Hôm nay,  

Môi Trường Ô Nhiễm Bi Đát

24/06/201800:00:00(Xem: 3568)
Trần Khải

 
Chỗ nào cũng ô nhiễm... Từ không khí tới nước uống, từ núi tới biển...

Báo Môi Trường & Đô Thị kể: Vũng Tàu lo mất khách vì núi rác từ biển.

Tại Vũng Tàu, các bãi tắm lo mất khách vì núi rác từ biển

Theo báo Người lao động ghi nhận từ khu vực Bãi Trước đến Bãi Dứa (TP Vũng Tàu) xuất hiện nhiều loại rác, chủ yếu là củi mục, bèo, thân cây súng... Đây là lượng rác đại dương, trôi dạt từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây theo gió về các bãi tắm ở Vũng Tàu.

TP Vũng Tàu đã chỉ đạo Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị huy động toàn bộ công nhân để làm sạch các bãi biển, đồng thời kết hợp với nhiều đơn vị kịp thời dọn rác để phục vụ du khách trong mùa cao điểm du lịch.

Báo Dân Việt kể chuyện Bình Định ô nhiễm: Sau tấm biển bảo vệ môi trường là đống rác “khủng”...

Bến thuyền Nhân Ân (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) chìm ngập trong rác thải suốt 10 năm nay. Trong khi đó, nhiều biện pháp tuyên truyền bảo vệ môi trường được triển khai nhưng… đành bất lực.

Ông Nguyễn Công Danh (38 tuổi, trú thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) cho biết: “Không những người ở chợ mà người ở các làng khác cũng mang rác đến đây đổ. Nhà tôi luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm vì mùi thối, chịu đựng không nổi”.

Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp kể chuyện Nghệ An: Người dân “tố” trang trại du lịch sinh thái gây ô nhiễm môi trường.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn bởi hệ luỵ ô nhiễm môi trường kể từ khi có dự án trang trại sinh thái đi vào hoạt động trong suốt những năm qua.

Đây là thực trạng mà hàng trăm người dân sinh sống ở xóm 9, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang “tố” trang trại sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy hải do Công ty CP đầu tư và xây dựng Đại Huệ (Cty Đại Huệ) làm chủ đầu tư triển khai tại địa phương này.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn tới nguồn nước ngầm lâu nay sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày ở xóm 9, xã Nghi Hưng không sử dụng được khiến người dân bực dọc. Họ cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên là do tác nhân trực tiếp từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của Cty Đại Huệ không được xử lý khiến nguồn nước ngầm xung quanh bị ô nhiễm.

Bản tin VTV kể: Bình Định xử phạt Bisuco gần 2 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đường Bình Định đóng tại huyện Tây Sơn gần 2 tỷ đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, thời gian qua, Nhà máy đường Bình Định của Công ty CP Đường Bình Định xả nước thải tại cửa xả số 2 của nhà máy trực tiếp ra sông Kôn. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho thấy có 6 thông số môi trường thông thường trong nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, chỉ tiêu coliform vượt đến 8.000 lần với lượng nước thải là 1.900 m3/ngày đêm, 5 chỉ tiêu khác liên quan đến ô nhiễm môi trường của nhà máy này vượt từ 1,1 đến 2,6 lần so với quy chuẩn quy định.

Bản tin CafeLand/SGĐT kể: Tình trạng san lấp, lấn chiếm, đổ rác thải, phế liệu… ven sông, kênh, rạch ở TPSG đang diễn ra ngày càng trầm trọng, có nguy cơ mất kiểm soát. Hệ quả ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn, người dân sống ven kênh, rạch bị mắc bệnh ngày càng nhiều...

Theo thống kê, TPSG có khoảng 2.900 tuyến kênh, rạch các loại và đan xen nhau. Ngoài giao thông đường thủy, những kênh rạch này còn điều tiết nước thải, ô nhiễm môi trường cũng như mang lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho người dân. Thế nhưng, hiện rất khó để tìm được những kênh rạch trong xanh ở TP vì tất cả đã bị lấn chiếm theo nhiều cách khác nhau.

Trên địa bàn TP, quận 8 có nhiều kênh, rạch nhất. Nằm lân cận với các quận trung tâm 1 và 5, các kênh, rạch ở đây nhếch nhác vì rác, gây mất vẻ mỹ quan đô thị, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Báo Nhân Dân kể: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Cà Mau.

...Án ngữ ngay cửa ngõ vào thị trấn Sông Đốc là CCN Sông Đốc, nơi tập trung hơn mười cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản và sản xuất bột cá. Một thời, các nhà máy này là niềm tự hào, bởi vừa phục vụ đắc lực cho ngành nghề mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, vừa tạo thêm việc làm, giúp nhiều ngư dân địa phương có thu nhập ổn định. Nhưng giờ đây, các cơ sở này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Ông Trần Minh Thế (khóm 12, thị trấn Sông Đốc), sống gần CCN này cho biết: Khi sản xuất, mùi hôi thối từ các nhà máy bốc lên rất khó chịu. Trẻ em, người già ở đây thường mắc bệnh về đường hô hấp. Vật dụng sinh hoạt để ở hiên nhà chỉ chừng năm đến mười phút là tro bụi đã dính đầy, có mùi hôi tanh.

Thê thảm ô nhiễm...

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.