Hôm nay,  

Biểu Dương Đức Tin Công Giáo Hà Nội Với Đhy Sepe Chủ Lễ

30/11/200500:00:00(Xem: 5657)
- VietCatholic News (29/11/2005) HANOI - Hàng chục ngàn người Công giáo từ các giáo phận Miền Bắc cũng như người dân Hà Nội sáng hôm nay đã tràn ngập các đường phố dẫn tới ngôi thánh đường chánh tòa thánh Giuse ở Hà Nội kiến trúc theo kiểu gô-tích để được chiêm ngưỡng một lễ nghi truyền chức lịch sử cho 57 linh mục giữa thủ đô của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Lễ nghi truyền chức ngày hôm nay được chính ĐHY Crescenzio Sepe, tổng trưởng Thánh Bộ Tuyên Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc từ Vatican đến chủ sự. Hiện điện trong buổi lễ ngoài phái đoàn Tòa Thánh Vatican là ĐHY Sepe còn có đức ông Barnabê Phạm văn Phương, đặc trách Á châu Vụ tại Vatican, đức ông giám đốc Trường Truyền Giáo Urbanô, còn có ĐHY Phạm Đình Tụng, TGM Ngô Quang Kiệt và tất cả các giám mục 8 giáo phận Miền Bắc Việt Nam, và có chừng 300 linh mục tham dự. Ngày hôm nay có thể nói toàn thể Giáo hội Công Giáo Miền Bắc Việt Nam tụ họp nơi đây mừng ngày hội lớn và ngày hồng ân Chúa ban cho các tân linh mục của Người.

Cha mẹ, thân nhân và con và người đồng hương giáo xứ của 57 tân chức cũng đã về Hà Nội từ ngày hôm trước, và nhiều người đã phải ngủ đêm giữa cảnh màn trời chiếu đất ngay giữa thành phố Hà Nội để mong giữ được chỗ cho buổi nghi lễ đặc biệt ngày hôm nay mà sau hơn nửa thế kỷ mới có thể tham dự một lễ nghi công khai Công giáo ngoài trời long trọng như vậy.

Nhiều người ngồi la liệt chật ních giữa các đường phố, người thì ngắm nhìn từ các cửa sổ các ban-công theo dõi cuộc lễ qua các loa phóng thanh, chứ cũng không thể nhìn thấy gì đang xẩy ra trước sân tiền đường của vương cung thánh đường Hà Nội được.

Đặc biệt trong buổi lễ nghi hôm nay có sự tham dự của các Phái Đoàn Ngoại Giao Đoàn quốc tế, như Pháp, ý Anh, Hoa Kỳ, v.v... =

ĐHY Crescenzio Sepe mở đầu bằng câu chào mừng nói tiếng Việt Nam “Xin chào tất cả anh chị em trong Chúa Kitô" thì lập tức những tiếng vổ tay vang dội khắp các phố phường. Ngài nói: “Tôi chào mừng các khách chủ nhà của tôi... Thực đây mang một ý nghĩa cao độ là cuộc lễ truyền chức linh mục khai diễn ra khởi sự bước vào Mùa Mừng Chúa Giáng Sinh”.

Cha Nguyễn Xuân Thủy của Tổng giáo phận Hà Nội tuyên bố rằng: “Đây là biến cố vĩ đại và vô tiền khoáng hậu”.

Thực đúng vậy, vì từ ngày Công Sản lên nắm được quyền tại Miền Bắc và làm cho đất nước Việt Nam phân đôi vào năm 1954 cho đến nay, đã gây ra cảnh 800,000 người Miền Bắc di cư vào Miền Nam, mà trong đó đa số là người Công giáo, thì Giáo Hội Công Giáo tại Miền Bắc đã mất đi phần lớn nhân sự và thế chủ động cho đến nay cũng chưa tái hồi được, nhất là trong hơn 50 năm trường bị chính quyền độc tài Cộng Sản Việt Nam thống trị, mọi hình thức biểu lộ tôn giáo đều bị cấm cách, người Công giáo bị nghi ngờ phản động chống chính quyền, cho nên dưới bàn tay sắt của Cộng Sản, Giáo Hội Miền Bắc tưởng đã đi vào hầm trú, cho mãi tới thập niên 1986 qua chính sách “đổi mới” thì lúc đó mới bắt đầu có sự cởi mở hơn một chút.

Từ 10 năm nay đã có những dấu hiệu phục hưng tôn giáo tại Miền Bắc, lý do là qua các cuộc hội họp Công giáo đông người, các cuộc tổ chức nghi lễ lớn, người Công giáo chỉ thuần túy muốn thực hành và sống đức tin, nên người Cộng Sản cũng không còn coi khối Công giáo Bắc Kỳ là thành phần phản động, tuy dù vẫn còn nhiều cấm cản và nghi kị.

Với một quốc gia trên 80 triệu người sống trong cảnh nghèo túng nhất thế giới, muốn sống còn ngay cả người Cộng Sản Việt Nam cũng thấy được nhu cầu cần phải giao dịch với thế giới bên ngoài, không những chỉ về mặt kinh tế mà còn về khía cạnh ngoại giao và chính trị.

Với những áp lực quốc tế triền miên đòi hỏi rằng Việt Nam nếu muốn là thành viên của cộng đồng quốc tế thì chính quyền Việt Nam không những phải sửa đổi luật lệ thương mại, luật lệ quốc gia, mà những đòi hỏi căn bản khác về nhân quyền, về tự do tôn giáo, về sự thăng tiến con người. Dầu Việt Nam luôn luôn chối rằng không có tù nhân chính trị, không đàn áp tôn giáo, vẫn coi trọng nhân quyền, thế nhưng mỗi một lần muốn gia nhập một tổ chức quốc tế nào hay muốn được hưởng một đặc quyền kinh tế hay ký kết một hiệp thương nào, luôn luôn những đòi hỏi trên lại được nêu ra. Và tất nhiên người Cộng Sản Việt Nam phải từ từ nhượng bộ trước sức mạnh của quốc tế, nhất là ngày nay Việt Nam đang muốn được vào WTO.

Riêng đối với thế giới Công giáo, người Cộng Sản cũng đã phần nào nhận ra sức mạnh tinh thần và ảnh hưởng vô song của Vatican, nên từ ngày Đức Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI lên ngôi thì họ đã có những bước tiến tích cực và cởi mở hơn nhiều trong quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican.

Giáo Hội Miền Bắc tuy không được phát triển và được cập nhật như Giáo Hội tại Miền Nam, nhưng Giáo Hội Công Giáo tại Miền Bắc có một tiềm năng đáng kể. Thứ nhất phải nói tới truyền thống Công giáo tại Bắc Việt Nam, qua bao thế hệ người Công Giáo miền Bắc thường sống quy tụ trong các làng xóm có khi là toàn tòng Công giáo, nên mối tương quan và bức tường vô hình đó dù chính sách triệt tiêu của Cộng Sản có tàn bạo đến đâu cũng không phá vỡ nổi;

Thứ hai, cũng chính vì truyền thống đạo đức sâu xa và đã được thử lửa trong suốt nửa thế kỉ, người Công giáo miền Bắc trân trọng giá trị Đức Tin mà họ đã duy trì được cho tới ngày hôm nay, do vậy họ rất trân trọng ơn kêu gọi. Gia đình Công giáo miền Bắc nào cũng ước mong có một người con dâng mình cho Chúa là làm linh mục hay trở thành nữ tu. Do đó từ thập niên 1990 trở đi đã có từng ngàn thanh niên nam nữ Công Giáo Miền Bắc được gửi vào miền Nam để tu nghiệp, học chui và được đào tạo để trở thành linh mục tu sĩ. Số thanh niên nam nữ này đã trở về ngoài Bắc, nhưng hiện nay vẫn chưa được chính quyền cho chịu chức, còn cần phải chờ và tái huấn luyện lại. Đây là một tiềm năng rất lớn về nhân sự cho Giáo Hội tại Miền Bắc.

Thứ ba, nhờ thành phần người di cư năm 1954 vào Nam, và nay một số đáng kể đã ra sinh sống tại các nước khác trên thế giới, những người Bắc kỳ di cư 54 này vẫn còn có những mối tình yêu nơi chôn rau cắt rốn, nhớ về xứ sở quê hương và giáo phận gốc Bắc của mình, nên họ sẽ sẵn sáng làm bất cứ những gì trong khả năng của mình để tái thiết và phục hồi Giáo Hội Miền Bắc. Đây không chỉ nói tới tiềm năng về tài chính, mà còn về tinh thần, nhân sự và những phương tiện khác nữa.

Như vậy cuộc hành trình tới Việt Nam qua 3 giáo tình Hà Nội, Huế, và Saigòn của ĐHY Sepe không chỉ thuần tuý là cuộc thăm viếng mục vụ mà có thể nói là khởi đầu cho những bước kế tiếp về bang giao giữa Vatican và Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.