Hôm nay,  

Vui Buồn Nghề Thẩm Mỹ: Vừa Le Le Vừa Pom Pom...

06/01/201800:00:00(Xem: 2073)
Trương Ngọc Bảo Xuân

 
Lúc rảnh rỗi hay ngay cả khi đang làm việc, chị Ngà thường nhìn, nghe, suy nghĩ về mấy anh em trong tiệm. Với “mấy đứa này”, tụi nó thân và gần gũi với chị còn hơn đám con cháu trong nhà. Trừ khi bịnh hoạn phải nghỉ làm, hoặc du lịch đâu đó (Điều rất hiếm), mình gặp tụi nó hằng ngày. Đám con thì mình nuôi từ sinh ra cho tới lớn, như nuôi chim. Khi đủ lông rồi chúng sẽ như cánh chim bung ra bầu trời cao rộng bay xa tít mù, lâu lâu, có khi lâu lắm mới về thăm mẹ. Mấy đứa cháu, gặp tụi nó thì đa phần là “làm mọi” tức là giữ tụi nó cho cha mẹ chúng đi chơi. Nhưng có điều, chuyện làm mọi tình nguyện hiếm hoi này rất ngọt ngào đối với chị.  

Trong tiệm.

Hôm nay chị quan sát cách xử sự của Tuấn mà chị hay kêu là “Tuấn, chàng trai nước Việt” như tựa đề tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Vỹ chị đã đọc từ thuở còn con gái ở bên kia trái đất.

Sáng sớm có hai cô nàng cùng với tiếng giày lộp cộp ùa vô tiệm, ríu rít như chim. Nhìn vẻ trẻ trung và rất “chì” của hai cô khách mới, thấy mà ham. Một cô dợt cặp mắt quanh tiệm xong ngó Tuấn, hất hàm, nói:

-Anh hớt cho tôi nhé.

Được người đẹp chọn, Tuấn nhanh nhẹn, chỉ tay mời ngồi. Cô bé buông mình xuống ghế. Tuấn giủ tấm khăn choàng quanh cổ nàng một cách điệu nghệ.

Cô bé nhìn vô tấm kiếng lanh chanh xoay cái đầu có mái tóc bù xù qua lại, miệng nói, tay hất hất tóc mình:

-Anh hớt cho tôi kiểu Le Le nhé.

Chị Ngà dám chắc, cả tiệm, luôn cả chị là người trong nghề lâu năm, đây là kiểu tóc mới nghe lần đầu. Chị cố hiểu, kiểu gì vậy trời? Là một kiểu tóc mới? Hàng năm chị vẫn đi dự những ngày tổ chức Hội Chợ Ngành Tóc mà, kiểu mới nào chị cũng biết để về chỉ lại đám thợ, sao chị không biết kiểu Le Le?.

Chị đâm ra mất cảm tình với “con nhỏ” này. Làm khó người ta đây. Nhìn và nghe giọng nói thì có thể đoán cô nàng là con nhà giàu chánh cống xài hàng hiệu. Nội cái túi xách của nó cũng cỡ mấy ngàn. Bận quần jean bó sát nhưng đi giày cao gót, cao cả tất!. Hèn chi bước đi có phần ngượng nghịu. Như chị mà chướng lên đôi giày này có nước là té sặc gạch, cái trán ăn trầu cái đầu xỉa thuốc lắm à. Hai cô là du học sinh, con đại gia, con ông cháu cha? Đang nói tiếng Tây?

Chị thấy Tuấn vừa chải đầu cho cô gái vừa câu giờ vừa suy nghĩ, vài giây, hay nửa phút? Xong, Tuấn gật đầu, miệng cười tươi hàm răng sáng bóng:

-À à vâng vâng. Thế, cô thích Le Le dài hay ngắn?

Nàng nhìn Tuấn trong kiếng, cười tươi trả lời:

-Ngăn ngắn thôi, đuôi tóc vểnh ra thế này này... Trên đỉnh cho nó “pom pom” thế này này... anh nhé.

Nói xong cô vói tay lấy cuốn tạp chí trên quầy của Tuấn, tỉnh bơ lật lật.

Trời! Vừa Le Le vừa Pom Pom???

Chị nhớ lại, chàng Tuấn này khi xưa là người dẻo miệng. Dẻo thì có dẻo nhưng ăn nói có phần bộc trực nhiều khi vô duyên. Chuyện gì vừa xẹt ngang đầu, chuyền xuống miệng là chàng cho phóng ra, cam đoan mất cảm tình, thường bị đám phụ nữ trong tiệm vừa xâu xé vừa dạy dỗ. Sau một thời gian bị sửa lưng, vặn vẹo đủ kiểu, chàng đã biết áp dụng câu “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Tuy bây giờ chàng chỉ uốn lưỡi cỡ 3,4 lần thôi nhưng cũng khá hơn xưa và đủ xài với người xung quanh rồi.

Nếu lúc trước mà nghe câu “Hớt kiểu Le Le” thì chàng sẽ bật ra hỏi: “Le Le là kiểu quái gì thế? Vịt đực hay ngỗng trời? Pom pom là kẹo hồng hay kẹo cay? ” Mấy câu hỏi có thể làm khách hàng quê cơ và nghi ngờ khả năng tay nghề của chàng. Bây giờ, chàng đã ngừng lại suy nghĩ và chỉ mở miệng khi đã suy nghĩ xong.

Sau khi vui vẻ hài lòng với mái tóc rất “ngầu” và tươi tắn, những đuôi tóc vươn lên vểnh ra đón ánh mặt trời, người đẹp trả tiền và nhét vô tay chàng tiền “tip” cùng câu khen:

-Anh đẹp trai quá, see you again. (Y như trong phim Hàn quốc), hai cô lụp cụp phóng ra khỏi tiệm.

Đợi khách đi xa rồi, Láng mới hỏi:

-Le le pom pom là vậy đó hả? Sao Tuấn biết hay vậy? Nàng còn “Hẹn anh lần sau” nữa. Trúng mối rồi. Gặp tui là kể như “cùi.”

Tuấn cười:

-Chỉ là dựa theo kiểu tóc căn bản như lúc chúng ta mới học môn hớt tóc và pha thêm chút kinh nghiệm ấy mà, sao “các trò” mau quên thế? Hay là những giờ học cắt tóc các trò trốn đi chơi?

Thanh nóng nảy ăn cơm hớt, gằn giọng, điệu kẻ cả:

-Kiểu gì nói mau đi cha. Nhiều “chiện”.

Tuấn liếc Thanh bằng đuôi mắt nheo nheo:

-Úi giời, người đẹp nóng tính thế. Le Le là kiểu Layer đấy. Layer layer, tầng tầng lớp lớp, Pom Pom là làm cho tóc dựng đứng, xòe ra như cái “chùm xòe” gọi là pom pom của mấy em Trung Học cầm trong tay, nhảy tưng tưng hổ trợ ủng hộ đội nhà trong mấy trận đấu banh ở trường đấy. Dễ thế mà không hiểu thì làm ăn gì được, làm sao cho vừa lòng khách, người đẹp?

Thanh cười khì, hất mặt lên:

-Xí. Người đẹp cái con khỉ. Làm tàng. Bây giờ mới lên mặt. Chớ hổng phải hồi nãy “du” cũng bối rối thấy rõ đó sao?

Tuấn vẫn cười, kiểu chọc quê:

-He he he... Thôi nhé bà chằn. Tiếng lạ nghĩa sâu cũng phải cho em suy nghĩ và hình dung tí chứ. Chẳng phải các chị luôn kêu lên rằng “cha này sao thô lỗ, phải suy nghĩ trước khi nói, ăn nói thẳng thừng làm khách chạy mất hết trơn” hay là sao? Nhớ thuở mới vào nghề, em thấy bà  khách có khuôn mặt má bầu mà muốn hớt tóc kiểu trái bí như trong tạp chí hình kiểu thì xem sao được, thế mà khi em bàn ra “Cô ơi khuôn mặt tròn mà chọn kiểu nầy thì sẽ giống như cái bánh bao” Em chỉ nói sự thật thôi thế mà các chị bâu vào cấu xé em...

Thanh cười ngất:

-Xời xời còn giới thiệu còn nhắc còn quảng cáo cái ngu ra nữa, tội nghiệp thằng em tui. Cha ơi là cha, tui mà là bà khách đó, nghe câu này của “du” là tui đục vô mặt liền. Người ta mặt tròn như trăng rằm mà dám nói là sẽ giống như cái bánh bao chiều. Người ta lột khăn ngoe nguẩy  bỏ đi cũng là may cho “du” đó nha. Thiệt tình!.

Chị Ngà khen:

-Bởi vậy bây giờ Tuấn có tiến bộ thấy rõ, chẳng những không chọc quê khách mà còn cố ngậm miệng, suy nghĩ trước khi nói rồi.

Tuấn gật gù:

-Thế, thế, bởi vì, em có kinh nghiệm nghề nghiệp mà. Em cứ thủng thỉnh hỏi vài câu là biết ngay khách muốn kiểu gì. Em chỉ hỏi cô muốn ngắn cỡ nào, hai bên ra sao, phía trước có chừa mái hay không vân vân... Khi cô ấy bảo là ngăn ngắn bằng này, đuôi tóc thế này này, em hiểu ngay là kiểu layer, lấy tóc thẳng góc với sọ đầu, hớt dần từ dưới cổ lên đến đỉnh thì sẽ thành ra “le le” trên đỉnh thì xịt keo cho tóc xòe ra là trúng phóc “pom pom” của cô ấy rồi.

Nói xong Tuấn cười đắc chí như vua cười, kha kha kha...     

Nãy giờ Thu ngồi chù ụ như người bị giựt hụi, bây giờ chợt lên tiếng làm ai nấy giựt mình:

-Thì y chang như nghề làm “neo” của mình nè. Khi khách nói “làm dài cỡ nào cho tui gài nút áo được” thì mình biết phải chừa cái móng “tip” bao dai rồi.

Chị Ngà gật đầu:

-Ừ ừ đúng đúng. Như vậy mình mới nói là “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” ý mà. Tui nhớ hồi mới vô nghề, đâu có dám cắt ngắn quá, cứ để dài nguyên cái ‘tip” vừa khó làm vừa hao bột, chừng vài ngày sau khách trở lại nói “dài quá tui hổng làm công chuyện gì được”, phải cắt bớt thành ra cái móng nó dầy dục, dũa trần ai. Sau đó từ từ hiểu ý khách rút kinh nhiệm mới giữ được thân chủ chớ.

Thanh nói lầm bầm:

-Nhưng mà tui hổng hiểu chữ “le le” từ đâu mà ra? Sao hổng nói mẹ nó ra là “hớt sao cho có lớp có lớp” có phải dễ hiểu hơn hông? Bày đặt nói tiếng Anh! Nói tiếng Anh thì phải nói cho rành, nói kiểu ba trợn như “vờ lờ cờ” vậy rồi bắt người thợ phải tự động mà hiểu là sao trời?

Thiệt tình! Mấy người khách lạ từ phương trời xa xăm nói năng lạ lùng. Nghe mấy người này nói chuyện riếttt... cái não của tui phải làm việc thêm giờ phụ trội riếttt... nó nhừ ra như chén cháo đặc.

Chị Ngà nói liền:

-Tui nhớ có lần về bển vô tiệm may gặp cô khách biểu cô thợ “may cho tôi cổ áo tai chó” tui chớ có hiểu là kiểu gì. Sau khi khách đi rồi tui mới hỏi kiểu tai chó là kiểu gì? cô thợ may nói “là cổ lật đó chị. Cổ lật năm nay thì nhọn hơn và dài hơn cổ lật của áo sơ mi đàn ông đó chị” thiệt tình, là thợ may thì hiểu chớ tui thì mới nghe lần đầu.

Thôi. Ngưng. Thanh vẫn còn cái tật nói xấu khách hàng đó nghe. Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, nàng ui, cho tui nhờ.

Thanh còn ráng thêm:

-Ừa. Thì uốn lưỡi 7 lần, nhưng mà, dạy ta phải thành thật, thế rồi “Lời thật mất lòng” Câu nào cũng đúng làm cho tui bâng khuâng lộn xộn khó hiểu!. Là tại mấy bậc tiền nhân nói đó nghen, đâu phải tại tui?.

Chị Ngà cãi:

-Nhưng, có những sự thật phải giữ trong bụng, không nên nói ra, mà khi nói ra thì phải suy nghĩ rồi uốn lưỡi 7 lần. Phải sắp xếp cho có thứ tự như vậy đó, mới gọi là khôn và ngoan nghe cô nương.

Thanh ậm ừ, bắt chước giọng điệu của Tuấn:

-Được rồi. Khổ thế. Nói mãi. /.

 

Trương Ngọc Bảo Xuân

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.