Hôm nay,  

Mẫu Hạm: Chuyện Nhỏ?

13/03/201800:00:00(Xem: 4258)
Trần Khải

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson ghé thăm Việt Nam, tuy là một dấu mốc lịch sử kê từ  ngày VNCH sụp đổ... nhưng theo các quan chức CSVN thanh minh thanh nga, rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, không nên bận tâm. Chính thức, là giải thích như thế.

Thông tấn Nga Sputnik đã phỏng vấn Đại tá CSVN Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự, Học viện Chính trị An ninh Nhân dân, về “tầm quan trọng” của mẫu hạm Mỹ ghé thăm VN.

Trích:

“Sputnik: Báo chí phương Tây dành sự chú ý lớn tới chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ Carl Vinson. Theo ông, nói Việt Nam mừng rỡ trước sự kiện này thì có là nói quá hay không và tầm quan trọng thực sự của chuyến thăm này với Việt Nam là gì?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Theo tôi được biết thì chỉ có một số người Việt nam ở hải ngoại và khá nhiều người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài và người Việt cư trú ở nước ngoài tỏ ra mừng rỡ trước sự kiện này. Còn nói chung thì người Việt Nam ở trong nước và một số lớn người Việt ở nước ngoài coi đây là một sự kiện bình thường trong quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

Một số báo mạng và trang thông tin mạng của Việt Nam đã bày tỏ không đúng quan điểm của đa số người dân Việt Nam. Họ đã nói quá lên về sự kiện này. Trong khi trước đó, đã có không ít lượt tàu sân bay của Mỹ đi qua Biển Đông đã đón các đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng và các quân chủng không quân, hải quân Việt Nam lên thăm....

...

Sputnik:  Hải quân Việt Nam có vị trí như thế nào trong  quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm được thành lập với sự giúp đỡ của Nga?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Việt Nam luôn chủ trương học thuyết quân sự phòng thủ với tinh thần độc lập, tự chủ thể hiện qua nguyên tắc ba không:

— Không tham gia liên minh quân sự.

— Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.

— Không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ Việt Nam để làm phương hại đến độc lập, chủ quyền của nước thứ ba....”(ngưng trích)

Như thế, chính thức là không có (hay chưa có) chuyện nghiêng bên này, chệch bên kia.

Câu hỏi là: CSVN đi hai hàng như thế có được bình an lâu dài không?

Thậm chí, khi dính tới Nga hay Phap, có vẻ như CSVN đi tới 3 hàng hay 4 hàng...

Đi dây, sơ suất là té đây1ý nhé...

Trong khi đó, thông tấn RFI ghi nhận tình hình: Chiến hạm Pháp thăm Manila trong nỗ lực tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Sau các cuộc tập trận chung với Hải Quân Mỹ, Nhật và Trung Quốc ngoài khơi Hồng Kông, hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire hôm 12/03/2018, đã ghé cảng Manila (Philippines) trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày. Chiếc Vendémiaire đã được phái đến công tác ba tháng trong vùng biển châu Á với mục tiêu tăng cường vai trò của Pháp trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên 90% diện tích, bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp.

Theo Marianne Dardard, thông tín viên RFI tại Manila, sự kiện chiến hạm Pháp ghé cảng Philippines nằm trong nỗ lực của Paris nhằm khẳng định sức mạnh hải quân của Pháp ở Thái Bình Dương:

"Về phía Pháp, chuyến thăm Manila lần này của chiếc Vendémiaire là biểu tượng cho tiến trình xích lại gần Philippines hơn, sau khi diễn ra cuộc họp đầu tiên của ủy ban hợp tác quốc phòng hỗn hợp Pháp-Philippines.

Là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai trên thế giới, Pháp là nước châu Âu duy nhất có sự hiện diện thường trực ở vùng Châu Á Thái Bình Dương.

RFI ghi lời Nicolas Galey, đại sứ Pháp tại Philippines, giải thích : «Pháp hiện triển khai thường trực 8.000 quân nhân trong khu vực, với trách nhiệm bảo vệ và duy trì an ninh trên các vùng lãnh thổ Pháp, kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của Pháp, đồng thời đóng góp cho an ninh toàn cầu, yêu cầu tôn trọng quyền tự do hàng hải và bảo vệ môi trường.»

RFI nhận định rằng vào lúc có vẻ như không có gì ngăn cản được sức mạnh của Trung Quốc trên vùng biển khu vực, trong những tháng gần đây nhiều chiến hạm Mỹ và Nhật Bản nối tiếp nhau ghé cảng Manila. Đây là một cách để phô trương uy lực trước Bắc Kinh.

Đối với chuẩn đô đốc Denis Bertrand, tư lệnh lực lượng võ trang Pháp ở Thái Bình Dương, «các chuyến hải hành của chiến hạm Le Vendémiaire trong các vùng biển bao quanh Trung Quốc góp phần khẳng định sự gắn bó của Pháp với nguyên tắc tự do hàng hải vốn mang tính phổ quát». Theo ông Bertrand, hoạt động của Pháp không hề mang tính khiêu khích và không nhắm cụ thể vào một nước nào.

Bản tin cũng nhắc rằng: Hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire không xa lạ gì với người Việt Nam. Tháng 11 năm 2015, chiến hạm này đã từng cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài một tuần lễ.

Trong khi đó, thông tấn VOA ghi nhận: Các kế hoạch cho cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong năm nay sẽ giảm những rủi ro đối với sự an toàn trên Biển Đông, một điểm nóng tại châu Á, các chuyên giá tin rằng đề xuất này có thể xoa dịu nỗi lo sợ về vai trò thống trị của Bắc Kinh trong vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Một tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Singapore, nước nắm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, cho biết là tại một cuộc họp hồi tháng 2, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN "hoan nghênh" triển vọng tổ chức tập trận hàng hải với Trung Quốc trước cuối năm 2018. Theo tuyên bố này thì các bộ trưởng ASEAN đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn một cách "không chính thức".

VOA cũng ghi lời Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của trường Đại học New South Wales, Úc, nói: "Các cuộc tập trận nên tạo cơ hội cho các nước trao đổi kỹ năng để dập tắt hỏa hoạn và giải cứu người sau các vụ va tàu, đồng thời giúp xây dựng các mối quan hệ giữa các giới chức quân đội mà sau này có thể gặp nhau trong một vụ đụng độ trên biển, và nhờ đã có quan hệ với nhau, có thể giải quyết vụ việc nhanh chóng.

Giáo sư Thayer nói: “Về mặt lý thuyết, trong một cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất ngờ, nếu có được sự tin cậy và mọi người biết họ đang đối phó với ai, thì đó được coi là một phần quan trọng về mặt quân sự, và đối với các con tàu, thì lại càng quan trọng hơn nữa bởi vì các tàu này ở trong tình trạng bị cô lập hơn so với các đơn vị trên mặt đất."

Giáo sư Thayer nói Trung Quốc đã nhanh chóng hưởng ứng đề nghị tập trận chung để tăng sự tự tin của các nước và bảo vệ tàu thuyền của mình. Theo ông Thayer thì các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một "vụ thu hoạch sớm" trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN.

Nói chung, tương lai là điều khó đoán... Nhưng hiển nhiên là, chế độ CSVN đã mang nợ Trung Quốc và Nga quá nhiều... tới mức có muốn xoay chuyển cũng gian nan.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.