Hôm nay,  

Không Có Gì Phải Bi Quan

02/04/201800:00:00(Xem: 4033)
Vi Anh
 

Từ ngày vượt thoát khỏi gông cùm CS, người Việt Hải Ngoại đã liên tục chiến đấu, tranh đấu cho tự do, dân chủ, và nhân quyền cho đồng bào còn kẹt trong nước nhà VN. Ròng rã  42 năm trường, cả nửa đời người mà chế độ độc tài CS chưa sụp đổ. Trong khi đó, CSVN mở cửa và đổi mới kinh tế, mở rộng bang giao, giao thương, và địch vận chiêu dụ  người Việt Hải Ngoại gởi tiền và về thăm quê, làm cuộc đấu tranh nhiều khi mất nhuệ khí. Thoái trào tâm lý đấu tranh và thái độ thụ động chánh trị  của một số không nhỏ người Việt Hải Ngoại làm cho cuộc đấu tranh bớt hăng và người đấu tranh suy nghĩ. Không ít người thích đi xướng ca, xem văn nghệ, văn gừng, nhảy đầm, nhảy đực, chê những người đấu tranh chống Cộng là chống gậy. Có tổ chức trao giấy vinh danh, chìa khoá vàng, khoá bạc cho ca nhạc sĩ! Nhưng phân tích một cách khoa học lạnh lùng, tình hình đấu tranh trong tập thể người Việt Hải Ngoại không xuống, không có gì phải bi quan, chán nản.

Một, về lịch sử nước nhà. Thái độ thụ động chánh trị này không phải mới xảy ra, mà đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử chống xâm lăng. Nếu không, thì đâu có những danh ngôn như , “Anh hùng như sao buổi sáng; hào kiệt như lá mùa thu” thời chống  quân Tàu hay “Nếu đường đời bằng phẳng cả, thì anh hùng hào kiệt có hơn ai” thời chống Pháp.

Hai, về tâm lý xã hội học. Thái độ thụ động chánh trị, ngay ở nước dân chủ kỳ cựu như Anh, Pháp, Mỹ hiện giờ cũng có và có nhiều nữa là đằng khác. Cuộc đấu tranh dai dẳng của thứ dân Anh đòi dân chủ, cuộc Cách mạng 1789 Pháp lật đổ vương quyền, Chiến tranh Độc Lập của Mỹ chống Thực dân Anh, lập quốc gia và chế độ dân chủ; những cuộc chiến tranh, chiến đấu giành tự do, dân chủ, dân quyền ấy biết bao gian lao khổ sở. Thế nhưng bây giờ khi có tự do, dân chủ rồi, không ít người Anh, người Pháp, người Mỹ coi đó như món quà trời cho, đương nhiên có. Tỷ lệ người dân đi bầu ra chánh quyền dân cử ở Anh và Pháp thường không quá 60% và ở Mỹ không hơn 50%.

Ba, thái độ thụ động chánh trị ở một mức độ nào đó  là bản tánh con người, do khuynh hướng cầu an, cầu lợi, ham vui sợ suy nghĩ thúc đẩy và tự  biện minh “mình” khôn hơn người. Trong mua bán, con người đi nhiều nơi, dọ nhiều giá, để chọn lựa. Trong chánh trị, hành động, thụ động, bất động đều là tính toán cả.

Bốn, phóng chiếu phân tích lên bình diện thực tiễn chánh trị của xã hội nói chung, kết quả bầu cử của một số nước dân chủ cho thấy đại loại có 3 thái độ chánh trị: bất động, thụ động và năng động. Thành phần thứ nhứt, bất động chánh trị chiếm khoảng 40% quần chúng. Không ghi danh bầu cử, không đi bầu và  lý luận  bầu ai lên cũng vậy, thêm hay bớt một lá phiếu cũng chẳng ăn thua gì:  “Có ta vũ trụ thêm gì, Không ta vũ trụ vẫn quay đều đều.” Độc tài và CS là chế độ muốn khối quần chúng bất động này tăng lên càng nhiều càng lợi cho họ. CS họ nói xấu chánh trị, tuyên truyền làm chánh trị là dơ dáy, xôi thịt, đấu đá, tranh giành, phản phúc, và hăm doạ làm gì còn châm chước được, chớ đụng vào chánh trị thì vô phương cứu gỡ. Nhưng thực sự hơn ai hết họ biết quá, chánh trị là sự tổng hợp mọi phạm trù sinh hoạt xã hội, nên CS giành độc quyền làm chánh trị.

Thành phần thứ hai, thụ động chánh trị, chiếm khoảng 50% quần chúng. Số người này không bất động nên  nếu được lôi cuốn sẽ tham gia nhưng không bền bĩ, lửa đấu tranh dễ tàn lụi. Đây là đối tượng chánh các chánh đảng, ứng cử viên, những nhà đấu tranh cố gắng lôi cuốn, lôi kéo vào.

Và thành phần thứ ba là năng động chánh trị, chỉ chiếm khoảng 10%. Đó là những người yêu nước, thương nòi,  thiết tha, bén nhậy với quyền lợi dân tộc, nhân loại. Từ đó xuất thân những sĩ phu lo trước thiên hạ, vui sau mọi người ở Trung Hoa ngày xưa, và những thành phần “ưu tú” của Tây Phương bây giờ. Đó là chất men của các cuộc đấu tranh chánh trị, cải lương hay cách mạng xã hội như Thánh Gandhi ở Ấn, Mandela ở Nam Phi chẳng hạn.

Năm, phóng chiếu phân tích lên bình diện thực tại của người Việt trong ngoài nước, cho thấy cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN không có gì phải bi quan. Thứ nhứt về tôn giáo trong nước đều kiên trì giương cao ngọn cờ đấu tranh cho tự do tôn giáo. Về chánh trị đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, số sĩ phu, trí thức, nhà văn, nhà báo, luật sư, sinh viên và số  đảng viên CS phản tỉnh bỏ đảng đòi dân chủ và nhân quyền cho VN ngày càng nhiều, người này ngã người kia xông lên, mặt trận và phong trào đấu tranh ngày càng tăng. Và nhiều nhà tranh đấu, nhiều người dân  thầm lặng đang chờ cơ hội lật đổ bạo quyền độc tài CS. Khối quần chúng thụ động bí mật đã bước đầu được lôi cuốn vào cuộc đấu tranh, nên cuộc đấu tranh đã phát triển từ điểm sang diện, từ phẩm sang lượng.

Xã hội VN số người năng động không thiếu như chí sĩ, chiến lược gia Nguyễn Trãi đã nói, đất nước có lúc thịnh suy nhưng anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Nếu Âu Mỹ có 10% người có đầu óc chánh trị. VN vì bị kẹt gọng kềm CS, số người có thể ít hơn, giả sử chỉ còn 5% dân số, thì số người ấy tỷ lệ cũng lớn hơn đảng viên CS và người ăn theo, khoảng 4% thôi. Nếu cộng số người Việt Hải Ngoại quốc tế vận năng động vào và số người thụ động được lôi cuốn vào cuộc đấu tranh, bi quan nhứt số người chống CS sẽ đạt không dưới 50%. Đủ để làm một cuộc cách mạng nhung như ở Ba Lan thời CS hay ở Ukraina thời hậu CS./.(VA)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.