Hôm nay,  

Chuyện Dài Dài Thẩm Mỹ: Xóm Nhỏ Có Bà Chèo Cổ...

17/03/201800:00:00(Xem: 1915)
Trương Ngọc Bảo Xuân
 

Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,

Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

...

Hôm trước đọc báo thấy mấy câu thơ này, tôi nhớ chuyện xưa:

Thời mới vô Trung Học, tôi có nhỏ bạn hàng xóm tên Hoa.

Chiều tối cơm nước xong, tôi hay qua nhà nó chơi. Hai đứa ngồi trên cái bộ ván trong bếp, già chuyện. Đang thơ thẩn bàn về bài thơ Chuyện Tình Hai Sắc Hoa Tygon của TT Kh gì đó bỗng nhỏ Hoa giựt mình, lận lận trong túi áo, moi cái gì ra, màu xanh xanh rồi nhét vô tay tôi, nói nhỏ:

- Ý. Nhắc vụ thơ thơ tao mới nhớ. Nè. Dấu đi. Dấu lẹ đi để chị Năm chỉ thấy chỉ méc ba mày là rồi đời.

Tôi nhìn xuống. Một lá thư. Trời. Hết hồn. Đẩy tay nó ra, nắm tay mình lại như từ chối, giọng thì thào, môi run run lập cập nói một hơi:

- Trời trời. Gì vậy mậy. Trời trời thơ con trai hả mậy. Trời trời tao hổng dám nhận đâu. Trả lại cho người ta đi... ờ ờ mà thơ của ai vậy mậy."

Hoa cứ dúi dúi vô tay tôi:

- Bà nội. Khoái thấy bà còn làm bộ. Lấy đi. Người ta mượn tao đưa từ hồi tối qua mà tao phải đợi tới bây giờ mới đưa được mầy nè. Cất đi mầy.

Đẩy qua ấn lại vài lần... Tôi bèn... tay lật bật... cầm đại, thù thì:

- Của ai của ai? Ai dị … ai đưa dị???

Hoa cười cười đuôi mắt lém lỉnh:

- Đoán thử coi.

Tôi phát bực, nạt:

- Hơi sức đâu mà đoán. Tao ghét cái giọng úp úp mở mở của mầy quá hà. Nè. Để tao mở ra coi thì biết liền.

Hoa chận tay tôi lại:

- Ế ế, khoan mậy. Gan trời. Chị Năm mà méc ba tao bầy đặt tụ tập, chuyền thơ tình tự, mèo mở, ổng đập tao chết nghe mậy. Có người mới nhờ đưa cho mầy đó.

Tôi nói:

- Làm như tao hổng sợ. Ba tao cũng khó thấy bà. Mà điều, mầy đưa cuốn tập mầy đây, nè, để tao nhét vô tập rồi mặc sức mà đọc. Đố ai biết.

Lá thư biến sau trang sách rồi, tôi lén lén dâu dấu mở cái bao thơ ra.

Trời! được con trai gởi thơ. Cảm giác lạ lùng làm sao. Tim tự nhiên nhãyhụt mất mấy nhịp. Mặt mày chắc đỏ phừng lên. Hay là xanh lè? Ý là chưa biết ai gởi đó à. Nếu phải là từ người mình cũng đang... để ý, chắc trái tim rớt cái phịch xuống đất!.

Liếc mắt xuống góc. Tên Hiệp. A a a ... Hiệp nầy là một người tôi không bao giờ ngờ, không bao giờ ngờ đã nhớ tới tôi và gởi thơ làm quen. Đây là Hiệp của thời tôi học trường Tiểu Học Tôn Thọ Tường còn “chàng” học trường Trương Minh Ký, năm lớp Nhứt (là lớp 5 bây giờ). Tôn Thọ Tường nằm trên đường Trần Hưng Đạo, băng qua đại lộ là tới Trương Minh Ký.

Hồi xưa, một số học trò hai trường nghinh nhau, ghét nhau như hai cường quốc Nga với Mỹ thời còn chiến tranh lạnh. Học trò trai bên trường Trương Minh Ký mà dám xách cặp băng ngang đại lộ Trần Hưng Đạo, phớt qua cổng trường Tôn Thọ Tường là sẽ bị mấy đứa rắn mắt lanh chanh như nhóm tụi tôi la um sùm liền:

-Ê ê, Trương Minh Ký bắt chí Tôn Thọ Tường g g g...

Gặp mấy cậu nhát nhát thì lắm lét bước cho lẹ qua khỏi vùng cấm đạo còn cậu nào ngon lành dạn dĩ thì sẽ đứng lại trả đủa ngay, thơ trả theo thơ:

-Ê ê Tôn Thọ Tường ăn đường ỉ … chãyy y y... Mấy con quỉ cái coi chừng tao đục vô mặt à...

... là kể như tụi tôi ré lên cười một cách rất ư là “dô diên” rồi ùa chạy, núp vô sau cổng trường rồi lêu lêu cu cậu. Cu cậu trừng mắt hầm hừ ngoài cổng một hơi mới bỏ đi.

Cha mẹ nào nghe những câu đối đáp kinh khủng ấy mà không kêu Trời, tôi phục đó.

Mà khoan, chuyện về chàng Hiệp nầy, “Hiệp của tôi”, sẽ kể trong một thời điểm khác. Bây giờ, sẽ nói về “người ta” là Hiệp của nhỏ Hoa.

Hiệp này đang học ở trường Trung Học Petrus Ký chung với Hiệp kia nên mới có lá thư làm quen này.

Nó yêu thầm trộm nhớ anh chàng Hiệp ngang nhà chắc đâu từ hồi mới học lớp Nhứt. Con hẻm này, người ta xây nhà lên, từ thời Sài Gòn còn có tên Bến Nghé chắc? vì nhà nó xây theo kiểu vila của Pháp, vậy chắc nhà xây từ hồi Pháp còn làm “xếp sòng” ở Việt Nam.

Hai dãy nhà ngói tường xi măng gạch bông đâu mặt nhau, mỗi bên hình như là có 10 căn, kiểu y hịt nhau. Những nhà xung quanh thì vách ván hay vách tone, lợp tone lợp lá tùy túi tiền.

Nhỏ Hoa bắt đầu để lộ tình yêu của nó ra, với tôi. “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” ngồi trong nhà nói chuyện với tôi mà cặp mắt nó dõi theo bóng anh chàng Hiệp phong lưu ngang nhà.

Hiệp là một học sinh rất giỏi. Y học trường Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) trong khi hai đứa tôi thi rớt phải học trường tư.

Hiệp có một phong thái rất đặc biệt. Mới cỡ mười ba mười bốn thôi mà Hiệp có tướng đi rất khoan thai, khuôn mặt đẹp trai như tài tử.

Khi gặp tôi, Hiệp gật đầu một cái nhẹ. Với Hoa thì Hiệp có nói chuỵên qua lại vài câu vì nhà ngang mặt nhau, ôi hoàn toàn không biết cha mẹ Hiệp làm nghề gì mà về sau nghe nói Hiệp ra dược sĩ. Thời đó phải có tiền hay học giỏi xuất sắc mới có cơ hội thành công như vậy.

Có khi thấy Hoa mơ màng bài vở không làm, tôi hỏi:

-Hoa. Hiệp có biết mầy thương Hiệp hông? nói đại ra đi chớ mầy cứ thẫn thờ như ba trợn coi chừng người ta kêu mầy là con khùng à.

Hoa không nói gì, ngó ra ngoài cửa, ngó lên trời, mặt mày đờ đẫn.

Bây giờ, hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi không gặp lại Hoa nữa.

...

Dân trong xóm có đủ thành phần, buôn bán, công chức, tư chức, nhà thơ, giám thị trường học, vợ bé, tình nhân dấu diếm. (Chuyện này tôi biết rõ vì người con gái cỡ tuổi hai mươi rất đẹp với mái tóc đen dài da mặt trắng như thạch cao, nghe nói là sinh viên đại học nào đó, sống kín đáo ngang nhà tôi là người yêu của một nhạc trưởng danh tiếng), dân du đãng đâm chém mướn, dân đá cá lăn dưa... mà lại rất dễ thương. Người ta sống hòa đồng với nhau, gặp nhau trong xóm chào hỏi tử tế. Thường thường ai cũng có tên hiệu hàng xóm gán cho mình riết thành danh luôn, vì vậy mà tôi không thể biết được chú Tám thợ may, ông Năm say, bà Hai bán bún, chú chệt xưng xáo, chú ba bò viên, thầy Sáu... tên thiệt là gì.

Tôi còn nhớ trong xóm nhà lá, là tuốt phía trong, phải đi qua cái cổng có vẻ hình đức Quan Công mặt đỏ cầm cây thương dài chấm đất cùng với hình khắc nổi là một con cọp dữ dằn. Bước qua cổng là mở ra một thế giới khác hẳn. Có những con đường hẻm ngoằn ngoèo, nếu quẹo qua tay trái thì sẽ gặp khu Khánh Hội tuốt luôn tới bến Bạch Đằng, nếu quẹo qua tay mặt mà đi miết sẽ bất ngờ thấy bờ đê, hai bên trồng lúa, nhà lá quán cóc ọp ẹp xiu xiu, nông dân tay lấm chân bùn trên vuông ruộng nhỏ nhoi, có xe bò, xe ngựa có con trâu kéo cày, có chợ chồm hổm và dĩ nhiên cũng có luôn tiệm chạp phô của người Minh Hương. Vậy mà từ trong xóm lá ấy có một nhân vật tôi không thể quên, là bà Bắc Kỳ hát chèo cổ bán tàu hủ nước đường gừng.

Nhà bà có lẽ là một trong xóm nhà lá vì thấy bà từ trong đó đi ra. Mỗi lần bà nhịp nhàng với gánh tàu hủ tới gần là mấy chị em tôi ùa ra kêu “tàu hủ tàu hủ”. Bà đặt gánh xuống, khoan thai dỡ nắp rồi cầm cái giá nhỏ hớt từng miếng tàu hủ mỏng màu trắng đục nóng bốc khói đổ vô cái chén xong dùng cái cống nhỏ xíu múc nước đường vàng tươi lên chế vô. Đám con nít trong xóm cũng tụ lại, đứa kêu một chén. Trong lúc tụi tôi ngồi chồm hổm, múc từng muỗng tàu hủ ngọt lịm bỏ vô miệng nuốt từ từ thì bà bắt đầu múa. Bà vừa múa vừa ca. Giọng bà cao lanh lảnh nghe lạ lạ vui tai, hai bàn tay uốn uốn cong cong dịu nhiễu, khi bà ẹo ẹo cái mông là tụi tôi cười ré lên. Bà ca xong tôi hỏi “bà ơi bà ca bản gì vậy bà?", bà cười nói “gọi là cô chứ bà bà gì, bà già à" rồi bà cười ngất, hàm răng có cái còn sọc rằn đen. Bà nói bà ca Chèo Cổ Bắc Phần.

Cứ hình dung, bà đứng trước mặt đám con nít đang ngồi dưới đất ngó lên thì y như bà đang đứng trên sân khấu.

Sau khi bà gánh gánh tàu hủ đi khuất rồi, nhỏ Hoa mới bỏ nhỏ trong tay tôi:

-Hàm răng bả thấy ghê quá há mậy? sọc rằn sọc rằn.

-Má tao nói “hồi đó bả nhuộm răng đó đa, là thời trang thời xưa, rồi khi  di cư vô Nam bả cạo răng ra mà cạo không sạch bởi mới còn sọc rằn.  Má tao nói mấy người nhuộm răng thì răng chắc lắm hổng bị sâu ăn, tới già răng cũng chưa rụng.

-Nhuộm bằng cái gì?. Đó đa đó đa? Mầy nói gì nghe lạ quá.

-Ai biết. Chắc bằng hột bồ kết quá, Má tao nói gội đầu bằng hột bồ kết thì tóc đen mướt. “Đó đa” nghĩa giống như là “vậy đó”, má tao hay nói theo kiểu nhà văn Hồ Biểu Chánh viết đó đa, ha ha ha ...

Nhỏ Hoa còn thắc mắc:

-Vậy muốn nhuộm quần áo cũng xài hột bồ kết hả mậy?

-Ai biết. Nghe nói vậy chớ tao đâu có biết. Mấy ông Tàu gánh gánh rao “nhuộm đồ” đó, thấy mấy ổng có cái thùng nước gì đen thui mà đâu có biết mấy ổng bỏ cái giống gì vô trỏng. Thôi mầy giang ca quá hà. Qua hẻm nhà con Hùng mướn xe đạp chạy chơi mầy. Đi đi.

Bà ca chèo cổ ấy, lúc còn nhỏ tôi chưa có ý thức gì về bà, sau này lớn lớn một chút, tôi nghĩ có lẽ ngày xưa bà là một nghệ sĩ, vô Nam không có đất dụng, phải kiếm sống bằng nghề hàng rong, vẫn còn yêu nghề nên gặp đám khán giả con nít “xây lổ cố” thò lỏ con mắt coi xong dễ tính vỗ tay bốp bốp hết ga miệng cười khoái chí như đám tụi này thì bà ca múa cho coi chớ với người lớn bà đâu có làm như vậy.

Tôi nhớ bà quá. Có lẽ bây giờ bà đã nằm bình yên trong lòng “anh sáu tấm” rồi chắc bà không bao giờ ngờ bà có một khán giả vẫn thường nghĩ tới bà.

Cũng bây giờ tôi mới biết ngày xưa người ta nhuộm răng bằng thuốc gia truyền.

Theo hanhthien.net –

“Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. Từ thuở mười ba, mười bốn tuổi, trai gái đều thích nhuộm răng. Việc nhuộm răng nhiêu khê, phải trải qua nhiều giai đoạn, kéo dài một tuần có khi đến nửa tháng và những thứ thuốc gia truyền thường được xem như một thứ gia bảo, ngày xưa họ giữ bí mật, người ngoài khó biết đưọc công thức pha chế của họ. Ngày nay họ cho biết công thức pha chế của thuốc nhuộm răng.

Thuốc nhuộm răng gồm các thành phần căn bản như sau :

- Bột nhựa cánh kiến.

- Nước cốt chanh

- Phèn đen

- Nhựa của gáo dừa

Nhựa cánh kiến

Sâu cánh kiến đỏ còn gọi là bọ rùa cánh kiến đỏ hoặc rệp cánh kiến đỏ có tên khoa học là Laccifer lacca Kerr thuộc họ sâu cánh kiến (Lacciferidae).Sâu cánh kiến đỏ chích và hút nhựa cây chủ tiết ra một loại nhựa gọi là nhựa cánh kiến đỏ. Đây là một loại đặc biệt quí, có giá trị cao, hiện tại được dùng trong một số ngành riêng và y học…

Ở nước ta có gần 60 loài cây trong rừng tự nhiên hay rừng trồng có thể làm cây chủ để sản xuất ra nhựa cánh kiến tuyệt hảo như các cây họ phèn, cọ khiết, muồng đen, sung, vả, vải, nhãn, đậu thiều, táo... trong đó cọ phèn, cọ khiết và nhất là đậu thiều cho cánh kiến tốt nhất. Người ta chọn những cành cây chủ có sâu cánh kiến sống và phát triển tốt, không bị nấm mốc sâu bệnh. Cánh có lớp nhựa dày, sáng màu và đã chín thành thục. Khoảng 1 tuần trước khi kiến nở sẽ cắt kiến giống, đem buộc thả ngay lên cây chủ, hoặc trải mỏng trong sọt tre thông thoáng để nơi râm mát ít ngày rồi đem buộc lên cây chủ. Trước khi buộc thả giống phải phát luỗng cây cỏ xâm lấn, tỉa cành, cho cây có nhiều cành bánh tẻ càng tốt. Thời vụ: tháng 4-5, thu hoạch vào tháng 8-9. Thời điểm thu hoạch: tốt nhất trước khi kiến nở 2-4 tuần.”

Thời nay có phong trào mài răng bọc sứ, hai hàm răng đều, trắng như ngọc, như đa số tài tử phim Hàn. Người ca tụng kẻ chống đối. Không biết đúng sai mà hôm trước trên mạng face book có người gởi vô một bản tin kèm video, cho thấy một hàm răng bọc sứ bị lung lay, họ nói vì sự tham lam của một số nha sĩ, làm việc cẩu thả, sau 5, 10 năm sẽ có khá đông người có hàm răng bọc sứ bị nhiễm trùng, mất xương...

Biết đâu vài thập niên nữa người ta trở lại theo cách nhuộm răng đen để bảo vệ hàm răng, vừa bền chắc vừa đẹp và an toàn bằng cây lá thiên nhiên theo mốt của ngày xưa. Biết đâu lúc đó, thế giới sẽ trở lại trầm trồ khen ngợi hàm răng thẩm mỹ:

Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua.

... và người ta sẽ nói năng kiểu như nhà văn Hồ Biểu Chánh của thập niên 50.

Biết đâu chừng sẽ có ngày “đó đa”./.

Trương Ngọc Bảo Xuân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.