Hôm nay,  

Việt Nam: Chức Cao Ăn Bẫy

10/06/200500:00:00(Xem: 5034)
Dung Quất, Ổ Lãng Phí Không Đáy
Hoa Thịnh Đốn. - Tham nhũng, Lãng phí ở Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã thành một nếp sống không thể thiếu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nên càng giữ cấp bậc cao,người ta càng “có quyền” ăn tiền, lấy cắp của dân nhiều hơn.
Theo Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) thì “Tham nhũng xảy ra nghiêm trọng nhất là ở lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản với chủ thể của các vụ tham nhũng có địa vị và chức vụ ngày càng cao.” (Báo Nhân Dân, 7-6-05)
Oánh cho biết : “ Từ năm 1993 đến năm 2004, lực lượng công an phát hiện 9.960 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, gây thiệt hại 7.558 tỷ đồng. Thiệt hại về vật chất do các vụ tham nhũng đã khám phá tăng dần. Năm 1993 là 319 tỷ đồng thì năm 2004 là 712 tỷ đồng. Những năm 90, thiệt hại trung bình trong một vụ tham nhũng là 0,71 tỷ đồng, thì năm 2000 đến 2004, số liệu tương ứng là 0,81 tỷ đồng, cá biệt có những vụ tham nhũng hàng triệu USD, như trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu, ngân hàng...”
Theo lời Oánh thì: “ Quy mô của các vụ tham nhũng ngày càng lớn, có tổ chức chặt chẽ, liên quan nhiều thành phần kinh tế, phạm vi hoạt động rộng, có vụ xuyên quốc gia; các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, như tham nhũng thông qua ký kết các hợp đồng thương mại, phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án khác để nhận tiền, gửi giá, chuyển tiền vào tài khoản mở ở nước ngoài hoặc mua tài sản và bất động sản ở nước ngoài. Trong vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty Trách niệm hữu hạn (TNHH) Thành Phát, Tiền Giang, có đối tượng đã nhận hối lộ cả tòa biệt thự, ô-tô, tàu chở dầu trị giá nhiều tỷ đồng; vụ tham nhũng trong một số dự án của lĩnh vực dầu khí; vụ mua bán hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may ở Bộ Thương mại; vụ tham ô trong xây dựng giàn khoan dầu khí..., các đối tượng phạm tội đã chia nhau hoặc chiếm đoạt hàng triệu USD, có sự móc ngoặc giữa đối tượng trong nước với đối tượng là người nước ngoài và trong nhiều vụ, số tiền nhận được đã đem gửi ở ngân hàng nước ngoài hoặc đầu tư cho vợ, con đi du lịch, du học... “
Tiết lộ của Oánh cho thấy hành động tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền trong guồng máy đảng và nhà nước bây giờ không còn giấu diếm, che đậy nữa mà tất cả đều công khai, có trả giá mà không sợ bị phát giác hay sợ bị trừng phạt.
Oánh bảo : “ Chủ thể của các vụ tham nhũng có địa vị và chức vụ ngày càng cao. Trước đây thường là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước, thì gần đây có nhiều vụ đối tượng có chức vụ rất cao trong các cơ quan quản lý nhà nước... qua thực tế đấu tranh của lực lượng cảnh sát, chúng tôi thấy tham nhũng xảy ra phổ biến, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước là lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản do tham ô, cố ý làm trái... và xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn từ khâu lập và chạy dự án, thiết kế vượt dự toán, duyệt kế hoạch cấp vốn, đấu thầu, tư vấn, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình..”
Theo Oánh: “ Vi phạm và tội phạm thường xảy ra ở những công trình, dự án như: công trình hoàn thành trong một thời gian ngắn để phục vụ một yêu cầu chính trị; công trình chỉ định thầu hoặc xét thầu hạn chế; công trình bị chia cắt thành nhiều hạng mục nhỏ; công trình có nhiều nhà thầu phụ (B', B''...); công trình phải xin bổ sung vốn bất thường; công trình kéo dài nhiều năm không quyết toán được;... Qua các vụ án đã được phát hiện, điều tra cho thấy tỷ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng trung bình từ 10 đến 20%, cá biệt có công trình tỷ lệ thất thoát lên đến hơn 30%. Nhiều công trình mặc dù đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng, nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa quyết toán được, trong đó có những công trình trọng điểm của Nhà nước như đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, công trình cải tạo Nhà hát lớn Hà Nội, công trình xây dựng mới chợ Ðồng Xuân... Nhiều công trình xây dựng chất lượng kém, thậm chí chưa nghiệm thu đã hư hỏng, chưa đưa vào sử dụng hoặc ngay sau khi sử dụng đã xuống cấp như Nhà hát chèo Hà Nội, đường dẫn cầu Hoàng Long (Thanh Hóa), Cầu Rào (Hải Phòng), Hầm chui Văn Thánh, đường liên cảng A5 (Thành phố Hồ Chí Minh), một số đoạn đường thuộc Dự án nâng cấp quốc lộ 1A khu vưc miền trung và gần đây là một số công trình phục vụ SEA Games 22...”
MÁNH KHOÉ ĂN CHIA
Tất cả những công trình được gọi là “bị rút ruột” ở Việt Nam đều có sự mặc cả, ăn chia giữa những cơ quan hay doanh nghiệp vay tiền Nhà nước và cán bộ Ngân hàng nên việc được bố trí để bao che các mánh khoé ăn tiền là chuyện bình thường.
Oánh nói : “ Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại thoái hóa, biến chất, được các doanh nghiệp móc nối, hối lộ đã cho vay sai nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả để cho vay tiền, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát.
Vừa qua, chúng ta cũng biết đến nhiều vụ mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), tư nhân móc nối với cán bộ hải quan, thuế để thực hiện hành vi lừa đảo và tham ô, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, để hợp pháp hóa hàng nhập lậu hoặc hợp pháp hóa các chi phí khống trong đầu tư xây dựng cơ bản, nâng khống giá trong việc mua hàng hóa, tài sản của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước để tham ô.”
“ Trong bốn năm thực hiện Luật thuế GTGT”, Oánh nói tiếp, “Lực lượng công an đã phát hiện 140 vụ vi phạm với số tiền bị chiếm đoạt là 400,4 tỷ đồng. Trong đó đã khởi tố 116 vụ, chuyển ngành thuế xử phạt hành chính 24 trường hợp. Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, nhiều đối tượng thành lập hàng chục doanh nghiệp, nhưng không hoạt động kinh doanh, mà chủ yếu mua hóa đơn GTGT để bán lại thu lời bất chính, như Nguyễn Thị Thoa ở Thái Bình, đã thành lập 40 doanh nghiệp, mua 660 quyển hóa đơn GTGT để bán cho hơn 300 doanh nghiệp khác với doanh số 1.259 tỷ đồng, thuế GTGT là 86 tỷ đồng; vụ Nguyễn Duy Thiện cùng đồng bọn thành lập 30 công ty TNHH và đã bán hóa đơn khống cho nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước với doanh số 1.308 tỷ đồng. Từ năm 1993 đến hết năm 2004, lực lượng CSÐT tội phạm kinh tế đã phát hiện, điều tra 24.753 vụ trốn thuế, thu hồi cho ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng.”
Công an đã biết rõ như thế mà tại sao số cán bộ phạm tội bị trừng phạt trong 10 năm qua mới đếm được trên đầu ngón tay "
Oánh bảo mặc dù lực lượng Công an Điều tra đã cố gắng nhiều nhưng: “ Tình hình tham nhũng vẫn không giảm và ngày càng nghiêm trọng, song tỷ lệ phát hiện thấp, tỷ lệ ẩn rất lớn. Tình hình buôn lậu cũng tương tự như vậy, có nơi, có lúc gia tăng nghiêm trọng. Có tình trạng quyết tâm chống tham nhũng, buôn lậu chung chung thì rất cao, nhưng đi vào những vụ việc cụ thể thì lại có biểu hiện chần chừ, có những vụ còn né tránh. Tình trạng vừa chồng chéo, trùng dẫm, vừa sót lọt giữa các lực lượng nghiệp vụ, các cấp trong điều tra và xử lý tham nhũng, buôn lậu vẫn còn xảy ra. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng thiếu tin tưởng lẫn nhau, hoặc ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, hạn chế hiệu quả đấu tranh. Các quy định về cơ chế phối hợp và phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh. Tỷ lệ các vụ tham nhũng do cấp huyện phát hiện còn ít, cấp tỉnh có nơi làm tốt nhưng không nhiều, chủ yếu các vụ lớn do cấp trung ương phát hiện.”
QUỐC SÁCH NÀO CHO THAM NHŨNG "
Nếu báo cáo của Oánh, sau 10 năm Công an chống tham nhũng đã bi thảm như thế thì bản tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 7-6 (05) còn não nề hơn. Bản tin viết : “ Lãng phí đang phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực, có lúc có nơi trở nên nghiêm trọng; nhất là trong quản lý sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên. Nêu lên nỗi bức xúc về tình trạng lãng phí trong sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước, trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần coi các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một quốc sách.”
“Không khí phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp hôm nay (7/6), khá "nóng" khi các đại biểu Quốc hội mang nỗi bức xúc của người dân đến diễn đàn Quốc hội nhằm tìm ra biện pháp tốt nhất cho tính khả thi của dự luật trên thực tiễn. Những ví dụ sinh động về lãng phí trong sử dụng tiền nhà nước vào tổ chức hội nghị, hội thảo vào xây dựng, mua sắm trang thiết bị của cơ quan và quan chức nhà nước; lãng phí trong sử dụng nhân công và thời gian lao động của các cơ quan nhà nước được coi là "kể nhiều ngày không thể hết".
“Nghiêm trọng hơn là tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Những yếu kém trong công tác quy hoạch, sự vô trách nhiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước vào các dự án đã dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho nhà nước, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của đối tượng lao động, giảm lòng tin của người dân vào các cơ quan nhà nước.”
“Ví dụ như tình trạng xây dựng tràn lan nhà máy đường không gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu đã dẫn ngành mía đường đến tình cảnh điêu đứng; những dự án kéo dài hàng chục năm chưa đưa vào sử dụng như nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhiều khu công nghiệp ở một số địa phương.”
“Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng lãng phí và tham nhũng là hai vấn đề có liên quan mật thiết, trong đó lãng phí là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tham nhũng và gây thiệt hại lớn hơn cả tham nhũng.”

Tổng số tiền của mồ hôi, nước mắt của dân bị cán bộ lãng phí, ăn chia với nhau mới được Nhà nước cho biết chừng 160,000 Tỷ đồng có kiểm toán, nhưng chưa đầy đủ. Vây còn bao nhiêu ngàn tỷ đồng nữa chưa tìm ra " Và ai sẽ đòi lại tiền này cho dân "
Các cuộc kiểm tra cho thấy không phải chỉ có các công ty Nhà nước loại nhỏ mới tham nhũng mà càng to càng tham nhũng,lãng phí nhiều như báo Sài Gòn Giải phóng chứng minh trong số ra ngày 8-6 (05) : “Kết quả thanh tra các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị tại những tổng công ty 90, 91 do Thanh tra Chính phủ tiến hành gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thất thoát tài sản công tại các tổng công ty mạnh nhất nước.”
“Tuy chưa có số liệu phân tích cụ thể, nhưng theo một cán bộ Thanh tra Chính phủ, sai phạm về kinh tế tại các tổng công ty 90, 91 chiếm phần lớn trong các sai phạm mà toàn
ngành thanh tra đã phát hiện ra. Xét về doanh số, giá trị sản xuất và đóng góp cho nền kinh tế thì Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là Tổng công ty 91 mạnh nhất nước. Tuy nhiên, đây lại là Tổng công ty dẫn đầu về số bị can (18 người) trong một đường dây tham ô đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ qua việc thực hiện 2 dự án thuộc loại nhỏ và trung bình, 8 bị can, trong đó có một nguyên Phó tổng giám đốc đã làm thất thoát và chiếm đoạt 54,7 tỷ đồng. Trước đó, tại tổng công ty lớn thứ hai cả nước - Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) - cũng đã xảy ra hàng loạt sai phạm, trong đó có những sai phạm diễn ra tại một số đơn vị thành viên lớn như Bưu điện Hà Nội. Trong số hàng chục bị can của vụ án, có hai vị giám đốc bưu điện tỉnh đã bị bắt.”
“Đến lúc này, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) - tổng công ty lớn thứ 3 - đang được đánh giá là còn trong sạch so với “hai ông anh” trên. Dẫu vậy, tham ô, lãng phí, thất thoát trong dự án đầu tư, cải tạo lưới điện Hà Nội, Hải Phòng... cũng không nhỏ. Theo một vị cán bộ Thanh tra Chính phủ, chỉ có qua thanh tra mới có thể khẳng định được EVN có sai phạm, tham nhũng hay không, vì số dự án của ngành này được thanh tra trong thời gian qua là ít. Ông này cho biết, trong vụ mua bán lòng vòng 4.000 tấn thép đường dây 500 kV trước đây, Bộ trưởng Năng lượng khi đó cùng 1 Thứ trưởng, 2 Phó tổng giám đốc đã bị truy tố do tham nhũng.”
“Còn tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, số tiền tham ô của một thành viên chủ chốt tại Tổng công ty này có khả năng đạt mức kỷ lục trong các vụ án tham ô đang được điều tra. Đó là chưa kể đến những khuất tất khác về đầu tư, tài chính ở Tổng công ty này sẽ được cơ quan thanh tra tiếp tục làm rõ.”
“Trước đây, những tổng công ty lớn như Than, Giấy, Xi măng, Hàng hải... cũng đều đã “có chuyện” khi cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra “viếng thăm”. “
“Kết quả thanh tra cho thấy tham nhũng không chừa bất cứ nơi nào, từ các đơn vị rất mạnh, rất giàu, đang "phất" hay thuộc loại “từ từ mà tiến”, cho tới những đơn vị đang đi đến phá sản. Sự việc đang diễn ra ở Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), ở đơn vị thành viên của Vinaconex, ở Seaprodex... là những ví dụ sinh động. “
CHUYỆN DÀI DUNG QUẤT
Chuyện dài tham nhũng, lãng phí ở khắp nơi, khắp chốn còn lan tới dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Việc xây dựng nhà máy kéo dài đã 7 năm mà nay vẫn chưa đi đến đâu còn bị các Đại biểu Quốc hội gay gắt đặt vấn đế với các thành viên Chính phủ trong phiên họp ngày 7-6.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Đình Lộc tình nguyện nhận mình có lỗi vì đã không làm tròn nhiệm vụ trong vụ Nhà máy dầu Dung Quất. Ông nói với hang Tin Nhanh Viêt Nam (VNEXPRESS) ngày 8-6 (05) : “ Phải nói thẳng là 'tội' chứ không phải là khuyết điểm, với 2 tư cách là đại biểu quốc hội và thành viên Chính phủ khi đó, tôi xin nhận 'tội' vì những hậu quả do sự chậm trễ dự án Dung Quất".
Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho rằng, nguyên nhân chính của sự chậm trễ phát sinh từ phương thức liên doanh. Ông nói : “ Theo Quyết định của Thủ tướng, vốn đầu tư của công trình được huy động từ tiền lãi của Xí nghiệp liên doanh Vietsopetro (600 triệu USD), vay nước ngoài và phát hành trái phiếu. Tổng vốn xây dựng nhà máy là 1,3 tỷ USD.”
Nhưng nay, ông Hải báo cáo trước Quốc hội, vốn dự kiến đổ vào Dung Quất đã lên đến khoảng 2,58 tỷ USD, trong đó chủ đầu tư bố trí khoảng 1,8 tỷ USD lấy từ tiền lãi xuất khẩu dầu thô, số còn lại vay thương mại.
Phương án này, theo phân tích của Đại biểu Đặng Văn Thanh, mới chỉ là dự kiến chưa chắc chắn thực hiện được.
Hãng tin Nhanh Việt Nam viết tiếp : “ Cụ thể, từ 1997 đến nay, Tổng công ty Dầu khí mới huy động được hơn 400 triệu USD, vậy liệu tới 2010 có lo nổi 1,3 tỷ USD nữa" Với phần vốn tín dụng, các ngân hàng đã cam kết cho vay khoảng 250 triệu USD, số còn lại Bộ Công nghiệp sẽ nhờ Bộ Tài chính huy động giúp qua các kênh nước ngoài. Với một dự án hiệu quả chưa thấy rõ, ông Thanh dự đoán các điều kiện cho vay sẽ rất cao, vậy Chính phủ có phương án tài chính trù bị nào khác không, hay để đến 2009 lại bị động về nguồn vốn"”
Vẫn theo Tin Nhanh Việt Nam thì : “Tuy hiện nay khả năng ngừng thực hiện dự án khó có thể xảy ra, rất nhiều đại biểu bức xúc về khả năng sinh lời, đặc biệt chi phí vận chuyển theo ước tính bị chênh so với phương án đặt nhà máy tại Vũng Tàu khoảng 30 triệu USD mỗi năm, nếu tính 20-30 năm duy trì hoạt động số tiền có thể tới hàng tỷ USD. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, với các dự án quốc gia nên đặt lợi ích quốc gia lên trên hết rồi mới tính đến có lợi cho vùng, địa phương. Không chỉ Dung Quất, dự án nhà máy lọc dầu tới đây đặt tại Nghi Sơn Thanh Hóa có thể lặp lại các khuyết điểm cũ khi tàu lớn vận chuyển dầu thô không thể cập sát địa điểm này.”
Như vậy là “tính địa phương” của quyết định xây Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi (quê Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương v.v…) và hiện nay tại Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không còn giấu diếm được ai,mặc dù hơn thiệt về mặt tài chính và khó khăn cho lưu thông tầu bè đã rõ như ban ngày.
Nhiều Đại biệu Quốc hội đã thẳng thắn đạt vấn đế với Chính phủ, nhưng Phan Văn Khải không dám làm trái lệnh Đảng để thỏa mãn yêu cầu kinh tế địa phương của các Ủy viên Trung ương đảng gốc miền Trung.
Cựu Bộ trường Nguyễn Đình Lộc đã không ngần ngại cho biết “Cả nước một năm chỉ có 50 tỷ USD, trong khi đó, theo tính toán dự án này ngốn 2,5 tỷ, tức là bằng 1/20 của tổng thu nhập quốc dân.”.
Bài phỏng vấn ông Lộc còn nêu ra 3 nguyên nhân chủ quan làm chậm trễ tiến độ dự án Dung Quất:
* Dự án khi trình QH thông qua chủ trương đầu tư chưa được chuẩn bị chu đáo, điều tra cơ bản sơ sài, thẩm định chưa kỹ, chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính, nên khi thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý làm chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng vốn đầu tư.
* Chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án thiếu tập trung, không quyết liệt trong giải quyết những khó khăn vướng mắc.
* Quản lý nhà nước về dầu khí nói chung và dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất nói riêng còn có sự chồng chéo, thiếu nhất quán.
NÓI NHIẾU – ĂN NHIỀU
Bằng chứng “đánh trống bỏ dùi”, “trên bảo dưới không nghe” “trốn tránh trách nhiệm” hoặc “đùn đầy, tránh né” , “nói nhiếu làm ít” của đảng và nhà nước CSVN diễn ra nhiều năm qua đã được nhiều Đại biểu quốc hộI chỉ trídch trong phiên họp ngày 7-6 (05).
Đại biểu Trần Công Kích nói : "Những chỉ thị, quy định chống lãng phí chúng ta không thiếu, vấn đề là người đứng đầu có dám thực hiện hay không. Vừa qua, hàng loạt cán bộ lạm dụng xe công lễ chùa bị nêu trên báo nhưng đã thấy ai bị kỷ luật đâu "”
Thông tín viên của VNEXPRESS viết : “ Theo đại biểu Kích, việc chống lãng phí hiện nay mới chỉ dừng ở khẩu hiệu, "nói nhiều làm ít". Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí quy định chế tài cụ thể, nhưng người đứng đầu nhà nước không mạnh tay, không xử lý nghiêm lãnh đạo các bộ, ngành thì luật cũng không thể đi vào cuộc sống.”
Ông Kích nói : “Chúng ta cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan khi xảy ra lãng phí. Xảy ra lãng phí trong đơn vị, người đứng đầu cơ quan phải bỏ tiền túi ra đền. Nếu lãnh đạo chỉ bị nhắc nhở, rồi lấy tiền ngân sách ra đền bù thì làm sao có thể răn đe""
Đại biểu Lê Minh Hồng phát biểu : “ Báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đưa ra rất nhiều con số lãng phí đến giật mình. Thế nhưng, lại không hề thấy nêu tên cá nhân, tổ chức bị kỷ luật. “
“Từng nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính”, báo điện tử VNexpress viết tiếp, “ Đại biểu Tào Hữu Phùng tỏ rõ bức xúc trước bệnh phô trương, hình thức trong các dịp lễ lạt đón nhận huân, huy chương.”
Phùng nói : “Tôi vừa nhận được một đơn tố cáo một công ty đã tổ chức đón huy chương hết 847 triệu đồng. Trong đó, 257 triệu là quà biếu hối lộ. Bản quyết toán được giám đốc công ty duyệt có dấu son. Đề nghị Bộ trưởng Tài chính ra lệnh thanh tra công ty này, xuất toán những khoản chi bất hợp lý. Tôi sẽ cung cấp địa chỉ''.
Theo thống kê của Phùng, quà cáp cho nhau được phân chia rành mạch cho buổi lễ này như sau :"Một bộ trưởng đến dự được 10 triệu đồng, thứ trưởng được 5 triệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị 5 triệu, cán bộ của Ban thi đua khen thưởng Trung ương có 3 người đến dự mỗi người được 2 triệu.”
Đại biểu Phùng nói: “ Tôi nghĩ một huân chương lao động hạng 3 mà chia như thế thì anh hùng lao động còn như thế nào" Đây là hiện tượng rất nghiêm trọng. Có ý kiến phản ánh, chi khánh thành một cây cầu tốn vài trăm triệu đồng để mời mấy chục khách, vé máy bay đi lại, tiền ăn, khách sạn, rồi quà biếu.. Tôi thấy Quốc hội nên nghiêm cấm và xử lý mạnh tay, những người quyết định chuyện này phải truy cứu trách hiệm hình sự"
Như thế đủ biết khi đã có chức, có quyền rồi thì cán bộ Cộng sản muốn làm gì cũng không ai dám nói gì, kế cả Tổng Bí thư đảng và Thủ tướng vì ở Việt Nam bây giờ cá nào cũng bằng đầu như nhau và cũng ăn như nhau./-
Phạm Trần (6-05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.