Hôm nay,  

Biển Đông: Gian Nan

03/07/201800:00:00(Xem: 4230)
Trần Khải

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Trump không gắn bó với loạn quân cuộc chiến tại Syria như đã từng cam kết, sau nhiều năm viện trợ, huấn luyện du kích để lật đổ chính phủ Syria do Nga và Iran yểm trợ. Tương tự, TT Trump liên tục nhượng bộ TQ ở Biển Đông, bất kể các tướng trong Ngũ Giác Đài có lập trường cứng rắn chống TQ.

Tại sao? Có phải vì muốn tập trung giúp Do Thái? Kể như Trump đã làm một phần rất lớn trong nỗ lực giúp Do Thái trị an khu vực, khi cho dọn tòa đại sứ Mỹ vào Cổ Thành Jerusalem.

Tại Syria đã có thêm nhiều thị trấn do loạn quân kiểm soát đã thương lượng đầu hàng quân chính phủ Syria, chịu dưới quyền kiểm soát của  chính phủ Damascus. Phía Mỹ chính thức nói với loạn quân là Mỹ không can thiệp hỗ trợ loạn quân, sau khi chiến đấu cơ Nga bắt đầu dội bom để quân của Assad (Tổng Thống Syria) tái chiếm các làng biên giới do loạn quân chiếm nhiều năm nay. Thiệt hại lớn nhất của loạn quân là mất Bosra al-Sham, thành phố lớn nơi loạn quân đồng ý chuyển giao quyền lực kiểm soát cho quân của Assad.

Tại sao Mỹ bỏ rơi loạn quân Syria? Chúng ta không biết chính xác. Cũng có thể đã tới lúc Mỹ thấy chiến lược giúp loạn quân chống Damascus không hiệu quả?

Trong khi đó, bàn tay TQ liên tục thò ra vây quanh khu vực Thái Bình Dương. Tình hình chính phủ TQ viện trợ cho chính phủ Papua New Guinea đã gây lo ngại cho Úc châu.

Thủ Tướng  Papua New Guinea là Peter O’Neill nói rằng viện trợ TQ tập trung xây hạ tầng kiến trúc với vài điều kiện...

Thế là các chuyên gia lo ngại ảnh hưởng Úc châu trên đảo quốc này sẽ bị bào mòn dần.

Một ủy ban từ đại học Deakin University làm một cuộc khảo sát cho quốc hội Úc châu, đã phỏng vấn cư dân Papua New Guinea trong các ngành kinh doanh, chính trị, hàn lâm và cộng đồng... đề thấy ý kiến chung là ảnh hưởng Úc châu trên PNG cơ nguy bị đồng yen của Bắc Kinh xóa sổ.

PNG là hàng xóm gần nhất của Úc châu, do chính phủ Úc châu cai trị cho tới năm 1975 mới thôi.

Nhưng TQ tăng cường cho vay để siết nợ nước nhỏ PGN này...

Trong khi đó, bản tin Tribune News Service cho biết ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Biển Đông đang suy giảm.

Bản tin này ghi rằng Trung Quốc tiên đoán rằng Hoa Kỳ đang suy yếu dần là tất nhiên -- đặc biệt tốc độ này tăng tốc suy giảm trong khi Tổng Thống Trump liên tục nói rằng Mỹ có thể rút quân ra khỏi Nam Hàn và Nhật, và rồi sau đó lại có các tướng Mỹ xuất hiện nói rằng Mỹ không cần rút quân...

Tình hình đặc biệt là nguy trong khi TQ vũ trang cho các tiền đồn ở Hoàng Sa, Trường Sa... trong khi siết ốc ăn đời ở kiếp tại nhiều hải cảng khu vực như ở Sri Lanka và Cam Bốt.

Chủ Tịch Tập Cận Bình mới đây còn nói thẳng với Tướng Mattis, Bộ  Trưởng Quốc Phòng Mỹ, rằng TQ sẽ không lùi một tấc chủ quyền “của tổ tiên” ở Biển Đông.

Khi Mattis nói rằng Mỹ quan ngại vì TQ tăng vũ trang gây căng thẳng, họ Tập nói rằng TQ chỉ gắn vũ khí để tự vệ, và “đó là bình thường.”

Trong khi đó, TQ ra sức đánh trận toàn lực... từng bản đồ một.

Bản tin VOA ghi rằng VN phản đối bản đồ Facebook ‘trao’ Trường Sa, Hoàng Sa cho TQ.

Bản đồ trên trang Facebook bị nhiều người sử dụng phát hiện xác định chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.


Người sử dụng Facebook khi chọn địa điểm Việt Nam để tạo quảng cáo đã phát hiện vùng khoanh vị trí lãnh thổ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng khi chọn sang Trung Quốc thì thấy rõ hai quần đảo này được khoanh vùng vào lãnh thổ Trung Quốc.

Ngay sau khi có thông tin này, Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã yêu cầu Facebook giải quyết vụ việc -- truyền thông trong nước đưa tin.

VOA ghi rằng theo Báo Tuổi Trẻ của Việt Nam nói rằng Facebook trả lời đã “dùng nhầm bản đồ này làm bản đồ cơ sở đồng thời khẳng định việc này về bản chất chỉ là do kỹ thuật, không có ý đồ chính trị.”

Nhưng đến chiều ngày 2/7, giờ Việt Nam, khi thử vào bản đồ Facebook, chọn địa điểm Trung Quốc, thì thấy hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không còn hiển thị trong khu vực được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc, và khi chuyển sang Việt Nam, thì hai quần đảo này cũng không hiển thị.

Trong khi đó, một bản tin RFA ghi rằng bắt đầu từ ngày 01/07/2018, lực lượng tuần duyên Trung Quốc, thường được gọi là Hải Cảnh, chính thức trực thuộc Quân ủy Trung ương, thay vì Cục Hải dương như trước đây.

Tân Hoa Xã cho biết lực lượng tuần duyên hoạt động dưới sự quản lý của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc sẽ làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền hàng hải của Hoa Lục.

Tuần duyên Trung Quốc chịu trách nhiệm chống tội phạm trên biển, tìm kiếm cứu nạn, thực thi luật pháp, bảo vệ môi trường, quản lý ngư trường và chống buôn lậu.

Hoàn cầu Thời báo cho biết, dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, tuần duyên Bắc Kinh sẽ tham gia các cuộc tập trận của quân đội.

Một chuyên gia quân sự của Bắc Kinh nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng các tàu tuần duyên sẽ được trang bị với các khẩu đại bác có hỏa lực mạnh hơn, trong khi lính tuần duyên cũng được phép mang vũ khí. Vị chuyên gia này cũng nói thêm tuần duyên Trung Quốc sẽ không đe dọa các nước khác, nếu họ không khiêu khích chủ quyền và quyền hàng hải của Hoa Lục.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi rằng Nhật Bản sẽ đặt mua radar SPY-6 hiện đại của Mỹ để trang bị cho hệ thống hỏa tiễn phòng không. Việc nâng cấp này nhằm đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đồng thời xoa dịu Hoa Kỳ trước những bất đồng về thương mại.

Cho dù vẫn coi Bình Nhưỡng là mối nguy hiểm trước mắt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không quên mối đe dọa lớn hơn về lâu về dài, là sức mạnh quân sự đang lên của Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc đang sở hữu một kho vũ khí hùng hậu, trong đó có hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo có thể bắn sang lãnh thổ Nhật.

SPY-6 là radar ba chiều được sản xuất cho các chiến hạm Mỹ trang bị hệ thống Aegis – hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo xuyên quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Hệ thống này sẽ giúp Nhật bắn chận được tên lửa của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.

Trị giá của hai hệ thống Aegis Ashore được ước tính khoảng 2 tỉ đô la. Theo một viên chức chính phủ Nhật, đây sẽ là «một món quà giá trị cho tổng thống Trump». Đề nghị mua radar được cho là còn có mục đích làm giảm căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật.

Vậy là ai cũng lo cả. Hiển nhiên, Tập Cận Bình là hiểm họa thấy rõ vậy...

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.