Hôm nay,  

Đêm ‘dân Oan’ Nhớ Về Ngô Tất Tố

06/12/200500:00:00(Xem: 5799)
- Con kiến mà kiện củ khoai

Kiện đi kiện lại đã hai năm tròn

Bây giờ kiến đã có con

Củ khoai mọc nậm vẫn còn kiện nhau

Câu ca dao trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam vang lên trong tôi mỗi khi tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người Việt Nam bị mất đất, mất nhà mất cửa phải lặn lội lên trung ương khiếu kiện. Họ vạ vật bên chân tượng Lý Tử Trọng từ ngày này sang ngày khác, chụm gạch làm bếp, kiếm giấy, lá, rác, ni lông, cành cây làm củi, than, chất đốt, cốt cho gạo trong nồi chuyển hoá thành cơm.

Giữa vườn hoa Lý Tử Trọng, đối diện với khu vực tiếp dân số 1 Mai Xuân Thưởng, nơi bao con mắt du khách nhìn vào, có cả chục cái bếp tự tạo kiểu thủ công như thế, như gợi nên một bức tranh u ám về tiền đồ người phụ nữ sống trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể mọi sự ví von đều khập khiễng nhưng với triều đình cộng sản thì sự ví này luôn luôn đúng:

Mọi nghị quyết chỉ là bánh vẽ.

Còn dân thường mãi mãi xanh xao.

Tiền đồ của họ còn tối đen hơn cả tiền đồ chị Dậu trong bối cảnh tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố. Những tưởng nơi chói loà chủ nghiã Mác Lê trong ngôi nhà nhân bản gấp triệu lần tư bản, những số phận chị Dậu chỉ còn trong tâm trí, trong bóng đêm nô lệ. Có ai ngờ, từ đêm trường nô lệ của chế độ phong kiến mục ruỗng thối nát, họ lại tiếp tục "vùng lên quật khởi" để xuyên thủng không gian và thời gian, trở về ngôi nhà của chủ nghĩa xã hội với vẹn nguyên sắc vẻ, hình hài. Nghèo nàn, tồi tàn, Đói, rách, tang thương. Thậm chí còn mòn mỏi, tiều tuỵ, ốm o hơn cả chị Dậu ngày xưa. Ngày xưa chị Dậu của Ngô Tất Tố còn hồng hào khoẻ mạnh vật ngã thằng Lý trưởng làng ngã chổng kềnh trên mặt đất. Còn chị Dậu thời Đỗ Mười, Trần Đức lương, Lê Đức Anh ngày nay, đêm nào cũng bị bọn "lý trưởng" phường Điện Biên, Thuỵ Khuê, Tây Hồ ra giằng xé đồ đạc, du đẩy tấn công, đánh đập vô tội vạ mà chẳng có cách nào chống lại, ngay đến bộ quần áo mặc trên người cũng bị chúng lôi, kéo, túm, xé cho đến khi toạc rách mới thôi. Một tuần ba bận như vậy, chỉ còn nước đi chân đất... mặc đồ lót.

Thế là giữa đêm khuya bảo nhau xăm xăm băng lối đường đêm ào ào đến nhà thủ tướng đọc thơ, than khóc, kêu gào. Bài thơ tủ của cánh dân oan mà người dân nào quanh khu vực nhà ông Phan Văn Khải cũng thuộc làu:

Ông Phan Văn khải thủ tướng ơi

Dân oan kêu khóc quá lâu rồi

Sao ông không tỉnh mơ màng mãi

Để khổ cho dân sống ngậm ngùi

Tái cử tưởng ông nghĩ về dân

Nào hay giữ ghế để tranh phần

Cháu con thụ lộc đời sung túc

Bảy tám đời sau vẫn bội phần

Dân đến tận nhà ông rất đông

Sao cứ làm ngơ, cứ lạnh lùng

Nay sắp nghỉ chưa mà trăng trối:

Chữa hết nhũng tham, chữa yên lòng

Ông hãy mở cửa, đứng dậy đi

Hỏi han dân chúng chỉ đôi lần

Cách chức quan ôn ông chẳng dám

Phải vì ông vốn cũng... quan tham"

1, 2 giờ sáng, hết hơi, khản họng lại trở về ôm thân anh Lý Tự Trọng ngủ, mong anh hà hơi, tiếp sức để ngày mai còn tiếp tục hành trình khiếu kiện. Hết quỳ mọp đội đơn trước cửa nhà quan lớn, lại đi nhặt rác, rửa bát đĩa thuê lấy tiền phô tô văn bản, tài liệu mà Đảng đã chỉ đạo hướng dẫn.

Những điều lệ, nghị quyết vốn chỉ tồn tại trên mặt báo, mặt sách, mặt văn kiện, chứ chưa hề tồn tại trên mặt triều thần và quan ôn thời đại... lại ngốn khá tiền của bà con. Cứ ba ngày một bộ, một năm 120 bộ như vậy trải khắp các phố phường. Khiến Kinh thành Hà Nội ngập trong đơn khiếu nại, rầm rập bước chân của dân oan đi khiếu kiện vào mỗi sáng sớm tinh sương...

Mỗi lần nghe bà con kể lại thảm cảnh bị lũ cướp đêm hoành hành, phải kể lể, nói khó với người thân để xin từng đôi dép cũ, cái quần dài để mặc, lòng tôi chợt nhói đau khi nghĩ về Ngô Tất Tố, "cha đẻ" của chị Dậu, mà thầm hỏi: Nếu nhìn thấy cảnh này, dưới suối vàng ông có thể nào ngậm cười, nhắm mắt" Hay ông lại phải dùng dây thắt cổ tự tử một lần nữa như ông đã từng tự tử trước nỗi đau nỗi khổ của đồng bào"

Cái chết của ông giữa tuổi đời 59 làm đau lòng bao thế hệ Việt Nam, dù Đảng cố tình che đậy bưng bít, nhưng những ai có chút lương tri thời đại chỉ cần nghe một lần là bị găm vào tâm trí như lớp rêu xanh bám chặt vào tảng đá. Lúc nào cũng rưng rưng muốn khóc, lúc nào cũng quặn đau như thể vết hằn trong quá khứ, vết gai cào trong ký ức. Là nhà văn của tầng lớp bình dân, ông sớm hướng ngòi bút của mình theo cách mạng, tin rằng chỉ có chế độ phong kiến mới tồn tại những cảnh đời khổ ải như chị Dậu. Phải bán con bán chó lấy tiền nộp thuế, giải thoát cho chồng, còn tấm thân khỏe mạnh thì làm vú em cho cố già gần đất xa trời, miệng phều phào móm mém (bởi hai hàm răng đã nói lời từ biệt, đã bỏ lợi ở lại mà ra đi vĩnh viễn)...

Mười năm sau cuộc khởi nghiã cách mạng tháng tám, ra khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, tâm hồn ông như được mọc cánh hai lần, một lần cho ông và một lần cho dân, vì những cảnh đoạn trường (đứt ruột) như chị Dậu đã hết.Người dân đã thực sự vươn lên làm chủ, cơm no áo ấm dưới sự vun vén chăm chút của chính Đảng cộng sản của giai cấp mình rồi.

Hào hứng đi theo cách mạng, lúc lên Hà Nội làm báo, lúc vào Nam viết văn, bốc thuốc... cho đến khi cải cách ruộng đất nổ ra, ông bàng hoàng kinh hãi trước cảnh máu chảy đầu rơi, khắp làng rộn vang những bước chân của những kẻ cuồng nộ, với những lời hô, khẩu hiệu sặc tanh mùi máu:

- Đả đảo bọn địa chủ gian ác bóc lột.

- Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.

- Hồ chủ tịch muôn năm. Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm

- Đế quốc là con hổ, còn địa chủ là bụi rậm để cho hổ núp. Phải đứng lên phát sạch bụi rậm, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Hồ, anh em ơi...

Mỗi một cánh tay vung lên là một mạng người rụng xuống, người chết như ngả rạ, tiếng khóc ai oán ngậm ngùi,hờn tủi vang lên khắp xóm thôn vì bao người thân, máu mủ ruột già của họ đến chết vẫn không được yên, bởi mệnh lệnh quái gở, độc địa từ miệng đội trưởng đội cải cách dội xuống:

- "Tất cả bọn địa chủ, cường hào ác bá, từ bé đến lớn, trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà đều phải chôn sấp... Để nòi địa chủ độc ác bị tuyệt diệt vĩnh viễn, không có cơ ngóc đầu dạy "làm khổ" nhân dân thêm một lần nào nữa!

- Nếu ai cố tình trái lệnh sẽ bị chôn theo".

Bao nhiêu người hôm trước còn là người bảo trợ của quân đội, còn gánh gạo kìn kìn, dắt trâu mộng béo khoẻ kềnh càng, đen trũi đến ủng hộ bộ đội mỗi khi phá được một bốt đồn của giặc Pháp để nuôi quân, mừng chiến thắng, nay bỗng thành kẻ thù truyền kiếp của nhân dân. Khi chết con cái cũng không được nhìn mặt, vì cả khuôn mặt đã bị vùi trong đất ướt...

Nỗi đau của đồng loại khiến ông bừng tỉnh ngộ và ông hiểu: Cuộc cách mạng đã bị đánh tráo, cái ác trong lòng người được nhân lên gấp bội phần nhằm giết chết tươi cái thiện. Nỗi đau của một trí thức cách mạng sắp bị "đào tận gốc, trốc tận rễ" làm ông chán ngán, nhưng lớn hơn cả là nỗi đau của cả dân tộc.

Sau bao đêm tự vấn lòng mình, thầm tin vào tấm gương cao cả sáng ngời của vị cha già dân tộc, cả cuộc đời hy sinh vì nghiã lớn, không vợ con, vật chất, chỉ một lòng với nước, với dân (!") Ông quyết định viết một lá thư dài, kể lại những điều mắt thấy tai nghe, từ cô gái trẻ bị lột chiếc áo mới tinh khi đang mặc trên người (bị coi là sản phẩm của sự bóc lột) đến thầy hiệu trưởng trường huyện nơi ông ở, đã từng có thời kỳ làm chủ tịch huyện lâm thời. Cũng là người đã nuôi cả đại đội, sư đoàn bộ đội trong nhà, từ gạo ăn hàng ngày đến giẻ lau súng, pháo cối v.v.

Thế mà chỉ ngắn ngủi trong phút chốc đã bị quy thành địa chủ, bị hành hạ, đưa ra đấu tố, rồi bị bắt, nhốt vào trại giam. Uất ức đến mức phải đập tan cái kính đang đeo trên mặt cho vỡ tan ra từng mảnh, dùng mảnh kính vỡ thay dao sắc rạch bụng mình, lôi cả nắm ruột cầm trên tay chỉ để chứng tỏ một điều: Nếu là địa chủ ruột phải có màu vàng vì toàn ăn thịt cá, sơn hào hải vị, còn nếu là trí thức, tuy có của ăn của để nhưng luôn đồng cam cộng khổ cùng bà con, nhường nhà nhường cơm gạo thức ăn cho bộ đội, thì ruột sẽ có màu xanh của rau, đậu, tương cà...và nặng nề gục xuống, trước sự chứng kiến của dân làng.

Kể xong, ông yêu cầu cụ Hồ phải dừng ngay những việc làm bại lý, phi luân lại, cho dù dưới danh nghiã cách mạng, dưới khẩu hiệu "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", rồi "giảm tô giảm tức" đi chăng nưã, thực chất chỉ là sự giết chóc, cướp bóc trắng trợn, tăng thương, tăng tức mà thôi. Cho dù bao nhiêu lời biện hộ cũng không rửa sạch nỗi đau này. Với tư cách là nhà văn, là công dân của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ông khẩn khoản yêu cầu cụ phải trực tiếp xuống dân, như vua Lê Thánh Tông ngày xưa đã từng đóng giả làm thường dân, bí mật ra khỏi thành đi vi hành, để tận mắt chứng kiến cảnh trăm dân điêu đứng lầm than như thế nào để kịp có kế sách trị vì.

Trong thư cụ khẳng định người Cha chưa già đã nhầm lẫn hết cả chủ trương chính sách. Dẫu là "đất sinh cỏ, già sinh tật" thì cả trăm triều vua trước chưa ai có tật lớn đến mức triệt hạ tàn sát đồng bào, đồng chí vô tội như vậy.

Cuối thư ông khẳng định nếu sau ba tháng ông còn phải chứng kiến những việc làm của qủy sa tăng đội lốt người, còn chưa nhận được thư trả lời của cụ Hồ, ông sẽ treo cổ tự vẫn.

Từ đó mỗi ngày qua đi là mỗi ngày ông lùi dần vào cái hố tử thần mà chính ông đã đào sẵn cho mình, dù tuổi thọ của ông trời chưa thèm lấy. Song - một người đầy nhân bản, giàu nhân văn như ông làm sao có thể cam lòng trước những cảnh đời, số phận thê lương có một không hai trong Lịch sử loài người như vậy" Trái tim ông chỉ đập những nhịp đập chí nghiã chí tình với nước, với dân, chứ không thể gương mắt ếch lên nhìn cảnh tượng đồng bào mình bị tan tác dưới bàn tay đồng đội đồng chí, đồng huyết thống giống nòi...Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ nữa là con người.Thà rằng ông chết đi để khỏi chứng kiến những cái chết thê thảm, còn hơn để ông sống mà trái tim phải nức nở tuôn trào, day dứt khôn nguôi ngày này sang ngày khác...

Trong thâm tâm ông tin là khi nhận được thư, đích thân cụ Hồ phải trả lời hoặc cho người mời ông lên để trình bày, và mọi việc sẽ được giải quyết gấp. Cái ác sẽ được đẩy lùi, bàn tay đồng chí không tanh máu đồng bào nữa, những khẩu hiệu "đả đảo" "đào gốc, trốc rễ" cũng lập tức bay đi như chưa hề xảy ra... Tất cả chỉ là cơn ác mộng... Điều mà ông không ngờ là người cha già dân tộc đã vì quyền lợi bản thân mà bán rẻ tiền đồ và tương lai dân tộc cho quan thầy cộng sản là Trung Quốc và Liên Xô cả chục năm rồi. Làm sao thèm đoái hoài tới một thân xác như ông" Cho dù là nhà văn đi chăng nữa thì xưa nay "lập thân tối hạ ấy văn chương". Mạng ông trong mắt cha già, giỏi lắm cũng chỉ bằng cái xương con cá lẹp... Cá lẹp này chết đi sẽ lại có hàng triệu cá lẹp khác sinh ra để "cha già dân tộc" tiếp tục thu gom bán chác, lo gì.

Sau 3 tháng không nhận được thư trả lời, ông lặng lẽ treo cổ lên xà nhà, dùng cái chết đường đột để xoá nhoà mọi ràng buộc vương vấn với đời. Ngày ông chọn cái chết cho mình cũng là ngày cha già dân tộc chết hẳn trong lòng ông, Trong đau đớn tuyệt vọng ông hiểu được rằng ông Hồ chính là qủy vương, là tội đồ của dân tộc, là một kẻ giết người hàng loạt, không khác gì HítLe tàn sát người Do Thái, bị cả triệu triệu linh hồn vất vưởng trong đêm tối nguyền rủa

Cái chết của ông nhằm chứng tỏ hai điều: Ông là người cương trực, trọng lời hứa. Quân tử nhất ngôn. Lời nói đã tung ra như mũi tên đã bắn không thể thu về, nhưng quan trọng hơn cả là sự hốt hoảng trước tương lai. Nếu đất nước còn tồn tại một qủy đỏ như vậy thì triều đình sẽ ra sao" Con cháu nếu không chết dần chết mòn trong nanh vuốt của qủy đỏ cũng bị xé nát thành những mảnh vụn vô nghiã, không hồn.

Rồi những chị Dậu của ông từ trong chuyện sẽ bước ra ngoài đời nhan nhản, lặng lẽ cúi đầu lê bước trên mặt đất, trên dặm đường thăm thẳm nỗi sầu bi... Một chị dậu trong đời đã đủ để trái tim ông tan nát. Giờ nhan nhản những chị Dậu như thế, hỏi ông còn sống làm gì" Hãy để xác ông được về nước chúa.

Trước khi treo cổ chết, ông để lại lá thư nói rõ lý do khiến ông phải ra đi "bất đắc kỳ tử" cho gia đình, người thân biết, yêu cầu gia đình phải chôn sấp để ông được đau cái đau của dân, hiểu cái nhục của nước. Là trung thần khi nước lâm cảnh tang thương, ông không cho phép mình đứng ngoài cuộc, quay lưng lại nỗi khổ của đồng bào, dù cả khi đã chết... Vì cảm thương tấm lòng từ bi hỉ sả của ông, mà cũng vì coi cái chết là sự bí ẩn linh thiêng, gia đình đã không nỡ hành ông như các tên đội trưởng đội cải cách dưới lệnh của "cha già dân tộc" hành dân suốt ba năm, ông được nằm ngay ngắn trong quan tài, cách đất bởi một lớp ván thiên...

Bây giờ gần nửa thế kỷ đã trôi qua, không biết linh hồn ông còn lẩn quất ở nơi đâu, có lần nào hoá sương, hoá nắng đậu xuống ngọn cỏ, nhành cây của vườn hoa Lý Tự Trọng để thấm nỗi khổ, nỗi rên xiết lầm than của đồng bào - con cháu hôm nay không" Trong số hàng chục, hàng trăm bát hương đặt ở vườn hoa, dưới những gốc cây xà cừ, có bát hương nào thờ cúng riêng ông không"

Có người dân nào thầm nhắc đến tên ông - cha đẻ bất đắc dĩ của chị Dậu - mà mình chính là hiện thân của chị bao nhiêu năm nay không" Không những tròn hai năm mà 5 năm mười năm, hoặc lâu hơn nữa. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song còn triều đình cộng sản thì người dân Việt Nam còn lũ lượt kéo nhau đi kiện, dù phải xa chồng, lìa con, còn hơi thở cuối cùng là còn lê lết đi kiện, đó là chân lý bất di bất dịch của người dân Việt Nam dưới ách cộng Sản...

Hà Nội về đêm rực sáng ánh đèn nê ông. Khu vực Hồ Tây còn hấp dẫn hơn bởi những bảng quảng cáo điện quang nhấp nháy cháy suốt đêm, cắt màn đêm yên tĩnh ra muôn nghìn mảnh nhỏ, làm sáng bừng cả một vùng hồ rộng lớn, trông xa như một lẵng hoa huyền thoại mà đất trời ưu ái ban tặng cho mảnh đất thiêng Tây Hồ.

Tiếng nhạc sập xình phát ra từ các sàn nhẩy phá tan bầu không khí yên tĩnh của màn đêm. Xe máy chạy đầy đường phát ra những tiếng còi xoe xoé ồn ào rực rỡ đến vậy, sao tôi cảm thấy tối hơn đêm 30 trong tác phẩm tắt đèn của Ngô Tất Tố, cái đêm Chị Dậu loạng quạng lao ra từ nhà cố già 80, biến vào bóng tối và tiền đồ của chị còn đen tối hơn cả bóng đêm...

Đã sang tiết tháng 11 âm lịch. Hà Nội vào đông muộn hơn mọi lần nhưng giữa mùa đông, tiết trời vẫn lạnh, gió từ lòng hồ thổi lên mang theo hơi nước càng lạnh thêm. Co ro trong chiếc áo choàng mỏng mảnh, tôi cảm nhận hết cái lạnh thấm trong da thịt mình, qua đôi bàn tay và khuôn mặt đằm hơi nước từ lòng hồ thổi lên, càng thấm thía cho những cảnh đời chị Dậu hôm nay - những chị Dậu của thập kỷ đầu tiên trong thiên niên kỷ thứ ba giữa thiên đường xã hội chủ nghĩa mà khổ hơn kiếp chó, kiếp lợn. Bao công lao mồ hôi đã bị cái Đảng bé tại quê nhà cướp trắng chỉ còn thân xác, lại tự nguyện đem mạng sống của mình treo trên nóc nhà số 1 Mai Xuân Thưởng, là khu vực đảng to giành để... hiếp dân. Thế là đã trắng tay mà còn trắng mắt luôn.

Sự đau khổ còn được nhân lên gấp bội phần, khi bóng đêm chìm xuống, lũ "lý trưởng" làng nhận lệnh của lãnh đạo bộ công an và nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đàn áp bà con. Hết lần này lại lần khác, cứ cách một đêm lại một lần quấy phá. Bao nhiêu năm không ngừng nghỉ, cốt cho bà con chán ngán mà bỏ đi, khỏi phô ra bao hiện trạng nghèo khó oan gia, sợ quan trên nhìn xuống, người ta trông vào, thêm chứng lý để lên án nhà nước Việt Nam.

Thời nào thế ấy. Chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam - một Đảng vô học, tham lam độc quyền, ăn bẩn. Một mình một mâm, một mình một chiếu, ăn xó mó niêu hết sạch phần của dân mới đẻ ra những cảnh đời oan nghiệt này. Người người kêu oan, nhà nhà lang thang. Xin mượn giọng ca dao để khép lại bài viết:

Việt Nam dân chủ mù lòa

Cái tôm cái tép phải xa gia đình

Cua cá sống kiếp điêu linh

Nghêu, sò, ốc, hến, ra đình kêu oan

Chỉ khi sự mù loà chết đi, bà con mới được hưởng kiếp làm người, còn hiện tại còn Đảng là còn phải chịu nỗi nhục tiền kiếp tha hương, đoạ đầy của con sâu, cái kiến... đi kiện củ khoai.

Hà Nội. Đêm 30-11- 2005

Viết dưới chân tượng Lý Tử Trọng thay cho nỗi lòng người dân oan Việt Nam.

Nguyễn Thị Hiền, Thôn Vân Nội, Xã Vân Dương, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.