Hôm nay,  

Vụ kiện “Tiểu Bang An Toàn” - Ai chống, Ai ủng hộ? Sợ hay Không Sợ?

15/04/201800:00:00(Xem: 10042)
Bieu tinh 01
Những Người Ủng hộ Đạo Luật Sanctuary State (Tiểu Bang An Toàn).

Bieu tinh 02
Những Người Chống Đạo Luật Sanctuary State (Tiểu Bang An Toàn).

Bieu tinh 03
Giới trẻ Việt ủng hộ Đạo Luật Sanctuary State.

Bieu tinh 04
Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon, tác giả soạn  luật “Sanctuary State.”


Lớn lên dưới chế độ Cộng sản Việt Nam, tôi đã từng quen với những nỗi sợ hãi bất chợt – tiếng đập cửa nửa đêm, công an xông vào nhà khám xét, ông cậu bị bắt, nhỏ bạn thân mất tích v.v.  Phải mất nhiều năm sau khi định cư ở Mỹ tôi mới bỏ được thói quen nói thầm thì và tim đập thình thịch vì ... sợ.  Mãi sau này khi trở thành công dân Mỹ, nỗi sợ hãi mới hoàn toàn biến mất. Chiều qua, ngồi ở tòa thị chính Westminster, nhịp tim tôi đã có lúc đập thình thịch. Lẽ nào tôi đang sợ?

Mới quẹo vào bãi đậu xe người ta đã nghe rõ những tiếng hô hào từ đám đông và những chiếc loa tay. Ngay trước cổng cảnh sát đứng dàn hàng, kế bên cảnh sát là một nhóm ít người Mỹ tay cầm bảng hiệu “Build Wall – Deport All” (Xây Tường – Trục Xuất Tất Cả). Thấy có người mới đến, họ dơ cao bảng hiệu dí loa vào sát tai chúng tôi la to “No Illegal Immigrant”, “No Sanctuary City”, “No Free Ride” (Không Di Dân Lậu; Không Thành Phố An Toàn, Không Ăn Theo.) Thấy chúng tôi hoang mang, một người Mỹ khác ngay bên cạnh họ nhìn tôi cười hiền lành chỉ tay vào tấm bảng đeo trước ngực anh ta “Support Immigrant” (Ủng Hộ Di Dân).  Nhìn đến phía trước tôi thấy một đám đông chừng vài chục người, đa số là các em người Việt trẻ tay cầm loa tay cầm bảng hiệu cũng đồng thanh hô hào: “No more war. No Deportation”. Lòng vòng xung quanh là một số khách đa chủng tộc tụm năm tụm bảy chuyện trò hỏi han, mỗi người đến đây mang theo nỗi băn khoăn riêng.

Nhìn một vòng tôi nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, các phóng viên báo chí, truyền hình Mỹ và Việt, cựu nghị viên Westminster Diane Carey, cựu thị trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn, Damien Hiếu và nhóm VROC, nhóm Democracy Youth, Julie Võ, Roxanne Chow, nhóm Viet Civic Engagement... Mắt tôi dừng lại ở Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon, tác giả soạn luật “State Sanctuary” mà một số người Việt gọi là luật “Tiểu Bang An Toàn”  – là lý do tranh cãi khiến bá quan văn võ hai phe tề tựu đông đủ ở tòa thị chính chiều nay. Một phóng viên Việt hỏi ông nghĩ gì về tình hình và tương lai của đạo luật SB 54, ông trả lời: “Có 482 thành phố trong tiểu bang California. Chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay các thành phố ủng hộ Donald Trump và chính sách đàn áp di dân của ông ta. Số đông người California đánh giá cao về giá trị của SB 54.” Được hỏi về Westminster, Ông nói: “Có rất nhiều người tử tế ở đây. Rất nhiều người Việt tử tế. Tôi cũng đến đây như những công dân khác muốn lên tiếng hỗ trợ Luật California Values Act và hy vọng có thể thuyết phục hội đồng nghị viên thành phố không phí phạm tiền của từ người đóng thuế để hỗ trợ vụ kiện Donald Trump chống lại tiểu bang California.”

Đảo một vòng nhìn kỹ khắp nơi, tôi thấy an tâm. Bên biểu tình hỗ trợ đạo luật hay Phe Bênh giúp di dân gồm các em người Việt trẻ và một số người từ những cộng đồng khác như Mỹ, Mễ, Đại Hàn, Nhật etc. hăng hái hô to “Bảo Vệ Di Dân. Không Trục Xuất.” Phe Chống luật Tiểu Bang An Toàn đa số là người Mỹ Trắng tuy hô to không kém nhưng số người lèo tèo dăm bảy người. Không khí hiện tại tuy sôi nổi, căng thẳng, nhưng tương đối hòa hoãn, nghĩ vậy, tôi tìm cách vào bên trong phòng họp. Hai cảnh sát gác cửa chặn tôi lại, họ nói phòng họp đã đầy người và phải chờ đến khi có người ra mới được vào. Sau một thời gian tranh cãi cuối cùng tôi được đưa vào phòng mới giật mình nhận ra trong phòng đã đông nghẹt phe chống. Họ là những người Mỹ tương đối lớn tuổi, một số người đội nón có khẩu hiệu bênh Trump “Make America/California Great Again”, “Land that I Love”, “CNN is Fake News”, v.v., đặc biệt đã có sẵn một nhóm vài người Mỹ Trắng mặc áo có hàng chữ “Travis Allen for Governor” đã ngồi dàn hàng sẵn. Tôi hiểu ra họ đã được đưa vào phòng từ trước khi chúng tôi có cơ hội chờ đến lượt mới được vào.  

Không khí trong phòng bắt đầu căng thẳng dù chưa bắt đầu. Bên trái, cựu thị trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn và một người đàn ông ngồi kế bên bắt đầu to tiếng. Tiếng cãi nhau ồn ào khắp nơi trong phòng, ai đó la “faggot”, tôi nhìn lên, chỉ cách vài hàng ghế, một người đàn ông da trắng to con, mặt áo t-shirt bụng lòi ra ngoài mặt mày đắc ý, kế bên ông là một cô người Á Châu nhỏ tuổi nhỏ bằng nửa ông và có lẽ nhỏ hơn phân nữa tuổi của ông ngồi cạnh một cô bạn gái, cô bạn tức tối hỏi lại: “Ông nói cái gì?”. Hai bên to tiếng, cảnh sát “suỵt” họ, một bà da trắng mặc áo đầm đen xinh đẹp từ hàng bên cạnh nhìn ông đá lông nheo. Bên trái của tôi là ba em người Việt, em ngồi kế bên tôi cỡ tuổi độ 20. Thấy thị trưởng Trí Tạ và các nghị viên bước lên bục, em chìa cho tôi tấm bảng nhờ cầm hộ với hàng chữ tiếng Việt kêu gọi các nghị viên người Việt bênh vực. Tôi đang lúng túng không biết nên cầm hay không và vì sợ che người ngồi hàng dưới nên để tấm bảng xuống trước chân mình, người đàn ông da trắng độ 50 tuổi ngồi cạnh tôi nhìn tôi rồi cởi áo khoác đen bằng da to tướng thả xuống, cái áo da cồng kềnh của ông che một nửa tấm bảng đồng thời đè lên chân tôi, người đàn bà ngồi cạnh ông nhìn tôi khiêu khích: “Mày dám làm gì hở?”.

Sau khi thị trưởng và ông cảnh sát công bố lề luật bắt đầu buổi họp, trật tự được ổn định. Qua các mục thường xuyên hàng tháng, buổi họp được tuyên bố bước vào vụ đề nghị của nghị viên Margie Rice chống lại luật tiểu bang SB 54; Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon là người mở đầu. Ông nói lời hỗ trợ đạo luật do chính ông soạn thảo, nhấn mạnh rằng “Đạo Luật này hợp pháp, được tiểu bang thông qua, hoàn toàn không vi hiến”. Nhiều tấm bảng dơ cao lên đề chữ “LIE” (láo). Sau đó trong suốt buổi họp, cũng những tấm bảng này được đưa lên đều đặn, ngay cả khi một cô bé người Mễ độ chừng 15 tuổi vừa khóc vừa kể chuyện hoàn cảnh thương tâm của gia đình cô.

Có 82 người lên bục nói lên ý kiến bênh hay chống của mình, mỗi người nói 2 phút, buổi họp thành phố kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Cả hai phe dù bênh hay chống đều nêu ý kiến của họ một cách hăng say, nếu không muốn dùng chữ hăng máu. Những lý do bênh hay chống từ hai phía vì cho là vì vi hiến hay hợp lệ, vì an toàn hay nguy hiểm, vì bênh/chống di dân lậu, vì nhân quyền, bình đẳng, vì nhân đạo hay kinh tế, bất ổn gia đình, địa phương v.v...

Bên bênh luật Tiểu Bang An Toàn gồm một số chuyên viên làm việc cho các cơ quan di dân, xã hội, y tế, tôn giáo, họ đến trình bày những trường hợp họ đã từng chứng kiến cũng như những con số thống kể và nêu ra lợi hại. Đa số còn lại là các em thanh thiếu niên Việt sinh ra và lớn lên ở các cộng đồng Mỹ-Việt ở Westminster, một số các em nêu trực tiếp ý kiến đến các nghị viên qua việc phân tích về nguồn gốc và lịch sử của Westminster cũng như lịch sử tỵ nạn người Việt, với cha mẹ các em là những người vượt biển liều mạng bỏ nước được đến Mỹ nhờ nhân đạo. Bên bênh Margie Rice chống lại luật Thành Phố An Toàn đa số là những người Mỹ, một số từ địa phương như nhóm ủng hộ viên của Travis Allen, một số là những bộ mặt quen thuộc đã đi khắp các thành phố chống lại luật này. Đa số người này bắt đầu bằng lời khen ngợi dành cho tổng thống Trump, và lời cám ơn nghị viên Margie Rice đã đưa ra đề nghị này. Sau đó họ đưa ra những lý do chống đối, rằng người di dân lậu làm tốn tiền nước Mỹ, họ là những tội phạm kéo nước Mỹ đi xuống, khiến tiểu bang “Vàng” thành tiểu bang “Rác”, v.v. 

Không khí trật tự ban đầu không kéo dài được bao lâu, chỉ một thoáng sau phòng họp lại ồn ào những tiếng vỗ tay, la ó, tiếng cãi nhau, tiếng đập bàn và tiếng thị trưởng Trí Tạ yêu cầu “Respect” (tôn trọng). Một trong những người gần cuối lên nói là một người phụ nữ một tay bồng con một tay dắt theo một em bé chừng 8 tuổi lên bục, bà nói bà hiện tại là người Mỹ, quốc tịch Mỹ và khẩn khoản yêu cầu hội đồng thành phố nghĩ đến các gia đình và hậu quả của việc xé nát gia đình. Khi bà đang nói với tấm lòng và tâm huyết thì từ dưới bắt đầu những tiếng “suỵt” và những tiếng bấm nốt tay. Người đàn bà ngồi gần tôi lên tiếng: “Liar. Trouble maker.” (Đồ nói láo. Đồ gây rối). Người mẹ vẫn tiếp tục phát biểu đến hết, xong bà dắt con về lại ghế ngồi, bên cạnh bà ai đo dí sát máy chụp hình vào mặt bà đồng thời lên giọng: “Bitch.” (Đồ Quỷ Cái). Đứa bé trên tay bà khóc òa. Vài người “hàng xóm” ngồi gần bên tiếp tục thóa mạ: “Get out” (Cút đi). Bé gái lớn hơn cúi xuống ôm đầu em nó, trong khi tôi đang cố đọc xem nét mặt người mẹ nhăn lại vì giận dữ hay vì đau lòng. Tôi cũng chợt thấy lòng mình thắt lại, rồi nhịp tim tôi đập thình thịch, hệt như những ngày còn ở lại Việt Nam sau 1975 trong những buổi theo mẹ đi họp tổ dân phố thấy người ta đấu tố nhau. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh hai hàng cảnh sát hai bên và tự trấn an: Tôi đang ở Mỹ, tại một đất nước mà luật pháp và cảnh sát được sử dụng để bảo vệ người thấp cổ bé miệng, việc gì phải sợ. Vậy mà nỗi sợ hãi lại xâm chiếm khi tôi nhận ra tiếng khóc tấm tức của cả hai đứa trẻ con không ngăn chặn được sự hậm hực hung dữ của đám người xung quanh.

Không khí căng thẳng không chỉ ở phía dưới, mà ngay trên bục cử tọa, khi các thành viên hội đồng nghị viên thành phố phát biểu và bàn luận cũng đầy những đấu đá. Khi nghị viên Contreras  chất vấn nghị viên Margie Rice vì lý do gì phải đi đến quyết định vội vàng, bà Rice hậm hực: “Ông được bầu vào thành phố để đại diện thành phố, và nếu ông không làm được điều này, hãy ra khỏi hội đồng này.” Và khi nghị viên Contreras đang trình bày ý kiến của ông rằng đây là việc “làm phí tổn ngân sách vốn đã thiếu hụt của thành phố”, bà Rice liên tục lên tiếng cắt đứt lời ông. Contreras không nhượng bộ: “Lại nữa? Đã 30 năm làm việc ở nhiệm sở rồi mà sao Bà vẫn không giữ được tư cách lịch sự?” Bà Rice không chỉ “quạt” nghị viên Sergio Contreras, mà còn than phiền rằng hôm nay là ngày bà cảm thấy bị đối xử bất kính nhất. Ngồi trên bục hội đồng thành phố bà lên tiếng: “Tôi rất là thất vọng với đám trẻ. Mong rằng Bố Mẹ chúng hôm nay nghe được sẽ dạy dỗ lại chúng.” Nhiều cặp mắt phẫn nộ từ dưới hướng về phía thị trưởng Trí Tạ và nghị viên Tyler Diệp chờ đợi. Bà Rice hiên ngang chửi con em của cộng đồng của họ mất dạy vì các em quan tâm đến việc cộng đồng, xã hội và đang thực thi quyền công dân của chúng để nói lên quan điểm đối lập, mà không thấy thị trưởng hay nghị viên Việt lên tiếng bênh vực. Bà được trớn nói thêm về những người “không biết tôn trọng” luật liên bang “nên cút xéo đi chỗ khác.”

Thị trưởng Trí Tạ kể về hoàn cảnh di dân hợp pháp của ông,  kể đi kể lại việc ông được bác bảo lãnh và sự chờ đợi dai dẳng 12 năm từ ngày nộp đơn  để được nhập cư vào Mỹ “hợp pháp”, nhấn mạnh thời gian chờ đợi như thể đây là một hy sinh lớn lao mà quên mất cha ông, dân tộc ông mới ngày nào liều mình bỏ mạng ở biển khơi, ra đi khỏi Việt Nam không một mảnh giấy tờ hợp pháp và táp vào bờ bất kỳ một quốc gia nào mở lòng nhân đạo đón nhận họ.

Phó thị trưởng Tyler Diep, người đồng thuận đưa việc chống luật Thành Phố An Toàn của Margie Rice vào buổi họp hôm nay sau khi đưa ra các lý do an toàn dùng luận điệu chiến thuật hù dọa đang phổ biến trong chính trường hiện tại nói: “Bạn có dám nhìn thẳng vào mắt một người mà người thân của người đó bị những tội phạm di dân lậu sát hại nếu bạn bênh vực đạo luật này không?” Tuy lập luận này thiếu lô-gic vì không lẽ khi có người Việt Nam là tội phạm giết người thì chúng ta nên quay mặt lại vơi tất cả mọi người Việt. Có lẽ chính ông Tyler Diẹp cũng không thuyết phục được bản thân nên suốt buổi họp 4 tiếng đồng hồ, phó thị trưởng Tyler Diep mắt không bao giờ nhìn thẳng xuống phía người dân, và cứ thỉnh thoảng thì lại bỏ trống ghế đi vào bên trong.

Cuối cùng bao giờ cũng có một phe thắng cuộc và phe thua cuộc, với kết quả  3-1, gồm nghị viên Margie Rice, Tyler Diep và thị trưởng Trí Tạ bỏ phiếu chống lại luật “Tiểu Bang An Toàn” trong khi Sergio Contreras là nghị viên duy nhứt bỏ phiếu bênh luật này.

Gần 12 giờ đêm, buổi họp chấm dứt mà phòng họp vẫn ồn ào, sôi nổi. Tình hình càng trở nên căng thẳng giữa bên thắng/bên thua. Trên đường bước ra khỏi phòng, tôi đi ngang những khuôn mặt và những tiếng cãi bị nén lại suốt buổi họp đang bùng nổ dữ dội. Tôi dừng lại khi thấy người mẹ đang gắng đưa hai đứa con của bà đi ra khỏi đám đông hung tợn. Tôi giúp bà dẫn một em bé chị, còn bà bồng đứa nhỏ trên tay. Xung quanh chúng tôi là những lời hăm dọa. Ra được đến cửa, tôi tìm một cảnh sát giúp chúng tôi đưa bà ra xe, nhưng hàng loạt cảnh sát đều đang bận rộn giữ gìn trật tự. Tôi hỏi nhờ một anh thanh niên người Việt to con cùng tôi đi theo bà ra xe.

Đứng nhìn theo xe người mẹ và hai con bà khuất mắt, bỗng lòng tôi dấy lên một nỗi sợ. Tôi sợ mai này khi bà đi ra đường những kẻ quá khích ở đây tìm bà hành hung như họ đã đe dọa? Tôi sợ cho em bé gái người Mễ và gia đình của em liệu có được yên ổn? Tôi sợ rằng ở ngay trong tòa thị chính Westminster nơi mà số đông nghị viên là người Việt (3/2), họ vẫn là sức mạnh thiểu số. Tôi sợ số người hung dữ đội mũ đỏ “Make America Great Again” ngày càng sinh sôi nảy nở ngay giữa thành phố này. Và luật pháp nước Mỹ liệu sẽ có ngày chỉ còn dùng để bảo vệ họ. Tôi sợ một ngày nào nỗi sợ hãi sẽ trở lại thống trị...

Ngoài kia, giới trẻ và các nhóm tranh đấu vẫn can đảm bên nhau chống lại những lời miệt thị, hù dọa. Các em vẫn đồng thanh la to: America for All. America for All. America for All... Tôi ra về với lòng khâm phục sự can đảm của các em, và thấy an tâm biết rằng các em rồi sẽ thay mặt cha anh trở thành những người lãnh đạo thật sự.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.