Hôm nay,  

Tân Niên Hội Ngộ San Jose

10/01/200600:00:00(Xem: 5073)
- Giao Chỉ - San Jose 2006

Hai năm trước vào tháng 3-2004, chúng tôi đã có dịp tổ chức kỷ niệm 50 năm họp khóa tại Orange County để ra mắt Hồi Ký Của Một Khóa Quân Trường. Thu lượm những kỷ niệm rơi rớt từ Geneve 1954 qua 21 năm chinh chiến, rồi tiếp theo là tù đày, vượt biên, lưu vong và sau cùng là đoàn tụ muộn màng

Nhân dịp này đã cùng anh em ghi lại bài ca họp khóa có đoạn như sau:

“...Chúng tôi về đây, dành lại một ngày,

cho 50 Năm Họp Khóa Ngậm Ngùi

để đếm đầu người, xem anh em, ai còn ai mất.

Ba trăm chàng trai đất Bắc, giờ đây còn lại bảy mươi vị cao niên.

Già thật là già, lão ơi là lão.

Nước mắt đã khô rồi, gặp nhau chỉ cười thôi.

Chẳng phải hội ngộ lần đầu, nhưng biết đâu đây sẽ là lần cuối.

Sợ thì ông đếch sợ, nhưng buồn thật là buồn...”

Và tiếp theo đây là lời “thơ quân hành” đi vào đoạn cuối:

“Bầy ong thợ về già bay đi bốn phương trời

trong một cuộc hành trình vĩnh biệt.

Nhưng con cá Hồi suốt đời vẫn phải về họp bạn ở nơi nguồn gốc

vùng vẫy biển khơi.

Khóa chúng tôi không phải là lũ ong chơi xong rồi bỏ cuộc.

Chúng tôi là những con cá Hồi lương thiện,

năm mươi năm sau trở về, tìm lại anh em.”

***

Và sau khi buổi họp mặt 2004 khép lại, một số bạn bỏ cuộc chơi về trình diện quân khu chín suối.

Qua năm 2005, chúng tôi lại cơm nghe bè bạn kéo nhau về họp mặt Bộ Tổng Tham Mưu, trại Trần Hưng Đạo, gọi là 30 năm tao ngộ tại thủ đô Hoa Kỳ. Anh em về họp, bảy mươi tuổi chưa chắc đã là niên trưởng. Muốn được chào kính như các bậc tiền bối phải ở tuổi 80 trở lên.

Lời thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sau đây ghi lại tiểu sử của những đoạn trường:

“Hai mươi năm tuổi trẻ.

Hai mươi năm chiến chinh.

Hai mươi năm tù ngục.

Hai mươi năm điêu linh.

Năm bảy lăm tiền kiếp.

Tháng Tư đuổi sau lưng.

Mang tuổi đời chồng chất.

Cùng vượt thác băng ngàn.

Tuổi hoa niên cắt ngắn.

Mái tóc bạc dài thêm.

Tay nắm tay cằn cỗi.

Lòng mở rộng tấm lòng.

Ba mươi năm hội ngộ.

Một thế kỷ vừa qua.

Hoa mai vàng nở sớm.

Gặp nhau những muộn màng.”

Đó là câu chuyện của những lần gặp gỡ năm 2004 và 2005.

Và lần này đầu năm 2006 ngay tại xóm làng của San Jose, chúng tôi tổ chức Tân Niên Hội Ngộ vào đúng mùng 1 Tết Bính Tuất.

Phương ngôn Việt Nam có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần.”

Dù ruột thịt, dù thân thiết, dù đã một thời vào sinh ra tử, đã cùng trong doanh trại binh đoàn hay tù đày sống chết cùng xà lim ngục thất, nhưng nay đã xa cách chân trời thì chẳng dễ gì hàng ngày thấy được mặt nhau. Còn lại chỉ gặp đồng hương cùng một lứa bên trời lận đận.

Năm nay, Tết đúng vào ngày Chủ Nhật. Bạn cũ người xưa, lâu thì 30 năm, gần thì 30 tháng có khi chỉ mới biết nhau đây, nhưng cùng cộng đồng, cùng ngôn ngữ như người cùng làng xã, ta đến với nhau.

Vì vậy, xin tổ chức để bà con có dịp gặp nhau đúng ngày Tết tha hương lần thứ 30 kể từ cái Tết đầu tiên năm 1976.

Chúng ta sẽ gặp những người có mặt tại San Jose vào năm 1975. Những người tuy vào Mỹ năm 1975 nhưng đến 1976, 1977 từ các miền lạnh giá mới bắt đầu quy tụ về California. Cùng ôn lại những buổi họp Xuân hiu hắt cuối thập niên 70 với tin tức về tù đày và kinh tế mới tại quê nhà Việt Nam.

Những cuộc biểu tình chống Cộng suốt từ 1977 qua đến đầu thập niên 1980 vào những ngày Quốc Hận gọi là Tháng Tư Đen. Những đêm văn nghệ đấu tranh có Việt Dzũng và Nguyệt Ánh lần đầu xuất hiện trên sân khấu CPA tại San Jose với cả một rạp hát đầy nước mắt.

Đêm Phạm Duy trên đường số 5 ở Downtown với một gia đình chia cắt của ông lúc đó chỉ có tiếng hát duy nhất là Thái Hiền. Bà mẹ Thái Hằng chỉ hát đệm. Thái Thảo còn bé và đám con trai còn kẹt ở Việt Nam.

Rồi những ngày tháng bi thảm của các đợt thuyền nhân, San Jose đứng lên đóng góp để được mệnh danh là thủ phủ của tình thương.

Dân số Việt Nam tại Bắc Cali ngày một đông hơn. Sau thuyền nhân là HO, ODP, con lai. Người Việt dựng lại cả khu phố tại Downtown San Jose. Các cơ quan dịch vụ, các văn phòng dịch vụ, các bác sĩ, luật sư, địa ốc, kế toán...

Người Việt ăn trợ cấp, người Việt đi học, người Việt đi làm, người Việt mua nhà, người Việt làm ăn. Mở thương mại, mở hãng, mở trường. Xe lunch, bỏ báo, xe đò, cơm tháng. Lập hội, lập cộng đồng, lập đảng, thành lập tổ chức, báo chí, dạy Việt ngữ, xây đền, chùa, nhà thờ. Các tổ chức chính trị, vận động đi bầu. Biểu tình chống cộng, chống hòa giải, chống du lịch, chống gửi quà về Việt Nam, chống văn công, và chống đối lẫn nhau....

Tất cả như những đợt sóng, hết lớp này đến lớp khác, thay thế nhau, xô đuổi nhau. Lúc nhịp nhàng, lúc đối nghich. Có lúc êm dịu, có lúc chật vật vất vả trở mình. Sau cùng một cộng đồng Việt trưởng thành với 30 năm tuổi tại San Jose rõ ràng là đã hình thành, đã hiểu biết hơn, mực thước hơn, tử tế hơn và bắt đầu sẵn sàng đi vào con đường hội nhập.

Với thế hệ tương lai, tuổi trẻ, ngày rộng tháng dài. Con cháu của người Mỹ gốc Việt sẽ một ngày một ổn định hơn và chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về sự thành công trên con đường hội nhập và tiến bộ lâu dài.

Đó là chuyện dành cho tuổi trẻ, dành cho tương lai. Hôm nay chúng tôi nhân dịp đầu năm, xin gửi đến quý độc giả và thính giả một câu chuyện của tuổi già. Tựa đề là Lá Rụng Về Cội. Câu chuyện ông Tổng Trật trở về Làng Khang Ninh, để gọi là một nén hương tưởng niệm.

Lá Rụng Về Cội

TRỞ VỀ LÀNG KHANG NINH

Đây là câu chuyện về cụ Tổng Trật, thành viên lâu năm của Liên Hội Bắc Cali lên đường trở về quê cũ. Bảy mươi năm trước một người thanh niên từ giã huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình ra đi mang tên là Bùi Đăng Ruật. Tháng 8 năm 1999 vị bô lão cao niên 92 tuổi hồi hương mang quốc tịch Hoa Kỳ với tên mới là Trật Bùi. Đây là một trong những người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên ở San Jose năm 1975 và 24 năm sau vẫn còn ở căn nhà số 949 đường Fair. Suốt đời di tản vẫn giữ 1 địa chỉ. Chuyến bay của Singapore Air Line vào lúc 1 giờ sáng thứ Hai 23 tháng 8-1999 chở vị trưởng ban tế tự của Liên Hội Người Việt Bắc Cali về lại quê hương.

Cụ Việt Kiều trải qua một phần tư thế kỷ tại Thung Lũng Điện Tử, có 14 người con, 63 cháu và 7 chắt, đang cầm trong tay tấm vé phi cơ nhưng không phải là vé khứ hồi. Cụ sẽ trở về làng Khang Ninh và sẽ ở lại đó. Vĩnh viễn. Đó là sự thật hay chỉ là giấc mở thôi...

***

(San Jose 99) Nghĩa trang Việt Nam thành lập hơn 10 năm trước tại Los Gatos có treo đôi câu đối như sau:

Muôn dặm hồn thiêng về cố quốc,

Trăm năm xương trắng gửi quê người.

Như vậy là, ngay từ khi nghĩa trang thành lập, các bậc tiền bối Việt Nam của thập niên 80 tại San Jose đã chấp nhận sẽ gửi nắm xương tàn nơi đất khách.

Vào những năm di cư thứ nhất, Giao Chỉ viết bài tạp ghi, đã mở đầu bằng câu thơ, thể hiện cảm xúc của đầu đời di tản: Đường đời trăm vạn nẻo, đâu lối về cố hương"

Đối với cụ Tổng Trật ở đường Fair, thành phố San Jose, suốt mười mấy năm qua, tuy vẫn còn nhớ những con đường đất của làng Khang Ninh, nhưng nẻo về cố hương thì mịt mù tăm cá. Từ năm 1995, hai cụ, cụ ông và cụ bà đã được con cháu dành cho 2 lô đất chung sự tại nghĩa trang Oak Hill trên đường Curtner.

Lại nhớ chuyện ngày xưa, vào cái thời 76 và 77. Những thanh niên đầy nhiệt huyết của Liên Hội Bắc Cali vẫn họp mặt hàng tháng. Cụ Tổng thực hiện cho anh em tấm biểu chương vĩ đại vẽ Rồng và Phượng.

Liên Hội Bắc Cali cho nối thêm 2 khẩu hiệu. Một bên là Xây Dựng Cộng Đồng một bên là Giải Phóng Quê Hương.

Tấm bảng lớn hình Rồng Phượng tuyệt tác sống động do nét vẽ tài hoa của thầy Tân thực hiện từ năm 75 vẫn được trưng bày hàng năm mỗi độ Xuân về.

Cứ sau Hội Tết lại cuộn cẩn thận để đem đến đường Fair gửi cụ Tổng.

Trung tuần tháng 8 năm Mão, anh em đến thăm cụ Tổng. Tay nắm tay bịn rịn, nước mắt rưng rưng, con người xuất thân là nhà nho tỉnh Thái Bình đã nói rằng: “Thôi các ông ở lại mạnh giỏi, chúng tôi xin phép tôi về.”

Cụ sẽ đi và để lại cả hình ảnh Cộng Đồng và Quê Hương cho anh em trên tấm bảng Rồng Phượng. Cụ cũng dự trù không dùng đến mộ phần dành sẵn tại nghĩa trang Oak Hill. Các thùng giấy lớn xếp gọn ghẽ những quần áo và y trang của ban tế tự.

Nhìn hai khẩu hiệu đưa ra từ hơn 20 năm trước, anh em chúng tôi cảm thấy đâu đây có mùi vị đắng cay. Ngày xưa, khi mới gặp nhau, bàn chuyện lấp bể vá trời, đám thanh niên đã quyết tâm xác định. Chuyện xây dựng cộng đồng thì chỉ 5 năm là anh em ta có thể yên tâm. Đồng bào Việt chăm chỉ làm ăn, hội nhập mạnh mẽ lo gì ngày một ngày hai sẽ có cả chục ngàn cử tri, ta sẽ đưa người vào làm hội đồng tỉnh hay dân biểu nghị sĩ.

Còn việc giải phóng quê hương thì lâu nhất là 10 năm, chúng cháu sẽ nhất định đưa các cụ về lại quê hương rợp ánh cờ vàng.

Và bây giờ thì vào thời điểm của năm 1999, chuyện cộng đồng và quê hương đành xin tạm xếp lại. Trong cuộc họp mặt chia tay, xin nói với cụ Tổng Trật câu chuyện tâm tình. Khi nói chuyện, nhận thấy với tuổi 92, cụ thật minh mẫn tinh tường và rất dí dỏm.

Trước hết xin hỏi tuổi thực của cụ, cụ Tổng cho biết 92 là tuổi thật. Tuổi của cụ không thể gọi đơn thuần là cao niên bởi vì ngay người con trưởng của cụ là bác Bùi Hương Đạo năm nay đã 63. Cụ cười sảng khoái nói rằng: “Con tôi nó đã sắp ăn tiền già, nói gì là tôi.”

Lại hỏi đến tên của cụ được biết rằng tên thực là Bùi Đăng Ruật nhưng qua đến Hoa Kỳ, không biết là bắt đầu từ lúc vào đảo Guam hay đến Camp Pendleton mà Mỹ họ ghi là Trật. Quả thực là “trật” thật. Anh em ở đây họ lịch sự nên gọi là cụ Tổng Trần ý nói là ông chánh tổng họ Trần. Sự thật giấy tờ vô quốc tịch là Trật Bùi.

“Nhưng các ông xem đấy, bao nhiêu năm ở San Jose tôi có làm gì ‘trật’ đâu.” Đúng như vậy, anh em xác nhận. Suốt bao kỳ tổ chức các lễ hội từ Hai Bà Trưng, giỗ tổ Hùng Vương v.v. ban tế tự của cụ sắp xếp rất chu đáo. Lúc mặc áo the dài, lúc mặc áo cánh, cụ Tổng người nhỏ bé nhưng luôn luôn tất tả sắp xếp mọi nghi thức và chương trình. Đâu ra đấy. Lần nào giấy mời cũng có một câu rõ ràng: Tuyệt đối không quyên góp dưới mọi hình thức. Anh em và đồng hương đến với cụ vừa được ăn lộc thịnh soạn và được đón tiếp niềm nở. Dù hội đoàn hay không hội đoàn, dù Liên Hội hay không Liên Hội, dù cộng đồng hay không cộng đồng. Ai cũng được “Welcome” tối đa.

Chợt cụ Tổng vỗ đùi nói lớn: “Ấy thế mà tôi cũng có ‘trật’ nhiều lần.” Mọi người yên lặng chờ đợi. Tiếng cụ vang lên: “Vé số! kỳ nào tôi cũng trật” Rồi cụ cười đến chaủy nước mắt và ho khục khặc.

Hỏi chuyện cụ bà, anh em được biết đã về Việt Nam từ năm 1998 như là một chiến sĩ tiền sát đi trước dò đường.

Hỏi rằng:

- Thưa cụ, thế cụ bà có qua lại Hoa Kỳ không" Cụ Tổng cho biết là cụ bà cũng không cầm vé khứ hồi. Đi là đi luôn.

- Thế cụ đã về VN lần nào chưa"

- Chưa đâu ông, lần này là lần đầu và là lần cuối!

- Nếu bây giờ cụ đổi ý kiến, quyết định ở lại thì cụ bà có trở lại Hoa Kỳ không"

- Qua chứ, khéo cái ông này. Ông không biết là thuyền theo lái, gái phải theo chồng... nhưng chúng tôi đã quyết đi luôn rồi.

Hỏi qua gia thế, cụ Tổng cho biết có tất cả 8 con trai, và 4 con gái. Tám trai và 2 gái ở San Jose. Còn 2 cháu gái thì 1 cô ở UÔc và 1 cô ở Việt Nam. Nhờ trời, cụ nói, các cháu đều từ trung bình đến khá.

Tổng cộng toàn gia là 14 con, 63 cháu, và 7 chắt.

Hỏi thêm: Thưa cụ có một vợ.

- Cái ông này hay nhỉ, một vợ chứ mấy vợ.

- Cụ đông con cháu như vậy, chúng tôi đâu có biết hết được.

Cụ Tổng đáp lời: Nhưng cũng có nhiều đứa cháu hoạt động với các ông đấy. Con nhỏ Phương Dung, Hoa Hậu Hội Tết năm nào đó là cháu nội của tôi...

Khi nhắc lại chuyện xa xưa, cụ Tổng cho biết lúc còn ở ngoài Bắc đã bị Việt Cộng bắt hai lần và Tây bắt một lần. Lần đầu Việt Minh bắt Bùi Đăng Ruật và ghép vào tội phá làng kháng chiến, lập hội Tề và chỉ điểm cho Pháp bắn pháo về làng. Sau một thời gian hành lên hành xuống không đủ chứng cớ lại cho ra. Tiếp theo Pháp về càn, lại bắt vì tội hoạt động cho Việt Minh. Bùi Đăng Ruật lại trốn thoát. Việt Minh bắt lại lần nữa vì tình nghi Tây gài về làng. Rồi lại xoay ra được. Sau cùng phải tìm đường ra Quảng Yên làm ăn và từ đó gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam 1954.

Tiếp đến năm 75, đại gia đình lại di tản một lần nữa đến Guam, rồi trại Pendleton và sau cùng là San Jose. Ngay từ cuối năm 1975, gia đình cụ đã có mặt cùng với những người Việt đầu tiên tại miền Thung Lũng mà lúc đó Hoa Vàng còn nở đầy hai bên đường Senter.

Cụ Tổng cũng là 1 trong những người tổ chức Giỗ Tổ đầu tiên ngay tại nhà. Cũng tại căn nhà nhỏ bé số 949 đường Fair, lối Lucrecia quẹo vô, gần trường YB. Thấm thoát đã 24 năm qua. Biết bao nhiêu nước chảy qua cầu ở cái làng San Jose lắm chuyện này.

Lại nhắc đến kỳ Tết 1976, lần đầu có nhóm sinh viên thân Cộng tổ chức chiếu phim chiến thắng tại đại học San Jose State. Với sự góp sức của rất nhiều sinh viên Trung Đông ủng hộ Hà Nội. Nhóm đồng bào di tản tò mò đi coi. Hai ông phụ giáo Việt nam tại San Jose High vận động học sinh Việt đột kích làm tan buổi họp mặt. Cụ Tổng Trật, đúng như vậy mặc áo the, cầm ô đen, chạy lên móc cổ chú quay phim để ông teacher aide phá máy chiếu. Nghe nhắc lại, cụ Tổng cải chính: “Không phải cái ô, đó là cái dù!” nói xong cụ lại cười sặc sụa.

Ông cụ nói tiếp: Thấm thoát đã 70 năm, kể từ lúc tôi lập gia đình ở Làng Khang Ninh, Tổng Thanh Nhã, Huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Cho đến con đường Trương Minh Giảng ở Saigòn rồi đến con đường Fair ở San Jose.

“Mỗi kỳ tôi tổ chức giỗ Tổ, các cụ cứ bảo sao không làm chung để đoàn kết.” Cụ Tổng nói. “Ơ kìa, tôi có chia rẽ bao giờ đâu mà phải đoàn kết.”

Cũng xin thưa để các ông biết, chung riêng đâu có thành vấn đề. Cần nhất là đừng phá nhau. Nhà ai nấy ở. Bây giờ các ông ở lại San Jose, xin đừng phá nhau là quý rồi. Còn chúng tôi xin phép chào anh em để trở về quê cũ.

Ông hỏi tôi từ biệt San Jose có nhớ ai không. Tôi thưa rằng chỉ nhớ đứa cháu nội của tôi là bé Bùi Anh Thư. Con trai út của tôi lấy con ông Đỗ Hải mới sinh được một cháu gái. Con nhỏ khôn tuyệt. Tôi nhớ nó nhiều đấy!***

Vâng! Thưa cụ Tổng Trần, Thưa cụ Tổng Trật, công dân Hoa Kỳ Trật Bùi hay thanh niên ngày xưa tên Bùi Đăng Ruật. Năm nay cụ 92 tuổi. Cụ ở tuổi Thần Tiên. Cụ đã có tất cả mọi thẩm quyền. Cụ có cả nhân quyền lẫn dân quyền. Có cả quyền công dân Mỹ. Cụ có thể cầm vé máy bay của Sigapore đi Việt Nam một chuyến mà không phải khứ hồi. Cụ không còn bận tâm lo tế tự cho Liên Hội. Đời cụ đã không còn thắc mắc Hội Tết với Hội Xuân. Cụ không còn vương vấn về cải tổ welfare của ông Bush hay cậu Clinton. Cụ không còn phải suy nghĩ về bất cứ đề tài thế sự nào nữa. Cụ đã vượt lên trên mọi điều thị phi.

Như những con cá hồi ngày xưa mới nở từ đầu nguồn nước đi theo con sông Sacramento mênh mông chảy ra biển Thái Bình. Đến khi trưởng thành đàn cá hồi lại theo con đường cũ vượt mọi thác ghềnh để trở về nguồn cội. Con cá salmon đó không cần biết rằng những đập nước, những ghềnh đá, bây giờ ai làm chủ. Mười ngàn con cá ra đi chỉ có được một phần sống sót về được cội nguồn đẻ trứng rồi chết ở quê hương. Để rồi những con cá hồi mới nở lại ra đi trong cõi tuần hoàn bất biến.

Bẩy mươi năm trước anh thanh niên Việt Nam, Bùi Đăng Ruật ra đi từ làng Khang Ninh và 70 năm sau ông Mỹ, Trật Bùi trở lại quê xưa. Ông vẫn mặc áo cánh vải phin trắng ở bên trong và áo the bên ngoài. Đứng ở bến đò Tân Đệ, ngó lên Hà Nội, ông không cần biết là thằng nào đang ngồi trong Bắc bộ Phủ. Bạn bè ông, dù ở huyện Quỳnh Côi Thái Bình, ở đường Trương Minh Giảng, Saigòn hay ở đường Fair, San Jose thì bây giờ cũng chẳng còn ai.

Tháng Tám năm Mão, ông Bùi Đăng Ruật sẽ như Từ Thức về trần. Từ Thức ngày xưa lên nơi bồng lai tiên cảnh mới có mấy ngày mà khi trở về, quê cũ thay đổi cả trăm năm. Bây giờ ông Từ Thức của Thế Kỷ 21 về lại cõi trần với quốc tịch Hoa Kỳ, trong túi còn ít đô la. Trẻ con làng Khang Ninh cứ đứng xếp hàng một. Hỏi đứa nào họ Bùi là cụ cho 1 đô. Nếu không phải con cháu thì cũng là con của con hay là cháu của các cháu.

***

Đó là câu chuyện cụ Tổng Trật hồi hương về làng Khang Ninh năm 1999. Để tiễn chân cụ, chúng tôi có viết một bài văn đăng báo. Qua năm 2000, ông Tổng Thư Ký Lại Đức Hùng ghé đến chỗ tôi cho biết. Cụ Tổng mới qua lại San Jose. Bây giờ nằm trong Nursing Home ở Downtown.

Buổi chiều cuối năm, chúng tôi vào thăm. Cụ vẫn nhận ra anh em, nhưng sức khỏe đã suy yếu nhiều.

Như thế là cụ đã gần 100 tuổi thọ. Không còn nói năng được nhiều. Mà thực ra cũng chẳng có chuyện gì để nói. Nhắc đến chỉ có hai hàng nước mắt chảy dài. Đâu biết là người thanh niên đất Thái Bình ngày xưa khóc thương cho quê hương, cho đất nước hay cho thân phận của mình.

Cái làng Khang Ninh của cụ bây giờ đã thật xa rồi, như ở một quê hương của tiền kiếp. Một lần nữa tay nắm tay, cằn cỗi, lòng mở rộng tấm lòng. Sau đó cụ ra đi trong yên lặng tại San Jose.

***

Câu chuyện Trở Về Làng Khang Ninh gửi đến quý vị vào đầu năm Bính Tuất để chúng ta thông cảm cho hoàn cảnh của một con cá Hồi hết lòng muốn tìm về cội nguồn mà không được.

Cá Salmon là loài cá sống ở trong cả hai vùng nước mặn và nước ngọt. Từ thượng nguồn ở các dòng suối Oregon trứng cá sinh ra con, suôi theo lạch ra cửa sông và đi khắp miền duyên hải Thái Bình Dương. Đến mùa sinh sản theo tiếng gọi huyền bí của thiên nhiên, cá Hồi bỏ biển mặn vượt thác băng ngềnh tìm trở về đúng nguồn gốc nơi đã sinh ra. Trên đường trở về tổn thất 80%. Đôi khi đám cá Salmon vượt cạn nằm chết phơi mình trên kè đá.

Đám cá thành công hồi hương về được cội nguồn sẽ đẻ trứng và chết tại đó. Đàn cá nhỏ lại sinh ra lên đường ra biển khơi. Không bao giờ có một con cá Salmon đã về được cội nguồn rồi lại ra đi lần thứ hai để nằm chờ chết ở đại dương.

Cụ Tổng Trật 100 tuổi của San Jose là một trong những con cá Hồi đã về nguồn nhưng rồi lại phải ra đi. Và bây giờ cụ trở thành người muôn năm cũ.

Đó là lý do tại sao chúng tôi lại yêu thích và bằng lòng với cái thị xã San Jose này như thế.

Vì vậy, nên đầu năm nay mới có kỳ Tân Niên Hội Ngộ.

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Chi bằng ngồi lại nói chuyện anh em.”

Giao Chỉ - San Jose 2006

Xin liên lạc với chúng tôi tại địa chỉ IRCC, Inc. 420 Park Ave., San Jose, CA 95110. Tel.: (408) 971-7878. Fax: (408) 971-7882. Email: Email: amy@irccsj.com - Web-site: www.vietskyline.com or www.irccsj.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
An Xá Quốc Tế vừa phát hành một bản cáo trạng gay gắt đối với những tập đoàn internet thống trị thế giới. Tổ chức có trụ sở tại London này cho rằng Facebook và Google cần phải bị bắt buộc từ bỏ mô hình kinh doanh dựa trên sự giám sát của mình, vì điều này là vi phạm nhân quyền.
Theo tin từ CBS: Cơ Quan An Toàn Giao Thông (TSA) hiện nay đang thử nghiệm những kỹ thuật mới, giúp cho việc kiểm tra an ninh tại các phi trường nhanh chóng hơn, giúp hành khách đỡ phải xếp hàng dài và chờ đợi lâu.
Theo CNN, hơn 1,000 bệnh nhân tại Bệnh Viện Goshen tiểu bang Indiana có thể đã phải tiếp xúc với vi khuẩn HIV, hepatitis C, hepatitis B, sau khi một lỗi sơ sót trong quá trình làm vệ sinh thiết bị phẫu thuật đã xảy ra.
WASHINGTON - Theo bản chép điều trần kín mới công bố ngày 26-11, nhân viên chuyên môn của phòng quản trị ngân sách (OMB) thuộc Bạch Ốc là Mark Sandy được 2 đồng sự cho hay “họ thôi việc tại OMB 1 phần vì hoang mang thấy quân việc Ukraine bị đình hoãn”.
WASHINGTON - 2 người thông thạo biết TT Trump đã được thông báo khiếu nại của “người thổi còi” về các thương lượng với Ukraine khi ngưng quyết định đình hoãn quân viện” hồi Tháng 9.
Cho tới gần đây, thăm dò dân ý mới nhất của CNN ghi nhận: 50% công dân Mỹ thấy là nên luận tội và truất phế Trump.
WASHINGTON - Thăm dò mới của CNN ghi: cựu PTT Joe Biden nhận được hậu thuẫn của 28% cử tri, là cao nhất trong các dự ứng viên TT của đảng Dân Chủ.
WASHINGTON - Thị trường việc qua cuối năm thứ 3 nhiệm kỳ TT của Donald Trump tiếp tục vững mạnh. Nhưng giới nghiên cứu nhận thấy điểm tiêu cực là việc làm chỉ tăng ở các vị trí lương thấp.
WASHINGTON - TT Trump tuyên bố hôm 27/11: băng đảng ma túy Sinaloa là khủng bố, có nghĩa là có thể bị tấn công bằng phi cơ không người lái UAV.
Việt Nam sẽ có 104 triệu dân vào năm 2030, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm Thứ Tư.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.