Hôm nay,  

Tử Sinh Hữu Mệnh, Phú Quí Tại Thiên

10/12/200500:00:00(Xem: 5645)
- Trước khi nội các chiến tranh trình diện vào ngày 19/6/1965 tại Hội Trường Diên Hồng (tức là trụ sở Thượng Viện Đệ Nhị VNCH ở Sàigòn nếu quí bạn trẻ ngày nay chưa biết) thì những người làm việc tại một cơ sở chính của guồng máy tuyên truyền dạo đó bỗng nghe tin mình sắp sửa có một cấp chỉ huy mới. Đó là chuyện bình thường đến mức tầm thường. Bởi lẽ (nói cho đúng) dạo đó ai cũng có thể trở thành “tai to mặt lớn”. Cho nên khi một Thiếu Tá Không quân (và không phi hành) được nói tới thì chẳng ai trong cơ sở đó màng lưu tâm.

Cái ngày ông đến nhận nhiệm sở mới cũng chỉ là “một ngày như mọi ngày”. Cái may cho cơ sở nầy là ông Thiếu Tá không biết bay - hiểu theo nghĩa không phải là phi công - lại không hề là một người bình thường. Dĩ nhiên cũng không hề là người tầm thường. Cơ sở đó là Đài Phát Thanh Sàigòn. Và người nói tới ở đây là ông Vũ Đức Vinh. Vào thời ông viết văn ở Hà Nội thì còn được biết tới nhiều hơn dưới bút hiệu Huy Quang.

Nói thiệt tình, ông không phải là người mà thoạt nhìn dáng dấp thì đã được nể vì. Cho nên cũng dĩ nhiên khó mà chinh phục được cảm tình của các thuộc cấp, vốn là công chức, suốt đời chỉ biết tuân lịnh. Ông, dưới mắt những nhân viên nầy, chẳng khác các cấp chỉ huy trước đó. Đa số đến, rồi đi. Không thay đổi được gì. Chẳng cải tiến được gì. Và nói cho đúng, có lẽ cũng sẽ y như nhiều người. Nghĩa là không tạo được một đường nét cá biệt nào, không để lại được một dấu ấn nhỏ nhoi nào trên sanh hoạt của cơ quan tuyên truyền nhà nước vốn dĩ ù lì. Ông rồi ra cũng chỉ kéo dài những ngày “như mọi ngày” cho đến khi được thế chân bởi một người thuộc một phe cánh khác để được “đá” lên, hoặc bị “đạp” xuống, tuỳ cái vận của ông lúc đó là “thới” hay “bỉ.

Những tháng ngày sau cuộc đảo chánh 1/11/1963 là những ngày nhiễu nhương. Trong thời gian đó, bất cứ ai lên nắm một chức vụ chánh trị thì đều đáng được coi là những người dám hi sanh. Chẳng những (hi sanh) thân thế mà đôi khi còn đến cả sự nghiệp của mình nếu chẳng may phe cánh lên cầm quyền sau đó là phe thù nghịch với xếp lớn của mình. Cho nên chẳng trách được bất cứ người nào tỏ ra dè dặt khi “lên” trong giai đoạn đó. Và nếu, thảng hoặc, có người bỏ qua cái dè dặt rất bình thường (gọi là “thủ cẳng”) để làm hết mình, can đảm thành toàn trách vụ chánh trị được trao phó thì người như thế phải được coi là “chịu chơi hết cỡ” theo lối nói của bọn trẻ vào thuở nhiễu nhương đó. Và - cũng đối với đám trẻ - như vậy là đồng nghĩa với khả kính. Nhìn lại mà xem, có mấy người dám đánh đố với tương lai mình như thế"" Tất nhiên Ông không thể không biết điều đó bởi vì ông đã từng kinh qua nhiều giai đoạn trầm hơn là thăng của đất nước. Ông là lính nên ông đã chấp nhận nhiệm vụ được trao phó y như mọi quân nhân có kỉ luật. Nhưng ông đã vượt trội hơn một quân nhân có kỉ luật khi không nắm chức vụ mới một cách chiếu lệ, cầm chừng, ráng để không mất lòng thượng cấp và cũng không chuốc oán với bất cứ ai có quyền thế ... Nghĩa là “lúc nào cũng tròn như cái trứng vịt” hầu mong bảo vệ được nồi cơm của mình một mai vận bỉ ập đến.

Vào cái thời nhiễu nhương đó thì chỉ làm đến thế thôi cũng đã là một kì công. Ai mà biết ngày hôm sau ông tướng nào sẽ đứng trên pháo tháp xe tăng đưa quân về thủ đô thực hiện một cuộc đảo chánh (hay mĩ miều hơn thì kêu bằng chỉnh lí) để loại trừ ông tướng đang cầm quyền bằng cách giam lỏng (các) đương sự một thời gian rồi cho về hưu non, cho đi chữa bịnh, trao cho một nắm đất bỏ túi để nhớ mùi quê hương trên đường lưu vong, hoặc đẩy đi làm Đại Sứ ở một nước cha căng chú kiết nào đó. Dĩ nhiên khi ông tướng cầm quyền ra đi thì những người được ông lôi theo để đưa lên chẳng bao lâu trước đó cũng phải ra đi để nhường chỗ cho những người mới, thân thuộc hơn với ông tướng vừa chỉnh lí thành công. Nhưng trong tình trạng chông chênh đó, ông đã thủ giữ nhiều hơn vai trò một người chỉ huy trung cấp. Đa số nhân sự thuộc giới chỉ huy trung cấp đều vừa khôn vừa ngoan một cách rất thường tình. Họ không đòi nhân viên dưới quyền phải làm việc cật lực để nhân viên khỏi ta thán, rồi chán ngán, rồi ghét bỏ, rồi (có khi) thù hằn". Họ cũng không bao giờ dám đối đầu với bất cứ ai để tránh trường hợp (chẳng may) người mình vừa đụng có thể đang ôm một gốc cổ thụ đâu đó. Kinh nghiệm tày liếp của những người ngồi chưa ấm chỗ đã ra đi vẫn còn sờ sờ. Cho nên cơ quan nào lâu nay ù lì thì cứ tiếp tục ù lì. Những người phục vụ trong cơ quan lâu nay tà tà thì cứ tiếp tục tà tà. Những quyền lợi vẫn dành cho cấp chỉ huy thì ông cứ an nhiên thụ hưởng trong khi vẫn không ngừng các nỗ lực vận động sao cho lúc nào cũng giữ được chân chuẩn ứng viên để sẵn sàng lên nắm một chức vụ cao hơn. Tiếng thời đó kêu bằng “chạy”. Nhưng ông không hề hành xử như thế.

Đó chính là lí do khiến ông được thuộc cấp kính nể.

Đâu đó chúng ta vẫn thường đọc được câu “huynh đệ như thủ túc”. Và ở đài phát thanh Saigon trong mấy năm sau ngày 19 tháng 6 năm 1965, ông đã tạo được rất nhiều huynh đệ. Đúng hơn thì phải nói là ông đã biến các thuộc cấp vốn dửng dưng thành những huynh đệ của mình. Ông làm việc cho đất nước và cho họ. Nhưng họ thì có lẽ chỉ làm việc hết mình vì ông và cho ông. Cái lon quan tư (rồi sau đó lên quan năm) mà ông đeo trên ve áo không còn là cụm từ đi kèm chức vụ hành chánh của ông như mấy tháng đầu nữa. Nhân viên bỗng thấy mình thân thuộc với ông. Họ gọi ông bằng anh. Và đám trẻ như bọn phóng viên, thiệt sự coi ông như một người anh nhiều hơn là một ông quan đầu ngành đang chỉ huy và nắm quyền sanh sát đối với mình (từ chối can thiệp để xin cho biệt phái trở về đài sau chỉ 9 tuần tập huấn làm lính “kiểng” ở Quang Trung, hoặc gởi trả người đã được biệt phái về Bộ Quốc Phòng chẳng hạn). Có thể nói vào dạo ông ở đó, Đài Phát Thanh Sàigòn, rồi Cục Truyền Thanh (tự trị), hoặc Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, như các tên gọi sau nầy, đã là một gia đình và đã sanh hoạt như một gia đình nhiều hơn là như một cơ quan công quyền. Nhứt là sau khi trụ sở đài bị đánh sập trong biến cố Tết Mậu Thân. Dĩ nhiên không hề có chuyện ông từ chối xin cho biệt phái những nhân viên đài đến lúc phải nhập ngũ. Dĩ nhiên ông cũng không hề gởi trả người nào về Bộ Quốc Phòng. Thậm chí cũng không nghe ông đã doạ ai như thế cả. Không người anh nào lại nỡ lòng hành xử lối đó đối với một thằng em mình.

Đó chính là lí do khiến anh được thương yêu.

Nhắc lại cho hết những kỉ niệm với anh và về anh thì sẽ khó mà có đủ giấy bởi vì dạo đó anh làm việc với người trong đài bất kể giờ giấc. Chuyên viên kĩ thuật vác máy chạy với anh và người bạn phóng viên vào Tân Sơn Nhứt lúc nửa đêm cũng thường như khi anh ngồi duyệt một bản tin quan trọng cùng với trưởng ca tin tức hồi rạng sáng, hoặc bàn bạc về đề tài bình luận cùng những vấn đề cần khai thác với người viết bình luận lúc chập choạng tối. Anh có mặt trong đài trước khi phóng viên lên đường theo dõi hoạt động trong ngày của cấp lãnh đạo, thận trọng trao cho chú em trẻ bài diễn văn do anh soạn mà người lãnh đạo sắp sửa đọc. Tin và phóng sự truyền thanh về chuyến công tác của nhân vật đứng đầu chánh phủ do vậy mà được loan truyền sớm hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Nhưng cũng không phải bao giờ cũng hoàn chỉnh. Có lần chuyện một đám biểu tình phản chiến tả khuynh ở Mỹ cầm biểu ngữ trên đó các danh từ butcher và murderer được dùng để gọi người đứng đầu chánh phủ, lại được chính nhà lãnh đạo vốn tính ăn nói rất tuỳ hứng nầy đề cập trong cuộc họp báo nhân chuyến đi. Chú phóng viên ngờ nghệch ghi luôn “đồ tể” và “kẻ giết người” trong phóng sự theo đúng với chủ trương vô tư của (ngay cả) cái loa tuyên truyền chính của chế độ. Anh đốt thuốc lá, ngồi xem, cười khục khịt, gạch bỏ rồi nói “Mình đâu cứ phải ghi nguyên văn tất cả những gì ông ấy nói”. Từ đó, anh vẫn bị diễu (cho tới những ngày rất gần đây) về cụm từ “vô tư có lập trường” mà anh đã dùng trong dịp đó để gọi tinh thần và suy tưởng có phần ra ngoài khuôn phép một cơ quan tuyên truyền của nhà nước. Nghĩa là khác biệt với chủ trương tuyên truyên cứng ngắt, một chiều, bịa đặt, hoặc tối thiểu cũng theo lối “tốt khoe xấu che” được coi là đương nhiên của các cơ quan loại nầy. Nhứt là trong thời chiến.

Tuy nhiên cũng chính tinh thần làm việc như thế đã khiến đài phát thanh Saigon - hay nói chung là Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia - được cả người dân lẫn chính các nhà báo nước ngoài thường trú tại Sàigòn dạo đó lưu tâm theo dõi nhiều hơn.

Lối làm việc nghiêm chỉnh nhưng không gò bó bên cạnh những liên hệ cá nhân thân tình nhưng không sỗ sàng đã khiến nhân viên và cấp chỉ huy của đài dễ cảm thông nhau và do đó mà dễ giải quyết các khó khăn gặp phải. Thỉnh thoảng anh cũng “chỉnh” anh em. Nhưng không bằng những lời lẽ hằn học. Lại càng không bằng những lời lẽ nhằm hạ thấp phẩm giá của người sai phạm. Đôi lần bắt gặp những người họp nhau đánh xập xám hoặc rút xì phé ngay trong đài lúc họ đang bỏ chạy sau khi nháng thấy bóng anh. Anh chỉ nói “Dẹp đi, lớn rồi, làm vậy kì lắm”. [Không hiểu anh có xài xể gì tay chơi Paul, cũng lính như anh, dạo đó giữ vai cận vệ" Lính tráng còn có quân kỉ. Giỡn mặt nhau khó làm việc]. Một trường hợp thân tình nhưng không thể gìỡn mặt cũng đã được ghi nhận. Lần đó anh bận quân phục, lon lá tử tế, bước mấy bậc thang lên phòng làm việc đúng lúc cả ban quân nhạc ngồi chờ thu thanh dưới chân tam cấp. Họ bận đồ lính. Anh cũng bận đồ lính. Vậy mà họ cứ thản nhiên làm lơ. Và như vậy là không được. Anh đã quay lại bắt cả toán quân nhạc đứng dậy chào kính cẩn thận, nhắc họ nhớ một bài học ngắn về quân kỉ trước khi cho phép họ vào phòng thu. Nhưng chỉ có thế. Không hơn. Không biểu diễn. Không hằn học. Không nặng nề. Đối với anh, cái gì cần làm thì làm. Nhưng hễ đã làm thì phải làm cho đúng. Xong rồi thì thôi. Không lèm bèm. Không thêm thắt. Tha thứ thiệt tình mà lại dường như không phải vậy.

5 năm trước gặp lại anh trên tiểu bang Washington, ở nhà anh mấy ngày, ngày nào cũng ăn uống với anh kèm thêm vài chung “lếu láo” cho vui y như dạo còn làm việc với anh, hoặc ngay cả sau khi anh đã rời đài. Lần nhậu thả cửa cuối cùng trong nước là khi anh được bọn trẻ mời tới ăn uống đãi đằng người thay anh, ông (Trung Tá) Lê Văn Duyên. Ông prédécesseur và ông successeur (hai anh dùng mấy tiếng tây nói với nhau thay cho tiền nhiệm và kế nhiệm) cụng li hàn huyên đến tàn tiệc.

Trong mấy ngày trên nhà anh năm 2000, anh cứ nói về chuyện “forgive and forget” thay cho những lời lẽ có hậu ý ngờ vực sự phán xét công bình của các Đấng tối cao dạo gặp anh ngay sau khi tan hàng hồi năm 1975. 30 năm trước, anh phân trần “Có những người xứng đáng tới Mỹ hơn vài người quen bọn mình”. 5 năm trước, anh thêm khoan dung “Chúng ta đều đã già, nên thăm hỏi và gặp nhau khi có dịp, nhớ chi đến những chuyện xưa”. Anh nói đúng. Nhưng nếu chuyện xưa mà làm cho mình vui thì vẫn phải nhớ. Chẳng hạn như chuyện trích quĩ xã hội thưởng công 500$ tiền ăn phở uống cà phê cho phóng viên nào ghi nhận và loan tin sớm hơn các thông tấn xã nước ngoài, hay chuyện một ông Chánh Sự Vụ dưới quyền anh bị bà vợ đánh ghen vác dao rượt chạy vòng vòng trước đài. Anh đã nhớ và đã kể đủ thứ chuyện vui trong lần hội ngộ nhân viên các hệ thống truyền thông VNCH (Việt Tấn Xã, Truyền Thanh, Truyền Hình và Điện Ảnh) ở Houston năm 2004. Và đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng. Giữa anh và nhiều thuộc cấp cũ thương yêu anh.

Tháng 7 vừa qua giới truyền thông VNCH lại gặp nhau bên California nhưng không có anh. “Lần nầy đi không được vì đã lỡ hẹn chuyện riêng”. Bây giờ thì mọi người đều đoán biết chuyện riêng anh đã lỡ hẹn có liên hệ nhiều đến sức khoẻ của anh tuy rằng anh vẫn thường xuyên e-mail và đôi ba tuần lại gọi qua điện thoại cầm tay rề rà năm điều ba chuyện trước khi nhắc nhở “Bạn cố sắp xếp đưa cô ấy lên chơi với bọn tôi. Trên nầy mùa thu đẹp lắm”. Hồi tháng 9, khi nghe kể vừa đọc lại một bài anh viết trong quyển sách do ông Nguyễn Thạch Kiên chủ trương, tập trung bài của rất nhiều tác gia viết về nhà văn Khái Hưng, anh hỏi “Bạn có cần giữ quyển đó không" Tôi được tặng một ấn bản đặc biệt nhưng đã có người bạn nào đó ưu ái cầm đọc rồi. Nếu bạn không cần giữ lại thì gửi lên cho tôi giữ làm kỉ niệm”. Dĩ nhiên sách đã được gởi ngay cho anh. Anh gọi khi nhận được sách “Không ngờ ông Kiên chơi sang quá, ấn bản thường của bạn cũng in trên giấy đẹp chẳng khác ấn bản đặc biệt”. Đầu tháng 10, anh báo sẽ cùng chị xuống San Jose ăn cưới một người cháu của chị và sẽ vắng nhà 1 tuần.

Khoảng giữa tháng, anh gọi, kể chuyện tai biến trong những ngày ở San Jose rồi cho biết đã quyết định nghe lời khuyên của chị và các con đi nhà thương “banh ngực làm triple bypass” tuần sau....

Trong bài, có thể coi là bài viết cuối đời của anh, để vinh danh Huyền Vũ, người mà ông gọi là “ký giả đại lão”, anh kết “Hi vọng con tầu đón ông chưa đến hay không đi, vé tàu ông chưa nhận hay nếu có nhận thì còn để nó trong túi. Và hi vọng tới lúc nầy, ông vẫn còn nghe được những gì thân hữu và những người mến mộ ông viết về ông”. Bài đó được anh viết theo yêu cầu của vài anh em ngày xưa, những người yêu mến và kính nể cả Huyền Vũ lẫn Huy Quang. Nhưng không như anh hi vọng, con tầu đã đến, đã đón khách và đã hú còi ra đi với “đại lão” kí giả như đã từng đón Thanh Nam, Ngọc Dũng - hai trong số các bạn thân trên nửa thế kỉ của anh - trước khi quay lại đón thêm anh. Anh lên đường bình thản. Dễ dãi đón nhận chuyến đi như một lí đương nhiên y hệt lần giải thích câu hỏi “phú quí” đặt ra cho anh “Đưa được vợ con sang đây, kiếm được việc nuôi các cháu đến thành nhân thành tài thì đã phú quí lắm rồi”.

Cái công khó đưa đến phú quí không được anh nhắc tới như đã không từng nhắc tới những nhọc nhằn khác trong thể xác “sống gởi” với rất nhiều thăng trầm nầy. Cho nên cái “thác về” của tinh anh đã đương nhiên được chấp nhận qua ước muốn ra về bình yên, không gây vướng bận cho bạn bè như anh bày tỏ trong e-mail cuối cùng gởi vài bạn thuộc hội “Bô Lão” của các anh

....cái vụ làm 3 cái bypass là điều không thể tránh. Nó đã schedule làm vào mấy ngày tới. Một số bạn bè có liên lạc cách đây ít ngày để chia xẻ những kinh nghiệm quí báu về loại surgery nầy, thật khích lệ. Kẻ này không cầu mong gì hơn được xuông xẻ như thế. Có thế nào kẻ này sẽ xin tin quí bô lão hay vào cuối tuần. Báo cáo này chỉ gửi hạn chế trong số quí bô lão mà thôi; kẻ này không ngại chuyện thông báo rộng rãi thêm, nhưng chỉ ngại làm phiền bạn bè thân hữu..... và nhứt là không gây phiền hà gì cho những người thân yêu vô cùng của anh là chị và các con. Nhà Phật căn dặn “cõi đời người tạm” sau khi chính Đức Như Lai cả quyết “đời sống của các con chỉ kéo dài bằng một hơi thở”. Nhà Chúa nhắn nhủ “như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rủ tàn phai chẳng còn” trước khi tiên báo “tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” đã ghi trong Thánh Vịnh 90. Cụm từ xem ra rất cliché “ngũ thập tri thiên mệnh” đã được nói mãi trong đời nên thường vẫn làm chúng ta quên cái ý thanh thản trong thân tâm những người được gọi là “tri mệnh chi nhân”, những người “kiến lợi bất động, lâm tử bất oán, đắc nhất nhật quá nhất nhật, đắc nhất thì quá nhất thì” (Những người biết mệnh trời thấy lợi không động, gặp chết không oán, được một ngày qua một ngày, được một giờ qua một giờ). Cho nên anh bình thản sống với đời và thành tâm chấp nhận được ra đi mà có lẽ đã chẳng hối tiếc gì sau 75 năm trần thế trong đó gồm cả thời gian “lăm le tu” - như cái tên viết tắt LLT mà anh vẫn ký dưới các e-mail - để gọi thời gian mấy năm cuối đời.

Chỉ có những “thủ túc” còn đây thì bởi cái khổ do “ái biệt li” mà buồn vì không còn dịp trông thấy anh nữa trong khi vẫn thương anh, vẫn kính anh, vẫn nhớ tới anh. Trong đó có cả đứa bỗng thấy hối tiếc vì đã chẳng “đưa được cô ấy lên thăm” anh trong mùa thu đẹp miền tây bắc nầy. Nhưng “tử sinh hữu mệnh” biết làm sao hơn!! Chẳng lẽ lại làm ồn để phá vỡ cái thanh thản mà anh vẫn muốn – và đã đạt tới – hay sao"

Nguyễn Thiên Ân

(Cựu Phóng viên Truyền Thanh Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.