Hôm nay,  

Thanh Âm Thương Yêu Dậy Lên Từ Tiếng Đạn: Trần Thiện Thanh

13/02/200600:00:00(Xem: 5941)
-Theo anh, bởi từ đâu, và trong hoàn cảnh nào đã có những tiếng lời, thanh âm đầy tính chiến đấu mà cũng vô cùng thắm thiết của Trần Thiện Thanh về con người, và những cuộc tình, chia ly, đỗ vỡ trong chiến tranh"

Đây quả thật là một câu hỏi tinh tế và xác đáng. Vì như chúng ta hẳn rõ, khi khởi dựng giòng nhạc của riêng mình, đầu thập niên 60, Trần Thiện Thanh cũng như phần đông những người trẻ tuổi làm công việc sáng tác khác (thi ca, văn chương..) đã có sẵn một thể tài vô tận, và muôn thuở: Tình yêu lứa đôi giữa những người tuổi trẻ.

Thế nên, theo một diễn tiến tự nhiên, anh đã viết Hoa Trinh Nữ, Tình Muộn, Mùa Đông Của Anh.. Và nếu khi kể đến đời quân ngũ, người lính, nhũng ca khúc chỉ cần biến đổi danh tính nhân vật chủ thể.. Nghĩa là thay vì một đơn vị “anh” và “em” tổng quát, thì lúc ấy, chúng ta sẽ nghe ra những đối tượng có danh xưng cụ thể hơn, “anh lính chiến”, và “người em gái nhỏ hậu phương- đơn vị yêu thương của người lính chiến” kia - Từ cách tân nầy, chúng ta đã có “Tình Thư Của Lính; Người Yêu Của Lính..v..v”. Nhưng sau 1965, năm người Mỹ tham dự trực tiếp vào Việt Nam, chiến tranh mang một tầm cỡ, tính cách khác, khuếch tán nên thành một cuộc chiến toàn diện.

Mùa hè năm 1966, theo yêu cầu tình hình chiến trận, chúng tôi rời Sài Gòn lên Tây Nguyên nên có dịp sống cùng một hoàn cảnh, chung môi trường, chung thời điểm với Trần Thiện Thanh - Chỉ khác, chúng tôi là những người lính tác chiến đổ quân xuống vùng núi rừng kia để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quân sự; Trần Thiện Thanh thì đến Peiku do lời mời của người nữ ca sĩ, vợ viên tư lệnh quyền thế của Vùng II để trình diễn trong buổi khai trương Hội Quán Sĩ Quan Phượng Hoàng - Nhật Trường đang là một trong những ngôi sao hàng đầu của sân khấu ca nhạc Miền Nam vào thời điểm đó. Cảnh tượng chiến tranh vây bủa, chiến trường tàn khốc, trực tiếp đối diện cuộc sống khắc nghiệt nguy nan của người lính..

Tất cả dần kết nên động lực biến đổi quan niệm sáng tác của anh; cũng như đối với ý niệm, tâm lý của bản thân người lính chuyên nghiệp như chúng tôi.. Mùa hè 1966, những cơn mưa mùa hung hản sầm sập đổ xuống rừng núi Tây Nguyên, thủ phủ Pleiku bày tràn cảnh tượng chiến tranh với lần có mặt đầu tiên của những đơn vị bộ chiến Mỹ lừng lẫy.. Sư Đoàn 4 Bộ Binh, Lữ Đoàn 173, Sư Đoàn 82 Nhảy Dù bên cạnh những đơn vị tổng trừ bị Quân Lực Cộng Hòa, nhảy dù, biệt động từ Miền Nam đổ xuống khẩn cấp cứu nguy cho những chiến trường đang sôi lửa, Pleime, Đức Cơ.

Những đoàn quân quần áo màu xanh hay hoa ngụy trang mau chóng chìm lẫn vào khối rừng mênh mông cây lá đan dày che kín mặt nghi ngút khói đạn. Đại pháo ngày đêm ầm vang xé núi, dội rung thành phố, và khoảng không gian luôn bị chia cắt bởi những đoàn phi cơ với đôi cánh sắt màu xám bạc vùn vụt xé ngang bầu trời, để lại những âm động rì rầm đe dọa. Nỗi đe dọa của đạn bom nặng độ và sự chết đè xuống chập chùng.. Thị xã Pleiku là một “Thành Phố Lính” điển hình, đúng nghĩa nhất với cảnh tượng âm u nguy khấp của những người lính đội nón sắt, lưng đeo giây đạn mệt nhọc di chuyển kháp nơi; xe nhà binh, chiến xa chạy ngang dọc bốc bụi mù đỏ chạch, hay kéo lầy bùn ố bẩn vào con đường phố chính. Nhưng giữa chốn hiểm nghèo, nguy nan bom đạn, tăm tối b kuồn thảm kia, Người Nghệ Sĩ hẳn do từ một ân lộc của trái tim luôn cảm nhận điều xót xa, và tràn đầy yêu thương, Trần Thiệân Thanh đã mô tả, sống cùng chiến tranh qua nhản giới bình an, rộn rã như tình yêu bất diệt luôn hiện diện với con người, trong cuộc sống.

Anh có thể dẫn chứng để khán thính giả có thể thấy ra một cách cụ thể hơn cách bức thoát khỏi cảnh huống tàn nhẫn của chiến tranh mà người Bạn của chúng ta đã hiện thực qua âm sắc Trần Thiện Thanh và tiếng hát Nhật Trường"

Từ con tàu, bay lên trên núi rừng Tây Nguyên đầm đìa cảnh chết, với sức nâng của nghệ thuật, Trần Thiện Thanh đã cách ly khỏi tác động khắc nghiệt bạo tàn của cuộc chiến để viết nên những lời lãng mạng mỹ lệ.. Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên.. Ngã nghiêng cánh bay, con tàu khép lại một vùng tuyết trắng ngần.. Từ trên cao, giữa tầng mây lớp lớp, trong thân tàu rung chuyển, anh bức thoát, xóa bỏ chiến tranh đang diễn ra qua từng phút giờ tàn nhẫn nơi mặt đất dưới cánh sắt để “nhớ đến - sống lại” với tình yêu - Hiện thực qua kỷ vật, chiếc khăn quàng cổ mà người con gái đã trao gởi cho người bay lên khoảng không..

Hẳn chúng ta đã nhận thấy, khi viết nên Tuyết Trắng Trần Thiện Thanh đã thực hiện một bước nhảy vọt rất lớn ra khỏi tâm lý, tình cảm cố hữu.. Từ những ca khúc chuyện kể xoay quanh những hình tượng bình yên, ước lệ như trong Hoa Trinh Nữ với những nhân vật gọi là “công chúa, vương phi, quân vương, công tử..” nơi những chốn hoàng cung, điện ngọc qua những chuyện tình mộng ảo thời xa xưa, trong cổ tích, Người Nghệ Sĩ trở lại thực tại với bầu trời, mặt đất của quê hương bốc lửa, để từ đấy Anh đã viết nên lời ngợi ca hồn hậu rất hiện thực mà cũng tràn đầy nhân tính (qua lần thay lời cho người phi công đang lái con tàu trong một một phi vụ tác chiến..) để nói về nỗi thương nhớ đối với một người yêu trong lúc đang đắm chìm giữa vùng tuyết trắng tinh khiết của mây trời - Mà thật sự cũng là một bẩy chết có thể xẩy ra bất cứ lúc nào - Bởi đạn phòng không của bộ đội cộng sản (những đơn vị nặng chính quy Miền Bắc) rất dễ dàng bắn hạ chiếc phi cơ quan sát mỏng manh mà người bạn phi công đã bất chấp luật lệ an phi thuận để Nhật Trường tháp tùng (Một buổi chiều tối ngày đầu tháng 9, năm 1966 ấy, bản thân chúng tôi là người liên lạc với Nhật Trường trên hệ thống âm thoại không-lục khi đang giữa rừng già đầu nguồn Sông Ia Drang, nơi Tây Nguyên).

Chúng ta cũng thấy “sức thu hút nhân bản” của ca khúc (dẫu chẵng phải là một tuyệt tác hàng đầu nghệ thuật), nhưng đã tồn tại đến “Bốn-mươi năm”(1966-2006), và chắc chắn ngôn ngữ, thanh âm thuần hậu, thanh thoát, lộng lẫy của Trần Thiện Thanh.. “Mây dâng thật thấp..Mây vương lụa trắng. Mây pha mầu nắng” sẽ tiếp tục tồn tại như khối tuyết vân tinh khiết, vĩnh cữu có khả năng xóa mờ những “chân mây đỏ máu in hình nòng súng cao xạ vươn lên trên trời cao!!”.. Loại hình tượng tràn đầy “ác tính” trong những bài hát mà nhà cầm quyền ở Hà Nội luôn “giáo dục và huấn luyện” những người gọi là “nghệ sĩ nhân dân” phải cố công viết nên thành suốt hai thập niên, 60, 70, kể cả sau 1975 khi những “đơn vị gọi là Ngụy quân, Ngụy quyền; đế quốc Mỹ xâm lược” đã hoàn toàn vắng mặt.

Như vậy, theo ý anh, muốn đạt đến mức độ thành công như trên, hẳn người nghệ sĩ phải có những năng lực, kỹ thuật khác thường để có thể vượt khỏi những hạn chế tất yếu nơi đời sống trần thế, và xây dựng, hoàn tất nên những tác phẩm nghệ thuật lớn"

Chúng tôi thuộc giới quân nhân (cho dù ba-mươi năm hơn không mặc quần áo nhà binh), nhưng với tính thực tế, nguyên tắc của người lính, nên có ý nghĩ rằng không cứ bắt buộc phải có những “yếu tố quá đỗi lớn lao, nghiêm trọng” như vậy khi xây dựng tác phẩm nghệ thuật - Dẫu tài năng thiên bẩm, công khó tìm học, sáng tạo thường trực là những điều kiện quyết định trong quá trình hoàn thành tác phẩm. Nhưng thiển nghĩ, Người Nghệ Sĩ (bất cứ Thật Nghệ Sĩ của bộ môn nghệ thuật nào) trước tiên cần phải có Một Tấm Lòng- Lòng biết Thương Người. Thương Cuộc Sống - Bao gồm Bản Thân. Và xử dụng một Kỹ Thuật Giản Dị để thể hiện Mối Thương Yêu chân thật ấy - Càng giản dị, càng sắc xảo, sâu lắng- Như nghệ thuật hội họa của Matisse khi về già. Như Thơ Bùi Giáng, Tuệ Sĩ.

Những ca khúc tiền chiến của Hoàng Quý, của Phạm Duy trước di cư 1954; của Nguyễn Đức Quang ở những năm tuổi trẻ.. Trong nhận định nầy, Trần Thiện Thanh quả đã thành công với những chữ nghĩa chân thật, diễn đạt bởi cấu trúc nhạc mang tính trong sáng, nét đơn giản. Chúng ta có thể xác chứng điều nầy qua tiếng, lời trong Mùa Đông của Anh xây dựng nên những hình tượng đơn giản đầy cảm xúc.. “Trời lập đông chưa em..Sao lũ dơi đi tìm giấc ngủ buồn.. Em xa anh thật rồi.. Làm sao quên mùi tóc. Đêm khuya anh đi về.. Đường khuya anh bật khóc!!”

Phải là người tình vô vàn yêu thương mới có những chữ nghĩa chứa đựng đủ nỗi đơn độc vang dội đường khuya, làm bật khóc âm thầm trong đêm thâu giá lạnh thê thiết như thế. Nhưng cũng thật cảm động lạ lùng thay, chúng ta không thấy sự hèn yếu rũ rượi qua thái độ xót đau của kẻ bị người tình rời bỏ, mà chỉ nhận ra nét chịu đựng bền bỉ thể hiện một tình yêu không suy giảm, và nỗi nhớ thương cào xé từ tưởng niệm mùi tóc hằng thấm đậm trí nhớ. Cám ơn Người Nghệ Sĩ đã thay mặt chúng ta tuyên xưng sự vĩ đại bình thường của vận chuyển cảm khích nhân ái khi Người-Yêu-Người dẫu mối tình bị cắt lìa bởi chia ly và sự chết.

Nhưng hơn hết thảy, Trần Thiện Thanh là một nhân cách thủ đắc Tính Chiến Đấu cao độ. Người Chiến Đấu kiên cường có thúc dục từ trái tim yêu thương của một Nghệ Sĩ. Chúng ta hãy sống lại với đoạn đường Chiến Đấu - Thương Yêu của Nhật Trường-Trần Thiện Thanh.

Vậy chúng ta trở lại chủ đề: Người Lính-Chiến Tranh-Sự Chết qua thế giới thanh âm Trần Thiện Thanh mà anh là một người lính luôn thường trực sống cùng- Đấy cũng là cuộc chiến trải dài, hiện thực trong những cuốn sách mà anh đã viết nên, đang viết lại..

Vậng, tuy không phải là người thân cận mật thiết với Nhật Trường, nhưng do một xếp đặt khác thường luôn xẩy ra trong thời gian dài trước 1975 ở Miền Nam; sau 1995 (khi đã ra khỏi nhà tù cộng sản và đến đất Mỹ) nơi hải ngoại, khiến bản thân tôi luôn gặp mặt cùng Người Bạn tại những thời điểm quyết định (phần cuối buổi sinh hoạt nầy, tôi sẽ dẫn chứng cách xếp đặt tưởng như không thật nhưng đã, đang thực sự xẩy ra. Ngay trong hôm nay, tháng 1/2006). Như trên đã đề cập, một ngày đầu tháng 9, năm 1966, tôi là gã sĩ quan trẻ tuổi nhất trong hàng đại đội trưởng của Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù đang trong cơn lửa cháy của lần đụng trận. Bộ đội cộng sản giàn sẵn đội hình phục kích đơn vị tôi trên đường quân rút ra quận Thanh An (Pleiku).. Người bị thương không di tản được phải mang theo; tiểu đoàn trưởng thúc hối cố mau chóng rời khỏi khu vực phục kích để kịp ra điểm hẹn; rừng sụp tối; mưa núi ào xuống như thác đổ..

Những tia chớp ngang dọc xé toang khu rừng khuất lấp tiếng súng cối cộng sản pháo kích!! Tôi thất thanh, gào khản điều quân giữa trãng trống bốc khói, khói rừng và khói đạn pháo thì bỗng nhiên qua hệ thống âm thoại không-lục (giữa quân bộ dưới đất và phi cơ quan sát) nghe rõ lời gởi chào.. “Nhật Trường xin hát tặng các anh chiến sĩ mũ đỏ!!” Tôi gầm lên phản đối..”Mũ đỏ, mũ đen cái gì.. Dẹp!”

Hai ngày sau, gặp mặt tại Hội Quán Phượng Hoàng, tôi kêu lời tán thán với Bạn: “Tôi nhỏ tuổi hơn ông và cậu Phước, mà nay ông thấy tôi bèo nhèo nát bét không giống ai.. Ngày hôm kia, tôi như đang nằm trên lửa mà ông còn gởi xuống tặng bài hát, câu ca.. Tặng kiểu ấy còn nặng hơn chưởi xỏ nhau. Nhật Trường với chẳng Nhật Nam.. Họa chăng là “giật nẩy, lăn đùng, nằm trường” ra mà thôi!!” Dẫu là lời nói đùa nhưng mang nhiều tính thật của ời than trách. Ngày ấy, 9 tháng 9, năm 1966, tôi vừa đúng hai-mươi ba tuổi!! Nhật Trường cười cười an ủi: “Thôi hôm nào về Sài Gòn, tôi kêu ông và cậu Phước đi nhậu bù.. “. Khi nhắc đến tên “Cậu Phước- Trần Văn Phước” âm lời Bạn trầm xuống ân cần, thân mật, thương mến.

..Không biết từ một nguyên nhân nào hai con người hoàn toàn khác biệt về tính chất, cung cách sinh hoạt lại trở thành đôi bạn chí thiết như thế. Một đằng là gã sĩ quan nhảy dù nổi tiếng cứng cỏi, ngang tàng, bất chấp; một đằng là người nghệ sĩ nhiều cảm tính, dáng dấp nhu thuận, lời nói ôn hòa.. Rất nhiều lần Phước nói cùng tôi (do ở chung Tiểu Đoàn 9 Dù).. “Đám cưới moa là do Nhật Trường lo tất cả..” Tháng 12, 1969 tôi chuyển về làm sĩ quan hành quân tiếp vận Lữ Đoàn 2..

Một buổi chiều, sau khi xuống trực thăng, gặp Phước giữa trãng rừng cháy khô vì bom lửa nơi chiến trường Tây Ninh.. Phước chống cây gậy mệt nhọc, kéo lê chiếc chân bị thương vì mảnh pháo, râu tóc rối bẩn, giọng khàn đục... “Lần tiếp tế tới mầy đem cho tao mấy hộp bia và cục nước đá! Hai tháng rồi chẳng biết cục đá lạnh ra làm sao... Có được chai rượu nữa thì hay hơn”. Tôi lúng túng vì thương bạn đang cơn khó nhọc nên có lời an ủi: “Bia thì dễ luôn sẵn có, nhưng rượu thì phải về Sài Gòn gặp Nhật Trường họa may mới có cho mầy..” Nghe đến tên “Nhật Trường”, Phước cười vui.. “Ừ, mầy gặp hắn hỏi cho tao là có ngay!”. Tôi bước lên trực thăng, nhìn lại Phước.. Mắt bạn u ám, mờ đục.

Vừa xuống lại phi trường Trãng Lớn (Tây Ninh), tôi nghe ra như một điều kinh hoàng tưởng như không thực: “Đại Úy Trần Văn Phước, Đại Đội Trưởng 93 Tiểu Đoàn 9 vừa bị tử thương vì một quả B40 bắn thẳng mặt.” Đêm ấy, trong nhà xác Quân Y Viện Tây Ninh dưới ngọn đèn vàng úa, tôi đứng cạnh Phước.. Thây xác bạn nằm im trong lớp poncho, hai chiếc giày sờn nát loang lỗ đất khô thấm máu sẫm. Gói thây người vuông vức thiếu phần nhô cao bình thường của chiếc đầu. Khối đầu của Phước đã bị chém nát, vỡ tung ở một nơi nào của khu trãng tranh khi buổi chiều vừa gặp mặt. Ai ngờ lại là lần cuối cùng. Khi về Sài Gòn đưa đám Phước, tôi gặp Trần Thiện Thanh, anh có câu hỏi vô hồn nghèn nghẹn.. “Trước khi chết, Phước nó có nói gì với mầy về tao không"” (Rất ít khi Bạn xử dụng xưng hô mầy, tao).. Nó nói mầy mua cho nó chai rượu! Tôi trả lời với nụ cười không gượng nỗi. Giờ thì bao nhiêu rượu cũng vô ích.. Bạn bỏ dỡ câu nói. Cái chết của Trần Văn Phước đã làm rúng động đến tầng sâu thẳm tận cùng của tình bằng hữu - Nhật Trường Trần Thiện Thanh từ đấy viết nên những ca khúc về Người Lính với hết một tấm lòng - Tấm Lòng đối với Những Người Bạn Lính chết trong chiến tranh.

Anh có thể kể ra cụ thể hơn chăng" Với mỗi người Bạn Lính bi thảm đi khuất. Với mỗi giòng nhạc bi hùng của Trần Thiện Thanh. Với tiếng lời hát thắm thiết của Nhật Trường"

Chiến trận Mậu Thân, Tết 1968 đỗ nhào tai ương xuống toàn Miền Nam với những cái chết dần được xem như sự việc bình thường.. Từ lần chết bi thảm oan khốc của ngàn người dân vô tội bị chôn sống nơi Trường Gia Hội, Bãi Dâu, Khe Đá Mài, Núi Ngũ Tây ở Huế; đến cái chết do từ mưu định tàn nhẫn của quyền lợi chính trị để tận diệt những viên sĩ quan cao cấp thân tín Phó Tổng Thống Kỳ nơi trường học ở Chợ Lớn.. Người dân Miền Nam dần quen, dững dưng với cái chết mãi đến khi bài hát Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh vang lên họ mới hiểu ra điều linh diệu cao quý: Hóa ra họ đã sống sót được từ máu xương Người Lính. Miền Nam đã tồn tại, vượt qua trận lửa là do lần hy sinh không hề được xưng tụng từ ngàn vạn người lính vô danh - Những Người Lính chết khắp nơi suốt Miền Nam, mà nay, vừa nằm xuống không đâu xa, mới chết gần đây nơi chân Cầu Bình Lợi, trong đám lá lục bình sùi sụt bùn hôi, ở cửa ngỏ Sài Gòn đường đi Thủ Đức, Lái Thiêu.. Sao em không hát cho người đánh giặc đêm ngày.. Sao em không hát cho mẹ già từng đêm ngóng con xa.. Sao em không hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua"! Qua Rừng Lá Thấp, Trần Thiện Thanh không chỉ viết lời ai điếu bi tráng riêng cho Đại Úy Hùng của Thủy Quân Lục Chiến - Binh chủng đã chận địch tại Hàng Xanh, Cây Thị, Cầu Sơn, Cầu Bình Lợi..

Nhưng quả thật Anh đã đánh động lương tri, tình cảm của người dân Miền Nam (thị dân Sài Gòn là một đối tượng chính yếu) để họ thấy ra điều đơn giản cao thượng: Ai là Người Lính Bảo Quốc-An Dân trước lịch sử" Sau ngày 30 tháng Tư, người Việt Nam nói chung, và người Sài Gòn nói riêng hẳn hiểu ra, muộn màng thấy được lời báo động khấp thiết nầy. Quả thật, Trần Thiện Thanh với tiếng lời, âm nhạc của riêng mình đã hoàn thành được một kỳ tích rất mực cảm động và đáng tự hào: Thúc giục Người biết Yêu Người và Yêu Nước.

Phan Nhật Nam

GHI CHÚ: Đại Nhạc Hội “Anh Không Chết Đâu Anh - Nhật Trường Trần Thiện Thanh: Tình Yêu, Cuộc Đời và Sự Nghiệp” tổ chức vào Thứ Bảy 18-2-2006, từ 1:00pm và từ 7:30pm, tại Hí viện La Mirada, 14900 La Mirada Blvd., La Mirada. Vé bán tại Asia Retail Store: (714) 775-8264, 30$- 100$. Trực tiếp thu hình cho Asia DVD 50. Với số ca nhạc sĩ đông kỷ lục nhất hải ngoại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.