Hôm nay,  

Tài Liệu Đặc Biệt: Đại Tướng Weyand Phân Tích Tình Hình Vn Tháng 3/1975

04/06/200500:00:00(Xem: 10250)
LTS: Tiếp theo loạt bài Tưởng niệm 30-4, VB giới thiệu đến bạn đọc những tài liệu đặc biệt liên quan đến các sự kiện quân sự, chính trị giưã VNCH và Hoa Kỳ, đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại Hoa Kỳ giải mật và chuyển giao cho Văn Khố Quốc gia Hoa Kỳ.

*Đại tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, lượng định tình hình VN tháng 3/1975
Như VB đã trình bày, vào tuần lễ cuối cùng của tháng 3/1975, Tổng thống Ford đã cử Đại tướng Frederick C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đến Việt Nam để tìm hiểu tình hình. Đại tướng Weyand là một vị tướng đã từng phục vụ ở chiến trường Việt Nam qua nhiều chức vụ khác nhau: Tư lệnh Sư đoàn 25 Hoa Kỳ, Tư lệnh Bộ chỉ huy tiền phương Lực lượng 2 đặc nhiệm, Tư lệnh phó bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam (tư lệnh là Đaị tướng Creighton W. Abrams), sau cùng là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Yểm trợ Hoa Kỳ (MACV). Đại tướng Weyandrd đã thăm và tìm hiểu tình hình VN từ ngày 28/3/1975 đến ngày 4/4/1975. Trở về Mỹ, ông đã làm một phúc trình đặc biệt lên Tổng thống Ford về tình hình VN và những đề nghị khẩn cấp để cứu nguy VNCH. Sau đây là phần nhận định của ông về thực trạng chiến trường VN vào tháng 3/năm 1973.
Hiệp Định Ba Lê ký ngày 27/1/1973 không đánh dấu cho sự bắt đầu của hòa bình tại Việt Nam, nhưng đánh dấu cho sự bắt đầu của sự phát huy về phía Cộng Sản trong việc tiếp tế và tiếp vận để Bắc Việt tiếp tục gây hấn quân sự tại Việt Nam. Trong 26 tháng kế tiếp từ ngày Hiệp Định được ký kết, Bắc Việt (BV) kiến tạo lại đường mòn HCM thành một huyết mạch tiếp vận chính dưới bất cứ thời tiết nào. BV xây đắp một đường tiếp liệu dài 350 dặm vào Nam Việt Nam để chuyển vận quân cụ. Khi hệ thống tiếp vận này hoạt động tối đa, BV tăng gấp bốn lần số lượng pháo binh trận địa, tăng lên rất nhiều súng phòng không và phái xuống gấp sáu lần số chiến xa vào Nam Việt Nam so với số lượng tháng 1/1973. Đồng thời, BV tăng số quân lên gần 200 ngàn người. Tất cả những hành động này vi phạm trắng trợn Hiệp Định Ba Lê. Ngược lại, Hoa Kỳ không chu toàn bổn phận duy trì mức độ trang bị quân cụ cho Nam Việt Nam như Hiệp Định cho phép. Đạn dược giảm thiểu 30 phần trăm từ 179 ngàn tấn khi ngưng bắn xuống tới 126 ngàn tấn khi cuộc tấn công của quân BV khởi sự. Xăng nhớt và các bộ phận máy móc bị cắt giảm 50 phần trăm đối với Không Quân Việt Nam.
Sự phác họa kiểm điểm vừa nêu trên khiến xảy ra tình trạng hiện thời tại Nam Việt Nam. Tình trạng này vừa khó lường vừa mong manh. Nó thay đổi rất rõ rệt trong tháng 3 và còn có thể thay đổi nhanh chóng hơn trong các tuần, hay ngay cả các ngày tới.
Ngày 10/3, Cộng quân phát động "Gia Đoạn II" của chiến dịch 1975. Hai sư đoàn quân BV tấn công Ban Mê Thuột, một ngã rẽ chiến thuật tại Tây Cao Nguyên, chỉ được QLVNCH bảo vệ sơ sài. Cũng cùng một lúc, các đơn vị Cộng quân BV phía tây Sàigòn phát động một nỗ lực quyết liệt nhằm loại trừ sự hiện diện của chính phủ VNVH, cho Cộng quân một hành lang ngắn đoạn và an toàn hơn để xâm nhập vào phía nam của Đồng Bằng Sông Cửu Long và, đồng thời, khóa chặt hai con đường giữa Sàigòn và Tây Ninh.
Vào giữa tháng 2, Tổng Thống Thiệu gửi Nghị Sĩ Trần Văn Lắm sang Hoa Kỳ trong một sứ vụ riêng tư để thẩm định thái độ của Quốc Hội liên quan đến Việt Nam và viễn tượng của một hành động ủng hộ về sự viện trợ của giới lập pháp. Nghị sĩ Lắm đệ trình một thẩm định rất yếm thế, mà Tổng thống Thiệu cảm thấy đồng quan điểm với các phiếu bỏ vào tháng 3 của phía đảng Dân Chủ tại Hạ Nghị Viện. Tổng thống Thiệu đang suy nghĩ mông lung về sự lượng định đen tối của Nghị sĩ Lắm khi Cộng quân phát động các cuộc tấn công thuộc "Giai Đoạn II" kể trên. TT Thiệu thấy VNCH đương đầu với một cuộc tấn công qui mô của Cộng Sản trùng hợp với sự cắt giảm, mà cũng có thể sự chấm dứt của viện trợ Mỹ. Ông và các cố vấn của ông do đó đã quyết định rằng một triệt thoái chiến lược tối cần cho sự tồn tại của Chính Phủ VNCH.
Khái niệm chiến lược mới này đòi hỏi xóa bỏ các vùng núi ít dân cư của Quân khu 1 và 2 để tập trung các tài nguyên và nhân lực để bảo vệ Quân khu 3 và 4, cộng thêm các vùng ven biển thuộc Quân khu 1 và 2 ; các vùng này là vùng sản xuất nông nghiệp của Nam Việt Nam và là nơi tập trung dân cư đông đảo. Chiến lược này có vẻ hợp lý và ước đoán tính chất cần thiết của Tổng thốngThiệu là đúng. Tuy nhiên khi đem nó ra thi hành thì thật là thảm bại.


Trong buổi họp ngày 13/3 với Tướùng Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1, Tổng Thống Thiệu phác họa khái niệm chiến lược mới của ông và sự quyết định rút Sư Đoàn Dù từ Quân Đoàn 1 về Quân Đoàn 3, mặc dù Tướng Trưởng hết sức phản đối cho là sự rút sư đoàn dù đi sẽ khiến quân Chính Phủ VNCH không thể nào giữ vững nổi phòng tuyến. Trong mười hai ngày kế tiếp (13-25/3) có nhiều do dự, cả tại Quân khu 1 lẫn tại Sàigòn, liên quan tới vấn đề phần đất nào phải giữ, và đặc biệt có cần thiết cố bảo vệ Huế hay không. Vì lẽ lệnh nhận được từ Sàigòn thay đổi liên miên, Tướng Trưởng đã phải thay đổi thế dàn quân ít nhất là ba lần, mặc dù Cộng quân gia tăng cường độ tấn công không ngừng. Thành phố Quảng Trị được di tản trong trật tự ngày 19/3, nhưng trước khi tuyến phòng mới của Chính Phủ VNCH được thiết lập dọc theo sông Mỹ Chánh, các lực lượng địa phương quân đã tan hàng trước áp lực của Cộng quân BV; Sàigòn rút Lữ đoàn dù cuối cùng tại Quân khu 1 , thế là một sự tan rã xảy ra. Áp lực của Cộng quân BV tăng lên rất nhanh từng ngày. Huế được di tản ngày 25/3, nhưng lúc đó các đơn vị Cộng quân BV đã cắt đứt Quốc Lộ 1 phía nam thành phố và việc triệt thoái 20 ngàn chiến binh khỏi Huế, bao gồm hầu hết là Sư Đoàn 1 QLVNCH, trở nên lệ thuộc vào rút lui vội vã, không chuẩn bị trước và đầy nguy hiểm bằng đường biển.
Cũng trong thời gian này, các đơn vị giàn mỏng của Chính Phủ VNCH tại Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi bị phân tán bởi các lực lượng của Cộng quân BV.
Sự hiện diện của Chính Phủ VNCH tại Quân khu 1 thu gọn lại tại địa bàn Đà Nẵng. Lực lượng còn sót lại tại vùng này,bao gồm Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 3 QLVNCH, cố gắng lập tuyến phòng tại Đà Nẵng, nhưng nỗ lực này không thành công. Mười ngàn quân trú phòng của VNCH phải đương đầu với hơn 30 ngàn quân Bắc Việt. Tình trạng càng phức tạp thêm với làn sóng của hơn một triệu dân di tản. Với tổng số 2 triệu người tìm cách thoát ly ra khỏi thành phố, bấn loạn lan tràn và ngày 28/3 trật tự tan biến. Các chiến xa quân BV tiến vào thành phố ngay sau đó. Không quá 50 ngàn dân di tản được đem ra khỏi bằng máy bay hay tàu thủy, và Chính Phủ VNCH thành công trong việc cứu vớt 22 ngàn chiến binh, trong số đó có khoảng 9 ngàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) và 4-5 ngàn lính thuộc Sư Đoàn 2 và 3 QLVNCH, nhưng số mạng của phần còn lại của đám quân dân cán chính tại Đà Nẵng thì không biết ra sao.
Tại Quân khu 2 Tổng Thống Thiệu và Tư Lệnh Quân khu 1 là Tướng Phú, họp tại Cam Ranh ngày 14/3 để bàn thảo tình hình sau khi mất Ban Mê Thuột. Trong buổi họp này, Tổng Thống Thiệu phác họa khái niệm chiến lược mới của ông, triệt thoái khỏi cao nguyên và củng cố lực lượng quân chính phủ để bảo vệ các vùng ven biển huyết mạch. Không rõ lời lẽ chính xác của Tổng Thống Thiệu như thế nào, nhưng Tướng Phú hiểu là ông được phép tùy nghi di tản hoàn toàn và ngay lập tức Pleiku và Kontum, mặc dù không hề có một kế hoạch hay một sự chuẩn bị nào cả. Việc di tản khởi sự hai ngày kế đó, với sự di tản các lực lượng QLVNCH về vùng ven biển tại Tuy Hòa, theo hai Quốc Lộ 14 và Hương Lộ 7B ngang qua Phú Bổn và Phú Yên. Cộng thêm vào những nỗi khó khăn gây nên bởi một cuộc di tản không được chuẩn bị, 7B là một con đường phụ, không được xử dụng từ nhiều năm nay, với nhiều cầu bất khả dụng và các khúc sông cạn không được khai triển. Chỉ huy và kiểm soát sụp đổ. Sáu liên đoàn Biệt Động Quân và một trung đoàn Bộ Binh từ Kontum và Pleiku phái đến, bị phân tán lẫn lộn trong đám đông dân sự trên 200 ngàn hỗn độn chạy theo đàn quân rút lui. Có ít ra hai hoặc có thể ba trung đoàn quân BV tiến lên hướng bắc từ Darlac tới Phú Bổn và Phú Yên để đánh phá đoàn quân di tản, kết quả là các đơn vị tàn quân sống sót tới Tuy Hòa ngày 26/3 không còn sức chiến đấu nữa. Cảnh dân chúng bị chết trên đường rút lui thật là thảm khốc.
Đang khi những biến cố trên tiếp diễn, Chính Phủ VNCH đưa một lữ đoàn dù từ vùng Huế vào tỉnh Khánh Hòa để ngăn chận từ hai tới bốn trung đoàn Cộng quân BV đang đuổi theo thành phần còn lại của Sư Đoàn 23 QLVNCH chạy từ Ban Mê Thuột theo hướng đông băng qua tỉnh Darlac.
* Đại tướng Weyand nhận định về cuộc chiến đấu của Quân lực VNCH
Tình trạng quân sự trong tuần đầu của tháng 4 cần được thẩm định chiếu theo điều gì xảy ra trong tháng 3. Giữa tình trạng hỗn độn của Quân đoàn 1 và 2 , một số đơn vị QLVNCH đã chiến đấu cừ khôi. Nếu không có sự chiến đấu hữu hiệu của TQLC và một số đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 QLVNCH, không ai có thể thoát ra khỏi Đà Nẵng. Tại Ban Mê Thuột (và một số khu vực của tỉnh Darlac ), các đơn vị thuộc Sư Đoàn 23 QLVNCH cầm cự hơn một tuần lễ đối đầu với hai sư đoàn Cộng quân. Các trung đoàn 40 và 41 thuộc Sư Đoàn 22 QLVNCH đã chiến đấu dũng mãnh để cầm chân các lực lượng đông đảo hơn của Cộng quân tại phòng tuyến ven biển tại Qui Nhơn trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, ảnh hưởng gây nên bởi các biến cố trong tháng 3 đã đưa đến những hậu quả xấu cả trên lãnh vực thực tế, và tệ hại hơn, lẫn tâm lý.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.