Hôm nay,  

Hoa Đào Năm Ngoái... Còn Cười Gió Đông?

30/12/200500:00:00(Xem: 5625)
I- Thương lắm đào ơi!

Xa Hà Nội cả nghìn dặm, bao nhiêu người dân từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra ngoài nước đều quan tâm đến số phận của làng đào Nhật Tân - Một yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá Thăng Long Hà Nội... Thế mà hết năm này sang năm khác, cả nghìn hecta cứ bị chặt phá, vùi lấp, nhường chỗ cho việc đô thị hoá. Trong khi dân làng Phú Thượng, Nhật Tân ôm mặt khóc "Thương lắm đào ơi"... thì lãnh đạo trung ương và thành phố không hề ngoái lại, còn tích cực thổi kèn đám ma đưa tiễn đào về với huyền thoại, dĩ vãng. Cho dù công lao của người làng đào đóng góp cho cuộc sống của người dân mỗi độ xuân về không hề nhỏ.

Vừa là ngành kinh tế, vừa mang tính văn hoá, lại là di sản lâu đời của đất Kinh kỳ nghìn năm văn vật, vậy mà... Thay vì hài hoà cả lợi ích kinh tế cũng như bảo tồn gía trị văn hoá cho Hà Nội, người ta bắt phải dinh đào ra ngoài bãi sông, sống chết mặc bay. Cần xây là phá.

Lặn lội theo ông Nguyễn Văn Trúc - cụm 5 phường Nhật Tân - người đã sản xuất ra những cây đào thế giá hàng chục triệu, bán trong các dịp tết từ 2004 đổ lại, chúng tôi tranh thủ hỏi ông về bí quyết của nghề trồng đào và số phận cây đào hiện tại, liệu có thể đưa khoa học công nghệ vào trồng đào và cải tạo cây đào, như thế giới đã từng cải tạo hoa hồng để lai tạo ra những loài đào đa dạng: trắng, vàng, đỏ, tím, phớt hồng - như trong báo cáo của chủ tịch quận Tây Hồ (ngày 9/6/2004) được không" Ông bảo:

- Dân đào chúng tôi có bí quyết riêng, không thể tiết lộ được, trong nhà chỉ truyền cho con trai, con gái lấy chồng xa cũng phải bảo vệ bí mật gia đình, nên không được phép biết. Còn việc các ông quận, ông thành cậy mình là cha mẹ dân, nên cứ nói bừa. Đấy đâu phải là ý tưởng táo bạo trong việc cải tạo lai ghép giống đào, mà là sự nhắm mắt nói liều, chả biết tí gì về bí quyết trồng đào, làm sao có thể đa dạng hoá thành muôn hồng nghìn tía được" Trồng đào chứ có phải sản xuất đào nhựa, đào giấy đâu"

- Còn việc dành chỗ xây dựng một công viên đào, nơi lưu giữ những cành đào đẹp, đào di sản cho khách muôn phương đến thưởng lãm, và cung cấp đào tết cho nhân dân"

Ông chăm chú nghe, nét mặt đăm chiêu căng thẳng rồi bộc lộ thẳng những bức xúc của mình:

- Đấy chỉ là những mỹ tự được chiết ra từ miệng ông chủ tịch quận, của lãnh đạo sở quy hoạch, sở văn hoá hay chủ tịch Uỷ ban nhân dân Phường mà thôi. Các ông ấy nói thì bao giờ chả đẹp, chả hay. Nào: Nghề trồng đào là một ngành kinh tế văn hoá, vừa mang tính văn hoá vật thể vừa là di sản văn hoá phi vật thể lâu đời của đất Kinh kỳ nghìn năm văn vật, vì vậy đào Nhật Tân không thể mất.

Nào là: Hà Nội cần phải xây dựng và phát triển thành thủ đô văn minh hiện đại, vì thế việc đô thị hoá là một quá trình tất yếu để hài hoà được cả lợi ích kinh tế cũng như bảo tồn gía trị văn hoá. Nào là: Phải xác định các khu vực làng xóm được giữ lại để cải tạo chỉnh trang theo đúng quy hoạch trồng đào, kèm bản đồ, toạ độ cụ thể v.v và v.v. Song thực tế thì ngược hẳn 180 độ. ăn như rồng leo, nói như rồng cuốn còn làm như mèo mửa là vậy.

Lần lượt chỉ tay ra các khu vực xung quanh, ông thủng thẳng:

- Đấy các cô chú xem khu vực trồng đào đã được chủ tịch quận Tây Hồ xác định trong báo cáo ngày ngày 9/6 /2004 đây: Tất cả gồm 5 khu vực, tổng cộng 50 ha bao gồm khu 1 rộng 8 ha; khu 2: 5 ha; khu 3: 20,8 ha; khu 4: 10 ha và khu 5: 6,2 ha. Tất cả được quy hoạch để bảo tồn đào, song lại nằm ngoài bộ mặt trung tâm và vùng điển hình cơ bản của làng đào Nhật Tân cổ truyền. Vừa rời rạc, vừa manh mún lại bị đặt vào các vị thế bất cập. Hoặc lọt thỏm trong vùng xây dựng các công trình dân dụng nham nhở cao tầng, hoặc bò dài theo các đường giao thông tấp nập, kể cả đường vành đai, vành trục... Như thế, để trồng đào cũng khó, huống hồ phát huy sức mạnh bảo tồn cho khách du lịch muôn nơi đến thưởng lãm, mua đào chơi xuân"!

Chỉ vào những ngôi nhà cao tầng đồ sộ trong khu vực quy hoạch I, ông Trúc bảo: Trước năm 2000 nó là đất để trồng đào, còn bây giờ cả quận cũng như thành phố chịu rồi, người ta chỉ chú ý tới vật chất trước mắt chứ cái gọi là "di sản văn hoá phi vật thể" dù lâu đến cả nghìn đời ai tính"

Tại khu vực 3, quy mô 20,8 ha, vừa nằm dưới đường dây điện cao thế, vừa khoanh cho việc xây đường dẫn cũng là đầu phía nam cầu Nhật Tân, ông bảo:

- Chỗ này,năm tới sẽ mọc lên một cây cầu, xung quanh nó sẽ là những khu đô thị hiện đại như chính mắt anh chị thấy... làm gì còn đất cho đào ở" Nếu xót lại 1, 2 ha... Tôi tin - người dân chả dại gì "một nắng hai sương" với cây đào đâu. Họ sẽ thích nghi ngay trong việc "chuyển đổi mục đích sử dụng đất và kinh doanh" cho có lợi nhất. Thay vì thu một năm 20 triệu tiền đào, thì họ bán béng đi lấy 2 tỷ bỏ túi.

- Thế đâu là dinh đào, rừng đào, hay trung tâm đào mà báo cáo thường xuyên nhắc tới"

- À, ông cười, đấy là tên cổ, còn bây giờ nó là nhà khách Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội... Đấy, nó đãy - ông chỉ tay sau một hồi săng sái bước, khiến chúng tôi chạy theo tướt bơ.

Tấm biển kẻ bằng chữ to chỉ tên khu vực Uỷ ban và công trình nhà khách mọc lên uy nghi trên vùng đất xưa, khiến tôi sửng sốt:

- Thế nghiã là nó đã bị loại bỏ từ trước ngày có quyết định số 47 năm 2001 à"

- Tất nhiên, ông bảo - dinh đào chỉ là một khái niệm mơ hồ, đẹp nhưng không ra tiền, ra gạo thì người ta thay bằng dinh khác cho hợp lệ hơn" Miễn có lợi cho cả ba bề, bốn bên, cả người ký, người xây, người ở... Còn đào thì người ta sẽ nhắc đến nó khi kể cho đám con cháu nghe: "Ngày xửa ngày xưa... vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ ba, tức năm 2000, nơi đây có một rừng đào còn gọi là dinh đào... ông đau xót nói.

- Đúng là đất chật người đông, đào không còn đất sống nữa rồi, anh bạn đi cùng rên rỉ

- Chú nói rất phải, nghệ nhân Trúc xác nhận: - Văn bản về công tác quy hoạch và bảo tồn làng đào của thành phố có đặt ra, song đặt mà không giữ, không bảo vệ chỉ tổ vướng thêm" Cụ thể đất đào hàng nghìn ha, thì vài trăm ha đã bị nhà nước lấy giao cho Ciputra mở đô thị mới rồi. Thay vì những cánh hoa đào nở rộ trước làn gió xuân ấm áp, nơi đây sẽ mọc lên những toà cao ốc, những khu biệt thự và chung cư đủ loại, vừa khang trang, đồ sộ vừa tân kỳ, hiện đại. Số quỹ đất còn lại thì ngoài một mảnh rộng xây nhà khách của Uỷ ban thành phố, các mảnh khác đã quy hoạch hết rồi, mảnh làm trường tiểu học, mảnh mở đường chạy ra hồ Tây, mảnh làm nhà văn hoá thiếu nhi quận.

Thế còn khu vực 4,5 bên kia đường Lạc Long Quân" anh bạn đi cùng - phóng tầm mắt ra xa phỏng vấn:

- Đường Lạc Long Quân ư" Nghệ nhân trả lời, giọng thảng thốt: - Bên trái làm trụ sở các cơ quan công ty thuộc quận, còn bên phải... chả phải đã san nền chuẩn bị đấu giá để xây cất các công trình công cộng đấy sao"

Tôi chưa kịp đặt câu hỏi anh bạn đã nhanh miệng hỏi tiếp:

- Ngoài phần gọi là dinh dào ra, ngày trước hẳn có cả một cánh đồng trồng đào đẹp lắm, thưa bác"

- Đúng thế! Nghệ nhân bần thần xác nhận, dinh chỉ là trung tâm thôi, còn cánh đồng đào ngày xưa trải rộng 28 hecta cơ, tiếc rằng 26 hecta đã bị "dạ dày khổng lồ" của công cuộc đô thị hoá "chén" rồi, chỉ còn 2 hecta, năm nay làm đường vành đai, coi như hết...

- Nhưng thực tại nó vẫn được đưa vào quỹ đất để bảo tồn đào, tôi nhắc.

Nở nụ cười hình thoi trên khuôn mặt già cả, bệch bạc trông như mếu, ông xác nhận:

- Thì các ông ấy ngồi bàn giấy, nghe các "quân sư quạt mo" bày đặt thế nào chả gật. Một mảnh đất bằng bàn tay mà "năm cha, ba mẹ" xô xát, lấn lướt, đào làm gì còn chỗ sống, đến mức đất làng Sù (Phú xá) thuộc đất của phường Phú Thượng chằng chịt những đường dây điện cao thế, không sử dụng xây nhà được vì sự nguy hiểm của sóng điện, cũng đưa vào khu vực 3 để trồng đào, có chết người không"

- Thì ra đây là khu đất phải bảo vệ chứ không thể bảo tồn nghề trồng đào truyền thống của làng được" Tôi hỏi lại.

Ông trả lời thẳng tưng:

- Cho dù không có đường điện cao thế đi chăng nữa thì người dân Phú Thượng cũng chẳng dại gì cho người làng Nhật Tân chúng tôi nhảy vào trồng đào trên đất họ.

- Còn việc rinh đào ra bãi" Tôi nôn nóng - trong báo cáo của lãnh đạo quận trình lên cấp thành phố và trung ương đầu năm 2005 đã nói rõ là: Mấy năm gần đây trời khô hạn, trồng đào ngoài bãi thu nhập cao hơn trong cánh đồng (190 triệu đồng một ha so với 160 triệu đồng/ha/năm) vì vậy mạnh dạn đưa cây đào ra bãi để trồng xen canh các loại hoa khác.

Thông cảm với kẻ ngoại đạo, chỉ biết sắm đào chứ chưa từng trồng đào bao giờ, ông bần thần bảo:

- Nói thật với anh, chị, gia đình tôi ở đất đào đã lâu nên tôi biết sông Hồng là một con sông dữ, việc đưa đào ra bãi tuy có thu nhập cao hơn trong cánh đồng nhưng chỉ nên xem là giải pháp tình thế, chứ không ổn định lâu dài được, lơ tơ mơ là lũ cướp trắng. Còn bỏ sức người sức của ra để tôn nền, đắp đê bối thì biết bao nhiêu cho lại"

II- Đi về đâu hỡi ai"

Tết 2006 đang gần kề, Đào Nhật Tân vẫn vắng bóng trong cái gọi là "khu vực làng xóm được giữ lại để cải tạo chỉnh trang theo đúng quy hoạch trồng đào" (kèm bản đồ, toạ độ cụ thể). Việc quan trọng nhất là bảo vệ dinh đào vốn được coi là "quỹ văn hoá của người Việt" mà phường Nhật Tân phải thay mặt hàng triệu người Việt Nam gìn giữ, lại không hề được đề cập đến. Người ta quen dùng những mỹ tự với sắc đỏ, sắc vàng của cờ và cả búa liềm cộng sản để áp đặt chứ không phải sắc đỏ của đào, sắc xanh của lá, sắc nâu của thân cây bị tàn phá. Vì vậy từ bốn năm nay đào đã bị bao lớp cát phũ phàng vùi lấp, mặc người dân trồng đào ngơ ngác không biết rời cây đào rồi thì cuộc sống của họ sẽ ra sao" Hay cũng như số phận người trồng hoa ở phường Ngọc Hà bây giờ" Đang từ một làng nghề truyền thống được nâng cấp thành phường, khủng khiếp cả về quy hoạch xây dựng lẫn đời sống, lối sống. Bàn tay chỉ quen cầm cuốc, gánh nước, bắt sâu nhỏ cổ vun xới cho hoa, nay nhựa hoa mất sạch, thay vào đó là những nghề chụp giật, bát nháo, cốt kiếm được tiền để mưu sinh. Những nam thanh, nữ tú, yểu điểu thục nữ thướt tha, trước cơn xoáy lốc của cơ chế thị trường ngay trong làng mình, bỗng mất gốc cả lượt.

Nhịp điệu sống đang yên bình, êm ả bỗng nháo nhào, sôi động và xô bồ như thể bị đánh tráo. Quả là trò "ảo thuật" vĩ đại trong lịch sử làng nghề. Bao nhiêu gía trị ông cha dồn tâm gây dựng được - từ tập quán tri thức, kỹ năng tạo tác,không gian văn hoá, từng chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng tái tạo trong môi trường tự nhiên và lịch sử để tạo ra bộ mặt của làng bây giờ... bỗng biến mất trong vàì ngày. Thay vào đó là sự xuống cấp đạo đức, sự tác oai tác oái của đồng tiền, sự đánh tráo các quan niệm về lối sống phong cách, v.v dù được nâng cấp lên phường"""

Xem ra việc gìn giữ một vườn đào di sản đã khó, nói gì đến việc cấp đất cho một vùng đào kinh tế. Và làng đào Nhật Tân cũng như nhiều làng nghề truyền thống độc đáo khác nằm ven sông Hồng, đã không thể thoát ra khỏi dạ dày của công cuộc "đô thị hoá", cho dù có rinh đào ra bãi chăng nữa cũng phải có hỗ trợ về kinh phí để cải tạo đất bãi đắp thành đê bối thứ hai chạy theo tuyến các giếng nước ngầm bên ngoài đê bối hiện nay.

Vì vậy: Lời phát biểu của chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Nhật Tân trong báo cáo ngày 9/6/2004: Hy vọng đến 2006, nhờ sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo thành phố, Việt Nam ta sẽ có khoảng 20 hecta đất trồng đào kinh tế phục vụ rộng rãi nhu cầu hoa đào tết của nhân dân, đã hoàn toàn... bị phá sản. Trong cơn lốc đô thị hoá xô bồ, gấp gáp này, đất đào đã bị co cụm lại như bao làng nghề truyền thống khác đã từng bị xoá xổ, thôn tính trong cả nước... oan quá đào ơi.

Đất Thiêng Tây Hồ 19-12-2005

Nguyễn thị Hiền

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.