họ nói như thế, chứ bản thân họ cũng biết là không phải thế.

Chúng tôi rất mong Đại hội 10 tỉnh táo bàn bạc về thể chế này. Vì nó ảnh hưởng đến tiến độ phát triển nhanh chậm của đất nước. Vì nó sẽ tạo điều kiện và tạo cơ hội cho chủ nghĩa quan liêu, bè phái, tham nhũng dựa vào kiếm lợi cá nhân. Dự án chậm thông qua vì còn phải xem có vi phạm định hướng XHCN không đã. Có cái gì đầu tiên không đã (tức tiền đâu!).

Gợi ý Đại hội 10 lưu ý đến đề nghị của nhóm trí thức Đà Lạt, nên thay kinh tế thị trường định hướng XHCN bằng kinh tế thị trường định hướng xã hội dân chủ. Chỉ cần đổi cụm từ XHCN thành cụm từ xã hội dân chủ là sẽ hoá giải được nhiều khúc mắc, thu hút sự đồng thuận, con đường phát triển sẽ thênh thang.

Đầu xuân năm nay (Bính Tuất 2006) tôi có đến thăm nhà một người bạn viết báo nghỉ hưu. Ông cho tôi đọc một bài góp ý của giáo sư Nguyễn Văn Chiển tiêu đề Về nguyên nhân suy thoái của chế độ XHCN, 15 trang viết tay khổ A4, viết từ năm 1990. Trong bài viết vị giáo sư có chỉ ra thiếu sót chính là thượng tầng kiến trúc không phù hợp với sức sản xuất, vi phạm quy luật phát triển của xã hội. Nên thất bại. Đó là sai lầm lớn của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, vì thế mà phải sụp đổ. Vị giáo sư cảnh tỉnh lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi hệ thống chính trị để đất nước phát triển.

Bài viết cách đây 15 năm. Giáo sư Chiển là người hiền lành, ít nói. Không đăng đàn diễn thuyết như những ai khác. Nhiều người cứ nghĩ là ông chỉ làm chuyên môn, thuần túy chuyên môn. Ây thế mà ông đã góp ý cho lãnh đạo về CNXH. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, nữa là các vị giáo sư.

Nếu lãnh đạo biết nghe những lời nói phải, dù có trái tai, thì đất nước đâu đến nỗi này.

Từ xưa đã có Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phan Chu Trinh... đệ trình nhiều điều đổi mới, nhưng Tự Đức và các đại thần nhà Nguyễn không nghe, nên mất nước. Cùng thời gian ấy, Minh Trị thiên hoàng của Nhật Bản biết nghe lời kẻ sĩ, mở cửa và đổi mới đất nước, thì nước Nhật cường thịnh, thoát nạn ngoại xâm.

Đó là bài học cho chúng ta ỏ thế kỷ 20. Chúng ta bị mất nước. Chúng ta phải tốn nhiều thời gian và xương máu mới lấy lại được độc lập và thống nhất xứ sở. Mất 117 năm, tính từ khi thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng 1858 tới năm chúng ta hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 1975. Cuộc chiến đấu kéo dài hơn một thế kỷ ấy (bao gồm nhiều cuộc khởi nghĩa và nhiều cuộc chiến tranh) đã hy sinh mất bao nhiêu triệu công dân ưu tú. Ngàn ngàn vạn vạn những người con trai con gái đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, làm rung động ngọn bút của các nhà thơ:

Gian nguy lòng không nhụt

Căm thù trăm năm xa

Máu thiêng sôi dào dạt

Từ nguồn thiêng ông cha

Cần xây chiến lũy ngất

Đây hình hài niên hoa.

(Hữu Loan - Đèo Cả)

Máu của những anh hùng đã tưới xuống mảnh đất này, chúng ta không thể để nó chảy ra sông ra biển một cách vô tình.

Cũng đầu xuân năm nay, tôi đến thăm một vị túc nho, nhà nghiên cứu Hán Nôm cao tuổi của đất Hà Thành. Mái đầu bạc và chòm râu trắng như cước nghiêng nghiêng bên cành đào đỏ đã mãn khai, cụ pha trà Thái Nguyên mời tôi, rồi nói:

- Sách xưa có câu: Diệt Tần giả, Tần dã, phi lục quốc dã nghĩa là: Kẻ diệt nhà Tần, chính là nhà Tần đó, không phải sáu nước chư hầu đâu. Việc đời xưa nay cũng vậy vậy mà thôi.

Cụ đặt chén trà xuống, nhìn tôi một lát, rồi lại nói:

- Ông có hiểu ý tôi không nhỉ"

Tôi vội nói:

- Thưa có, thưa có. Nếu chuyển ý sang ngày nay hẳn là: Diệt cộng sản giả, cộng sản dã, phi thiên hạ dã. (Kẻ diệt cộng sản, chính là cộng sản đấy, chứ không phải ai khác đâu).

Cụ cười khà khà, nắm tay tôi, lắc lắc: Tri tâm! Tri tâm!. Rồi cụ lại đọc: Tương thức mãn thiên hạ. Tri tâm năng kỷ nhân (Biết nhau đầy thiên hạ. Hiểu nhau được mấy người).

Vái chào cụ ra về, lòng tôi dạt dào cảm xúc.

Tôi ghi lại câu chuyện này vào đây, để muốn nói với Đại hội 10 rằng: không nên đổ lỗi cho diễn biến hoà bình, hay kẻ thù bên trong bên ngoài nào phá hoại cả. Mỹ chẳng thể đánh đổ được Liên Xô. Cũng như Anh và Pháp không thể đánh đổ được Đông Âu. Tất cả ở chúng ta thôi. Nếu chúng ta cứ bạo lực, bắt bớ, tù đầy, tham nhũng, quan liêu, đời sống thầp kém, căm ghét những lời nói thật, thì chúng ta sẽ tự diệt chúng ta.

Người ta phỏng vấn Napoléon khi vị hoàng đế bị lưu đầy ở đảo Sainte Hélène vùng Địa Trung Hải: Thưa bệ hạ, ngài có biết ngài thất bại từ bao giờ không" Napoléon trả lời rằng: Tôi thất bại từ khi không còn biết nghe lời nói thật nữa.

Rất mong Đại hội 10 chắt lọc những ý kiến đóng góp của thiên hạ, để làm văn kiện Đại hội 10 đổi mới, đổi mới tận gốc, cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước tiến tới.

Đất thiêng Thăng Long ngày 15-2-2006

Hoàng Tiến, nhà văn

Địa chỉ:

Nhà A 11 Phòng 420

Thanh Xuân BắcHà Nội.

Điện thoại: (04) 5530377.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.