Hôm nay,  

Khí Công Mùa Đông

04/01/200600:00:00(Xem: 5333)
- Mừng năm mới, Liên bang Nga đã tặng Ukraine một món quà khí công làm Âu châu rét run….

Liên hiệp Âu châu bỗng thấy mùa lạnh năm nay sẽ lạnh hơn mọi năm vì một đòn kinh tế chính trị sặc mùi Bonshevik nhắm vào một nước cộng sản cũ và dân chủ mới là Ukraine. Đó là trận chiến khí đốt do Liên bang Nga khai pháo như một món quà Giáng Sinh cho Ukraine.

Xưa nay, Liên bang Xô viết vẫn cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá bao cấp - dưới giá thị trường. Kế thừa chế độ Xô viết, Liên bang Nga tiếp tục đường lối ấy với nước Cộng hòa xưa nay vẫn nằm trong Liên bang Xô viết và có lãnh thổ được Nga sử dụng làm căn cứ quân sự - hải đội nguyên tử trong biển Hắc hải.

Năm qua, Ukraine bỗng nhiễm bệnh dân chủ với cuộc Cách mạng màu cam khiến các lãnh tụ độc tài và thân Nga mất việc. Cộng hòa Ukraine trở thành một nước dân chủ, thiên về các nước Tây phương và còn ngả theo minh ước NATO. Dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin không chấp nhận nổi chuyện ấy vì Liên bang Nga bỗng thấy hở lườn hở bụng.

Ngay trước Giáng Sinh 2005, quan hệ giữa hai nước đi vào khủng hoảng khi Moscow đơn phương quyết định là từ đầu năm 2006 sẽ bán khí đốt cho Ukraine theo giá thị trường, tức là đắt gấp bốn. Chính quyền Kiev cãi lại: thỏa ước đôi bên không quy định như vậy mà chỉ nói là Nga sẽ tăng giá tiệm tiến trong tương lai. Nếu Nga nâng giá khí đốt, Ukraine bắt buộc phải thu tiền hoa hồng 15% lên lượng khí đốt thổi từ Nga qua lãnh thổ Ukraine bán sang Âu châu.

Quốc doanh khí đốt Gazprom của Nga, vừa được Tổng thống Putin cho thêm quyền hạn, trả lời là nếu Ukraine không chịu trả nhiều hơn, họ sẽ khóa ống khí đốt, khiến Âu châu thêm lạnh và trách nhiệm ấy, Ukraine phải chịu. Chính quyền Kiev phản pháo là nếu vậy họ phải duyệt lại hiệp ước an ninh giữa hai nước về việc cho phép Liên bang Nga sử dụng căn cứ hải quân trên biển Hắc hải và còn có thể rút ra khỏi khối Thịnh vượng chung của các Quốc gia Độc lập (CIS), một hậu thân của liên minh quân sự thiết lập dưới thời Boris Yeltsin.

Tổng trưởng Quốc phòng Nga bèn nói thẳng: "việc xét lại hiệp ước ấy là chuyện sinh tử (fatal) cho Ukraine." Hiểu cho rõ là Nga sẽ không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Nếu Ukraine có bị xâm lăng (ai xâm lăng"!) thì ráng chịu.

Vì sao khủng hoảng giữa Nga và Ukraine lại làm Liên hiệp Âu châu u đầu"

Liên bang Nga bán khí đốt cho các nước Âu châu, và 80% lượng khí đốt ấy phải chạy qua hệ thống ống dẫn khí nằm trên lãnh thổ Ukraine. Vì địa dư hình thể, Nga không và chưa có giải pháp nào khác hơn là dùng đường chuyển vận ấy. Ukraine không có giải pháp nào khác hơn là mua khí đốt của Nga, nếu giá tăng gấp bốn, kinh tế sẽ khủng hoảng, dân tình thiếu khí đốt sưởi ấm sẽ nổi lửa đốt cháy cuộc cách mạng cam của Tổng thống Viktor Yushenko. Dù có trưng thu 15% trên lượng dầu khí bán từ Nga qua Âu châu, ngân sách của chính quyền Kiev cũng không bù nổi một đợt tăng giá như vậy. Nếu Nga cúp khí đốt cho Ukraine thì cũng cúp luôn khí đốt cho Âu châu, khiến Liên hiệp Âu châu thiếu khí ngay giữa mùa lạnh.

Chúng ta có đầy đủ yếu tố của một bi hài kịch theo lối xẵng giọng cãi nhau như của trẻ nít. Nhưng, đây là chuyện dịa dư chính trị sinh tử. Liên bang Nga không muốn Ukraine ngả theo Tây phương và bắt chính quyền mới tại Kiev phải trả giá cho sự chọn lựa này. Bị đẩy vào một thế kẹt rất phũ phàng, Ukraine dọa chơi trò Thiên địa đồng thọ - muốn cúp thì cúp luôn.

Ngay vào ngày đầu năm mới, Thứ Hai mùng một, Nga thò tay giảm sức ép thổi khí đốt qua Ukraine, với lời giải thích: vẫn cung cấp đủ cho Âu châu, nếu lưu lượng khí có giảm thì đó là do Ukraine ăn cắp ở giữa! Kiev trả lời: Láo! Ukraine dùng dự trữ khí đốt của mình và lấy thêm khí đốt từ Cộng hòa Turkmenistan - trong ống dẫn khí chạy qua lãnh thổ Nga.

Các nước Âu châu, đứng đầu là khách hàng quan trọng nhất, Cộng hòa Liên bang Đức la trời: sao khí đốt lại giảm vào đúng ngày đầu năm như vậy" Liên bang Nga bèn tri hô: họ sẽ bơm thêm 100 triệu thước khối một ngày cho Âu châu, nhưng nếu lượng khí đốt ấy không tới Âu châu thì đó là lỗi tại Ukraine đã ăn cắp ở giữa. Đại diện Âu châu có thể qua tận đầu nguồn để kiểm chứng điều ấy.

Các Tổng trưởng Năng lượng Âu châu phải thâu ngắn kỳ nghỉ để họp hội nghị khẩn cấp vào Thứ Tư mùng bốn - khi độc giả đọc bài này - để kiểm điểm tình hình: trong ngày đầu năm, lượng khí đốt giảm khoảng 30% cho một loạt quốc gia như Đức, Pháp, Ý, Ba Lan, Tiệp, Áo, Slovakia, Hung và đến 50% cho Serbia.

Nga đã bơm thêm khí sau khi bị Âu châu than phiền, và tình hình tạm ổn định nhưng các nước Âu châu phải duyệt lại chiến lược năng lượng của mình: đến 40% số khí đốt tiêu thụ tại Âu châu phải mua từ Nga, 80% số đó lại quá quan Ukraine. Ngẫu nhiên đầy mỉa mai của lịch sử là Liên bang Nga chủ trì hội nghị của Nhóm G-8 vào cùng ngày Thứ Tư với nghị trình là "an ninh về năng lượng", và chủ tọa hội nghị các Tổng trưởng Năng lượng Âu châu trong phiên họp khẩn cấp là Ủy viên Năng lượng Liên hiệp Âu châu, thuộc Cộng hòa Latvia, một trong các nước chống Nga mạnh nhất vì xứ này từng bị Liên xô thôn tính mấy chục năm liền!

Chúng ta có một kịch bản lý tưởng về đòn khí công chính trị. Liên bang Nga không cần tiền của Ukraine chỉ muốn kéo Kiev ra khỏi sức hút của các nước dân chủ Âu châu và trung thành với vai trò phên giậu cho Nga. Chính quyền Ukraine cho là Putin chỉ dọa già chứ không dám làm thật, Nga bèn làm thật, giảm lượng khí đốt làm Âu châu hốt hoảng, sau đấy lại tăng công lực cho Âu châu thấy thiện chí của mình, và quy ra tội ăn cắp của Ukraine.

Nằm giữa mắt bão, Ukraine do dự giữa hai giải pháp: cứ hút khí đốt của Nga bán cho Âu châu và bị Đức kết án nặng nề, bị dư luận Âu châu than phiền; nếu không thì thiếu khí đốt và lãnh hậu quả kinh tế tài chánh. Cơ hội trở về cho Yulia Tymoshenko, cựu Thủ tướng và Tổng trưởng Năng lượng Ukraine, bạn đồng hành của Tổng thống trong cuộc Cách mạng Cam"

Liên hiệp Âu châu - nhất là nước Đức - được đặt trước bài toán nan giải: phát huy dân chủ tại Ukraine là điều có lợi, nhưng thiếu khí đốt ngay giữa mùa lạnh lại gây một mối hại còn lớn hơn mà chẳng chính quyền nào muốn. Cuộc Cách mạng Cam tại Ukraine là do Hoa Kỳ đề xướng, với sự cổ võ chẳng mấy kín đáo của Ba Lan, trước sự ân cần thụ động của các nước Tây Âu: có thì càng hay, không thì cũng chẳng sao. Riêng nước Đức thì chẳng ưa gì cả Ba Lan lẫn Hoa Kỳ. Bây giờ, cuộc cách mạng ấy lại gây ra khủng hoảng về năng lượng ngay giữa mùa Đông cho Âu châu thì thật bất tiện!

Trên đại thể, lãnh đạo Pháp và Đức sẽ nhìn qua… Mỹ: lại một hậu quả bất lợi cho Mỹ gây ra cho Âu châu!

Trong khi Nga khoanh tay chờ đợi sự công hiệu của đòn khí công mùa Đông, Đức sẽ bận rộn gây sức ép với Ukraine và gây mâu thuẫn với Hoa Kỳ vì món quà dân chủ. Nữ Thủ tướng Đức vừa nhậm chức chẳng thích thú gì với chọn lựa ấy vì thực tâm không muốn gây hiềm khích với Mỹ như vị tiền nhiệm, nhưng bà chẳng còn sự chọn lựa nào khác hơn là đảm nhiệm vai trò trọng tài trong trận đấu khí công giữa Nga và Ukraine.

Hoa Kỳ có thể làm gì được lúc này" Rất ít, ngoài một số phát ngôn chính thức và vận động ngoại giao ở hậu trường. Truyền thông Mỹ sẽ lại hòa điệu với Đức, Pháp và Nga: chính quyền Bush lý tưởng sảng, cứ xúi nước khác phát huy dân chủ mà bất kể đến hậu quả. Lỗi tại Bush cả! Còn dư luận Mỹ" Ukraine là gì, ở đâu, liên hệ gì đến chuyện xăng dầu của mình" Không đáng chú ý quá vài giây trên truyền hình.

Có ai nghĩ là cách mạng dân chủ lại bốc khói - và có khi bốc lửa - như nước hòa trong khí đốt thế này! Chúc mừng năm mới với đòn phép mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.