Hôm nay,  

Đêm Nhạc Mây Hạ: Nghe Khánh Ly Hát, Kể Chuyện Về Trầm Tử Thiêng

17/07/201800:00:00(Xem: 7456)
Hat Chung
Hát chung bài "Bên Em Đang Có Ta", sáng tác Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng. Từ trái: Quang Thành, Bích Liên, Jimmy Nhựt, Khánh Ly, Thương Linh

Khanh Ly
Khánh Ly với bài hát "Một Thời Để Nhớ"

Thuong Linh
Thương Linh hát "Cơn Mưa hạ", sáng tác Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng

 
37238828_913824762151184_4904922531149905920_o
Lê Đình Y Sa giới thiệu Bích Liên

Doãn Hưng
 

Một số người yêu nhạc tại vùng Little Saigon có thể ngạc nhiên khi đến tham dự đêm nhạc mang tên Mây Hạ, Khánh Ly hát Trầm Tử Thiêng, được tổ chức tại Việt Báo vào Thứ Sáu 13/07. Ngạc nhiên như bao lần đến với thính phòng Việt Báo, khán giả đều thấy như lạc vào một nơi chưa từng đến. Ánh sáng, âm thanh, sân khấu và cảnh trí thay đổi theo chủ đề, và đêm nay là cuộc hẹn hò với “một vừng mây khói” giữa đêm hè.  Ca sĩ Khánh Ly dành trọn một chương trình nhạc chỉ để hát Trầm Tử Thiêng, ở thời điểm mà chị đã tâm sự rằng “… chỉ sợ đến một ngày nào đó mình không còn hát được nữa…”. Chắc hẳn rằng giữa người nhạc sĩ và ca sĩ phải phải có một thâm tình nào đó đặc biệt. Từ trước đến nay, giọng hát Khánh Ly thường chỉ gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn. Đối với nhiều người yêu nhạc Việt Nam, Khánh Ly- Trịnh Công Sơn đã trở thành một cái tên kép quen thuộc. Bởi sự thành công của cặp ca sĩ- nhạc sĩ này hình như không thể tách rời, khó phân định vai trò chính phụ.

Mối thâm giao tri kỷ với người nhạc sĩ xứ Quảng thầm lặng Trầm Tử Thiêng đã được chính ca sĩ Khánh Ly kể lại rất nhiều trong đêm nhạc Mây Hạ. Thật ra, Khánh Ly đã dự tính về chương trình này từ vài năm trước, nhưng mãi đến bây giờ mới thực hiện được. Theo chị, Trầm Tử Thiêng là một người mà chuyện gì chị cũng có thể chia sẻ. Ngay cả những điều chị không thể nói được với chồng mình, thì “ông Thiêng” là người mà chị có thể tâm sự . Hoặc hơn thế nữa, cũng qua lời kể của Khánh Ly: “…nếu tôi chưa có gia đình, có thể tôi cũng đã yêu anh Thiêng…”

Mây Hạ là tên một ca khúc nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã sáng tác từ năm 1967, và cũng là ca khúc mở màn cho phần sô-lô của Khánh Ly với phần video chiếu lại hình ảnh người nhạc sĩ, với chính tiếng hát của Ông. Chị Khánh Ly đã chọn Mây Hạ để song ca với chính tác giả trong CD nhạc kỷ niệm sinh nhật 50 của mình. Đó có lẽ là một trong những lần rất hiếm hoi khán giả được nghe giọng hát của Trầm Tử Thiêng. Một giọng hát đặc biệt, có một chút trầm ấm của Sĩ Phú, một chút mộc mạc trong cách phát âm của người Miền Trung giống như Duy Khánh. Chị Khánh Ly kể rằng mấy lần được nghe anh Thiêng hát tại nhà, chị thấy hay quá nên đề nghị được hát song ca với anh. Nhờ vậy mà đã ghi lại một kỷ niệm để đời với người nhạc sĩ ít lời này.

Khánh Ly nhớ lại, tình bằng hữu của chị và anh Trầm Tử Thiêng chỉ thực sự bắt đầu ở Mỹ, khi anh Thiêng sang vùng Nam Cali định cư vào năm 1985. Trước 1975, chị chỉ có một vài lần “làm việc” với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, khi anh mời chị hát một số ca khúc của mình, trong đó có ca khúc “mang dấu ấn Trầm Tử Thiêng” là Kinh Khổ. Khánh Ly nhớ lại rằng thời đó, Trầm Tử Thiêng là một trong số nhạc sĩ hiếm hoi đến tận phòng thâu để nghe chị hát ca khúc của mình.

Trong thời gian anh Trầm Tử Thiêng ở Cali, có giai đoạn anh là khách “không mời cũng vẫn đến” của vợ chồng chị Khánh Ly. Ngày nào cũng đến ăn cơm. Thân đến độ dạo vợ chồng chị Khánh Ly đi Nhật trình diễn, di chúc được viết và gởi lại cho anh Trầm Tử Thiêng, để “lỡ có chuyện” thì anh là người thực hiện. Có nhiều ca khúc anh Thiêng sáng tác, chỉnh sửa ở nhà chị. Ca khúc Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng anh Thiêng sáng tác là theo yêu cầu của chị, khi chị muốn hát một bài của Trầm Tử Thiêng viết cho giọng hát của mình. Cũng trong giai đoạn này, chị đã đề nghị thực hiện CD Khánh Ly-Kinh Khổ vào năm 1995, CD đầu tiên một mình Khánh Ly hát toàn nhạc Trầm Tử Thiêng, với những ca khúc để đời như Kinh Khổ, Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Chợt Nghĩ Về Hai Nơi, Tưởng Niệm, Gởi Em Hành Lý, Mười Năm Yêu Em... CD Kinh Khổ là một sự kết hợp thành công của Khánh Ly- Trầm Tử Thiêng, là một album ca nhạc vẫn còn nằm trong ký ức của nhiều người yêu nhạc tại hải ngoại.

Nhạc của Trầm Tử Thiêng có những đặc điểm rất riêng biệt. Cũng như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi viết nhạc thành công ở cả hai thể loại “nhạc sang” và “nhạc mùi”. Nếu không được giới thiệu tên tác giả, sẽ ít có người nghe nghĩ rằng hai ca khúc Chuyện Một Cây Cầu Đã Gãy và Đêm Nhớ Về Sài Gòn đều cùng là của Trầm Tử Thiêng. Đây là hai ca khúc phổ biến vào bậc nhất của ông, nhưng được sáng tác ở hai khuynh hướng âm nhạc trái ngược hẳn. Đối với Trầm Tử Thiêng, không có khái niệm “nhạc sến” theo ý nghĩa chê bai. “Nhạc mùi”- hay “nhạc bolero” theo cách gọi thông thường- là một cách thể hiện tình cảm một cách mộc mạc, chân tình. “Nhạc sang”, hay “nhạc thính phòng” là một phong cách nhạc mang nét Tây Phương, hàn lâm hơn. Sự khác nhau chỉ là vậy. Chứ dùng nó để phân định giá trị của ca khúc thì không đúng.


Hình như trong tâm hồn Trầm Tử Thiêng có cả hai tính cách. Khi sáng tác Chuyện Một Cây Cầu Đã Gãy, Đưa Em Vào Hạ, Bản Hương Ca Vô Tận… ông là một cậu bé ở miền quê xứ Quảng, đi hát từ thuở lên 10 trong thời kháng chiến chống Pháp ở làng quê. Nhạc của ông thổn thức, nỉ non theo tâm hồn của người dân quê Miền Trung. Khi sáng tác Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Mây Hạ, Chợt Nghĩ Về Hai Nơi, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng… ông là thầy giáo tốt nghiệp trường sư phạm, là nhạc sĩ của Chương Trình Phát Thanh Học Đường, với trình độ nhạc lý, khả năng viết hòa âm còn hơn khá nhiều nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời. Vì vậy, nhạc của ông vẫn có thể rung cảm theo cách của người dân trí thức thành thị. Sáng tác trọn vẹn ở cả hai phong cách như vậy quả thật không dễ chút nào.

Nhưng dù viết nhạc ở thể nhạc nào, Trầm Tử Thiêng luôn là một nhạc sĩ sáng tác khó tính. Lời nhạc của ông được lựa chọn từng chữ. Lời nhạc của Trầm Tử Thiêng không cầu kỳ, trừu tượng, sáo ngữ. Nó dễ hiểu, đủ để diễn đạt, gởi gắm được nỗi niềm của tác giả đến với người nghe. Khán giả được nghe lại  giọng hát Khánh Ly với Đêm Nhớ Về Sài Gòn:

…Đêm nhớ về Sài Gòn

Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa

Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa

Ai sầu trong quán úa ...

Những ai đã xa Sài Gòn, nghe ca khúc này sẽ cảm thấy như những đêm mưa Sài Gòn trong những con hẻm như đang hiện ra trước mắt, với giai điệu của một bản nhạc vàng đang vọng ra từ một chiếc radio cũ kỹ. Âm nhạc tượng thanh và tượng hình là như vậy…

37268365_913825662151094_6252849097322004480_o (1)
Bích Liên hát Bài Hương Ca Vô Tận

Khán giả được nghe bác sĩ Bích Liên hát lại hai ca khúc mang cái hồn của dân ca trong giai điệu của Trầm Tử Thiêng, đó là Bản Hương Ca Vô Tận và Thư Xuân Hải Ngoại. Hình như cũng như Khánh Ly, chị Bích Liên cảm nhận được tâm hồn đầy tính chất Việt của Trầm Tử Thiêng, nhưng theo cách hát rất riêng biệt. Nỗi niềm da diết trong Bản Hương Ca Vô Tận được chị Bích Liên diễn tả khác hẳn với Thái Thanh, giọng hát vẫn được xem là gắn liền với ca khúc này. Còn với Thư Xuân Hải Ngoại, đây có lẽ là một trong những ca khúc xuân hay nhất nói lên nỗi lòng của người Việt ly hương, ở cái thuở mà ngày về lại cố hương còn quá xa xăm. Trong một giai điệu tưởng chừng rất Tây Phương, nhưng vẫn lẩn khuất đâu đó câu ru buồn của Miền Trung xứ Việt. Bằng giọng hát cũng có âm hưởng của Miền Trung, chị Bích Liên như nhắc lại nỗi hoài niệm chung của biết bao nhiêu người Việt xa xứ:

…Ước gì giờ này nhạc đang du dương trong bài tình xuân

Bên này nằm nghe quê hương bên kia pháo nổ tưng bừng

Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối

Suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa xuân…

Ngoài Bích Liên, chương trình có sự xuất hiện lần đầu tiên của Jimmy Nhựt trên sân khấu Việt Báo với bài Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy mở đầu cho chiều nhạc Mây Hạ. Lần đầu tiên, nhưng Jimmy Nhựt đã thu hút lòng người nghe với tiếng hát kể chuyện rất có hồn, rất mùi qua chất giọng ngọt và tình. Một số khán giả khó tánh đã trầm trồ khen: giọng hát rất truyền cảm! Bài Cơn Mưa Hạ và Mộng Sầu do ca sĩ Thương Linh trình bày cũng được khán giả yêu mến, như bao lần Thương Linh đã dễ dàng chinh phục được trái tim của nhóm khán giả rất “sành” nghe nhạc này.  Quang Thành góp vui với hai bài Đưa Em Vào Hạ và Trộm Nhìn Nhau.

37255323_913823938817933_3587400901754617856_o
Jimmy Nhựt và bài Mười Năm Yêu Em

Khán giả trong đêm nhạc Mây Hạ đã cùng ca sĩ Khánh Ly khám phá những điều rất mới của Trầm Tử Thiêng mà trước đây ít được nhắc đến. Khán giả biết đến Trầm Tử Thiêng như là một nhạc sĩ phổ thơ với phong cách rất riêng trong Tống Biệt Hành (thơ Thâm Tâm), Bài Nhã Ca Thứ Nhất (thơ Nhã Ca), Nghe Đất (thơ Mai Thảo)… Khán giả biết đến mối tình đầu của Trầm Tử Thiêng với một người phụ nữ góa qua ca khúc Tình Cuối Tình Đầu, với những lời tâm sự sâu thẳm của người nhạc sĩ:

“…Ta đã trao cho người yêu góa một đêm yêu

Rồi từ đó tình yêu đầu thành muôn thâu muôn thâu quen đợi chờ…”

Hình như sự thể hiện tình yêu trong âm nhạc của ba người nhạc sĩ mà Khánh Ly nhắc đến nhiều nhất là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng có những nét rất khác biệt. Với Trầm Tử Thiêng, tình yêu trong là những mất mát, đợi chờ, tuyệt vọng mà người nhạc sĩ sẵn sàng cam chịu, để rồi những cảm xúc đó biến thành chất liệu cho kiếp tằm nhả tơ, với bao tình khúc để lại cho đời.

Mỗi khi hát và tưởng nhớ đến một nhạc sĩ, tùy theo hoàn cảnh, tâm trạng, mà mỗi người nghe, người hát sẽ có những cảm nhận của riêng mình. Trong đêm nhạc Mây Hạ,  khi Khánh Ly- một người bạn tri âm tri kỷ, trong những năm tháng cuối sự nghiệp của mình- hát và kể chuyện về nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, khán giả đã có được những cảm nhận, ký ức về người nhạc sĩ đậm nét, độc đáo hơn bao giờ hết…

Doãn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.