Hôm nay,  

Chống Mễ Cứu Nước?

11/02/200600:00:00(Xem: 5310)
- Mâu thuẫn Mỹ - Mễ trong mùa bầu cử…

Tháng 11 năm nay, Hoa Kỳ có bầu cử. Trước đó, tháng Bảy năm nay, Mexico cũng có bầu cử. Quan hệ Mỹ-Mễ đang trở thành đề tài tranh cử ăn khách ở cả hai nơi….

Nếu người Mễ biết tiếng Việt, họ đã mượn ngay chữ "Bức tường Ô nhục" của ta để nói đến bức tường Hoa Kỳ đang muốn dựng dọc theo biên giới Hoa Kỳ - Mexico.

Khác một cái là" Bức tường Ô nhục" do Đông Đức dựng lên để ngăn dân chúng từ Đông Bá Linh chạy sang Tây Bá Linh tìm tự do, trong khi bức tường của Mỹ dựng lên để ngăn di dân Mễ khỏi nhập lậu vào Mỹ, đem theo nhiều thứ quái đản mà dân Mỹ bình thường rất sợ.

Chính quyền Mexico của Tổng thống Vincente Fox tất nhiên phản đối bức tường, còn nhà chức trách Hoa Kỳ phát giác không ít trường hợp quân đội và công chức Mexico in bản đồ chỉ đường cho dân Mễ nhập lậu vào Mỹ để tránh những tường kiểm soát.

Di dân thất nghiệp tại Mexico mà chạy qua Mỹ thì giảm bớt áp lực kinh tế, xã hội và chính trị cho nhà nước!

Một số Dân biểu Mỹ cũng than phiền là nhiều đơn vị quân đội Mễ tiếp tay cho các tổ chức ma túy tuồn hàng qua Mỹ và việc kiểm soát biên cương không chặt chẽ có thể khiến quân khủng bố Hồi giáo xâm nhập vào Mỹ từ miền Nam.

Trong không khí ấy, người ta chú ý đến hai biến cố bất thường trong quan hệ tưởng là rất gắn bó giữa Hoa Kỳ và Mexico, giữa một ông nguyên Thống đốc nói tiếng Mễ là Tổng thống Bush với một láng giềng thân thiết là Vincente Fox, một nguyên Tổng giám đốc Pepsi Cola!

Ngày mùng ba vừa qua, cơ quan Kiểm soát Di dân và Quan thuế Hoa Kỳ (U.S. Immigration and Customs Enforcement - ICE) loan tin nhà chức trách tại thị trấn Laredo của Texas giáp giới với Mexico đã phát giác một kho võ khí và vật liệu chế tạo chất nổ - improvised explosive devices. Người ta có thể nghĩ rằng đây là võ khí từ Mễ xâm nhập vào Mỹ để sử dụng trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Sự thật lại khác: võ khí được chuyển từ Mỹ qua Mễ, vào thị trấn Nuevo Laredo, ở bên kia sông Rio Grande.

Tin tức ấy mới khiến người ta chú ý đến luồng trao đổi rất lạ giữa hai quốc gia. Các tổ chức tội ác đưa ma túy vào Hoa Kỳ lấy tiền, mua võ khí đem về Mexico, trong đó có đại liên, súng phóng lựu và cả hỏa tiễn cầm tay. Thứ nặng. Lý do là các băng đảng tội ác tại Mexico đang có tranh chấp lớn và trong trận thư hùng này, họ cần võ khí. Mà võ khí thứ dữ ấy thì kiếm ra bên Mỹ dễ hơn! Chính quyền Mexico đổ lỗi cho chánh sách bán súng bừa bãi của Mỹ!

Thị trấn Laredo và cả một khu vực rộng lớn của Texas đang là "hậu cứ" cho các tổ chức ma túy Mexico, như khủng bố al-Qaeda từng dùng lãnh thổ Pakistan làm hậu cứ vậy. Đụng trận với nhau xong, mà đụng trận với quy mô "du kích thành phố" và võ khí hạng nặng, họ chạy qua Mỹ dưỡng quân và dưỡng thương. Mua đất lẩn trốn và rèn quân chỉnh cán bằng ma túy.

Khác với tình trạng rắc rối giữa biên cương Afghanistan và Pakistan - al-Qaeda và Taliban là một đồng một cốt, chiến hữu và đồng đạo - tại biên giới Mỹ Mễ, các băng đảng tội ác đang thanh toán nhau để làm bá chủ hệ thống phân phối ma túy vào Bắc Mỹ.

Chính quyền Mexico bó tay đã đành - trụ sở tờ báo El Manana tại Nuevo Laredo vừa bị tấn công hôm Thứ Hai mùng sáu và một nhà báo bị thương vì dám phanh phui hoạt động của các "drug cartels" này - mà chính quyền Texas cũng điên đầu vì chứng bệnh ung thư nhập cảng này.

Trong hoàn cảnh ấy, việc hợp tác giữa hai chính quyền Hoa Kỳ và Mexico phải là điều tất nhiên"

Không!

Hôm Thứ Năm mùng chín vừa qua, tòa Đô chính Mexico City dọa đóng của khách sạn Maria Isabel Sheraton vì phạm luật. Khách sạn này của Hoa Kỳ vừa trục xuất 16 "đại biểu" của Cuba ra khỏi cơ sở! Một vụ xích mích ngoại giao không nhỏ giữa Hoa Kỳ, Mexico và Cuba.

Vụ xích mích bùng nổ sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết yêu cầu xây tường kiểm soát biên giới và chính quyền Mexico bèn đề nghị hợp thức hóa một chuyện đã có là in bản đồ chỉ đường cho di dân nhập lậu vào Mỹ. Việc Mexico City rút lại đề nghị trên không làm giảm mâu thuẫn giữa hai nước có chung một biên giới dài đến 2000 dậm.

Chính quyền Vicente Fox có thấy vấn đề và tượng trưng gửi lên biên giới 2.000 lính canh gác, trung bình một người cho 1,6 cây số! Ông ta khó làm hơn được vì nhiều đơn vị chính quy này trở thành lính canh cho các drug cartels, lương cao bổng hậu hơn.

Vụ Laredo xảy ra sau khi nhà chức trách Hoa Kỳ tìm ra một đường hầm xây rất kiên cố từ Tijuna vào vùng San Diego: đường hầm đưa cần xa vào Mỹ. Sau Bức tường Ô nhục như chuyện Đông-Tây Đức lạ đến đường hầm xâm nhập như giữa Nam-Bắc Hàn.

Tháng Bảy này, Mexico có tranh cử tổng thống và như tại nhiều nước Trung-Nam Mỹ, chủ trương "chống Mỹ" là lập trường ăn khách. Tại Hoa Kỳ, vấn đề coi bộ rắc rối hơn.

Một thí dụ là tình hình California: trong 10 năm qua, tiểu bang này vẫn có nguyên chừng hơn 10 triệu cử tri da trắng và gần một triệu cử tri da đen, nhưng thêm 1,7 triệu cử tri Latino và 700 ngàn cử tri Á châu. Đa số cử tri được gọi là thiểu số này thiên về đảng Dân chủ từ khi Thống đốc Pete Wilson ngả theo xu hướng hạn chế di dân Latino năm 1987. Từ đấy, California là thành đồng Dân chủ, một đảng có chánh sách nâng đỡ di dân và nhân nhượng với di dân lậu.

Ngược lại, đảng Cộng hòa muốn có chánh sách kiểm soát chặt chẽ hơn. Tình hình ấy không giới hạn vào California mà trải dọc vòng đai miền Nam, từ Cali qua Florida. Trên bình diện rộng lớn hơn, đảng Cộng hòa cũng có chủ trương cứng rắn hơn với các chính quyền chống Mỹ như Cuba của Fidel Castro hay Venezuela của Hugo Chavez. Tại miền Nam, chống Mỹ là an khách, tại Hoa Kỳ, chống Mễ có khi mất điểm cử tri da mầu, nhưng không lên tiếng thì cũng mất phiếu cử tri da trắng! Khó tính thật!

Vì vậy, ung nhọt ma túy, an ninh và di dân xuất phát từ Mexico và cả quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng này cũng ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ theo lối phức tạp hơn.

Và những hiềm khích Mỹ-Mễ chắc chắn sẽ trở thành thời sự suốt năm nay!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.