Hôm nay,  

Vấn Đề Tranh Đấu Cho Tự Do Và Dân Chủ Ở Việt Nam

14/06/200400:00:00(Xem: 5421)
LTS: Dương Thu Hương là nhà văn sống trong chế độ cộng sản, nhưng nổi tiếng can đảm qua những bài viết lên án sự tàn ác, bất nhân của chế độ cộng sản. Trong bài viết "Những Tên Tôi Tớ Cho Ngoại Bang", bà đã sáng suốt và nghiêm khắc vạch rõ bản chất vô cùng ác động của chế độ cộng sản: "Trong lịch sử bốn ngàn năm, triều đình Cộng sản là triều đình duy nhất dạy con gái, con dâu vu khống bố hiếp dâm; dạy con trai, con rể chỉ vào mặt bố "đả đảo thằng bóc lột"; dạy láng giềng tố cáo điêu chác, đâm chém, dày xéo mồ mả của nhau... Tất cả những ai chưa hoàn toàn quên lãng, hẳn hiểu rõ điều đó. Khi con người đã đủ can đảm vu khống, nhục mạ ngay bố mẹ đẻ của mình thì họ thừa sự nhẫn tâm để làm những điều ác gấp ngàn lần như thế với tha nhân". Nhận xét về một số người cầm viết tại Việt Nam lúc đầu "phản kháng" sau đóng vai "cò mồi" cho chế độ CS, bà cũng phân tích thẳng thắn: "Tôi cho là đất nước này không có tự do, ở đây làm gì con người có tự do được! Ở đây có một số nhà văn mà họ bắt đầu viết vì cái cuộc sống nhục nhã của họ, cho nên họ có một tác phẩm làm cho bên ngoài thích, nó phản ánh cái khát vọng của con người, cái nỗi đau đớn của kẻ sĩ. Thế nhưng mà khi họ đã thành công rồi và chính phủ "mua" họ, tức là cho họ đi vài chuyến nước ngoài, thì lập tức họ co vòi vào ngay, và vì thế bây giờ họ biến thành loài sâu bọ hết, tức là họ sẽ là cái con ngọ ngoạy, một mặt thì họ cố tình làm vừa lòng chính phủ để còn được đi tiếp, một mặt thì họ phải cố tình nói vài câu uốn éo dịu dàng với các phóng viên phương Tây để chứng tỏ họ cũng là người tiến bộ đấy. Tóm lại, họ sẽ phải sống cuộc sống của một con rối, mà bị giật dây từ hai đầu." Gần đây, chứng kiến CS ngang ngược đàn áp những người đấu tranh cho tự do dân chủ, bà đã viết bài trình bầy những suy nghĩ của bà, đồng thời kêu gọi "những ai có lương tri hãy bước ra khỏi lãng quên, hãy giúp cho những Phạm Quế Dương, Nguyễn Khắc Toàn, Trần Khuê, Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế, Lê Chí Quang, Giáo sư Nguyễn Đình Huy thoát khỏi sự chà đạp của kẻ cầm quyền". Sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả một số đoạn chính yếu trong bài viết của bà.

* * *

Trước hết, tôi xin được nói vài lời phi lộ: Tôi không chỉ là người chuyên đấu tranh cho dân chủ, tôi cũng còn là người viết văn, vì lẽ đó, chắc chắn trong vài năm tới, dù trời phật còn cho sống tôi cũng sẽ không có cơ hội gặp gỡ mọi người, trả lời các cuộc phỏng vấn hoặc tham gia bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước. Do đó, nhân dịp này tôi xin được trình bày một cách đầy đủ những ý nghĩ của riêng tôi về cuộc đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Nếu bảo rằng: “Nói một lần cho tất cả” là quá vội vã và hàm hồ thì chí ít bài phát biểu này cũng sẽ bao hàm tất thảy những ý nghĩ của tôi trong một giai đoạn dài, và tôi sẽ không trở lại vấn đề này lần nữa. Thứ hai, tuy đã từ lâu xác định hy sinh cuộc đời mình cho lợi ích của nền dân chủ, nhưng tôi không nuôi mộng cầm quyền, không bao giờ hình dung mình trong vai trò thủ lĩnh của bất cứ một đảng phái nào, dù là Tự do, Dân chủ, Cánh tả hay Cánh hữu... nếu như chúng có thể xuất hiện một ngày nào đó trong tương lai, xa xôi hay gần gũi. Tôi tự biết một cách đích xác rằng tôi không có phẩm chất của chính khách hành nghề chính trị, thứ nghề đòi hỏi trước hết khả năng tập hợp và chỉ dụ một đám đông. Bởi lẽ, về bản chất, tôi là người một mình, tôi không thích lãnh đạo ai và cũng không để ai lãnh đạo. Nói cho minh bạch để một mặt, những ai ước vọng cầm quyền, dù ở trong nước hay hải ngoại có thể yên tâm tuyệt đối, và mặt khác tất cả những gì tôi sẽ nói đều xuất phát trên cái nhìn trước hết của một nhà văn và sau đó, của một người tranh đấu cho lợi quyền của dân chúng, không phải nhãn quan một chính khách. Thứ ba, tôi phải xin lỗi trước tất cả những ai vốn coi lòng tự hào dân tộc như một di sản bất biến và đinh ninh đó là một kho tàng vô hạn bởi những điều tôi sắp nói chắc chắn không phải mía lùi hay mật ngọt và nó có nguy cơ làm thương tổn lòng tự ái, vốn là một thứ tình cảm vô cùng mãnh liệt không chỉ riêng có ở người Việt Nam mà có tính phổ biến của nhân loại. Giờ, xin đề cập tới vấn đề chính: Việc bắt bớ hàng loạt những người đấu tranh cho dân chủ kể từ năm 2002 tới nay và vụ xử án ông Phạm Quế Dương sắp tới.
Theo lá thư thứ hai của bà Đỗ Thị Cư vợ ông Phạm Quế Dương gửi nhà cầm quyền, tôi được biết ông bị kết tội làm gián điệp, (mười ba năm trước họ cũng đã từng kết tội tôi là gián điệp, bán bí mật quốc gia cho ngoại bang), ông bị đe dọa lãnh án từ 12, 20 năm tù đến chung thân hoặc tử hình theo điều luật 80 - Bộ luật hình sự. Ở đây, tôi không cần nhấn mạnh vào tính chất phi lý, phi pháp, phi nhân biểu hiện ở bản luận tội vừa tàn bạo vừa đê tiện của người đại diện cho chính quyền và Ban văn hóa tư tưởng Việt Nam, cái thứ tổ chức đặc trưng cho các Nhà nước xây dựng theo mô hình phát xít, tôi chỉ bàn tới tính ngạo ngược hiển hiện ra trong từng lời từng chữ của họ. Vu khống, sỉ nhục, tàn diệt vốn là hành xử tự nhiên của kẻ cầm quyền ở những xứ sở chưa phát triển, dân trí thấp kém. Tuy thế, cách hành xử này dù muốn hay không cũng phải tìm một hình thức thỏa hiệp với thời đại, hoặc nói nôm na nó phải uốn mình theo cuộc thế, chí ít là để ngụy trang để tránh các phản ứng bất lợi và tìm hiệu quả. Bản luận tội ông Phạm Quế Dương không cần sử dụng chút nào nguyên tắc đó, nó bộc lộ tính tàn ác, phi lý một cách trắng trợn và Ngạo ngược. Sự ngạo ngược này chỉ có thể hình thành trên hai yếu tố tâm lý sau:
- Thứ nhất, nhà cầm quyền có lòng tin tuyệt đối ở sức mạnh của họ. Sức mạnh đó tỳ trên nòng súng và sự sợ hãi thâm căn cố đế đã trở thành một phần bản thể của dân chúng (Une peur viscérale- không có từ chính xác để dịch).
- Thứ hai, họ cũng tin tuyệt đối vào sự bất khả và sự mong manh của phong trào dân chủ nói chung và những người đấu tranh cho dân chủ nói riêng. Bất hạnh thay, lòng tin của họ lại có cơ sở thực tiễn. Đó chính là điều cần phải nghĩ. Điều này đã ám ảnh đã theo đuổi tôi ít cũng gần hai thập kỷ, kể từ 1985 là thời điểm tôi dấn thân vào cuộc đấu tranh này. Ai cũng biết rằng tất thảy những nhà nước thuộc phe xã hội của chủ nghĩa đều xây dựng trên sức mạnh đàn áp, theo công thức của Lénine. Cái nôi của chính thể bao giờ cũng là một cuộc chiến tranh rộng lớn, khá dài lâu để sự xáo trộn đủ thời gian gây ra một hiệu ứng hai chiều: Sự tôn vinh bạo lực và tâm lý tòng phục trong dân chúng. Chính thể tiêu biểu cho hệ thống này đương nhiên là Liên Bang Xô Viết. Chính thể đó đã sụp đổ hơn một thập kỷ nay. Muốn hay không, dù cho rằng các đảng phái đối lập ở Nga chỉ là một đám vỏ ốc, dân chúng không có thói quen sinh hoạt chính trị và Putin chỉ là một Pie Đại đế tái sinh... nhân loại vẫn buộc phải công nhận rằng ở Nga xã hội đã chuyển biến, đã có nền móng của một xã hội dân chủ dẫu rằng nền móng đó còn mong manh và giai đoạn tập sự xem ra còn khá dài lâu. Chỉ còn lại ba quốc gia bé nhỏ, xem ra là di tích vững chắc nhất của một hệ thống đã sụp đổ: Cuba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam.
Vì không có ước vọng trở thành nhà phân tích chính trị xuyên quốc gia nên tôi xin tập trung vào vấn đề hiện đang làm nhức nhối tất thảy những ai quan tâm đến tiền đồ của xứ sở: Nhà cầm quyền Việt Nam lấy ở đâu sức mạnh và niềm tự tin ấy" Nguồn suối nào đã và đang nuôi dưỡng một chính quyền thối rữa một cách công khai, vô năng một cách hiển nhiên trên nhiều lĩnh vực và tàn bạo một cách ngạo ngược trong việc đàn áp dân chúng" Sự tồn tại của khối mâu thuẫn này là một phương trình không dễ dàng tìm ẩn số. Tuy nhiên, công việc của chúng ta buộc phải tìm ra các ẩn số đó bằng mọi giá. Để có cơ sở tham chiếu tôi xin mượn lời một nhà báo pháp, Claude Allègre trong bài "Cực hữu, Cực tả" (Extrême droite, Extrême gauche - L’Express/ page 40/ 29 - 8- 2002), sau cơn khủng hoảng của nền dân chủ Pháp, sự đột phát của làn sóng Cực hữu mà đại biểu là Le Pen. Trong bài viết này ông Claude xác nhận: “Thế giới phẫn nộ và không thể tha thứ trước những tội ác của Khmer Đỏ, những trại tập trung cải tạo, hay những cuộc tàn sát hàng nghìn trẻ em hay người lớn ở Cam Bốt; cũng như những tội ác của Ceausescu ở Rumani... Nhưng vì Việt Nam đã chiến thắng các siêu cường quốc nên thế giới đã đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thi thố tại Việt Nam cũng như ở tất thảy các quốc gia “dân chủ nhân dân! ” khác”. Đương nhiên cụm từ “dân chủ nhân dân” được đặt trong ngoặc kép.
Ông Claude Allègre đã nói đúng một phần của sự thật: Dưới cái cớ là dân tộc can đảm này đã chiến thắng các siêu cường quốc, người ta đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thực thi ở đó. Một phần khác của sự thật mà ông Claude Allègre chưa nhắc đến, đó là chủ nghĩa bài Mỹ là chất xi măng gắn kết rất nhiều quốc gia. Chính thứ Antiaméricanisme này là lý do ngầm ẩn để người ta giàu lòng khoan dung với Việt Nam, một Việt Nam trên danh nghĩa chung mà không biết rằng Việt Nam là một thực thể mơ hồ trong đó nhào trộn máu của những kẻ bị đàn áp lẫn vàng của kẻ thống trị, ân sủng của kẻ cầm quyền lẫn nỗi thống khổ của dân đen, sự ngạo mạn tàn ác của kẻ mạnh lẫn sự khiếp nhược hèn mọn của kẻ yếu... và tất thảy chìm đắm trong một thứ vinh quang lịch sử vừa mờ mịt khói sương huyền thoại vừa óng ánh trang kim của sân khấu tuồng chèo. Danh từ Việt Nam giờ đây được dùng như một thứ biểu tượng nhằm hạ nhục Mỹ và thỏa mãn phức cảm Antiaméricanisme. Bất cứ ở xó xỉnh nào trên hành tinh này xảy ra xung đột với Mỹ, người ta nêu tên Việt Nam như lời cảnh cáo:
- Hãy coi chừng một Việt Nam mới...
- Các nhà quan sát cho rằng rất có thể trong một tương lai không xa lịch sử sẽ lặp lại lần nữa điều mà người ta thường gọi là Hội chứng Việt Nam...
- Như ở Việt Nam năm xưa, giờ đây lính Mỹ đã bắt đầu chán nản... vân vân và vân vân...
Đương nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam lợi dụng tối đa điều này. Dưới bàn tay cắt cúp, dàn dựng của các đạo diễn da vàng tóc đen, nhiều đoạn tản đàm trong báo chí phương Tây cũng như các châu lục khác được sử dụng như một thứ chất liệu quý báu để dựng lên bức tượng đài vĩnh cửu, tôn vinh tinh thần quả cảm và sức mạnh bất khả chiến bại của một dân tộc nhỏ bé nhưng anh dũng vô song. Điều này có khiến cho dân chúng hãnh diện không"... Tôi tin là có, không chỉ người Việt sống trong biên thùy mà còn cả một bộ phận người Việt sống nơi hải ngoại. Hơn nữa, không chỉ người trưởng thành mà còn cả đám trẻ thơ. Vào những ngày cuộc chiến tranh liên quân Mỹ - Anh với Irắc bùng nổ, ở những nơi tôi thường lui tới, lũ trẻ bàn tán sôi nổi: “Chúng ta cần phải sang giúp người Irắc, họ không đánh Mỹ thiện chiến như dân ta. - Rồi ta sẽ lập các đội quân tình nguyện, cả thanh niên và thiếu niên sẽ được phiên chế hết. ở Bát-đa, tổng thống Sadam kêu gọi nhập ngũ cả những đứa tuổi mười hai”...


Vậy là, thừa nhận hay không, tinh thần lính đánh thuê và óc hiếu chiến đã xâm nhập vào não trạng của thế hệ trẻ, một trạng thái bệnh hoạn chắc chắn chưa từng xảy ra trong tâm lý dân tộc Việt từ thuở dựng nước tới nay. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trôi qua hơn một phần tư thế kỷ, xuýt xoát ba thập niên nhưng toàn bộ hoạt động tinh thần của xứ sở vẫn sống trong cuộc chiến tranh ấy. Một cách hoàn toàn chủ ý, nhà nước Việt Nam giáo dục và bắt buộc công dân phải tưởng niệm cuộc chiến tranh này một cách liên tục, không ngưng nghỉ: Các chủ đề chỉ định cho báo chí, các cuộc triển lãm, các trương trình văn hóa, nghệ thuật. Mọi người phải sống với cuộc chiến đã qua như sống với vị hôn thê, phải nghe những bài hát lặp đi lặp lại ba mươi năm liền, từ đài phát thanh quốc gia đến thứ loa ra rả gào thét ở phường khóm, phải xem những vở kịch, những cuốn phim về lịch sử chống Mỹ cứu nước ròng rã ba thập kỷ, phải tham dự những cuộc họp, những cuộc trình diễn mà dù bất cứ chủ đề nào, bóng dáng của chiến thắng lẫy lừng năm xưa cũng phải tái hiện cho dù lạc lõng...
Một nhà văn cho ra đời cuốn tiểu thuyết mang tên: “Ăn mày dĩ vãng”. Vô tình hay hữu ý thì cái nhan đề này khá chính xác với tính cách của chính phủ hiện hành. Nói một cách khác, chính quyền Việt Nam là chính quyền mắc chứng dâm thi. Nó chỉ có thể làm tình với thây ma vì điều đó đem lại sự thỏa mãn và cho nó lý do tồn tại. Bản thân nó vô giá trị. Vì thế, không có cách nào khác nó phải dựng thây ma của quá vãng lên, tô son vẽ phấn cho vị thần hộ mệnh. Vâng, đúng như vậy, vị thần hộ mệnh của chế độ này chính là cuộc chiến tranh đã qua được gọi tên là cuộc “chiến tranh chống Mỹ cứu nước”. Dù đã qua ba mươi năm, cuộc chiến tranh này vẫn là bức tường thành che chắn cho những kẻ cầm quyền. Vì sao"... Vì ba lẽ:
Thứ nhất, cuộc chiến tranh nào cũng đòi hỏi một bộ máy thực thi chiến lược lẫn chiến thuật. Cuộc chiến càng rộng lớn, càng khốc liệt, bộ máy càng đồ sộ, phức hợp và chặt chẽ để đáp ứng các đòi hỏi của nó. Khi chiến tranh kết thúc bộ máy quân sự khổng lồ này sẽ chuyển thành tường lũy của Nhà nước cầm quyền, và sức mạnh bạo lực của nó sẽ hướng tới một đối tượng mới, không còn là kẻ ngoại xâm mà là những anh em nội tộc nhưng bất tuân phục.
Thứ hai, cuộc chiến tranh chống Mỹ là cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử, số người thiệt mạng lên tới ngót một chục triệu, tổn thất lớn lao này không thể nào tránh gây ra những chấn thương tinh thần trong não trạng chung. Sự sợ hãi bạo lực được khắc phục trong chiến tranh do trạng thái thăng hoa của tinh thần yêu nước giờ đây trở lại nguyên trạng hoặc sa sút trở thành sự khiếp nhược trước sức mạnh đàn áp của kẻ cầm quyền. Thêm nữa, tâm lý tự thỏa mãn với một sự tồn tại tối thiểu cũng còn hơn là chết làm cùn mòn tất thảy những khát vọng và khả năng tranh đấu nơi dân chúng.
Thứ ba: Bức tượng đài “Chiến thắng vĩnh cửu” được dựng lên đem lại một thứ lợi ích kép cho nhà cầm quyền: Đối với ngoại bang, họ được hưởng thứ đặc ân như tôi vừa phân tích, đối với dân chúng, lòng tự hào dân tộc là món tiền chuộc lớn lao, một thứ Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân, để chuộc lại: những khoản tham nhũng liên miên hàng trăm tỷ; những vụ đổ bể tai tiếng như vụ án Năm Cam; sự hiện diện ô nhục của những con người mà tiếng tăm về sự ngu dốt cũng như về phẩm hạnh đã trở thành đề tài tiếu lâm hàng ngày ở cửa miệng dân chúng... Như thế, một thứ vô hình mà chuộc lại được những thứ đếm được, cân đong được, biến chúng thành các tài khoản ở các ngân hàng ngoại bang quả là đáng giá lắm. Cho nên, việc tô son trát phấn thậm chí nói khoác, nói thêm, cho một vinh quang trong quá khứ là món đầu tư béo bở, hiệu quả gấp nhiều lần các vụ đầu tư thông thường trên thương trường.
Dân chúng, không phải quá nhu nhược đến mức tự nguyện chìa chân ra cho đỉa hút máu, nếu không những người nông dân Hải Hưng đã chẳng đặt tên mới cho Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng Cộng đớp, rồi sau đó, đám dân đen đô thị đổi thành Cộng mút... Dân chúng, cũng không quá ngu dốt đến mức không biết rằng một chế độ tham nhũng trên bình diện toàn quốc ắt hắn phải liên kết và sử dụng bọn xã hội đen, Năm Cam ra tòa nhưng Sáu Quýt, Bảy Chanh, Tám Bòng, Chín Thanh Yên, Mười Phật Thủ... vẫn còn lại trong lâu đài biệt thự của các ông lớn... Biết vậy, nhưng một thứ triết lý cho mình: Thôi thì, cũng còn hơn là phải chết... và một thứ triết lý dành cho kẻ cầm quyền: Thôi, dầu sao các ông ấy cũng đã thắng Mỹ... Cặp ý tưởng song trùng này trói chân tay họ lại, bít bùng cái nhìn của họ, làm tan loãng mọi ý chí ở trong họ. Đó là lý do chính giải thích tại sao kẻ cầm quyền lại vững tin đến thế, và phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam lại non yếu, cô đơn đến như vậy. Cuộc chiến tranh đã xóa đi sinh mạng của hàng chục triệu người để lại tàn tích không chỉ một mà tới ba thế hệ về phương diện thể chất: Tàn phế, tâm thần, quái thai hoặc thiểu năng do chất độc da cam. Nhưng sự tổn thất tồn tại trên bình diện tinh thần còn trầm trọng hơn nhiều: ở ngoài các trại thương binh, các nhà thương điên, những trẻ khuyết tật, những trung tâm điều trị chiến binh tâm thần... ở ngoài tất thảy những nơi chốn mà nỗi đau thương của con người hiện lên rõ rệt, một thứ chấn thương khác, trùm lợp, lan tràn, chế ngự xứ sở chúng ta: SỰ TÊ LIỆT CỦA Ý CHÍ!
Sự tê liệt ý chí của dân chúng, đặc biệt ở tầng lớp tinh hoa là dấu hiệu suy đồi sức sống của một dân tộc và là biểu hiện rõ rệt nhất cho sự cố kết của các lực lượng cản trở tiến bộ trong xã hội. Các lực lượng phản tiến bộ càng mạnh, trạng thái tê liệt càng kéo dài, càng trầm trọng và khả năng phục hồi càng khó khăn. Lý thuyết cho chúng ta thấy rằng muốn phục hồi ý chí cho một con bệnh suy nhược tâm thần cần phải giải tỏa những dồn nén tàng trữ trong họ. Cũng không khác biệt quá nhiều giữa một cá thể với một tập hợp cá thể: một đám đông.

* * *

[...] Cuộc chiến tranh chống Mỹ, với tôi, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Nó là sự xung đột giữa hai thế lực hiếu chiến, Mỹ một bên, những người cộng sản Việt Nam một bên, cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm trước mười triệu linh hồn đau khổ.(*) Những thế hệ tiếp nối cần phải ghi nhớ cuộc chiến tranh này như một lầm lạc gây nhiều tổn thất nhất trong lịch sử dân tộc Việt kể từ buổi khai sinh. Ra khỏi một cuộc chiến tranh như thế, thân tàn lực kiệt. Bởi một dân tộc cũng như một cá thể, chịu những giới hạn về thể chất cũng như tâm thần. Sự huy động nỗ lực kéo dài trong chiến tranh sẽ để lại di chứng trong thời bình, những chịu đựng quá ngưỡng sau một thời gian thường đẩy chủ thể sang trạng thái đối nghịch. Sự tê liệt ý chí, sự ù lì về tinh thần trong xã hội chúng ta hôm nay là sự trả giá cho một thời gian dằng dặc chịu đựng tổn thất và khổ đau. Thêm nữa, một dân tộc chưa vượt khỏi những bức xúc tối thiểu của cái Đói, cái Rét, Nơi trú thân, dân tộc ấy khó có thể có Khát Vọng Tự do và Dân chủ. Đối với đại đa số dân chúng hiện nay những khái niệm về Quyền sống, quyền Công dân, thể chế về giải pháp dân chủ... vẫn là những khái niệm mơ hồ, một thế giới mới lạ, quyến rũ nhưng còn quá xa xôi. Và, do bản tính bảo tồn sự sống, người ta không thể liều thân chiến đấu với cường quyền chỉ để đạt tới một thế giới hứa hẹn nhưng còn ở ngoài tầm tay. Trước tình hình đó, lẽ đương nhiên những người đấu tranh cho Dân chủ ở đất nước ta phải chấp nhận sự lẻ loi và những hy sinh, và sự lẻ loi này sẽ còn kéo dài. Điều mà chúng ta có thể làm được hiện nay là phá vỡ bức màn huyền thoại Chống Mỹ Cứu nước, là chỉ rõ tính chất tàn bạo của nhà cầm quyền trong vụ án Xét Lại và vạch rõ bản chất cuộc chiến tranh ngu xuẩn đã qua. Khi lá bùa hộ mệnh của chính thể rơi xuống, nó sẽ không còn dám giữ thái độ tàn bạo và ngạo ngược như hiện nay. Ở đâu tình cảm và khát vọng lấn lướt, ở đó chân lý câm lặng và huyền thoại nảy sinh. Một khi đám đông nhận thức được rằng họ đã bị lừa, rằng cuộc chiến tranh thần thánh mà kẻ cầm quyền vẫn rêu rao thực chất chỉ là trò trẻ con bị xui ăn cứt gà sáp, và rằng đó là một cuộc dấn thân mù lòa vô tích sự mà bài học đắng cay sẽ lưu truyền hậu thế... Khi đó, chính quyền Việt Nam sẽ được lãnh đủ.
Nhưng giờ đây, trước số phận những người cùng đứng trong cuộc đấu tranh, chúng ta không có cách nào hơn là kêu gọi nhân loại tiến bộ ủng hộ. Chúng ta kêu gọi nhân dân Mỹ, một dân tộc có lương tri chính trực và cao cả đã góp phần ngăn chặn cuộc vận hành của cỗ máy xay thịt khổng lồ năm xưa. Tôi hy vọng rằng một nhân dân như thế sẽ giúp đỡ lực lượng dân chủ mong manh đang bị chà xát ở Việt Nam. Một nhân dân như thế sẽ cảm thông được với đau khổ và mất mát của dân tộc chúng ta cho dù giữa con người với con người luôn luôn tồn tại những vực thẳm cách biệt do lịch sử và văn hóa.
Chính quyền Việt Nam có thể ngạo mạn với dư luận trong nước, có thể chà đạp tàn bạo những người có ý kiến trái ngược với họ, có thể đổi trắng thay đen, để mà vu cáo vô liêm sỉ một ông già hiền lành cả tin và có phần ngây thơ để mà vin vào những lời lẽ: Chống tham nhũng của họ, để mà viết đơn xin Lập Hội chống tham nhũng như ông Phạm Quế Dương... Họ có thể làm mọi thứ trong lãnh địa này, trước một đám đông thiếu ý chí, thiếu hiểu biết và khiếp nhược, nhưng chắc chắn họ không thể ngạo mạn với dư luận tiến bộ trên thế giới, họ không thể dối láo hoặc phỉ báng những đối tác có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự tồn tại của họ. Đến Asile cũng còn bị đánh quỵ chỉ vì có gót chân, huống hồ nhà cầm quyền Việt Nam"... Một chính thể chỉ tồn tại trên hai bệ đỡ: Sự thiếu hiểu biết và sự khiếp nhược của dân chúng.
Tôi cũng xin trở lại với một hiện thực mà ông Claude Allègre đã xác nhận: Dưới cái cớ là dân tộc can đảm này đã chiến thắng các siêu cường quốc, người ta đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thực thi ở đó. Vâng, sự lãng quên này đã kéo dài ba thập kỷ. Núp trong bóng của lãng quên của những tên tiểu bạo chúa hoành hành trên cõi đất bùn lầy. Máu những người vô tội khô kiệt trong các trại giam. Tên các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ được nêu lên như các ví dụ để khủng bố dân chúng, một dân chúng vốn đã kiệt sức vì nghèo đói và khiếp nhược... Vì lẽ đó, tôi xin kêu gọi những ai có lương tri hãy bước ra khỏi lãng quên, hãy giúp cho những Phạm Quế Dương, Nguyễn Khắc Toàn, Trần Khuê, Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế, Lê Chí Quang, Giáo sư Nguyễn Đình Huy thoát khỏi sự chà đạp của kẻ cầm quyền. Đó là cách tốt nhất để dân tộc Việt Nam có cơ hội nhích thêm vài bước trên con đường đi tới nền dân chủ.
Dương Thu Hương
(*) Đây là điểm hạn chế, cho thấy nhà văn Dương Thu Hương vẫn chưa nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam là sự xâm lăng của CS Miền Bắc và sự tự vệ chính đáng của quân dân Miền Nam. Đồng ý mục tiêu chính yếu của sự hiện diện của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam là ngăn chặn làn sóng đỏ cộng sản từ Trung Cộng, nhưng mục tiêu đó cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của quân dân Miền Nam: ngăn chặn cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam. Nếu cộng sản Bắc Việt không xâm lăng Miền Nam, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Miền Nam cũng tương tự như sự hiện diện bảo vệ hoà bình của quân đội Mỹ tại Nam Hàn, Nhật Bản, Tây Đức... (SGT)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.