Hôm nay,  

Sinh Hoạt Cộng Đồng: Buổi Nói Chuyện Của Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng & Ra Mắt Tác Phẩm Khi Đồng Minh Tháo Chạy Tại Sydney

19/12/200500:00:00(Xem: 5635)
SYDNEY: Trưa Chủ Nhật, 11/12/2005, tại Trung Tâm VH&SHCĐ/ NSW, buổi nói chuyện của tác giả Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng & ra mắt tác phẩm Khi Đồng Minh Tháo Chạy đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự đông đảo tới mức kỷ lục của các vị quan khách trong cộng đồng, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông, cùng khoảng trên dưới 800 qúy đồng hương.
Cả hội trường hơn 500 chỗ ngồi đã chật cứng, trong khi đồng hương vẫn lũ lượt đổ tới Trung Tâm. Nhiều người không có chỗ ngồi, đã phải đứng kín chung quanh hội trường. Nhiều đồng hương sau cả tiếng đồng hồ tìm kiếm chỗ đậu xe không được, đã phải ra về trong nuối tiếc... Chỉ trong thời gian ngắn ngủi không đầy một tiếng đồng hồ, hơn 300 tác phẩm Khi Đồng Minh Tháo Chạy (KĐMTC) đã được đồng hương nôn nóng đón nhận, trong khi hàng trăm người khác phải xếp hàng ghi tên mua sách...
Sau phần nghi lễ chào quốc kỳ Úc, Việt, phần giới thiệu và chào mừng quan khách của cô Phiến Đan, đại diện Ban Tổ Chức, là phần phát biểu chào mừng tác giả Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng của ông Trần Nhân, đại diện BCHCĐNVTD/ NSW; và BS Nguyễn Mạnh Tiến, chủ tịch CĐ NVTDLB/UC. Tiếp theo, anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm giới thiệu tóm tắt tiểu sử Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng; và ông Lưu Dân giới thiệu tác phẩm KĐMTC.
Sau đó là phần Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng tâm tình cùng đồng hương về những điều ông đã mắt thấy tai nghe, những kỷ niệm về chiến tranh VN, cùng những suy nghĩ, những thao thức khi ông viết tác phẩm KĐMTC. Ông khẳng định, ông không hề là một sử gia, hay chính trị gia. Ông chỉ là người trong cuộc, là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, ở vị trí quan trọng ít người có cơ hội chứng kiến. Vì vậy, ông đã viết lại đúng như những gì lịch sử đã diễn tiến, có sao ông nói vậy, không thêm bớt, không màu mè. Ông cũng xác nhận, ông chỉ muốn nói lên tiếng nói tâm huyết của lòng mình để chia xẻ những trăn trở của đồng hương cùng cảnh ngộ. Ông cũng muốn qua tác phẩm KĐMTC, thế hệ trẻ VN có cơ hội hiểu rõ được vì sao thế hệ cha anh phải lưu vong, và vì sao họ phải sanh ra, lớn lên ở những vùng đất cách xa tổ quốc hàng vạn cây số.

Ông Nguyễn Tiến Hưng du học Hoa Kỳ từ 1958, đậu Tiến Sĩ Kinh Tế và dạy môn kinh tế tại một số trường đại Học Hoa Kỳ từ năm 1963. Từ 1966 đến 1970, ông là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Năm 1973, ông về làm Tổng Trưởng Kế Hoạch của chính phủ VNCH và là Phụ Tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, phụ trách việc điều phối viện trợ kinh tế trên toàn quốc. Khoảng một tháng trước khi miền Nam sụp đổ, Tổng Thống Thiệu đã giao cho ông toàn bộ hồ sơ mật về bang giao Việt - Mỹ trong thời gian từ cuối 1971 tới tháng 4 năm 1975. Theo lệnh Tổng Thống Thiệu, ngày 14.4.1975, ông đi Washington để cùng với Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc và Đại sứ Trần Kim Phượng cầu viện lần chót. Nhưng vì tình hình chiến trường VN biến chuyển quá mau lẹ, khi ông tới Washington thì đã quá muộn. Sau ngày 30.4.1975, khi CS chiếm được Sàigòn, ông liền họp báo, cho công bố hồ sơ mật mà Tổng Thống Thiệu đã trao cho ông, để qua đó, đưa ra những bằng chứng phản bội của chính phủ Hoa Kỳ đối với đồng minh VNCH. Nhờ vậy, ông đã thành công trong việc đánh thức lương tri nước Mỹ, khiến chính phủ và nhân dân Mỹ gia tăng trách nhiệm cứu vớt người Việt tỵ nạn CS. Nhờ vậy, các quốc gia tự do khác, trong đó có Úc, Anh, Pháp..., cũng đã noi gương Hoa Kỳ, tích cực đóng góp và chia sẻ gánh nặng tỵ nạn Việt Nam. Vì vậy, nhiều người Việt đã có lý khi cho rằng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng là một trong những ân nhân đối với đông đảo người Việt tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới. Và phải chăng, đó chính là động lực khiến đông đảo đồng hương cùng tích cực tới tham dự, cùng say sưa lắng nghe những lời ông tâm tình vào buổi trưa Chủ Nhật, 11/12 vừa qua...
Được biết, buổi tâm tình của GS Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng được tổ chức tại Sydney và Melbourne (xem Thư Cảm Tạ tr.33, và Thông Báo tr.30), với sự tham dự của các hội đoàn trẻ như Mạng lưới tuổi trẻ Việt nam lên đường, Nhóm EM Việt, Nhóm Sóng Việt, Tổng Hội Sinh viên Việt Nam Victoria & NSW, Đoàn Thanh Thiếu niên Đa Hiệu Úc châu. Ngoài ra, Ban Tổ Chức còn được sự yểm trợ tích cực của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, và một số cơ quan truyền thông Việt ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.